Mâu thuẫn trong lĩnh vực giao thông hiện nay

22/04/2020, 23:29

Mâu thuẫn trong lĩnh vực giao thông hiện nay - Sự  bùng nổ của các dịch vụ giao thông hiện đại bên cạnh sự lạc hậu của những loại hình phương tiện giao thông truyền thống đang ngày càng làm gia tăng thêm những mâu thuẫn lớn trong sự phát triển chung của xã hội.

Thời đại của giao thông công nghệ cao

Thời gian gần đây, sự xuất hiện của những dịch vụ giao thông theo công nghệ hiện đại lần lượt xuất hiện và đem lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng.

Đánh vào tâm lí của khách hàng, các hãng công nghệ làm nhiệm vụ “môi giới” cho giao thông như” Grab, Uber,... luôn khiến người dân hài lòng bởi dịch vụ giá rẻ, nhanh và tiện lợi. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có cài đặt sẵn chương trình dịch vụ của hãng, người dùng có thể biết ngay được giá tiền và khoảng cách nơi mình sẽ đến.

Điều đặc biệt, Grab hay Uber đều không phải công ty hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải. Họ chỉ là “cầu nối” công nghệ giữa khách hàng và người phục vụ. Điều này đồng nghĩa với việc các hãng này sẽ “tuyển” nhân viên theo hình thức đăng kí tài khoản cho chủ xe mà không cần phân biệt trình độ, bằng cấp hay kĩ năng mềm.

Grab và Uber đang là những hãng dịch vụ đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân, Ảnh:TL

Việc làm này lúc đầu tưởng như chỉ có thể giúp những sinh viên xa nhà có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống nhưng hiện nay lại đang trở thành “cần câu cơm” của không ít người tha hương đến thành phố lớn tìm việc làm. Chỉ cần có điện thoại cảm ứng, thành thạo các bước nhận khách hàng qua đăng kí ứng dụng, có phương tiện cá nhân, giấy tờ tùy thân, biết đường và nộp phí cho hãng theo quy định bắt buộc thì ai cũng có thể trở thành thành viên của họ.  Đó có thể được xem là yêu cầu đơn giản nhất để tìm được một việc làm giữa đô thị lớn bon chen và khó khăn như Hà Nội.

Nhiều tài xế thuộc các hãng Grab, Uber thuộc hàng thu nhập khủng cho biết: Mỗi ngày chỉ cần đóng khoảng 15% phí cho công ty trong tổng thu nhập của mình. Còn lại, họ không phải trả tiền sân bãi, cước điện thoại, được đi vào những đoạn đường cấm taxi thường. So với taxi và xe ôm truyền thống thì thu nhập của những người lái xe  này cao hơn hẳn. Vì vậy, số người tham gia làm tài xế cho các hãng này ngày càng tăng lên đáng kể.

Sự bất đồng đan xen

Khi người tiêu dùng có nhiều hơn những sự chọn để tham gia giao thông bởi các phương tiện hiện đại thì sự nghèo nàn và lạc hậu của những phương tiện giao thông cũ càng được thể hiện rõ. Không đơn giản chỉ là việc giảm đi về số lượng xe ôm hay taxi truyền thống theo quy luật tồn tại mà còn là những xung đột giữa hai loại hình giao thông xuất phát tự sự đan xen tự phát của các phương tiện đi lại mà không có hướng giải quyết hợp lí.

Xe ôm tự do vốn là nghề được nhiều người dân tỉnh lẻ lựa chọn để kiếm sống. Họ không có bằng cấp, sống nghèo khó trong những dãy nhà trọ với mức sống thấp. Chưa kể, để có được một vị trí đứng đón khách, nhiều người còn phải chấp nhận đóng phí “bến bãi” cho một thế lực ngầm ở khu vực nhất định. Khốn khó là vậy nhưng nhiều người vẫn coi đây là kế sinh nhai tốt nhất có thể kiếm được ở một nơi đất chật người đông, giá sinh hoạt đất đỏ.

Bởi vậy, khi các hãng dịch vụ Grab, Uber ra đời kết nối một cách dễ dàng và tiện lợi giữa người lái xe và hành khách thì việc làm của những người xe ôm tự do trở nên khó khăn là không thể tránh khỏi. Họ cho rằng những tài xế của các hãng dịch vụ mới đã chặn đường sinh sống của mình bằng cách ngang nhiên cướp khách trên địa bàn của họ.

Từ bến xe, ngã ba đường hay cổng các trường đại học, nơi nào cũng dễ dàng thấy được hình ảnh những người đi xe ôm truyền thống lầm lũi, nghèo khó không mấy dễ chịu khi có những nhân viên mặc đồng phục Grab hay Uber đứng cạnh.

Các tài xế Grab thường tập trung tại một địa điểm nhất định để hạn chế việc bị xe ôm tự do gây khó dễ lúc đón khách: Ảnh TL

Sự phát triển đan xen của các phương tiện dịch vụ giao thông mà không có sự điều tiết và phân bổ hợp lí đã khiến không ít vụ việc xe ôm truyền thống đuổi đánh tài xế của Grab, gây hỗn loạn cả khu vực trong một thời gian dài.

Nhiều người cho rằng đang có một cuộc cạnh tranh không công bằng giữa các hãng dịch vụ giao thông và những người làm nghề xe ôm, taxi tự do. Không có một cơ chế nào đảm bảo cho sự phát triển cân bằng và đồng đều cho các phương tiện trong lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ.

Với người tiêu dùng, việc lựa chọn dịch vụ hay phương tiện giao thông sao có lợi nhất cho mình chính là ưu tiên hàng đầu của họ khi ra đường còn việc phổ biến dịch vụ xe ôm, taxi công nghệ công nghệ cao hay giữ lại xe ôm, taxi truyền thống không phải là điều đáng bận tâm của họ. Vì vậy, việc đảm bảo cho ngành giao thông ngày một văn minh và phát triển hơn đang đặt ra một câu hỏi lớn đối với những người thực thi nhiệm vụ quản lí pháp luật hiện nay.

 

Ngọc Huyền