Ngoại giao công chúng qua phân tích hình ảnh của phóng viên chiến trường
“Chủ thể” của ngoại giao công chúng
Trong quá trình tác nghiệp, phóng viên chiến trường phải tiếp xúc với rất nhiều đối tượng, hành vi của họ sẽ tạo ra những ảnh hưởng nhất định ở khu vực xảy ra chiến tranh, các tin, bài của phóng viên có tác động mang tầm quốc tế, do đó quá trình này cũng được coi là một phần của ngoại giao công chúng. Khái niệm ngoại giao công chúng (public diplomacy) được nhà ngoại giao - viện trưởng Edmund Gullion của Học viện Luật và Ngoại giao Fletcher (Fletcher School of Law and Diplomacy) thuộc trường Đại học Tufts của Mỹ đưa ra lần đầu tiên vào năm 1965 khi thành lập học viện này. Theo Edmund Gullion, ngoại giao công chúng xử lý những vấn đề liên quan tới tác động của công luận đối với quá trình hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại. Ngoại giao công chúng đề cập những phương diện quan hệ quốc tế bên ngoài khuôn khổ của ngoại giao truyền thống; định hướng dư luận của chính phủ ở các nước khác; mối quan hệ giữa các nhóm lợi ích phi chính phủ của nước này với những nước khác; thông tin tuyên truyền đối ngoại và tác động chính sách; thông tin, tiếp xúc giữa các nhà ngoại giao và giới truyền thông nước ngoài; và các quá trình thông tin, giao lưu giữa các nền văn hóa. Trọng tâm của ngoại giao công chúng là luồng thông tin và ý tưởng xuyên quốc gia[1]. Có thể thấy, phóng viên chiến trường là những người tác nghiệp, đưa tin chuyên trách của cơ quan báo chí, nhiệm vụ của họ là đưa thông tin từ chiến trường tới công chúng qua các kênh công khai, do đó xét trên góc độ này, phóng viên chiến trường cũng là một chủ thể của ngoại giao công chúng.
Vai trò của phóng viên chiến trường trong ngoại giao công chúng
Thứ nhất, thu thập thông tin, cung cấp căn cứ cho quyết sách ngoại giao. Quyết sách ngoại giao của một quốc gia luôn được xây dựng trên nền tảng đã nắm bắt được tối đa thông tin cần thiết. Thông tin thu thập được càng nhiều, phân tích và giải mã càng chính xác tạo điều kiện cho việc đưa ra những chính sách ngoại giao đúng đắn. Thông thường, ngoài nguồn tin do các nhà ngoại giao thu thập, nhiều thông tin do phóng viên nắm được cũng có vai trò hết sức quan trọng trong việc xây dựng chính sách ngoại giao. Do tính đặc thù của nghề nghiệp, phóng viên thường được tiếp xúc với lĩnh vực mà các nhà ngoại giao không tiện hoặc không thể động chạm để nắm bắt thông tin.
Trong quá trình xảy ra xung đột quốc tế, vai trò của phóng viên lại càng nổi bật hơn. Phóng viên chiến trường vừa có nhiệm vụ truyền tải thông tin, vừa có thể đảm nhận vai trò người đưa tin, con đường truyền tin của họ là công khai, minh bạch, có thể thông qua kênh thông tin của cơ quan báo chí để đưa tin. Ví dụ, các cuộc chiến tranh do Anh, Mỹ phát động trên chiến trường Afghanistan và Libya cho thấy, hầu hết các cơ quan báo chí của hai nước này đã cử rất nhiều phóng viên ra tiền tuyến, mặc dù biết rõ rằng, họ không được chào đón ở vùng đất đó, thậm chí tính mạng bị đe dọa. Trên thực tế, những thông tin mà họ truyền tải tới công chúng rất có thể được giới ngoại giao quan tâm, và cung cấp những căn cứ tham khảo để ra các quyết sách ngoại giao.
