Mỗi người Thầy phải thực sự là tấm gương sáng cho học sinh noi theo
21:51 15/11/2022
- Văn hóa xã hội
“Tôn sư trọng đạo” là một truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, thể hiện sự tôn kính của xã hội đối với nghề dạy học, đối với thầy - cô giáo. Ông cha ta đã dạy: “Muốn sang phải bắc cầu Kiều. Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”. Điều đó nói lên vai trò của thầy - cô giáo là người có trọng trách đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện và đưa thế hệ trẻ trưởng thành, thành đạt trong cuộc sống, sống có nhân nghĩa và làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Nói cách khác, xã hội đã đặt niềm tin đối với thầy - cô giáo trong sự nghiệp “dạy chữ, trồng người”
Giáo viên Trường THCS Vật Lại (Ba Vì - Hà Nội) tích cực đổi mới phương pháp dạy và học.
Mỗi người chúng ta đều trải qua quá trình học tập và quá trình đó sẽ thật khó khăn, truân chuyên biết bao nếu chúng ta không có sự giúp đỡ của các thầy cô giáo - những người giúp ta chập chững làm quen với kiến thức về thế giới xung quanh. Vì thế ta có thể thấy vai trò của người thầy cô trong nhà trường và việc giáo dục, truyền đạt kiến thức cho học sinh là vô cùng quan trọng. Không chỉ cung cấp kiến thức, thầy cô còn dạy bảo ta nên người toàn diện, định hướng hình thành nhân cách mỗi con người chúng ta, góp phần xây dựng những nhân tài của tương lai mai sau.
Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng đội ngũ trí thức, người ví tri thức như là “tài sản quý hiếm của dân tộc”. Trong đó Người đặc biệt đề cao vai trò của các thầy cô giáo - những người tham gia chủ yếu và trực tiếp vào sự nghiệp trồng người.
Và ngày nay, xã hội ngày càng phát triển đưa vai trò của người thầy ngày càng lên cao. Kiến thức là một biển trời rộng lớn bao la, một học sinh không thể nào tự nắm bắt chọn lọc. Thì lúc đó vai trò của người thầy càng thể hiện rõ hơn, họ sẽ là người chỉ đường dẫn lối đưa học sinh đến gần hơn với kiến thức. Một người thầy có trách nhiệm là không chỉ dạy chữ mà còn biết quan tâm, chăm sóc tìm hiểu về học sinh bằng cả trái tim và lòng bao dung. Biết đánh thức tiềm năng trong mỗi học sinh, khơi dậy và phát triển cái nội lực của học sinh. Qua đó đã cho thấy vai trò của người thầy trong nhà trường ngày nay đó là người mở đường để người học tự thân vận động nhiều hơn.
Giờ học sôi nổi của cô và trò Trường THCS Vật Lại (Ba Vì - Hà Nội).
Dạy học là một nghề, nhưng không nên quan niệm dạy học chỉ là một nghề như mọi nghề khác, vì xét về bản chất dạy học còn là đạo - đạo thầy - trò và bao trùm hơn, đó là đạo làm người, sống sao xứng đáng với con người, góp phần xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp, văn minh hơn.
Nhưng thật đáng buồn, những năm gần đây, dưới tác động tiêu cực bởi mặt trái của kinh tế thị trường, hình ảnh của thầy - cô giáo có nơi bị hoen ố bởi một số “con sâu làm sầu nồi canh”; một số thầy - cô giáo không có tâm, không đủ tầm, coi dạy học như một nghề kiếm sống, rồi nặng về thu nhập hơn chất lượng giáo dục - đào tạo, thậm chí biến nhà trường thành thương trường, biến sự dạy học thành quan hệ hàng hóa - tiền tệ, quan hệ thầy - trò trở thành quan hệ mua - bán; dùng tiền, vật chất, tình cảm, thậm chí quyền lực mua bán điểm, kết quả học tập, chứng chỉ, bằng cấp và bao tiêu cực khác…
Khi đã như vậy thì ý nghĩa cao đẹp của nghề dạy học không còn nữa. Những hiện tượng tiêu cực này tuy không phải là phổ biến, nhưng cũng không phải là số ít, làm xói mòn lòng tin của các bậc phụ huynh và xã hội đối với thầy - cô giáo và ngành giáo dục - đào tạo. Đây là biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, sự xuống cấp về đạo đức nhà giáo, bị các thế lực phản động, thù địch lợi dụng xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước ta đối với sự nghiệp giáo dục - đào tạo nước nhà. Điều này nếu không sớm có biện pháp khắc phục triệt để sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng nguồn nhân lực nước ta trong tương lai gần.
Vai trò của người thầy người cô trong nhà trường là rất rất quan trọng và cần thiết cho mỗi chúng ta. Đã có không ít những ca khúc, những áng văn thơ viết về người thầy, dù có nhiều hơn chăng nữa cũng không thể nói hết tình thương yêu mà các thầy cô đã dành cho các em học sinh. Trong chúng ta, ai cũng đã từng đến trường, đã từng có thầy có cô và đã từng “sang sông”, có thể giờ đây mỗi người có một vị trí xã hội khác nhau, công tác ở nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng chắc chắn rằng chúng ta không thể quên “người lái đò” năm xưa, bởi người Việt Nam luôn giữ đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.
Con đường đến với tri thức vốn gập ghềnh, gian nan. Trên con đường ấy thầy là người dẫn đường chỉ lối, người luôn đồng hành bên ta, giữ một vị trí quan trọng trong tâm thức của mỗi con người. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: "Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo. Các thầy cô giáo không những dạy chữ mà còn dạy người, họ cứ như cây thông trên sườn núi, cây quế giữa rừng sâu thầm lặng tỏa hương dâng hiến trí tuệ, sức lực cho đời”". Ngày 20/11 là dịp để các thế hệ học trò bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với những người thầy, để mọi ngành, mọi nghề và toàn xã hội chia sẻ niềm vui, tri ân tới những người đã góp công sức và tâm huyết cho sự nghiệp trồng người cao cả, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Vũ Thị Ánh Tuyết
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- “Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng" mang không khí vui tươi, ấm áp đến với công nhân viên chức, người lao động thủ đô (11:25 11/01/2025)
- PGS, TS Trần Thanh Giang làm Phó Giám đốc Học viện Hành chính và Quản trị công (09:43 08/01/2025)
- Dinh dưỡng toàn diện, Codoca vì sức khỏe cộng đồng (06:55 08/01/2025)
- Travel Off Path nêu lý do Đà Nẵng là điểm đến lý tưởng cho tín đồ “du mục kỹ thuật số” (06:04 07/01/2025)
- Điểm tựa nào giúp tuyển Việt Nam đánh bại Thái Lan? (07:05 06/01/2025)