
Nén tâm nhang tri ân
Sáng 14-10, trong bầu không khí trang trọng, tình cảm, Báo Quân đội nhân dân đã tổ chức khánh thành và bàn giao nhà thờ liệt sĩ, nhà báo Nguyễn Ngọc Nhu (sinh ngày 18-9-1931, hy sinh ngày 21-1-1968) tặng gia đình ông Nguyễn Ngọc Nhượng (là em trai nhà báo) tại thôn Thụy Lôi, xã Thụy Lôi, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, đại diện cho thân nhân nhà báo, liệt sĩ Nguyễn Ngọc Nhu nhận quyết định bàn giao nhà thờ từ Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ. Ảnh: TUẤN HUY.
Nhà báo, liệt sĩ trung kiên
Tham dự buổi lễ, về phía Báo Quân đội nhân dân có các đồng chí: Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Tổng biên tập; Đại tá Lê Ngọc Long, Phó tổng biên tập; Đại tá Phạm Duy Hải, Chủ nhiệm Chính trị...
Buổi lễ còn có sự hiện diện của Đại tá Nguyễn Chí Công, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Hưng Yên; đại diện Ban CHQS huyện Tiên Lữ; chính quyền xã Thụy Lôi, các tổ chức đoàn thể xã Thụy Lôi cùng dòng họ Nguyễn Ngọc, thân nhân liệt sĩ, nhà báo Nguyễn Ngọc Nhu.
Được sự đồng ý của chính quyền địa phương và gia đình liệt sĩ Nguyễn Ngọc Nhu, cũng như cảm thông với hoàn cảnh gia đình ông Nguyễn Ngọc Nhượng bao năm qua vẫn thờ tự anh trai và chị dâu (bà Bùi Thị Binh) trong căn phòng đã nhuốm màu thời gian, tập thể Báo Quân đội nhân dân đã tự nguyện tiến cúng xây nhà thờ mới cho nhà báo, liệt sĩ Nguyễn Ngọc Nhu.
Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, lời kêu gọi của Đảng ủy, Ban biên tập quyên góp tiền xây nhà thờ cho nhà báo, liệt sĩ Nguyễn Ngọc Nhu được các phòng, ban trong tòa soạn hưởng ứng tích cực. Từ Văn phòng cho tới Phòng Chính trị, Phòng Tài chính... đều nhanh chóng vào cuộc với tinh thần tri ân cao nhất, không chỉ xây mới nhà thờ mà còn lát mới sân nhà, xây lại một đoạn tường rào.
Tại buổi lễ, các đại biểu cùng thân nhân liệt sĩ, nhà báo Nguyễn Ngọc Nhu đã cùng nhau ôn lại kỷ niệm, kể cho nhau nghe những câu chuyện xúc động về người phóng viên kiên trung năm xưa của Báo Quân đội nhân dân.
Cuối năm 1967, nhà báo Nguyễn Ngọc Nhu chào từ biệt đồng nghiệp ở Báo Quân đội nhân dân, người thân lên đường vào Nam nhận nhiệm vụ vào mặt trận Quảng Trị để thực hiện ký sự về cuộc chiến đấu của quân và dân hai bờ sông Bến Hải.
Trước khi lên đường, nhà báo Nguyễn Ngọc Nhu đã đến ngôi nhà tranh tre, mái lá của vợ chồng em gái Nguyễn Thị Những-Bùi Văn Châm (lúc đó đang sơ tán ở xã Trung Nghĩa, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên) căn dặn: “Hai em ở nhà nhớ chăm sóc bố mẹ. Anh sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng giao, để trở về với gia đình”.
Vào tới Quảng Trị, nhà báo Nguyễn Ngọc Nhu được cấp trên điều động về Tiểu đoàn 47, Trung đoàn 270, thuộc Đặc khu Vĩnh Linh (nay là Ban CHQS huyện Vĩnh Linh) do đồng chí Trần Văn Thà làm Tiểu đoàn trưởng. Tiểu đoàn 47 có nhiệm vụ chặn nguồn tiếp tế bằng đường thủy của Mỹ-Ngụy từ cảng Cửa Việt lên thị xã Đông Hà và sân bay Tà Cơn. Sau thời gian chiến đấu kiên cường, dũng cảm, Tiểu đoàn 47 đã giành thắng lợi giòn giã, đánh bật quân địch ra khỏi Cửa Việt. Sát cánh cùng cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 47, nhà báo Nguyễn Ngọc Nhu vừa trực tiếp cầm súng chiến đấu, vừa ghi chép tài liệu phục vụ nhiệm vụ làm báo. Chiều 21-1-1968, cùng với nhiều cán bộ chiến sĩ khác, nhà báo Nguyễn Ngọc Nhu đã anh dũng hy sinh tại chiến trường khi nhiệm vụ còn dang dở.
