Nhà báo khoa học
Ông Jean Marc Fleury – cố vấn cao cấp của WFSJ
Báo chí khoa học giúp công chúng tiếp cận được với những kiến thức về các vấn đề môi trường, giáo dục, y tế, công nghệ, nông nghiệp... Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy, phần lớn những quyết định của con người về sức khỏe đều dựa trên những kiến thức mà họ nắm bắt qua báo, đài, internet và tivi…Trong xã hội hiện đại, công chúng chỉ chú ý đến những quyết định của chính phủ có ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của họ, và chính báo chí khoa học là “công cụ” tuyệt vời giúp chính phủ các nước có mối quan hệ mật thiết với người dân.
Chúng tôi khởi động Sjcoop Asia với mục đích thiết lập một cộng đồng các nhà báo khoa học có uy tín ở Châu Á, để các nước có nền báo chí khoa học tiên tiến có thể giúp các nước đang phát triển nâng cao chất lượng đưa tin về khoa học.
Thực tế cho thấy, Châu Á là nơi tập trung nhiều nguồn lực và đội ngũ trí thức hùng hậu, nên WFSJ là “chất xúc tác” kết nối những nguồn lực và tri thức chuyên môn này với nhau. Theo tôi, nhà báo khoa học phải luôn có tầm nhìn rộng, bởi nghiên cứu khoa học liên tục phát triển song hành cùng các thông tin mới, cách thức mới để nhìn nhận về thế giới. Mặt khác, nhà báo khoa học cũng cần nghiên cứu kỹ các thông tin về khoa học và luôn đặt ra câu hỏi trước những gì mà các nhà khoa học, các chuyên gia công bố, đặc biệt đối với những điều gây ngạc nhiên, lạ lẫm. Ví dụ, kết quả công bố của một nhà khoa học về việc tìm ra phương thức chữa ung thư hay AIDS, cần kiểm chứng kỹ trước khi đưa tin. Ngoài ra, nhà báo khoa học cũng cần đơn giản hóa những thông tin phức tạp, cung cấp cho độc giả thấy ý nghĩa của sự phát triển khoa học đối với cuộc sống thường nhật. Nhà báo khoa học cũng cần có lượng kiến thức khoa học cơ bản: hiểu các phép toán, thống kê và kiến thức nền tảng ở nhiều lĩnh vực khoa học, từ thiên văn học đến di truyền học. Chính yêu cầu đó khiến các nhà báo khoa học thường hay có ý kiến bất đồng với nhau, vì vậy, để xác định được chuyên gia nào là đáng tin cậy nhất, đòi hỏi nhà báo khoa học phải có kinh nghiệm dày dạn. Anh ta có thể giúp mọi người tìm được lời giải đáp đối với các luận điểm trái chiều, và điều quan trọng hơn, nhà báo khoa học phải là “chuyên gia của các chuyên gia”.
Phạm Thùy Hương – Báo Tin tức (TTXVN)
Một bài báo nói chung và bài báo khoa học nói riêng muốn được coi là một tác phẩm tốt, bên cạnh tính thời sự, độ “nóng” của thông tin, nhất định phải bảo đảm tính chính xác, sự công bằng trong thông tin, giúp người đọc dễ tiếp cận. Mặt khác, một yếu tố không thể thiếu nữa là nhà báo khoa học cần biết đâu là giá trị của thông tin, điều gì trong nội dung của bài báo được người đọc quan tâm, đó là những điều liên quan tới lợi ích thiết thân của công chúng; những vấn đề mới, gần gũi, bất ngờ, có yếu tố xung đột và hàm chứa ý nghĩa nhân văn...
