“Lá chắn” nào để nhà báo tác nghiệp an toàn?
17:13 19/07/2016
- Pháp luật
Theo báo cáo điều tra của Trung tâm Nghiên cứu
Truyền thông phát triển (RED Communication), 96% số
phóng viên tham gia trả lời khảo sát cho biết đã từng bị
cản trở trong quá trình tác nghiệp. Từ năm 2011 - 2015,
mỗi năm có khoảng 40 vụ cản trở phóng viên tác
nghiệp, trong đó 30% số vụ hoàn toàn do lỗi của phóng
viên, nhà báo do tác nghiệp không đúng quy trình và
chuẩn mực. Chính vì thế, một trong những kiến nghị
được đưa ra là nhà báo trong quá trình tác nghiệp, cần
phải được trang bị kiến thức và kỹ năng cơ bản có thể
bảo đảm tác nghiệp an toàn.
Phóng viên tác nghiệp bị cản trở. Ảnh minh họa
Nhà báo đang bị động
Khảo sát thực hiện tháng 5/2016 của RED Communication về trải nghiệm bị cản trở tác nghiệp của phóng viên cho thấy, môi trường tác nghiệp đang ngày càng trở nên phức tạp hơn, với mức độ gia tăng rủi ro cao hơn. Với 96% số phóng viên trả lời từng bị cản trở tác nghiệp cao hơn nhiều so với mức 88% trong khảo sát năm 2011, trong đó 35% từng bị cản trở nhiều hơn 5 lần. Đáng chú ý là, trong nhiều vụ tấn công, có một phần không nhỏ các vụ việc có nguyên nhân từ tác nghiệp không đúng quy trình và chuẩn mực của phóng viên. Nhà báo Phan Hữu Minh, Ủy viên ban Thường vụ, Trưởng ban Kiểm tra hội nhà báo Việt nam cho rằng, văn hoá, chuẩn mực và mức độ tuân thủ quy trình tác nghiệp, đạo đức nghề nghiệp báo chí đã thay đổi theo chiều hướng tiêu cực. uy tín và vị thế xã hội của người làm báo trong cảm nhận và đánh giá của công chúng, đặc biệt là doanh nghiệp, sụt giảm đáng kể. Điều này đã làm gia tăng đáng kể rủi ro bị cản trở và tấn công của người làm báo. Về khách quan có thể thấy, sự tương tác của một loạt yếu tố gồm sự gia tăng nhanh chóng số lượng các cơ quan hoạt động báo chí và ấn phẩm báo chí; áp lực cạnh tranh thông tin; áp lực nguồn thu và môi trường cạnh tranh trong kinh doanh thiếu lành mạnh và minh bạch; đã tạo hệ quả theo chiều hướng xấu lên tác nghiệp báo chí.
Một số tờ báo đang khai thác lợi thế thông tin vụ án rất “lá cải”; một số nhà báo đang hành nghề với sức mạnh của các cơ quan chủ quản. Tình trạng lạm dụng quyền lực và sử dụng “thông tin án” của các cơ quan chủ quản để quấy rối doanh nghiệp và các cơ quan địa phương đang tạo ra những ức chế và trở thành nguyên nhân của một số vụ bạo hành nhà báo.
Cần trang bị kiến thức pháp lý, kỹ năng tác nghiệp
Thiếu hụt kiến thức pháp lý; Không có luật sư tư vấn cho nhà báo trong các vụ việc làm điều tra phức tạp; mơ hồ giữa vai trò điều tra của cơ quan tố tụng/điều tra với vai trò tìm kiếm sự thật... đang là “rào cản” trong hoạt động tác nghiệp của nhà báo. mỗi khi có rủi ro xảy ra, nguồn hỗ trợ hiệu quả cao nhất đối với các nhà báo, phóng viên chính là nhóm bạn bè, đồng nghiệp, tiếp đến là tòa soạn. Còn sự tư vấn, hỗ trợ từ hội nhà báo, tổ chức phi chính phủ còn hạn chế. các Sở Thông tin & Truyền thông, chính quyền địa phương, công an cũng có thể hỗ trợ phóng viên khi có hiện tượng xâm phạm nghiêm trọng như xúc phạm, hành hung.
“Vừa rồi có sự thay đổi tích cực là ra đời nghị định 159 của chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, trong đó quy định việc cản trở, hành hung phóng viên được xử lý theo hướng có tình tiết tăng nặng chứ không chỉ xử lý hành chính thông thường như trước. Tuy nhiên, số lượng vụ việc áp dụng theo nghị định 159 trong thực tế vẫn chưa nhiều, vẫn còn khoảng cách giữa chính sách pháp lý với thực thi”, ông nguyễn Quang Đồng, chuyên gia truyền thông chia sẻ.
Theo nhà báo Phan Hữu Minh, cần phân định rõ chuyện nhà báo bị cản trở tác nghiệp và những người tập làm nghề bị cản trở tác nghiệp. Vì nhiều khi những bạn mới vào nghề, tập làm nghề chưa được trang bị cách hành xử và đã tự mình tạo nên những mâu thuẫn không cần thiết và không bảo vệ được mình.
Nhiều chuyên gia, nhà báo cho rằng, hiện nay, phóng viên đặc biệt là những phóng viên trẻ đang thiếu hụt các kỹ năng và kiến thức nền tảng để có thể đảm bảo tác nghiệp an toàn. chất lượng các chương trình đào tạo phóng viên từ các trường báo chí chính quy chưa hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn nghề nghiệp đối với những người hành nghề báo chí. Sự thiếu hụt nghiêm trọng kỹ năng làm báo của những người mới tốt nghiệp; cộng thêm việc các toà soạn, đặc biệt là toà soạn ở các báo quy mô nhỏ và vừa không có đủ nguồn lực, không đủ quan tâm cần thiết cho việc đào tạo phóng viên, có chăng cũng chỉ dừng lại ở việc cung cấp bộ quy trình tác nghiệp mà không có hướng dẫn hay giới thiệu cụ thể về các quy tắc này; để lại hệ quả là phóng viên trẻ không có đủ kỹ năng, năng lực cần thiết để tác nghiệp. Kết quả là phóng viên rơi vào “bẫy kép” - tác nghiệp dưới chuẩn và gia tăng nguy cơ bị cản trở, bị tấn công.
Có thể nói, để đảm bảo một môi trường tác nghiệp an toàn, trước hết bản thân các nhà báo, phóng viên cần tác nghiệp đúng chuẩn mực, quy trình cũng như đạo đức nghề nghiệp báo chí; thứ nữa các dịch vụ đào tạo người làm báo cũng cần có sự thay đổi căn bản trong tiếp cận, chú trọng các kiến thức và kỹ năng tác nghiệp ứng dụng trong thực tiễn. Đối với những vụ việc phức tạp cần có tư vấn pháp lý từ chuyên gia nhằm tránh rủi ro pháp lý cho phóng viên./.
Thùy Dung
© Tạp chí Người Làm Báo số 389 - Tháng 7/2016
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Chuyển đổi hoạt động của cơ quan nhà nước lên môi trường điện tử (02:38 24/10/2024)
- Hỗ trợ cơ quan báo chí tháo gỡ khó khăn trong xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật (10:49 19/06/2024)
- Quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ. (05:23 10/05/2024)
- Quy định mới về học phí (04:48 03/01/2024)
- Những chính sách nổi bật có hiệu lực trong tháng 1/2024 (09:25 27/12/2023)