Kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông (1994 - 2024): Những kỷ niệm khó quên
11:32 21/10/2024
- Diễn đàn
Trong 33 năm làm việc ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền, tôi có 30 năm gắn bó với Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông, cho dù tôi không phải trực tiếp biên chế công tác tại đây.
“Nhân duyên” đến với tạp chí ngay từ những ngày đầu tiên để chuẩn bị cho ra đời ấn phẩm Thông tin lý luận và Nghiệp vụ, Báo chí và Tuyên truyền (tháng 11/1993). Hiện nay, tôi vinh dự là Ủy viên Hội đồng biên tập của tạp chí. Được chứng kiến những bước trưởng thành và phát triển của tạp chí, thấy rất vui là mình cũng đã góp một phần nhỏ bé và cũng là nơi giúp mình trưởng thành trong công tác suốt chặng đường 30 năm qua. Nhân dịp kỷ niệm 30 năm xuất bản Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông, xin viết lại những kỷ niệm khó quên khi được gắn bó với tạp chí học thuật hàng đầu trong lĩnh vực lý luận chính trị và báo chí, truyền thông.
Bước khởi đầu cho ra đời Tạp chí Báo chí và Tuyên truyền
Tháng 9/1993, sau khi tốt nghiệp văn bằng đại học thứ hai ngành Báo chí, tôi được nhà trường giữ lại làm giảng viên Khoa Báo chí, Phân viện Báo chí và Tuyên truyền (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Lúc này, tôi được Ban Chủ nhiệm Khoa phân công trực môn và chuẩn bị bài giảng các môn học thuộc chuyên ngành báo in, gồm: Kỹ thuật nghiệp vụ báo in, các loại hình báo in, trình bày báo, văn nghệ báo in.
Mặc dù được đào tạo về sư phạm, báo chí và có kinh nghiệm làm báo, nhất là về nghiệp vụ xuất bản báo in, nhưng tôi vẫn không khỏi lo lắng, khi thấy được giao nhiều nhiệm vụ “quá sức”. Lúc đó thầy Tạ Ngọc Tấn, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Báo chí (nhà báo Hữu Thọ lúc đó là Tổng Biên tập Báo Nhân Dân làm Trưởng khoa danh dự Khoa Báo chí) giao nhiệm vụ cho tôi phải trực môn, tiếp cận giảng dạy ngay từ khóa 8 đồng thời phải gắn kết với các tòa soạn để đi thực tế, thực hành nâng cao nghiệp vụ báo chí, tổng kết thực tiễn, soạn giảng phục vụ công tác đào tạo báo chí tại nhà trường.
Cuối tháng 10/1993, thầy Tạ Ngọc Tấn nhắn tôi lên phòng làm việc uống trà, trao đổi công việc. Lúc đó trụ sở làm việc của Khoa Báo chí ở tầng 2 căn nhà hai tầng nằm ở đầu hồi tòa nhà giảng đường lớn của trường. Đây là tòa nhà khang trang nhất của nhà trường, mới được đưa vào sử dụng lúc đó. Phòng làm việc của thầy Tạ Ngọc Tấn có bộ tràng kỷ cổ rất đẹp. Thầy Tạ Ngọc Tấn “khoe”, đây là kỷ vật được đưa về từ dinh Hoàng Cao Khải (là nhà văn, nhà sử học và là đại thần thân Pháp dưới triều vua Thành Thái trong lịch sử Việt Nam). Trước đây, bộ tràng kỷ này được kê ở phòng làm việc của thầy Tô Huy Rứa, Giám đốc Phân viện Báo chí và Tuyên truyền. Sau khi phòng làm việc của thầy Tô Huy Rứa được “nâng cấp”, nên khoa “xin” về dùng và cũng là lưu giữ bộ đồ cổ quý. Bây giờ, bộ tràng kỷ vẫn còn được sử dụng tại Viện Báo chí - Truyền thông.