Thứ hai, thâm nhập thực tế tại tiền tuyến, tạo dựng hình ảnh quốc gia. Những thông tin được đăng tải trên các cơ quan truyền thông lớn là con đường chủ yếu để công chúng của một quốc gia nắm bắt được tin tức của thế giới bên ngoài. Do đó, truyền thông đại chúng cũng được coi là một “hình thức” của ngoại giao công chúng. Ngoại giao công chúng coi sự giao lưu giữa nhân dân và dư luận là then chốt, trong mối quan hệ quốc tế đương đại, dư luận công chúng có ảnh hưởng trực tiếp tới hình ảnh quốc gia. Hình ảnh quốc gia là sự phản ánh sức mạnh tổng hợp và vị thế của một đất nước trên trường quốc tế, đồng thời cũng là bộ phận cấu thành quan trọng của sức mạnh mềm quốc gia. Những phóng viên chiến trường xông pha nơi tiền tuyến trong xung đột quốc tế có thể trực tiếp tiếp xúc với người dân địa phương, trong mắt người dân bản địa, lời nói và hành động của những phóng viên này đại diện hình ảnh của chính quốc gia đó. Do đó, phóng viên chiến trường tạo dựng nên hình ảnh quốc gia, đồng thời hình ảnh quốc gia cũng sẽ ảnh hưởng tới chế độ đãi ngộ của phóng viên chiến trường của quốc gia đó tại tiền tuyến.
Thứ ba, định hướng dư luận, thúc đẩy sự ảnh hưởng đối với quyết sách ngoại giao. Sự phát triển của các loại hình truyền thông hiện đại đã ảnh hưởng tới lối sống và cách tư duy của con người, người ta đã quen thậm chí phụ thuộc vào việc dựa vào “môi trường ảo” do báo chí xây dựng nên để tìm hiểu thế giới. Trong các hoạt động xung đột quốc tế, số người được thâm nhập vào tiền tuyến không nhiều, do đó những thông tin mà phóng viên chiến trường truyền về ảnh hưởng rất lớn tới thái độ và sự phán đoán của công chúng, do đó có thể nói phóng viên chiến trường là người định hướng quan trọng của dư luận công chúng. Thông qua việc định hướng đối với dư luận xã hội, có thể thúc đẩy thêm một bước ảnh hưởng tới quyết sách ngoại giao.
Trong thực tế, Chính phủ Mỹ hiểu rất sâu về vấn đề này. Trong thời gian xảy ra chiến tranh Iraq, hầu hết công chúng Mỹ đều tỏ thái độ hoài nghi đối với vấn đề sử dụng vũ lực ở Iraq, Bộ Quốc phòng Mỹ đã tổ chức cho phóng viên của cơ quan báo chí các nước thường trú tại Mỹ ra tiền tuyến đưa tin. Thời điểm đó, Lầu Năm Góc cho rằng, để phóng viên chiến trường đưa tin tại mặt trận là phù hợp với lợi ích của công chúng, vì thế có thể ngăn ngừa Iraq đưa tin thiên lệch. Nhà báo Robin Sproul - Phó Chủ tịch hãng truyền hình ABC News, Giám đốc Văn phòng ABC News tại Washington DC đã đánh giá rằng: “Hành động này của Lầu Năm Góc đánh dấu sự thay đổi quan trọng trong thái độ đối với báo chí, giúp công chúng nhìn thấy những hình ảnh mà họ chưa bao giờ được nhìn thấy về chiến trường”[2] .
Trong các cuộc xung đột quốc tế, cùng với việc ngày càng có nhiều phóng viên chiến trường có mặt ở chiến tuyến đưa tin, gửi những hình ảnh về cuộc sống chân thực của dân thường tới công chúng các nước, từ đó có thể truyền tải thông điệp phản đối chiến tranh tới công chúng, để công chúng nhìn nhận lại chính sách ngoại giao của nước mình. Tháng 4/2010, phóng viên Huge Pope của tờ The Wall street jounal đã từng đăng tải nhật ký chiến trường của mình trên Tạp chí Chính sách ngoại giao (Foreign Policy) của Mỹ, ông viết: “Chiến tranh là một chủ ý tồi tệ, sau cuộc chiến, tôi đã cố gắng quay trở lại Trung Đông, nhưng phát hiện ra rằng, tôi không còn tin vào công việc của mình, sở dĩ như vậy một phần là do tôi tự nhận mình là một thành viên của phương Tây cần có trách nhiệm với cuộc chiến này, một phần là do với tư cách của một phóng viên - những gì mà công việc của tôi có thể làm để có thể chấm dứt chiến tranh là vô cùng nhỏ bé”. Từng câu, từng chữ đã thể hiện rõ tư tưởng phản đối chiến tranh. Cũng giống như Huge Pope, phóng viên ảnh nổi tiếng của Anh Tim Hetherington - người đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ tại chiến trường Libya đã để lại di nguyện rằng: “Tôi càng ngày càng nhận thức được rằng, cái máy chiến tranh là do con người dựng nên. Chiến tranh chính là địa ngục”. Tim Hetherington không những đã dùng những tác phẩm của mình để thể hiện sự tàn khốc của chiến tranh, mà ông còn dùng cả tính mạng của mình để lột tả bản chất của “chiến tranh chính là địa ngục”. Hai phóng viên chiến trường nói trên đều dùng những cái mình nhìn thấy, nghe thấy để gợi cho độc giả nhìn nhận lại về chiến tranh, từ đó định hướng dư luận suy ngẫm lại về chiến tranh, buộc chính phủ họ nhanh chóng kết thúc chiến tranh.
