Nâng cao năng suất lao động từ truyền thông

Tăng năng suất lao động là yêu cầu thiết yếu để tăng thu nhập, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động và là cơ sở để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và cả xã hội. Vì vậy, tăng năng suất lao động là mục tiêu mà các quốc gia, doanh nghiệp và cá nhân luôn hướng tới trong quá trình phát triển nhằm nâng cao mức sống và tiến tới một xã hội phát triển thịnh vượng hơn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Khoảng cách quá lớn

Trong hơn 10 năm qua, Việt Nam đã đạt những thành tựu đáng chú ý về phát triển kinh tế - xã hội, cùng với đó năng suất lao động của Việt Nam cũng đã có những cải thiện đáng kể. Giai đoạn 2006-2010, tốc độ tăng năng suất lao động trung bình của nước ta vào khoảng 3,45%/năm và trung bình 4,33%/năm trong giai đoạn 2011-2015. Đến năm 2015, năng suất lao động của Việt Nam đạt mức 79,3 triệu đồng/một lao động với tốc độ tăng trưởng 6.45% so với năm 2014 [1].

Tuy nhiên, khi so sánh với các nước trong khu vực thì năng suất lao động của Việt Nam còn khoảng cách khá xa so với các nước. Theo báo cáo của Tổ chức Năng suất Châu Á (APO), đến năm 2013, khoảng cách năng suất lao động giữa các nước Châu Á và Việt Nam là: Singapore gấp 14,5 lần, Nhật Bản gấp 10,8 lần, Malaysia gấp 7,3 lần và Thái Lan gấp 2,9 lần năng suất lao động của Việt Nam [2].

Năng suất lao động thấp sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, gây khó khăn cho quá trình hội nhập và phát triển kinh tế đặc biệt là khi Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Năng suất lao động còn là một trong những chỉ tiêu quan trọng để nâng cao GDP bình quân đầu người, qua đó nâng cao mức sống của người dân. Với khoảng cách quá lớn về năng suất lao động của Việt Nam so với các nước trong khu vực đòi hỏi cả hệ thống chính trị, các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp phải có nhiều nỗ lực hơn nữa để thu hẹp khoảng cách này.

Giấc mơ cho người lao động

Thành công của việc nâng cao năng suất lao động tại các quốc gia như Nhật Bản, Singapore, Malaysia đều có đặc điểm chung là vận động được sự quan tâm, hợp tác của 3 bên bao gồm Chính phủ - Chủ doanh nghiệp - Người lao động; tạo ra được sự đồng tâm nhất trí trên phạm vi toàn quốc thông qua tuyên truyền cho lợi ích của nâng cao năng suất lao động tới cộng đồng và người lao động trong các doanh nghiệp.

Tại Singapore, vào tháng 9 năm 1981, Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã phát động Phong trào nâng cao năng suất quốc gia, trong đó việc tạo nhận thức rộng rãi về năng suất cho người lao động trong các doanh nghiệp được thực hiện trong 5 năm từ 1981-1985. Với nhiều giải pháp được thực hiện, trong đó những khẩu hiệu như “Dám mơ, Dám làm, Dám tạo sự khác biệt - Dare to Dream, Dare to Do, Dare to Make the Difference” và “Tốt, tốt hơn, tốt nhất; không bao giờ nghỉ ngơi, cho đến khi tốt trở thành tốt hơn và tốt hơn trở thành tốt nhất - Good, better, best; neverlet itrest, till your good is better and your better best” thực sự ấn tượng và có vai trò thúc đẩy người lao động Singapore nỗ lực cao nhất trong việc thực hiện các mục tiêu về nâng cao năng suất.

Sau 3 thập kỷ Phong trào nâng cao năng suất quốc gia (từ năm 1981-2011), GDP của Singapore đã tăng từ 43,6 tỷ USD lên trên 300 tỷ USD vào năm 2011, trong đó GDP bình quân đầu người đạt 50.000 USD [4]. Thành tựu về năng suất lao động của Singapore gần đây cũng đã được dư luận nước ta đặc biệt quan tâm khi các báo cáo cho thấy năng suất lao động của Singapore hiện đang cao gấp gần 15 lần năng suất lao động của Việt Nam.

Ở nước ta, việc hiểu về vấn đề nâng cao năng suất lao động còn hạn chế ngay cả đối với cán bộ và các cơ quan quản lý, đặc biệt là về tính toán, đánh giá năng suất lao động và xác định đâu là giải pháp cần thực hiện để nâng cao năng suất lao động... Nhận thức được vai trò của truyền thông trong việc nâng cao nhận thức cũng như thay đổi hành vi của người lao động tới vấn đề nâng cao năng suất, một số doanh nghiệp cũng đã có hình thức tuyên truyền bằng bảng tin, các khẩu hiệu về cải tiến, nâng cao năng suất...

