
Một tuần tác nghiệp tại Hàn Quốc
Năm 2019, tôi may mắn được đi tác nghiệp, tham quan tại Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên và Hàn Quốc... Đi, cảm nhận và viết trong một thế giới mở, tôi nghĩ đó là hạnh phúc của nghề báo.
Tác nghiệp tại đảo Jeju Hàn Quốc. Ảnh: TGCC
Chiếc Samsung Galaxy Note 8
Ông Jae Byoung Kang, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh đảo JeJu - một hòn đảo có chu vi 250 km, diện tích gấp 3 lần quốc đảo Singapore cho biết, hiện chính quyền đang quản lý theo chế độ tự trị, cơ cấu hành chính như cấp tỉnh, rất nhàn nhã và hiệu quả. Sao lại như vậy? Bởi đó là nhờ chiếc điện thoại thông minh Samsung Galaxy Note 8 với tính năng phiên dịch qua giọng nói và viết trên máy...
Ông Kang nói, Hàn Quốc nhiều đảo, nhưng JeJu lớn nhất. Đảo được kiến tạo do quá trình núi lửa phun nham thạch và động đất từ mấy chục triệu năm trước. Chính thế, người ta nói đảo JeJu là đảo Tam đa vì nhiều đá, nhiều gió và nhiều phụ nữ.
Xưa đảo có 35.000 phụ nữ làm nghề lặn biển, cho đến nay, nghề lặn biển mò hải sâm, bào ngư của phụ nữ JeJu vẫn tồn tại và là một nghề độc đáo nhưng chỉ còn 4.500 người theo nghề.
Năng lượng gió hiện chiếm tỷ trọng khá, JeJu chuẩn bị hai thập kỷ tới, 100% tiêu dùng điện gió và ô tô, xe máy chạy điện. Còn đá thì nhiều vô kể, đông kết từ nham thạch của núi lửa phun trào nên đá xốp, đá vỉa đủ cả.
Mỗi năm, đảo đón khoảng 15 triệu lượt khách du lịch, đủ nói lên sự giàu có. Đảo JeJu có 5 tờ báo, 1 đài truyền hình, tất cả có gần 200 hội viên sinh hoạt trong Hội Nhà báo tỉnh đảo JeJu, gồm những phóng viên thường trú của các hãng thông tấn, báo chí có trụ sở từ Thủ đô Seoul.
Theo Chủ tịch Kang, anh em làm báo tại đây rất mong giao lưu qua lại, chia sẻ kinh nghiệm... Đặc biệt, làm sao trụ vững khi công nghệ điện tử thông minh chiếm lĩnh gần hết việc làm tin, đưa tin, hình ảnh. Ông chỉ vào chiếc điện thoại Note 8 của tôi và nói: Ngay cả chức năng thông dịch cũng đã có...
Tôi nói với Kang và hướng dẫn viên Peter Park, quê tôi tỉnh Thái Nguyên có nhà máy sản xuất máy điện thoại Samsung, thu hút hơn 70.000 lao động. Ông chúc mừng và nói rằng chiếc điện thoại Samsung thay thế nhiều lao động, Hàn Quốc đang đối diện với nạn thất nghiệp.
Đượm tình đồng nghiệp
Ông Jong-Soon Woo, Tổng Biên tập, chủ bút tờ báo tư nhân của Hàn Quốc nhưng hết sức giản dị, cởi mở và gần gũi. Ông từng trải, giàu kinh nghiệm và dĩ nhiên là nhà báo giỏi. Ông bảo, thật vui khi được trao đổi với các đồng nghiệp đến từ Việt Nam.
Ông chia sẻ, năm 2019, ASIA Today cùng hãng thông tấn Nhà nước Yonhap News đã đặt được cơ quan thường trú tại Hà Nội. Từ đó việc đưa tin về Việt Nam nhiều và nhanh hơn. Tuy vậy, mỗi cơ quan do hạch toán chi phí cũng mới chỉ cử 1 phóng viên thường trú.
Ông đề nghị, Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục giúp đỡ, kết nối để các phóng viên gặp thuận lợi trong tác nghiệp tại Việt Nam. Về phía ASIA Today luôn sẵn sàng giúp đỡ các nhà báo Việt Nam khi tác nghiệp tại Hàn Quốc - Ông Jong nhấn mạnh.
Làm việc với hãng thông tấn Yonhap News, Hàn Quốc. Ảnh: TGCC
Ấn tượng YonhapNews
Một tuần ở Hàn Quốc, các nhà báo Việt Nam lần đầu tác nghiệp trên đất bạn, cái gì cũng thấy cần ghi chép, cần phản ánh. Bởi lẽ quan hệ giữa hai nước, hai dân tộc Việt - Hàn đã ở một tầm vóc cao, sâu đậm.
Từ ông Chủ tịch Hội đồng JeJu KimTae-suk dù rất bận với công việc cũng dành thời gian nửa buổi chiều tiếp anh em báo chí Việt Nam. Ông tận tình chia sẻ về sự phát triển của đảo và cả những thách thức về sự phát triển nóng của JeJu đang phải giải quyết. Hay ông JeonMyeong Jun, Chủ tịch HĐQT đảo Na My, một hòn đảo của tư nhân quản lý, kinh doanh du lịch thì không ngại giới thiệu về mô hình kinh tế, nghệ thuật quản lý kinh doanh của ông...
Sang thăm và làm việc với hãng thông tấn Yonhap News vẫn để lại ấn tượng tốt đẹp trong chúng tôi. Cũng như tình hình chung của báo chí thế giới khi đối mặt với sự thắng thế của mạng xã hội, kể cả tiện ích, tốc độ lẫn doanh thu. Tuy nhiên, Yonhap News dường như có sự chuẩn bị từ nhiều năm trước nên không hề lúng túng.
Về nền tảng, Hãng đã có đủ các loại hình báo chí, cung cấp thông tin ở tất cả các kênh, loại hình bên cạnh đó, đội ngũ phóng viên, biên tập viên cũng được hãng đào tạo bài bản, thành thạo sản xuất tin tức cho mọi loại hình báo chí.
Nhà báo Jin-Hyung nói với chúng tôi, “qua theo dõi về Việt Nam, tôi thấy báo chí Việt Nam đang rất phát triển, nhất là các đài truyền hình. Qua YouTube, có thể tiếp cận với tin tức bằng nhiều thứ tiếng từ báo chí Việt Nam phát đi. Đặc biệt Thainguyentelevision (Đài PT-TH Thái Nguyên) còn có hẳn bản tin và chương trình dạy tiếng Hàn Quốc (Korea) thật hữu ích...”.
Chủ tịch Hội Nhà báo Hàn Quốc Jung Kyu Sung trong cuộc làm việc đã nhấn mạnh, “tôi mong muốn quan hệ hợp tác giữa báo chí cũng như Hội Nhà báo hai nước Việt - Hàn sẽ phát triển sâu hơn thời gian tới. Trong tương lai không chỉ có sự trao đổi ở cấp Trung ương mà còn ở cấp Hội Nhà báo địa phương, tất cả vì phồn vinh của 2 đất nước”./.
Hữu Minh

63 tác phẩm xuất sắc đoạt Giải báo chí Thông tấn xã Việt Nam 2016

Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp đoàn doanh nghiệp Hong Kong (Trung Quốc)

Hoàn thiện kế hoạch giao vốn chương trình mục tiêu quốc gia

Xử lý vấn đề tồn tại của Công ty cổ phần Thể dục thể thao Việt Nam