Ngay sau đó, nhà báo Khánh Vân, người vào mặt trận cùng đợt đã làm tiếp phần công việc của liệt sĩ, người đồng đội Nguyễn Ngọc Nhu và cho ra đời 2 ký sự dài, đăng nhiều kỳ trên Báo Quân đội nhân dân, có sức thuyết phục cao, được độc giả mến mộ. Đó là ký sự “Những lá thư Quảng trị” đăng từ ngày 18-2 đến ngày 1-3-1968, và ký sự “Voi gầm trên đường 9” đăng từ ngày 29-7 đến ngày 4-8-1968.
3 năm sau ngày nhà báo Nguyễn Ngọc Nhu hy sinh, vợ ông, bà Bùi Thị Binh cũng mất.
Đại tá Nguyễn Chí Công trao quà của Bộ CHQS tỉnh Hưng Yên tặng thân nhân liệt sĩ, nhà báo Nguyễn Ngọc Nhu. Ảnh: TUẤN HUY.
Nhà báo, liệt sĩ Nguyễn Ngọc Nhu là một trong 9 nhà báo, liệt sĩ của Báo Quân đội nhân dân. Máu xương của các liệt sĩ đã tô thắm thêm những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam và truyền thống anh hùng, tận trung, tận hiếu, tận hiến của Báo Quân đội nhân dân, tờ báo hai lần được phong tặng danh hiệu đơn vị anh hùng, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác của Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng.
Mong ước của đồng chí Thiếu tướng, Tổng biên tập về một tượng đài nhà báo chiến sĩ
Sau khi cùng tập thể Báo Quân đội nhân dân vào dâng hương, tri ân vong linh nhà báo, liệt sĩ Nguyễn Ngọc Nhu, phát biểu tại buổi lễ, Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân đã bày tỏ tình cảm: “Tôi xin phép thay mặt toàn thể Báo Quân đội nhân dân bày tỏ lòng biết ơn tới chính quyền địa phương, gia đình nhà báo, liệt sĩ Nguyễn Ngọc Nhu cùng Bộ CHQS tỉnh Hưng Yên, Ban CHQS huyện Tiên Lữ đã có mặt trong buổi lễ ý nghĩa này. Trong phòng truyền thống của Báo Quân đội nhân dân hiện nay, có nhiều hiện vật và kỷ niệm quý của một đơn vị có 71 năm truyền thống nhưng nhiều lần tôi nói với anh em phóng viên trong tòa soạn: Một trong những kỷ vật quý nhất là bức ảnh 3 phóng viên của báo chụp lưu niệm trên chiến trường năm xưa. Một bức ảnh vô cùng đẹp, bức ảnh cuối cùng ta được nhìn thấy nhà báo, liệt sĩ Nguyễn Ngọc Nhu; nhà báo, liệt sĩ, Anh hùng LLVT nhân dân Lê Đình Dư. Gương mặt bình thản nhưng quyết tâm lớn của bác Nhu, bác Dư cùng nhà báo Nguyễn Đức Toại thực sự là tượng đài của nhà báo chiến sĩ. Đầu năm 1968, hai phóng viên trong bức ảnh là bác Nguyễn Ngọc Nhu, bác Lê Đình Dư đã hy sinh tại mặt trận Cửa Việt.