Thứ tư, đối mặt với nguy hiểm, dễ bị cuốn vào các sự kiện ngoại giao. Nghề báo luôn tiềm ẩn những rủi ro lớn, từng bị liệt vào danh sách 10 nghề nghiệp nguy hiểm nhất. Phóng viên chiến trường lại càng phải đối mặt với nhiều mối nguy hiểm hơn, hàng năm có rất nhiều phóng viên hy sinh trên chiến trường. Số lượng phóng viên trên toàn thế giới thiệt mạng trong quá trình tác nghiệp do hai cơ quan Liên đoàn quốc tế các nhà báo (IFJ) và Phong trào tiêu chí báo chí (PEC) thống kê cho thấy, từ năm 2007 đến năm 2014, trên thế giới có hơn 1.000 nhà báo bị hy sinh khi tác nghiệp.
Mặc dù con số thống kê của hai cơ quan này có sai lệch nhỏ, nhưng một điều có thể khẳng định, hàng năm có trên dưới 100 phóng viên thiệt mạng, trong đó có một lượng lớn phóng viên xả thân trên chiến trường. Theo một bản báo cáo điều tra của Liên hợp quốc, chỉ riêng trong cuộc chiến tranh Libya năm 2012 đã có 65 phóng viên thiệt mạng trong quá trình tác nghiệp, ngoài ra có 21 người bị bắt cóc hoặc giam giữ. Nữ phóng viên chiến trường người Mỹ làm việc cho Tạp chí The Times Marie Colvin và phóng viên nhiếp ảnh người Pháp Remi Ochlik đã bị thiệt mạng trong một đợt tấn công bằng rocket hồi tháng 2/2012 tại thành phố miền Trung Homs của Syria, sự kiện này không những thu hút sự chú ý của dư luận toàn cầu, mà còn ảnh hưởng đến hướng đi trong chính sách ngoại giao của Chính phủ Mỹ đối với Syria. Sau khi vụ tấn công xảy ra, song song với việc thể hiện niềm thương tiếc đối với các phóng viên, khiển trách hành vi bạo lực, Chính phủ Mỹ còn nhấn mạnh sẽ thông qua hội nghị “Những người bạn Sirya” để gây sức ép cho chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Sau đó, Ngoại trưởng Mỹ Hilary còn đích thân tham dự hội nghị “Những người bạn Syria” và bày tỏ sự ủng hộ đối với phe đối lập tại Syria. Xét ở một mức độ nào đó, cái chết của hai phóng viên đã trở thành cái cớ để Mỹ can thiệp sâu hơn vào cục diện Syria.
Cũng giống như trường hợp trên, trong chiến tranh Lybia, phóng viên người Anh Tim Hetherignton và phóng viên người Mỹ Chris Hondros đã thiệt mạng trong đợt pháo kích hồi tháng 4/2011 cũng gây chấn động dư luận quốc tế. Thủ tướng Anh Cameron và Tổng thống Mỹ Obama đã khiển trách gay gắt hành động này. Nhà Trắng còn ra thông cáo kêu gọi chính phủ các nước áp dụng biện pháp bảo vệ phóng viên. Trong chiến tranh Lybia, sự kiện hơn 30 phóng viên quốc tế bị quân đội Chính phủ Lybia giam giữ ở khách sạn Rixos thuộc thủ đô Tripoli đã phát triển thành sự kiện ngoại giao. Để giải cứu phóng viên nước mình, chính phủ các nước đều tiến hành đàm phán ngoại giao tích cực. Sau 5 ngày bị giam giữ, tất cả phóng viên đã được di rời an toàn đến một khách sạn khác. Từ sự kiện này có thể thấy, trong xung đột quốc tế, phóng viên chiến trường không được bảo vệ tính mạng một cách an toàn nhất. Do phóng viên chiến trường là những người có ảnh hưởng đặc biệt, đồng thời lại dễ thu hút sự quan tâm rộng rãi của dư luận, do đó, khi rơi vào đường cùng, lực lượng vũ trang dễ bắt cóc phóng viên chiến trường làm con tin, nhằm đưa ra điều kiện trao đổi với chính phủ nước sở tại của những phóng viên đó. Do vậy, từ vai trò là người đứng ngoài các sự kiện ngoại giao và người đưa tin, phóng viên chiến trường trở thành chủ thể của sự kiện ngoại giao, điều này cho thấy tính không thể chia tách phóng viên chiến trường với hoạt động ngoại giao là điều rất hiển nhiên.