Thầy Tạ Ngọc Tấn nói, thầy Tô Huy Rứa chỉ đạo xây dựng đề án, xin giấy phép để xuất bản một ấn phẩm báo chí của nhà trường. Lãnh đạo nhà trường giao nhiệm vụ quan trọng này cho Khoa Báo chí chuẩn bị. Em tham gia cùng với các thầy cô để chuẩn bị cho xuất bản số nội san đầu tiên nhé, cũng là cơ hội để thực hành đào tạo báo chí... Tôi hỏi, cụ thể sẽ tham gia những công việc gì? Thầy Tạ Ngọc Tấn chỉ đạo tham gia hoàn thành các thủ tục cấp phép, tổ chức nội dung, tập hợp bài vở, biên tập, thiết kế măng-sét, trình bày báo (thiết kế trang bìa, các chuyên trang, chuyên mục), rồi cả tính toán chi phí in ấn, làm việc với nhà in để sản xuất sản phẩm.
Thời điểm đó, việc để được cấp phép xuất bản một ấn phẩm báo chí không mấy dễ dàng nhưng cuối cùng Bộ Văn hóa - Thông tin cũng chính thức cấp Giấy phép xuất bản nội san Báo chí và Tuyên truyền, thầy Tạ Ngọc Tấn trao đổi với tôi gặp nữ nhà báo Sông Lam (là cựu học viên báo chí khóa 2, lớp Báo B, lúc đó là Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí, Bộ Văn hóa - Thông tin) để nhận Giấy phép mang về. Giấy phép xuất bản số 2554/BC của Bộ Văn hóa - Thông tin ghi “Cho phép Phân viện Báo chí và Tuyên truyền xuất bản ấn phẩm Báo chí và Tuyên truyền. Ấn phẩm thông tin lý luận và nghiệp vụ phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng...”. Theo giấy phép xuất bản, ấn phẩm xuất bản mỗi quý một số, lưu hành nội bộ; ngoài 4 trang bìa, ấn phẩm định dạng 48 trang, và thực hiện quy định nộp lưu chiểu…
Thế là chúng tôi tổ chức, thực hiện, chuẩn bị các công việc cho xuất bản nội san Báo chí và Tuyên truyền số đầu tiên với tinh thần hoàn toàn tự nguyện, đầy trách nhiệm (tất cả đều kiêm nhiệm, không có bất kỳ một chế độ đãi ngộ nào). Ban Biên tập lúc đó đều là kiêm nhiệm, gồm có thầy Tô Huy Rứa, Giám đốc Phân viện Báo chí và Tuyên truyền làm Tổng Biên tập; Phó Tổng Biên tập là thầy Trịnh Đình Thắng (Trưởng phòng Khoa học) và thầy Trần Văn Hải (Phó Trưởng khoa Xuất bản). Lúc đó ở Khoa Báo chí, thầy Tạ Ngọc Tấn được giao trách nhiệm lo các thủ tục cấp phép và tổ chức triển khai xuất bản. Tôi và thầy Nguyễn Đình Hòa (giảng viên Khoa Báo chí) được thầy Tạ Ngọc Tấn phân công nhiệm vụ tập hợp bài vở của cán bộ, giảng viên trong nhà trường và của các nhà nghiên cứu, hoạt động thực tiễn bên ngoài, sau đó tiến hành biên tập, thiết kế, trình bày ma-két các trang bìa, ruột, đồng thời làm việc với nhà in để chế bản, in ấn sản phẩm.
Mỗi người một việc, cuối cùng cũng làm nên hình hài ấn phẩm Báo chí và Tuyên truyền số đầu tiên. Tôi vinh dự được giao nhiệm vụ thiết kế măng-sét, đồng thời chuẩn bị ý tưởng cho hình ảnh trang bìa 1 và bìa 2, 3, 4; thiết kế trang mục lục, dự thảo nội dung “Cùng bạn đọc”, thiết kế tiêu đề trang, các chuyên trang, chuyên mục, định dạng lề, bát chữ, cột báo, kiểu, cỡ chữ, màu in... Trước đó, tôi đã thiết kế măng sét cho khá nhiều tờ báo, tạp chí nên công việc này cũng không mấy gặp khó khăn. Tuy nhiên, do lúc này cá nhân và nhà trường chưa được trang bị máy vi tính và các phần mềm thiết kế, nên tôi hoàn toàn phải vẽ chữ “Báo chí và Tuyên truyền” thủ công bằng tay, vì thế mà độ tinh xảo của măng-sét còn chưa được như mong muốn. Tôi phải chỉnh khá nhiều lần mới hoàn thiện được cái măng-sét “Báo chí và Tuyên truyền” ưng ý. Khi trình duyệt măng sét, các đồng chí lãnh đạo nhà trường cũng nhất trí.
