
Mùa Xuân trên cao nguyên đá
-
Không chỉ hút hồn du khách bởi vẻ đẹp kỳ vĩ của ngút ngàn núi đá và những nương tam
giác mạch trổ hoa, vùng cực bắc Đồng Văn còn ẩn chứa rất nhiều câu chuyện, là những
đề tài thú vị cho báo chí mỗi dịp Xuân về
Mùa xuân trên cao nguyên đá Hà Giang luôn có sức cuốn hút với du khách và nhà báo. Ảnh: TL
Kho đề tài vô tận cho các nhà báo
Trên con đường thăm thẳm đến cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang một ngày mùa Xuân năm 2007, tôi gặp nhà báo, nhà nhiếp ảnh tự do Đỗ Anh Tuấn mà dân trong làng ảnh thường gọi là “Tuấn cận”. Anh đi một mình, trên chiếc xe máy Minsk cùng một bọc máy ảnh. Đích đến của anh là chợ tình Khau Vai ở huyện Mèo Vạc. Tuấn bảo, đi cao nguyên đá phải một mình một xe thế này mới sướng, gặp đâu chụp nấy, đêm đâu ngủ đấy. Trong ba lô anh có sẵn cả thuốc uống, thuốc chống muỗi, đến cả bông băng phòng khi gặp sự cố trên đường.
Đến chợ Khau Vai, anh như về nhà mình, các cô gái trường tiểu học tíu tít xếp cho anh chỗ ăn, chỗ nằm trong khi cả khu chợ là một biển người không biết tìm đâu ra chỗ qua đêm. Hỏi ra, mới biết Đỗ Anh Tuấn là một trong những người đầu tiên “mở” lại chợ tình Khau Vai, bằng cách viết bài trên Tạp chí Heritage. Anh đã lên cao nguyên đá không biết bao lần, đa số chỉ bằng xe máy, đủ thấy sức hút của vùng đất này lớn như thế nào.
Các món ăn lạ lẫm, như thắng cố, mèn mén có thể là cơ hội cho các tạp chí, các trang báo mạng về ẩm thực. Còn vẻ đẹp lộng lẫy của hoa tam giác mạch, hoa cải, hoa đào mỗi mùa thu, mùa Xuân đều có thể trở thành những bài viết đặc biệt thú vị, những chùm ảnh đẹp mắt cho các báo mạng hay các tờ tạp chí chuyên về du lịch.
Vùng núi đá của 4 huyện phía Đông tỉnh Hà Giang thú vị đến nỗi nghệ sĩ nhiếp ảnh Khắc Hường, nguyên Trưởng phòng ảnh Báo Nhân Dân đã đặt tên con gái là Hà Giang sau những lần rong ruổi chụp ảnh ở đây từ đầu những năm 1990. Còn nhà báo Lê Anh Tuấn, phóng viên ảnh của các báo Lao Động, Dân Trí thì... nhận con nuôi của một gia đình ở huyện Mèo Vạc và cứ lâu lâu lại bay từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội để “phượt” lên cao nguyên đá và “ăn dầm ở dề” trong một ngôi nhà trình tường cổ kính gần thị trấn Mèo Vạc rồi đi chụp ảnh.
Những mỏm đá tai mèo là đặc trưng của núi rừng Hà Giang. Ảnh: TL
Những con người làm nên sự đổi thay
Trong những lần đến với cao nguyên đá Hà Giang, tôi ấn tượng với một chuyến đi vào mùa Xuân năm 2006. Hôm ấy, khi đến chân cột cờ Lũng Cú thì trời đã khá muộn, trong khi nhiều người mải lên cột cờ thì tôi gặp một cô gái rất xinh đẹp ở trạm biên phòng Lũng Cú. Hỏi ra thì được biết cô tên là Vũ Hồng Duyên, mới ngoài 20 tuổi, nhà ở huyện Vị Xuyên, ngay gần thành phố Hà Giang và lên đây dạy học.
Một cuộc phỏng vấn đã diễn ra để rồi ít ngày sau tờ Báo Thanh Niên, nơi tôi làm việc có bài “Hoa khôi trên đỉnh Lũng Cú” viết về cô. Chỉ được nói chuyện với Duyên chừng 20 phút, nhưng có lẽ vẻ đẹp cả về thần thái lẫn tâm hồn của cô, cộng với cảm xúc dạt dào khi đến với đất trời vùng cực Bắc truyền cho đã làm cho bài viết của tôi trở nên sống động và được nhiều tờ báo điện tử khác như Tuổi Trẻ, Dân Trí dẫn lại.
Một năm sau trở lại Lũng Cú, tôi lại đi tìm Duyên. Cô mang từ trong tủ ra một tập rất nhiều các bức thư từ nhiều nơi gửi đến, kèm theo nhiều bản copy bài báo của tôi. Duyên bảo mọi người gửi thư động viên, gửi báo vì sợ cô ở trên này không có báo mà đọc, nhất là khi đó thì Lũng Cú còn chưa có sóng điện thoại di động, chưa có Internet như bây giờ.