Tôi có một ước mơ rằng, nếu được sự cho phép của lãnh đạo, tôi sẽ tham mưu cho thủ trưởng Bộ Quốc phòng để xây dựng một tượng đài nhà báo chiến sĩ. Không cần phải có cuộc thi nào, chúng ta đã có mẫu rồi, đó chính là bức ảnh chụp bác Dư, bác Nhu, bác Toại ở chiến trường với thần thái vô cùng ý nghĩa. Đây chính là đỉnh cao về sự hy sinh vì nước vì dân, tận trung tận hiến vì nghề nghiệp. Bức ảnh có 3 người thì 2 người hy sinh. Người trở về- bác Nguyễn Đức Toại đã làm nên nhiều kỳ tích trong nghề báo. Ngòi bút của bác Toại đã động viên, cổ vũ nhiều lớp thanh niên lên đường vào Nam chiến đấu, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Hôm nay, tôi vô cùng xúc động khi cùng tập thể Báo Quân đội nhân dân bàn giao nhà thờ tặng thân nhân liệt sĩ, coi như một nén tâm nhang kính dâng lên nhà báo, liệt sĩ Nguyễn Ngọc Nhu”.
Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ chia sẻ về lịch sử hào hùng của Báo Quân đội nhân dân tại buổi lễ. Ảnh: TUẤN HUY.
Thay mặt chính quyền và người dân địa phương, ông Phạm Tuấn Hải, Chủ tịch UBND xã Thụy Lôi (huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên) phát biểu: “Chúng tôi đặc biệt trân trọng và cảm ơn ban lãnh đạo, đội ngũ cán bộ, phóng viên, người lao động, chiến sĩ của Báo Quân đội nhân dân đã đóng góp công sức, tiền của để xây tặng nhà thờ cho người đồng chí, đồng nghiệp của mình. Việc làm này thể hiện sự tri ân cao cả với đồng chí, đồng đội đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Mọi tầng lớp nhân dân trong xã đều xúc động trước sự tri ân ý nghĩa của Báo Quân đội nhân dân. Việc làm của Báo Quân đội nhân dân đã góp phần tuyên truyền, nêu cao đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Nhà thờ nhà báo, liệt sĩ Nguyễn Ngọc Nhu chính là động lực mạnh mẽ để góp phần xây dựng địa phương phát triển mọi mặt, nhất là công tác giáo dục truyền thống yêu nước với con cháu mai sau”.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm trước nhà thờ liệt sĩ, nhà báo Nguyễn Ngọc Nhu. Ảnh: TUẤN HUY.
Các đại biểu không khỏi xúc động khi ông Bùi Văn Châm, thay mặt cho gia đình vừa khóc vừa phát biểu đáp từ: “Ngôi nhà thờ thể hiện sự tri ân cao đẹp của Báo Quân đội nhân dân với gia đình. Gia đình chúng tôi vô cùng cảm động và biết ơn tập thể Báo Quân đội nhân dân đã đầu tư, xây dựng và bàn giao nhà thờ liệt sĩ, nhà báo Nguyễn Ngọc Nhu, một việc làm đậm đà tính nhân văn, có ý nghĩa chính trị lớn. Ngôi nhà thờ này thực sự đong đầy tình nghĩa đồng chí, đồng đội. Gia đình chúng tôi xin hứa nguyện mãi mãi thờ cúng liệt sĩ, nhà báo Nguyễn Ngọc Nhu với tấm lòng hiếu nghĩa, vẹn toàn”.
Theo qdnd.vn


Tăng cường công tác quản lý tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý

Sẽ cấp phát hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ mẫu mới

Thủ tướng: Tháo gỡ điểm nghẽn để hoàn thành các mục tiêu phát triển

Vì sao Thủ tướng chỉ đạo phải đẩy mạnh truyền thông chính sách?

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 21

Việt Nam đề xuất giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong các nghị viện thành viên IPU

Đạt nhiều kết quả quan trọng thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới

Chính phủ quyết nghị nhiều nội dung quan trọng tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 2/2023

Phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam sẽ mãi tỏa sáng, làm giàu thêm bản sắc văn hóa Việt Nam trong thời đại mới

Khởi công dự án nhà ở xã hội gần 5.000 tỷ đồng
