Một lần tác nghiệp ở xứ sở triệu voi

22/04/2020, 23:29

Một lần tác nghiệp ở xứ sở triệu voi - Nhiều năm làm báo, từng đi tác nghiệp nhiều nơi, từng tiếp xúc với nhiều người, tìm hiểu nhiều phong tục tập quán của những dân tộc khác nhau, song lần tác nghiệp tại huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn của nước bạn Lào đã để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc và nhiều cảm xúc...

Mỗi nét văn hóa, mỗi vùng đất, mỗi người dân luôn ẩn giấu nhiều đề tài thú vị cho các nhà báo. Ảnh: PV

Điểm tác nghiệp bất ngờ...

Cách đây khoảng 2 năm, tôi cùng đoàn một số nhà văn thuộc Hội Nhà văn Việt Nam được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa mời lên huyện Quan Sơn để viết bài quảng bá cho việc phát triển du lịch của vùng đất Thanh Hóa giáp với nước bạn Lào.

Sau khi được đồng chí Hà Thị Mai, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quan Sơn dẫn đi một số điểm du lịch tiêu biểu của huyện, chị dẫn chúng tôi lên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Na Mèo thăm và làm việc tại đó. Sau một thời gian làm việc, một đồng chí cán bộ của đồn đi cùng đoàn chúng tôi (là hướng dẫn viên kiêm phiên dịch) dẫn qua Cửa khẩu Na Mèo.

Đi khoảng 1km sang nước bạn Lào, là vùng đất thuộc huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn. Chúng tôi dừng lại trước một quán ăn nhỏ của gia đình vợ chồng người Lào còn rất trẻ. Đồng chí cán bộ đồn biên phòng giới thiệu: “Quán tuy nhỏ, nhưng đồ ăn rất ngon. Hơn nữa, vợ chồng chủ quán là những người rất nhiệt tình và vui vẻ”. Bữa sáng gồm xôi, gà nướng, măng luộc và vài món gì đó rất lạ.

Cô chủ quán trẻ, đẹp nhưng khi được đồng chí cán bộ đồn biên phòng giới thiệu (bằng tiếng Lào) đây là các nhà văn, nhà báo Việt Nam sang tìm hiểu phong tục, tập quán, chị tỏ ra thẹn thùng và lúng túng ra mặt. Nét chân chất, pha lẫn chút e thẹn khiến chị càng đẹp hơn.

Thấy được vẻ lúng túng, e dè đó, nhà văn, nhà báo bèn nổi hứng mời chị đứng ra làm “người mẫu” để chụp ảnh, quay phim (tất cả đều qua phiên dịch của đồng chí cán bộ đồn biên phòng). Để có được những bức hình, thước phim chân thực, các nhà văn, nhà báo yêu cầu chị vào mặc bộ trang phục truyền thống của Lào. Tưởng chị sẽ đồng ý, nhưng do dự chốc lát, chị từ chối với lý do, đang bận làm đồ ăn sáng cho khách.

Đồng chí cán bộ đồn biên phòng với vốn tiếng Lào không biết phong phú tới đâu, sau khi thuyết phục một hồi lâu, cộng với một số động tác cả tay và chân bèn quay ra nói với chúng tôi, cô ấy bảo: “Các bác cứ ăn sáng đi, cô ấy đã đồng ý vào thay trang phục để cho các bác tác nghiệp!”. Các nhà văn, nhà báo nghe vậy lấy làm phấn khích. Người thì lấy máy quay phim ra bấm thử, bác thì lấy máy ảnh ra lau chùi cẩn thận, rồi tất cả để sẵn lên bàn ngồi chờ.

Lào - Xứ sở triệu voi nổi tiếng với những người dân mến khách. Ảnh: TL

...Tới sự thú vị từ “người mẫu không chuyên”

Cả đoàn ngồi tán gẫu, không ai chịu ăn cả. Tất cả thống nhất với nhau: “Tác nghiệpxong rồi mới ăn cũng không muộn”. Chờ 15 phút, rồi 30 phút, rồi một hồi lâu nữa, chưa thấy cô gái ló mặt ra. Những câu chuyện gẫu cứ thưa và ngắt quãng dần.

Khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ sau, không chịu nổi nữa, mọi người đành giục nhau ăn sáng. Đúng lúc đó, cô gái rụt rè bước ra từ phía sau nhà với bộ trang phục truyền thống của người Lào, có lẽ còn mới tinh, đẹp mê hồn. Thấy vậy, cả đoàn nháo nhác đứng lên, trầm trồ bàn tán. Cô gái càng tỏ ra lúng túng hơn.

Nhưng khi thấy bữa sáng còn nguyên trên mặt bàn, chưa có ai đụng đũa, cô gái liền nói: “Sao các bác không ăn sáng đi? Đồ ăn nguội hết cả rồi!”. Bác nhà văn trưởng đoàn lên tiếng: “Chúng tôi nghĩ em vào thay đồ xong, sẽ ra ngay, nên cả đoàn bàn nhau chờ quay phim, chụp xong mới ăn cho thoải mái”.

Cô gái cười phá lên, hàm răng trắng sáng, đều tắp, khuôn mặt ửng hồng. Cô nói: “Trời ơi! Thay bộ trang phục này vào có phải như thay quần áo đâu! Phải mất cả tiếng đồng hồ các bác à!”. Nói xong, cô gái chỉ tay vào những chỗ buộc, chỗ cuốn, chỗ vấn và gấp trên chiếc váy. Một nhà văn hài hước: “Cô đẹp như thế, chỉ cần ngắm, không cần ăn cũng chẳng sao! Cứ thấy người đẹp mà lại mặc váy đẹp thế này là chúng tôi no cả rồi”.

Cả đoàn cũng cười phá lên, rất vui vẻ. Còn cô gái ngơ ngác một lúc vì không hiểu chúng tôi nói với nhau những gì, rồi cũng bật cười theo. Các tay máy lao ngay vào việc, mải mê quên luôn chuyện ăn uống, chạy ngược, chạy xuôi tác nghiệp. Được cái, cô gái rất nhiệt tình và hợp tác. Chúng tôi bảo cô tạo dáng hết đứng rồi đến ngồi; hết nghiêng phải rồi lại nghiêng trái; rồi đứng ngược sáng, xong lại ngả đầu xuôi ánh mặt trời. Quỳ trên sườn đồi rồi lội xuống suối...

Thế mới hay, khi các văn nghệ sĩ mải mê theo đuổi cái đẹp để sáng tác, việc ăn uống là chuyện nhỏ. Từ đó, cũng biết thêm được một nét phong tục “thay váy” của các cô gái Lào. Ăn trưa xong, cô gái mời đoàn mua măng khô do chính cô chặt từ trên rừng, rồi tự tay phơi. Các nhà văn vui vẻ, thay vì phải trả “cát-sê” cho người mẫu, đã mua cho cô gái mỗi người vài cân mang về Việt Nam làm quà. Khi cả đoàn lên xe, cô gái đứng trước cửa vẫy tay, cười rất tươi và chào to: “Chào các bác, xin cảm ơn và hẹn gặp lại!” bằng tiếng Việt rất sõi và sành điệu!

Khi mình được hiểu biết thêm những nét đẹp văn hóa trong cuộc sống vật chất, cũng như tinh thần của một vùng đất và những người dân sống trên vùng đất đó cũng là khi mình hiểu được đời sống tâm hồn, những khát vọng họ muốn vươn tới./.

Việt Thắng