Để phát huy tốt hơn vai trò ngoại giao của phóng viên chiến trường
Một là, khách quan trung lập, truyền tải thông tin toàn diện, chân thực. Theo lý thuyết “Người gác cổng” mà nhà tâm lý xã hội học người Mỹ Kurt Lewin - một trong những người đặt nền móng cho ngành truyền thông hiện đại đưa ra vào năm 1947, chủ thể truyền thông (bao gồm phóng viên) đóng vai trò kiểm soát trong hoạt động truyền thông, vì mỗi khâu truyền thông, phóng viên đều tiến hành lựa chọn, kiểm soát lưu lượng và dòng chảy của thông tin từ vô vàn luồng thông tin khác nhau, điều này ảnh hưởng trực tiếp tới việc tiếp nhận và lý giải thông tin của công chúng, phóng viên cũng trở thành “người kiểm soát”. Làm thế nào để đảm nhận tốt vai trò của “người kiểm soát”? Đưa tin một cách khách quan, trung lập là nguyên tắc mà các phóng viên chiến trường luôn phải “khắc cốt ghi tâm”. Trong xung đột quốc tế, một mặt tồn tại hiện tượng không minh bạch, không đối xứng trong thông tin, phóng viên chiến tranh cần đi sâu thu thập thông tin, cung cấp những thông tin khách quan, trung lập, minh bạch. Mặt khác, đối với các nhà hoạch định chính sách ngoại giao, những thông tin mà phóng viên chiến trường cung cấp có ý nghĩa tham khảo nhất định, do đó trong bất kỳ tình huống nào càng phải kiên trì nguyên tắc đưa tin khách quan, trung lập.
Xét trên góc độ định hướng dư luận, chỉ khi cung cấp thông tin toàn diện, chính xác và phong phú, công chúng mới có thể hình thành nên ý kiến đúng đắn sau một thời gian khu biệt. Phóng viên chiến trường cần nhận thức rõ rằng, bản tin của mình có vai trò hết sức quan trọng đối với sự hình thành của dư luận công chúng. Đặc biệt trong thời gian xảy ra xung đột quốc tế, con đường nắm bắt thông tin của công chúng khá hạn hẹp, có thể nói những tin, bài của phóng viên chiến trường là trực tiếp và khách quan nhất, do đó, đối với người làm báo luôn phải coi sự thật là thước đo chuẩn mực, không thiên lệch, không phiến diện, thực hiện tốt vai trò của người định hướng dư luận.
Hai là, “nhập gia tùy tục”, tôn trọng phong tục tập quán của người dân địa phương. Cố vấn kỹ thuật cấp cao của Tổng thống Mỹ Obama Alec Ross từng nói: “Ngoại giao trong thế kỷ XXI đã vượt xa các hoạt động giao lưu giữa chính phủ với chính phủ, mà trở thành hoạt động giao lưu giữa chính phủ và nhân dân, nhân dân với chính phủ, cuối cùng sẽ phát triển thành hoạt động giao lưu giữa nhân dân với chính phủ”.
Nhìn lại các cuộc xung đột xảy ra những năm gần đây, nguyên nhân dẫn đến xung đột đều khá phức tạp, thường có liên quan tới xung đột dân tộc, tôn giáo và văn hóa. Điều này được thể hiện rõ trong chiến tranh Afghanistan, chiến tranh Sirya và chiến tranh Iraq. Trong các chiến trường này, vấn đề dân tộc và tôn giáo vô cùng nổi cộm. Do đó, khi xông pha ra chiến trường đưa tin, phóng viên cần tôn trọng dân tộc, tôn giáo, truyền thống văn hóa và phong tục tập quán của người dân địa phương để tránh những tai họa đe dọa đến tính mạng.