Về chọn ảnh “đinh” cho trang bìa 1 của ấn phẩm, rất may, các đồng chí có trách nhiệm đều tin tưởng “trao quyền” để tôi quyết định ý tưởng. Tôi cũng cố gắng đưa ra các ý tưởng về hình ảnh, đồng thời tiến hành chụp ảnh cho trang bìa 1 của ấn phẩm. Lúc này, cùng khóa học với tôi, có anh La Vũ Quang, công tác ở Báo Cao Bằng (sau là Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Cao Bằng), cũng được nhà trường giữ ở lại làm giảng viên tổ bộ môn ảnh. Anh Dương Thế Hoàn (sau là Quyền Tổng Biên tập Báo Đắk Lắk) là một người mê chụp ảnh, cùng học chung lớp với chúng tôi. Khi đó, anh Dương Thế Hoàn chưa về lại Báo Đắk Lắk, nên vẫn “tá túc” trong ký túc xá của nhà trường. Biết hai anh có máy ảnh “xịn”, lại đam mê chụp ảnh, nên tôi “đặt vấn đề” nhờ hai anh chụp ảnh bìa 1 cho ấn phẩm. Lúc này, chưa có máy ảnh kỹ thuật số. Hai anh chụp ảnh bằng máy cơ. Phim màu lúc đó mua đắt lắm, nên khi bấm máy người chụp phải tiết kiệm từng kiểu phim.
Thế rồi “trăm bó đuốc cũng bắt được một con ếch”, anh Dương Thế Hoàn cũng chớp được một khoảnh khắc ảnh khá ấn tượng. Đó là bức ảnh chụp cảnh những nữ sinh viên đại học báo chí khóa 10 và 11 của nhà trường mặc áo dài tha thướt, đi từ ký túc xá lên giảng đường. Hình ảnh này rất hiếm ở trong một ngôi trường của Đảng, vì lâu nay chủ yếu học viên là cán bộ trung tuổi trở lên đi học. Lúc này, Khóa 10 và 11 của Nhà trường bắt đầu tuyển sinh đối tượng vừa tốt nghiệp trung học phổ thông vào học, nên người trẻ khá nhiều. Trong ảnh tiền cảnh là đoạn đường cong của ký túc xá hai bên hoa đồng nội nở rất đẹp (xem ảnh). Xa xa là ngôi nhà cao tầng ký túc xá mới đưa vào sử dụng, nhìn cũng bề thế. Bức ảnh bố cục hình chữ nhật nằm ngang, phù hợp cho thiết kế trang bìa với măng-sét và các thông tin liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của ấn phẩm... Do còn thiếu phương tiện kỹ thuật, nên tổng thể trang bìa 1 của ấn phẩm được tôi thể hiện bằng phương pháp cắt dán thủ công, sau đó chuyển cho nhà in chụp lại, tách màu. Rồi phương án thiết kế, trình bày trang bìa 1 của ấn phẩm đã thành công. Các trang bìa còn lại, chúng tôi chọn một số hình ảnh tư liệu tiêu biểu hoạt động của nhà trường để giới thiệu...
Bìa 1 số đầu tiên Tạp chí Báo chí và Tuyên truyền, tiền thân của Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông, xuất bản tháng 11/1993
Trang mục lục, “Cùng bạn đọc” và các chuyên trang, chuyên mục, tôi phải thiết kế bằng bản ma-két giấy, sau đó chuyển cho nhà in để dàn trang, chế bản bằng máy vi tính. Công việc này được “phó mặc” cho bộ phận kỹ thuật của nhà in. Lúc này, tôi đang cộng tác với Tạp chí Vietnam Business và Tạp chí Thương mại của Trung tâm Thông tin, Bộ Thương mại, số 46 phố Ngô Quyền, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội nên cũng quen biết một số người làm việc tại nhà in. Tôi gặp anh Nguyễn Văn Út, phụ trách nhà in đặt vấn đề in ấn phẩm Báo chí và Tuyên truyền.