Duyên kể nhiều người đến Lũng Cú thì quyết tâm đi tìm để xem mặt “hoa khôi Lũng Cú”, có người gửi thư, rồi tìm lên tận nơi mời cô về Hà Nội dạy học, trên một số chuyến xe khách thì Duyên được miễn phí vì nhà xe đọc báo biết cô là “hoa khôi Lũng Cú”. Trở về sau chuyến đi này, tôi lại viết được một bài báo nữa, cũng xúc động không kém bài trước với tựa đề “Gặp lại hoa khôi Lũng Cú”, kể lại những câu chuyện chan chứa tình người mà rất nhiều bạn đọc đã dành cho nhân vật của mình...
Tôi nhớ một lần đi từ Mèo Vạc về Yên Minh năm 2008, giữa một con dốc bỗng xuất hiện một đám đông. Đó là một tai nạn giao thông, giữa đường là hai chiếc xe máy gãy tan, bên đường là hai thanh niên người Mông đang ngồi khoác vai nhau, mặt mũi bết máu. Hỏi ra thì biết hai anh đi ngược chiều, tông vào nhau, nhưng thay vì lao vào nhau làm rõ đúng sai như người dưới xuôi thì cả hai bá vai nhau một cách đầy chia sẻ.
Cao nguyên đá Đồng Văn vẫn là vùng đất tuyệt vời cho các nhà báo tác nghiệp, nhưng vùng đất này cũng để lại những vui buồn man mác. Trong những bức ảnh mà tôi chụp trên cao nguyên đá, có cô bé Sùng Thị Mỷ ở bản Thèn Pả, dưới chân cột cờ Lũng Cú. Tôi chụp em lần đầu tiên vào năm 2005, khi Mỷ còn bé xíu. Sau từng năm, em lớn lên trong các bức ảnh với gương mặt đẹp như một diễn viên.
Đến năm 2013, tôi chụp được ảnh Mỷ đã lấy chồng, một thanh niên người Mông có tên Sùng Mý Hà. Tuy nhiên, đến năm 2014, khi trở lại thì được dân bản cho biết Mỷ đã bỏ Hà và lấy một người khác. Trên Báo Thanh niên dịp 20/10 năm ấy, tôi đăng một bộ ảnh chân dung Mỷ, để nói về cuộc sống của một cô gái vùng cực Bắc...
Có thể thấy, cao nguyên đá đang nhiều thêm nhà xây mà bớt đi những ngôi nhà trình tường bằng đất sét, những mái tôn đang dần thay thế những mái nhà lợp ngói máng vốn là cảm hứng vô tận của các phóng viên ảnh.
Trên các khúc cua trên đèo Mã Pì Lèng, rất dễ thấy cảnh các em bé chờ khách du lịch để xin quà, tiền. Và trong một lần phỏng vấn mới đây tới Ban Quản lý công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn, lãnh đạo của cơ quan này đã thống thiết nói rằng, các bạn miền xuôi hãy yêu cao nguyên đá Đồng Văn “đúng cách”, cần phải làm thế nào đó để tiền, quà đừng làm hư các em bé, đừng để áo quần cứu trợ làm mất đi bản sắc dân tộc của người Mông, Dao, Lô Lô... trên cao nguyên đá, sao cho vùng đất này không chỉ hấp dẫn với du khách mà còn tuyệt vời với cả các nhà báo lên tác nghiệp, đến mãi mãi về sau./.
Kỳ Văn


Tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám, du khách có thêm trải nghiệm về hệ thống biên lai điện tử

Hà Nội dự kiến mức thu học phí mới ở mức sàn theo quy định của Chính phủ

Phát huy vai trò của báo chí truyền thông trong xây dựng Đảng về đạo đức

Nâng cao năng lực của đội ngũ phóng viên trong bối cảnh chuyển đổi số báo chí

Giới thiệu bộ sách Dược thư Việt Nam và ứng dụng tem thông minh cho xuất bản phẩm

Du lịch nông nghiệp - Giải pháp hiệu quả phát triển nông thôn

Thay đổi nhận thức, hướng đến giao thông xanh, an toàn

Hà Nội: 19 cá nhân trúng thưởng trong chương trình “Hóa đơn may mắn”

Tháng Năm - Hải Phòng rộng dài, rực sáng…

Học viện Báo chí và Tuyên truyền tuyển sinh 2.400 chỉ tiêu năm 2023