Tuy nhiên, ở nhiều nơi thông điệp và hình thức chuyển tải bằng những băng rôn, khẩu hiệu theo kiểu truyền thống không rõ về lợi ích đối với người lao động nên chưa được họ chú ý. Để người lao động thực sự vào cuộc và nỗ lực trong việc nâng cao năng suất lao động, điều quan trọng là phải tập trung vào các thông tin để người lao động thấy được những nỗ lực cải tiến của họ sẽ được đánh giá và chia sẻ lợi ích một cách công bằng. Ngoài ra, việc lựa chọn và áp dụng những hình thức truyền thông phù hợp với đặc thù của từng doanh nghiệp sẽ góp phần giúp thay đổi nhận thức và hành vi của người lao động đối với vấn đề nâng cao năng suất được nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Truyền thông liên tục

Doanh nghiệp là hạt nhân của phát triển kinh tế, vì vậy, những nỗ lực cải thiện năng suất lao động của quốc gia cần tập trung nâng cao năng suất lao động tại các doanh nghiệp. Theo nghiên cứu của S. K. Mukherjee và D. Singh [3] năng suất lao động trong các doanh nghiệp chịu sự tác động của nhiều yếu tố như: môi trường kinh doanh - cơ chế - thể chế, trình độ công nghệ - thiết bị, chất lượng lao động, quản lý và tổ chức sản xuất, nghiên cứu và phát triển thị trường, phát triển sản phẩm... Ngoài ra, sự tham gia và nỗ lực của người lao động có vai trò chủ chốt trong việc cải tiến, tối ưu hóa các quá trình công việc và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực của doanh nghiệp.

Để thúc đẩy người lao động chủ động và tích cực tham gia các hoạt động nâng cao năng suất thì vấn đề truyền thông, tuyên truyền cho họ biết năng suất lao động có vai trò như thế nào đối với họ, được tính toán, đánh giá ra sao, họ cần phải làm gì để cải tiến năng suất, làm sao để theo dõi kết quả cải tiến năng suất và họ sẽ được chia sẻ kết quả cải tiến năng suất như thế nào... là rất quan trọng. Truyền thông hiệu quả sẽ có tác động trực tiếp tới hành vi của người lao động và tác động tới việc họ sẽ thực hiện công việc như thế nào. Khi vấn đề nâng cao năng suất trở nên rõ ràng đối với người lao động, họ sẽ chủ động nỗ lực tìm kiếm các cơ hội cải tiến và nâng cao năng suất của chính họ. Người lao động cũng sẽ tích cực hơn trong việc tự học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng để thực hiện công việc năng suất hơn. Người lao động cũng sẽ hài lòng hơn với công việc khi những nỗ lực của họ được đo, đánh giá một cách rõ ràng và được chia sẽ lợi ích từ những kết quả nâng cao năng suất đạt được.

Nâng cao năng suất lao động ở nước ta hiện đã được đưa thành những chỉ tiêu và nhiệm vụ trọng tâm cụ thể trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Để nâng cao năng suất lao động, doanh nghiệp cần phải chú trọng hơn trong việc lựa chọn nội dung và thực hiện các hình thức truyền thông thích hợp để người lao động chủ động và tích cực tham gia các hoạt động nâng cao năng suất. Đây là một trong các giải pháp thiết thực góp phần rút ngắn khoảng cách về mức năng suất lao động giữa Việt Nam và các nước và là cơ sở quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trước yêu cầu hội nhập và phát triển kinh tế - xã hội hiện nay của đất nước

Nguyễn Anh Tuấn

-----
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Tổng cục Thống kê (2015), Niên giám Thống kê 2014, Nhà xuất bản Thống kê.
2. Asian Productivity Organization (2015), APO Productivity Databook 2015, Keio University Press Inc. Tokyo.
3. Joseph Prokopenko (1992), Productivity Management: A Practical Handbook, International Labour Organization.
4. Lee Yi Shyan (2012), Báo cáo của Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore Lee Yi Shyan tại Phiên họp năm 2012 của Ban chấp hành Tổ chức Năng suất Châu Á - APO.
5. http://www.ey.com/AU/en/Services/Advisory/Upturn-in-Australian-productivity_Communi cation- vital.

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top