Luật hóa các chính sách khai thác tận thu đặc thù

00:00 26/10/2022 - Pháp luật
Chiều 25.10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này.

Cân nhắc điều chỉnh quy định về thẩm quyền phê duyệt hợp đồng dầu khí

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Ba, dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 11 chương và 69 điều (trong đó, có 38 điều sửa đổi, bổ sung nội dung, 22 điều chỉnh sửa câu chữ, kỹ thuật văn bản, bãi bỏ 6 điều, bổ sung 11 điều và giữ nguyên 4 điều).

Về hợp đồng dầu khí quy định tại Chương IV dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, một số ý kiến đề nghị cân nhắc điều chỉnh quy định về thẩm quyền phê duyệt hợp đồng dầu khí. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, hợp đồng chia sản phẩm dầu khí là thoả thuận pháp lý quan trọng giữa Nhà nước và nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí (nhà đầu tư dầu khí), ràng buộc quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia thực hiện hoạt động tìm kiếm thăm dò, khai thác tài nguyên dầu khí quốc gia, có tính chất dài hạn, có nhiều nội dung đặc thù có liên quan đến quốc phòng, an ninh, chủ quyền, mặt biển... Vì vậy, cần thiết quy định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt toàn bộ nội dung hợp đồng dầu khí, kế thừa quy định của Luật Dầu khí hiện hành. Ngoài ra, dự án Luật đã được tiếp thu ý kiến ĐBQH, thiết kế theo tinh thần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, Thủ tướng Chính phủ chỉ quyết định một số nội dung quan trọng như: phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí, nội dung hợp đồng dầu khí… Vì vậy, đề nghị giữ quy định như tại dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5.2022).

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu_Ảnh: Lâm Hiển

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Vũ Hồng Thanh, có ý kiến đề nghị rà soát các quy định của các luật có liên quan về hợp đồng để bảo đảm sự thống nhất. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, các quy định về hợp đồng dầu khí đã được rà soát, hoàn thiện để quy định những nội dung đặc thù của hợp đồng dầu khí. Trong đó, đối với quy định về tiếp nhận mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí từ nhà thầu trước khi hợp đồng dầu khí hết thời hạn, xin chỉnh sửa dự thảo Luật theo hướng: Bổ sung Điều 40 quy định về quyền của nhà đầu tư đang thực hiện hợp đồng dầu khí được đề xuất hợp đồng dầu khí mới trước khi hợp đồng dầu khí hết thời hạn; quy định về việc xem xét, phê duyệt chỉ định nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí mới trong trường hợp này và về việc sử dụng thông tin, dữ liệu, tài liệu, mẫu vật, công trình dầu khí và tài sản khác đã được lắp đặt, đầu tư trong cùng diện tích hợp đồng để thực hiện hoạt động dầu khí; bổ sung tương ứng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 21 về trường hợp chỉ định thầu. Bên cạnh đó, bổ sung, chỉnh sửa quy định tại Điều 41 về tiếp nhận mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí từ nhà thầu khí hợp đồng dầu khí hết thời hạn; giao Chính phủ quy định một số nội dung cụ thể.

Quy định về mỏ dầu khí tận thu là điểm đột phá quan trọng

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với các ý kiến tiếp thu giải trình của Ủy ban Kinh tế cũng như nội dung của dự thảo Luật. ĐBQH Trần Thị Thu Phước (Kon Tum) đánh giá, dự thảo luật lần này đã bổ sung nhiều quy định đảm bảo an ninh, quốc phòng trong hoạt động dầu khí. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định nguyên tắc: tổ chức, cá nhân tiến hành điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí phải tuân thủ quy định về quốc phòng an ninh, an toàn sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên, bảo tồn di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh và di sản văn hóa.

ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa – Vũng Tàu) nhấn mạnh, hoạt động dầu khí có tính chất đặc thù, có tính rủi ro cao, do tại thời điểm ký kết hợp đồng chưa thể lường hết được các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả tìm kiếm, thăm dò dầu khí, phát triển mỏ dầu khí và khai thác dầu khí. Do vậy, đại biểu cho rằng các quy định điều chỉnh liên quan đến mỏ dầu khí tận thu và các quy định về chính sách ưu đãi trong lĩnh vực dầu khí nói chung và mỏ dầu khí khai thác tận thu nói riêng là một điểm quan trọng đột phá của dự thảo Luật lần này.

ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu_Ảnh: Lâm Hiển

Ngoài ra, các cơ chế ưu đãi để thu hút đầu tư không còn thực sự hấp dẫn so với các nước trong khu vực. Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng cho rằng, đây chính là rào cản cho các đối tác muốn đầu tư vào hoạt động dầu khí tại Việt Nam. Vì vậy, để có thể tiếp tục hoạt động khai thác, tận thu mỏ dầu khí, thực sự nâng cao hiệu quả kinh tế, đóng góp vào ngân sách nhà nước, đối với việc khai thác các mỏ này, đại biểu cho rằng, cần có quy định thật cụ thể để luật hóa các chính sách khai thác tận thu đặc thù, phân biệt với cơ chế phân chia sản phẩm và nguyên tắc thu hồi chi phí của hợp đồng chia sản phẩm dầu khí; đề nghị Chính phủ cần sớm nghiên cứu quy định chi tiết chính sách này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu_Ảnh: Lâm Hiển

Liên quan đến nội dung về thực hiện quyền tham gia, quyền ưu tiên mua trước, quyền lợi tham gia trong hợp đồng dầu khí, mặc dù cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo đã có tiếp thu, giải trình và chỉnh lý, tuy nhiên theo ĐBQH Phạm Thúy Chinh (Hà Giang), dự thảo Luật vẫn cần phải quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn để tạo cơ sở pháp lý cho các trường hợp nhận chuyển giao quyền lợi tham gia hợp đồng dầu khí trong trường hợp đặc biệt. Cụ thể, cần nghiên cứu thiết kế theo hướng tách khoản quy định về nội dung này trong dự thảo Luật thành một Điều luật riêng về nhận, chuyển giao toàn bộ quyền lợi tham gia các dữ liệu công trình dầu khí của nhà thầu trong trường hợp nhà thầu quyết định rút khỏi hợp đồng dầu khí vì lý do đặc biệt. Đồng thời, theo đại biểu, nên giao cho Chính phủ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục tiếp nhận cơ chế theo dõi, quản lý cơ chế tài chính, quy định trách nhiệm của Tập đoàn dầu khí, Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan trong tổ chức thực hiện Điều luật này.

Theo Báo Đại biểu Nhân dân

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top