Cũng phải mất khoảng hai tuần đến làm việc cụ thể với nhà in cho đến lúc có bản bông sửa mo-rát các trang bìa, ruột ấn phẩm. Tôi và anh Nguyễn Đức Tám nhân viên làm việc ở bộ phận chế bản của nhà in miệt mài thực hiện các công việc liên quan đến chế bản ấn phẩm. Anh Nguyễn Đức Tám lúc đó là công nhân mới từ Mỏ Apatit (Lào Cai) về. Sau này, anh Nguyễn Đức Tám trở thành phóng viên ảnh và là lãnh đạo ban biên tập ảnh của Thông tấn xã Việt Nam. Anh Nguyễn Đức Tám còn là phóng viên ảnh chuyên trách hai nhiệm kỳ của Thủ tướng Chính phủ. Sau này, mỗi lần gặp lại, anh Nguyễn Đức Tám thường bảo là có duyên trở thành phóng viên ảnh chính là nhờ những lần đam mê cắt, dán, lên ma-két ảnh cho ấn phẩm Báo chí và Tuyên truyền.
Các bài viết trong ấn phẩm đầu tiên này, phải kể công đóng góp của các thầy cô giáo, nhà quản lý, nhà khoa học tiên phong viết bài cộng tác. Có thể kể tên một số bài “đinh” với tựa đề như: Bài “Những bước trưởng thành của Phân viện Báo chí và Tuyên truyền” của PTS Tô Huy Rứa, Giám đốc Phân viện (sau này là Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương); bài “Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam - Những niềm vui và nỗi lo” của PGS, NGUT Lê Thế Lạng, Phó Giám đốc Phân viện; bài “Hướng dẫn tư tưởng quần chúng là công tác cách mạng cơ bản thường xuyên” của nhà báo Hoàng Tùng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương; bài “Một số suy nghĩ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ báo chí” của nhà báo Phan Quang, Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; bài “Mục tiêu, chương trình đào tạo cán bộ tuyên truyền bậc đại học giai đoạn hiện nay” của PTS Lương Khắc Hiếu, Phó Trưởng khoa Tuyên truyền (sau này là Quyền Giám đốc Học viện); bài “Vấn đề phân loại tác phẩm báo chí” của PTS, TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Báo chí (sau này là GS, TS, Giám đốc Học viện; là Ủy viên Trung ương Đảng); bài “Từ Luật Xuất bản suy nghĩ về tính chất, mục tiêu của công tác xuất bản” của PTS Trần Văn Hải, Phó Trưởng Khoa Xuất bản; bài “Một vài kinh nghiệm giảng dạy môn Lịch sử phong trào cộng sản công nhân quốc tế và quan hệ quốc tế cho sinh viên Khoa Báo chí” của ThS Lê Minh Châu, Trưởng khoa Phong trào cộng sản và Công nhân quốc tế; bài “Giảng dạy Chủ nghĩa xã hội khoa học trong tình hình hiện nay” của PTS Dương Xuân Ngọc, Phó Trưởng khoa Chủ nghĩa xã hội khoa học (sau này là GS, TS Phó Giám đốc Học viện); và nhiều bài viết giá trị khác của các tác giả…
Kỷ niệm vui nhất, đó là sau khi in xong ấn phẩm Báo chí và Tuyên truyền số đầu tiên tại Nhà in Bộ Thương mại, tôi đã dùng chiếc xe đạp mini Trung Quốc cọc cạch của mình đạp từ Trường ở 36 Xuân Thủy, Cầu Giấy ra 46 Ngô Quyền để chở về. Tôi phải đạp hai chuyến xe mới chở hết được 200 cuốn Báo chí và Tuyên truyền. Trên đường về, thi thoảng thùng “hàng” phía sau gác ba ga bị đứt dây chằng, xô lệch vắt vẻo, tôi phải dừng xe để buộc lại. Cuối thu tháng 11/1993, Hà Nội trời se se lạnh, vậy mà lưng áo của tôi ướt đẫm mồ hôi và đôi chân thì mỏi dừ do đạp xe suốt quãng đường dài...
Ấn phẩm Báo chí và Tuyên truyền số đầu tiên được ra mắt bạn đọc vào đúng dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1993. Sau khi ấn phẩm ra đời, tôi mới có dịp ngồi ngắm nghía “đứa con tinh thần” mà mình đã đóng góp. Mặc dù còn nhiều điều chưa được như mong muốn, nhưng vui lắm, và tự hào mình là một trong những người đóng góp một phần nhỏ bé để cho ra đời sản phẩm báo chí đầu tiên của Nhà trường.