Ngoài ra, kỹ năng phỏng vấn cũng đặc biệt quan trọng, bởi đây là kỹ năng khai thác thông tin từ nhân vật, từ các chuyên gia; kỹ năng tìm kiếm, kiểm soát nguồn tin được coi là những “bảo bối” của các nhà báo nói chung và nhà báo khoa học nói riêng, nhất là khi có những thông tin đối lập về một sự kiện, vấn đề. Khi bắt tay vào thể hiện tác phẩm, nhà báo khoa học cần chú ý diễn đạt một cách gần gũi, dễ hiểu, để bài viết có tiếng nói của tất cả các bên liên quan, bảo đảm sự công bằng thông tin. Theo tôi, có nhiều tiêu chí đánh giá một bài báo khoa học có thành công hay không. Trong đó, tiêu chí hàng đầu là tính chính xác, sự công bằng của thông tin (bao hàm cả nội dung và các bằng chứng khoa học trong bài báo). Kinh nghiệm của tôi cho thấy, khi viết về môi trường, nhà báo luôn đứng giữa hai luồng quan điểm: phát triển bền vững (bảo vệ môi trường) và phát triển kinh tế trong ngắn hạn, điều này luôn là thử thách với các nhà báo. Vậy, làm thế nào vừa bảo đảm khách quan, công bằng, vừa thể hiện được trách nhiệm của một công dân, đòi hỏi lương tâm và trách nhiệm của người cầm bút. Và, chính các mạng lưới, diễn đàn khoa học đã tạo cho các nhà báo có mối quan hệ chặt chẽ với các chuyên gia, từ đó có thể sử dụng ý kiến các chuyên gia trong các sự kiện/vấn đề khoa học.
Harry Surjadi – Trưởng nhóm SjCOOP Indonesia
Điều tôi muốn nói là, nhà báo khoa học phải nắm bắt công nghệ làm báo hiện đại. Hiện nay, ngày càng có nhiều người tương tác với nhau qua Internet và điện thoại di động. Do vậy, cách thức mà nhà báo khoa học đưa tin phải được điều chỉnh theo các mô hình truyền thông trên Internet và điện thoại di động. Việc xác định giá trị của tin tức là rất quan trọng đối với nhà báo nói chung. Tuy nhiên, các nhà báo khoa học phải tìm được những giá trị tin tức phù hợp với độc giả, đặc biệt thông tin phải dễ hiểu, tránh khoa trương. Với 25 năm làm nghề báo ở Indonesia và chuyên phụ trách về mảng môi trường, tôi nhận ra rằng, khi viết về những vấn đề khô khan như vậy, cách tốt nhất nhà báo cần phải giải thích cặn kẽ những thuật ngữ liên quan đến chuyên ngành. Biến những điều trừu tượng trở nên dễ hiểu và “đại chúng hóa”…
Noy Kimhong – Trưởng phòng biên tập Apsara news network (Cambodia)
Báo chí khoa học đóng vai trò rất quan trọng trong xã hội hiện đại, đặc biệt là trong xu hướng phát triển công nghệ như hiện nay. Báo chí khoa học không chỉ là cầu nối giữa các nhà hoạch định chính sách của chính phủ và các nhà khoa học, mà còn nhận được sự quan tâm của công chúng về vấn đề khoa học. Theo tôi, nhà báo khoa học cần có mối quan hệ tốt với các chuyên gia hoặc các nhà khoa học, viết một cách dễ hiểu, bắt đầu với những chi tiết thú vị nhất và thông điệp truyền tải cần rõ ràng. Nhà báo khoa học cũng nên tập trung vào các vấn đề có tác động lớn hoặc các vấn đề đang gây tranh cãi, những gì công chúng muốn biết, có thể ứng dụng trong cuộc sống, các nhà báo tự dùng thang giá trị của mình để xác định xem sự kiện hoặc vấn đề đó có đáng đưa tin hay không. Có thể kể ra một số tiêu chí để xác định giá trị thông tin như: tính thời sự, nổi bật và độ ảnh hưởng. Hiện nay, công chúng đều muốn biết những gì đang xảy ra, chứ không muốn đọc những thông tin đã cũ. Hơn nữa, họ không có nhiều thời gian, do đó tin tức càng cô đọng càng tốt, song phải bảo đảm tính chính xác. Mặt khác, những vấn đề liên quan đến trực tiếp hằng ngày của người dân, cũng là một trong những vấn đề mà nhiều người quan tâm. Ví dụ, người Campuchia sẽ quan tâm đến trận lũ lụt cướp đi 3 sinh mạng của đồng bào mình hơn là trận lũ lụt khiến 12 người chết ở Mỹ. Tóm lại, nhà báo khoa học cần cố gắng tìm ra sự thật và đưa tin về sự thật đó.
