Lễ hội Đền Bà Triệu - Nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử và truyền thống yêu nước hào hùng của dân tộc
14:10 21/03/2025
- Văn hóa xã hội

Đồng chí Nguyễn Doãn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa và đại biểu dâng hương tưởng nhớ công lao to lớn của Anh hùng dân tộc
Phát biểu diễn văn khai hội, đồng chí Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa khẳng định: Cuộc khởi nghĩa Bà Triệu là một trong những trang sử vàng - chói lọi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Bà Triệu là nữ anh hùng dân tộc kế tục xuất sắc sự nghiệp vĩ đại của Hai Bà Trưng; làm vẻ vang truyền thống yêu nước; khơi dậy và nuôi dưỡng ý chí bất khuất, kiên cường của các thế hệ phụ nữ Việt Nam sau này “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Dân tộc ta đời đời ghi nhớ công ơn và mãi mãi tự hào về nữ anh hùng Triệu Thị Trinh.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa Phạm Nguyên Hồng phát biểu diễn văn tại buổi lễ
Bà Triệu (tên gọi là Triệu Thị Trinh hay cũng gọi là Triệu Ẩu, Triệu Trinh Nương) và cuộc khởi nghĩa của Bà đã "làm chấn động toàn cõi Giao Châu" đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam, in đậm trong tâm trí, tình cảm mỗi người dân Việt Nam như một huyền thoại. Theo sử sách, Bà Triệu sinh ngày mồng 2 tháng 10 năm Bính Ngọ - 226, tại vùng đất Quan Yên (nay thuộc xã Định Tiến, huyện Yên Định), lúc còn nhỏ, với chí khí hơn người, được nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, binh thư, võ nghệ; lớn lên, Bà trở thành một người phụ nữ dũng cảm, mưu trí, có sức khỏe phi thường. Thời kỳ đó, nhân dân xứ Giao Châu chịu sự bóc lột hà khắc, sự đàn áp dã man của giặc Đông Ngô; nhân dân ta phải sống cảnh lầm than, khổ cực. Sục sôi ý chí nổi dậy chống lại sự thống trị tàn bạo của chính quyền phong kiến phương Bắc, Bà Triệu cùng anh trai là Triệu Quốc Đạt - một huyện lệnh trong vùng đất Cửu Chân đã giương cao ngọn cờ tụ nghĩa, kêu gọi hào kiệt bốn phương, nhân dân khắp vùng đứng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm.
Hình ảnh rước kiệu
Triệu Thị Trinh với khí phách mãnh liệt: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá Kình ở biển Đông, đánh đuổi giặc Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tỳ thiếp cho người ta”; đầu năm 248, ở tuổi đôi mươi, Bà và nghĩa quân của mình từ núi rừng Ngàn Nưa đã tràn xuống phá thành Tư Phố. Sau nhiều trận bị thất bại nặng nề, quan, quân triều đình nhà Ngô vô cùng hoảng sợ, chúng đã phải phải thốt lên rằng: "Múa ngang ngọn dáo chống hổ dễ/Đối mặt Vua Bà thật khó ghê!" Mặc dù, đã giao tranh với địch bằng tinh thần quả cảm, bất khuất, ý chí và nghị lực phi thường… Song, do tương quan lực lượng quá chênh lệch cùng với sự tàn bạo và thủ đoạn thâm độc, đê hèn của kẻ thù, nghĩa quân của Bà Triệu gặp phải muôn vàn khó khăn; và trong một trận giao tranh ác liệt vào ngày 22 tháng 2 năm Mậu Thìn - 248, Bà Triệu đã anh dũng hy sinh trong sự tiếc thương vô hạn và kính phục của bách tính muôn phương.
Tiết mục tái hiện lại hình ảnh chống giặc ngoại xâm của Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh
Với tấm lòng thành kính, khâm phục dành cho người phụ nữ có tài trí, võ nghệ hơn người, có ý chí quật cường, dám vượt lên quan niệm của xã hội lúc bấy giờ để xả thân vì một nền độc lập, tự do của dân tộc; vào giữa thế kỷ thứ VI, ngay khi lập nước Vạn Xuân, Lý Nam Đế đã phong thần cho Bà; đồng thời cho xây dựng lăng mộ và lập đền thờ Bà cùng các tướng lĩnh của cuộc khởi nghĩa dưới chân núi Tùng, làng Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc để lưu danh muôn đời: "Tùng Sơn nắng quyện mây trời/ Dấu chân Bà Triệu rạng ngời sử xanh"…
Lê Thanh
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Về với địa chỉ đỏ “ thiêng liêng” của dân tộc (09:45 30/03/2025)
- Tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh bảo vệ môi trường, hưởng ứng giờ trái đất 2025 (11:08 24/03/2025)
- Vai trò của báo chí trong hành trình bảo tồn di sản văn hóa dân tộc (04:31 17/03/2025)
- Giải Báo chí toàn quốc về công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2025 (02:35 26/02/2025)
- Nét đặc sắc trong lễ hội Gàu Tào vùng cao Yên Bái (02:35 18/02/2025)