Sau khi số ấn phẩm đầu tiên ra đời, tôi vẫn vinh dự được Ban Biên tập giao nhiệm vụ phối hợp chuẩn bị làm số thứ hai. Số thứ hai Báo chí và Tuyên truyền cũng chính là số Xuân Giáp Tuất năm 1994 (xuất bản tháng 1/1994). Khó khăn nhất vẫn là việc chuẩn bị bài vở, hình ảnh, đặc biệt là ý tưởng ảnh cho trang bìa 1. Lúc này Nhà trường cũng chưa được trang bị máy vi tính để có thể sử dụng trình bày, chế bản ấn phẩm, do vậy khi tổ chức xuất bản ấn phẩm hoàn toàn lệ thuộc vào cơ sở in ấn. Nhiều ý tưởng thiết kế, trình bày, in ấn chỉ đạt được một phần nhỏ về chất lượng so với mong đợi. Điều thú vị nhất của bức ảnh bìa do tôi chụp và cắt ghép thủ công, đó chính là hình ảnh trụ sở Khoa Báo chí lúc đó mới được xây dựng. Khoảnh khắc ảnh đúng lúc sinh viên Khóa 12 lên giảng đường. Trong bức ảnh, nhiều cựu sinh viên bây giờ giữ cương vị cao ở các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương. Điều đặc biệt, có một cô học trò bây giờ giữ chức vụ là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Cuối cùng, số thứ hai ấn phẩm Báo chí và Tuyên truyền cũng được ra đời. Tết Giáp Tuất năm 1994 năm đó, cán bộ, viên chức, người lao động và người học của Nhà trường có thêm một món “quà xuân” tinh thần đầy ý nghĩa. Nhưng giá trị hơn cả, đó là hai số xuất bản đầu tiên của ấn phẩm Báo chí và Tuyên truyền đã đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của Tạp chí học thuật về lý luận chính trị và báo chí - truyền thông của đất nước.
Bìa 1 Tạp chí Báo chí và Tuyên truyền, tiền thân của Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông, số 2 xuất bản tháng 1/1994
30 năm đồng hành và phát triển Tạp chí Học thuật hàng đầu về Lý luận chính trị - Truyền thông của Việt Nam
Sau hai số ấn phẩm Báo chí và Tuyên truyền đầu tiên ra đời, tôi vẫn được Ban Biên tập tín nhiệm giao nhiệm vụ tham gia vào các công việc xuất bản. Tuy nhiên, do tôi là giảng viên biên chế ở Khoa Báo chí, nhiệm vụ chính là nghiên cứu, giảng dạy, chủ nhiệm lớp và cả kiêm nhiệm công tác Đoàn trường, nên xin không tham gia nữa, đồng thời đề xuất Ban Biên tập cần tổ chức thành một bộ phận hoặc thành một tòa soạn độc lập, có nhân sự biên chế để hoạt động, phát triển lâu dài.
Lãnh đạo Nhà trường đã giao cho Phòng Khoa học là đầu mối tổ chức, quản lý xuất bản các số ấn phẩm Báo chí và Tuyên truyền tiếp theo. Mặc dù tôi xin rút, nhưng Ban Biên tập vẫn đề nghị tham gia tổ chức xuất bản ấn phẩm, nhưng giảm bớt cho một số việc. Khoa Xuất bản, Phòng Khoa học, Phòng Tổng hợp (lúc đó thuộc Văn phòng) và một số đơn vị đã cử cán bộ tham gia vào xuất bản ấn phẩm. Cụ thể, Khoa Xuất bản có thầy Trần Văn Hải (lúc đó là Phó Trưởng khoa) tham gia vào biên tập bài vở. Phòng Khoa học có thầy Trịnh Đình Thắng (Trưởng phòng) và thầy Đỗ Công Tuấn (Phó Trưởng phòng) tham gia công tác xuất bản, tập hợp các tham luận khoa học của các tác giả trong và ngoài trường, biên tập thành bài báo để sử dụng trong ấn phẩm. Phòng Tổng hợp cử thầy Văn Đình Ưng (Phó Trưởng phòng) tham gia biên tập, sau này trở thành Thư ký tòa soạn của Tạp chí.