Lyn Resurreccion – Biên tập viên cao cấp Báo Bussiness Mirror Philippine
Báo chí khoa học rất quan trọng trong xã hội hiện đại. Với nhiều phát minh, sáng kiến, nghiên cứu và các phát minh khoa học mới, báo chí khoa học sẽ giải thích, đưa những phát triển mới của khoa học đến đông đảo công chúng. Business Mirror (Philippne) là tờ nhật báo kinh doanh, được phát hành rộng rãi trên toàn quốc. Chúng tôi rất chú trọng đến các bài báo khoa học, bởi chúng sẽ giúp cho độc giả hiểu được tầm quan trọng của khoa học hoặc có thể ứng dụng các phát minh mới vào việc kinh doanh. Nhờ những phát minh mới của khoa học mà kinh tế ngày càng phát triển. Các thành tựu khoa học, như việc phát minh ra điện thoại di động hoặc xe điện đã khiến nền kinh tế được cải thiện và giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí. Do đó, khoa học góp phần thúc đẩy sự phát triển và bảo vệ môi trường.
Để có thể sáng tạo ra các bài báo khoa học chất lượng, các phóng viên cần quan tâm đến thế giới xung quanh, tìm kiếm các chủ đề thú vị và viết về các chủ đề đó. Họ cần có vốn ngôn ngữ dồi dào, tạo lối viết mềm mại, uyển chuyển trong bài báo khoa học. Ngoài ra, nhà báo khoa học cần có sự cảnh giác cao độ, đặt ra những câu hỏi và có thể kiểm chứng tính chính xác của các thông tin; cần lịch sự nhưng cũng phải kiên trì bám nguồn tin. Tôi nghĩ, những phẩm chất trên rất quan trọng để phóng viên có thể viết những bài báo khoa học chất lượng.
Giá trị tin tức phụ thuộc vào từng vấn đề mà bài báo đề cập. Ngày nay, có những bài báo để giải quyết các xung đột vì xuất hiện nhiều vấn đề gây tranh cãi như năng lượng hạt nhân hoặc công nghệ sinh học. Các bài báo đó sẽ tác động tới công chúng hoặc kéo người dân quan tâm đến vấn đề mà bài báo đề cập, mặc dù người dân không am hiểu về vấn đề đó, nhưng cũng giống như cuộc sống trên sao hỏa, dù không ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, nhưng các nhà báo vẫn cần phải viết để công chúng biết về một sự phát triển mới. Kinh nghiệm của tôi cho thấy, một bài báo khoa học tốt là những bài báo dễ hiểu, kịp thời và thú vị, chính xác và có bằng chứng, cân bằng được tất cả các yếu tố thì càng tốt, có cách giải thích khoa học, có nguồn tin đáng tin cậy, có giá trị tin tức và có liên quan đến độc giả.
Là một nhà báo khoa học, tôi cố gắng để có đầy đủ những tiêu chí trên trong bài viết của mình, đặc biệt khi viết về những câu chuyện gây tranh cãi, như năng lượng hạt nhân hay công nghệ sinh học để giải thích cho người dân những vấn đề đằng sau đó. Và, với tư cách là một biên tập viên, tôi cũng dựa vào các tiêu chí đó để biên tập các bài viết của phóng viên.
PGS,TS Nguyễn Thành Lợi
Tin tức liên quan
- Chuyển đổi số báo chí và đào tạo báo chí (01:28 28/10/2024)
- Một số yêu cầu về phòng ngừa, ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, trọng tâm là an ninh mạng trong nền an ninh quốc gia trong thời gian tới (03:14 27/09/2024)
- Vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí ở nước ta hiện nay (03:08 16/08/2024)
- Xuất bản điện tử và đào tạo nhân lực xuất bản điện tử trong giai đoạn hiện nay (09:38 08/07/2024)
- Phát thanh chuyên biệt về sức khỏe qua góc nhìn lý thuyết truyền thông phát triển (05:08 26/06/2024)