Ba là, kịp thời chuẩn bị, nắm bắt kỹ năng sinh tồn. Để có mặt tại khu vực xảy ra xung đột đưa tin, phóng viên chiến trường còn phải rèn được thói quen kịp thời chuẩn bị. Một mặt, cần giữ liên lạc thường xuyên, thông suốt với cơ quan báo chí, kịp thời báo cáo kế hoạch đưa tin có liên quan để cơ quan báo chí có thể nắm bắt lịch trình của phóng viên, đồng thời cung cấp vật tư, thiết bị và sự đảm bảo về mặt an ninh cho phóng viên. Mặt khác, phóng viên chiến trường cần giữ liên lạc với cơ quan chính phủ đồn trú tại quốc gia sở tại, bởi giữa nơi đất khách quê người, giữa vùng chiến sự căng thẳng, nếu xảy ra chuyện gì bất trắc, chỉ có cơ quan ngoại giao đóng tại nước sở tại như đại sứ quán, lãnh sự quán mới có thể kịp thời hỗ trợ.
Ngoài ra, phóng viên chiến trường cần hình thành thói quen đánh giá về sự an toàn của bản thân. Nếu nơi tác nghiệp có mối nguy hiểm nhất định, có thể thông báo trước với cơ quan báo chí hoặc đại sứ quán, chuẩn bị trước phương án dự phòng. Alex Thomson - phóng viên kỳ cựu của chương trình thời sự, đài Channel 4 tại Anh từng đăng tải một bài viết rằng, một phân đội nhỏ của lực lượng quân tự do của Syria đã từng cố tình dụ anh vào khu vực giao chiến của hai bên, vì làm như thế có thể hạ bệ tiếng tăm của chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad khi phóng viên bị giết. Từ đó có thể thấy, để đạt được mục đích chính trị của mình, lực lượng vũ trang bất chấp mọi thủ đoạn, thậm chí có thể gài bẫy sát hại phóng viên chiến trường nhằm đạt được lợi ích chính trị và lợi ích quân sự của mình. Chính vì lẽ đó, phóng viên chiến trường luôn phải đề cao cảnh giác. Ngoài ra, phóng viên chiến trường luôn phải đối mặt với nhiều mối đe dọa như bắt cóc, trúng đạn, sát hại..., do đó việc nắm bắt một số kỹ năng sinh tồn có vai trò hết sức quan trọng. Phóng viên chiến trường không những phải có khả năng thích nghi trong môi trường hết sức khắc nghiệt, có thể chịu đói, chịu rét..., đồng thời phải có năng lực ứng biến linh hoạt, khi gặp nguy hiểm có thể áp dụng biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn cho chính mình.
Bước sang thế kỷ XXI, mặc dù hòa bình và phát triển là chủ đề phát triển chung của thế giới, tuy nhiên không thể phủ nhận, các cuộc xung đột, chiến tranh cục bộ mang tính khu vực vẫn thường xuyên xảy ra. Với vai trò là những người phải đối mặt với nhiều mối nguy hiểm, ngày càng có nhiều phóng viên chiến trường xông pha nơi trận mạc, xuất hiện tại hiện trường xảy ra chiến sự. Song song với việc thực hiện sứ mệnh cao cả là người ghi lại lịch sử, họ cũng phát huy vai trò ngoại giao công chúng, trở thành một bộ phận cấu thành của ngoại giao công chúng, đồng thời cũng có ảnh hưởng nhất định tới hoạt động ngoại giao của thế giới./.
PGS,TS Nguyễn Thành Lợi
[1] Xem: www.publicdiplomacy.org; http://nghiencuuquocte.net/2014/06/18/ngoai-giao-cong-chung-trong-the-ky-21/#sthash.fpBzy50Q.dpuf
[2] Theo Front-row seats for the war,
xem: http://www.nzherald.co.nz/world/news/article.cfm?c_id=2&objectid=3101143
Tin tức liên quan
- Thực trạng và giải pháp tạo nguồn thu cho báo mạng điện tử ở Việt Nam (10:22 28/11/2024)
- Chuyển đổi số báo chí và đào tạo báo chí (01:28 28/10/2024)
- Một số yêu cầu về phòng ngừa, ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, trọng tâm là an ninh mạng trong nền an ninh quốc gia trong thời gian tới (03:14 27/09/2024)
- Vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí ở nước ta hiện nay (03:08 16/08/2024)
- Xuất bản điện tử và đào tạo nhân lực xuất bản điện tử trong giai đoạn hiện nay (09:38 08/07/2024)