Một thời gian sau, ấn phẩm Báo chí và Tuyên truyền chính thức được Bộ Văn hóa - Thông tin cấp Giấy phép xuất bản thành Tạp chí Báo chí và Tuyên truyền, tạp chí nghiên cứu lý luận và nghiệp vụ của Phân viện Báo chí và Tuyên truyền. Lúc này, Tạp chí đã là một đơn vị độc lập trong cơ cấu tổ chức bộ máy của Phân viện Báo chí và Tuyên truyền. Thầy Tô Huy Rứa vẫn kiêm nhiệm làm Tổng Biên tập. Một số cán bộ lãnh đạo ở các khoa chủ chốt đào tạo lý luận chính trị, báo chí, xuất bản được giao nhiệm vụ kiêm nhiệm chức danh Phó Tổng Biên tập, Thư ký tòa soạn. Rồi dần dần, Nhà trường bổ sung cho tòa soạn cán bộ biên tập, nhân viên kỹ thuật, hành chính, đủ để duy trì việc xuất bản Tạp chí. Và tôi cũng đã rút ra khỏi các công việc trực tiếp, thường kỳ ở Tạp chí. Tuy vậy, tòa soạn vẫn mời tôi tham gia giúp phần thiết kế trang bìa 1 các số xuất bản, đặc biệt là các số Tạp chí Tết, Xuân hằng năm; rồi cả vẽ minh họa cho những bài viết, trang in văn hóa, giải trí…
Kỷ niệm khó quên, đó là trong thời gian GS, TS Tạ Ngọc Tấn (lúc đó là Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền và sau là Giám đốc) làm Tổng Biên tập, PGS, TS Trần Văn Hải (lúc đó là Trưởng khoa Xuất bản) làm Phó Tổng Biên tập và nhà báo Hà Phương Thiện (Nguyễn Văn Tông) làm Thư ký tòa soạn (sau là Phó Tổng Biên tập), tôi thường xuyên “qua lại” Tòa soạn để viết tin, bài, ảnh cộng tác, rồi tham gia thiết kế các trang bìa, vẽ minh họa cho các số đặc biệt. Tôi có cảm giác, đây là khoảng thời gian mình được “chơi”, thỏa trí sáng tạo nhất trong không gian 30 năm gắn bó với Tạp chí.
Một lần, GS, TS Tạ Ngọc Tấn, Tổng Biên tập Tạp chí nhắn tôi lên gặp. Trên tay ông cầm cuốn sách “40 đời Tổng thống Hoa Kỳ”. Ông bảo: “Anh mới viết một bài về các đời Tổng thống Hoa Kỳ để đăng trên số Tạp chí Báo chí và Tuyên truyền số Tết. Em vẽ minh họa các Tổng thống trong bài viết nhé. Vẽ thế nào ngồ ngộ, kiểu hí họa ấy…”. Tôi đã có một vài lần được GS, TS Tạ Ngọc Tấn “sai” vẽ minh họa cho Tạp chí, trong đó có chuyên mục “Chuông làng báo” do ông “nuôi” với bút danh là Nam Sơn Ký giả, đồng thời cũng minh họa sách của ông. Nhưng lần này phải đảm nhận một việc không mấy dễ dàng. Vì, vẽ chân dung nhân vật chính trị để giống và toát nên phong cách, cá tính thì rất khó. Tôi phải mất mấy đêm để đọc bài viết của GS, TS Tạ Ngọc Tấn và nghiên cứu tư liệu hình ảnh rồi mới chính thức cầm cọ phác thảo từng chân dung Tổng thống Hoa Kỳ và hoàn thiện bằng màu nước. Tôi vẽ các chân dung Tổng thống Hoa Kỳ ở dạng hí họa. Mỗi một chân dung lột tả một tính cách, hoặc một scandal của vị Tổng thống, điều mà trong bài viết của GS, TS Tạ Ngọc Tấn đề cập. Tiếc là những bức vẽ bản gốc tôi không được giữ mà đã gửi tòa soạn để chụp, tách màu in. Không biết bây giờ những bản thảo tranh đó có còn lưu giữ ở tòa soạn?
Sau này, do sự biến đổi và yêu cầu về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy, tạp chí điều chỉnh tên gọi từ Báo chí và Tuyên truyền thành Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông. Ban Biên tập cũng có nhiều thay đổi. Nhà trường chú trọng hơn đến vấn đề học thuật và việc công bố kết quả nghiên cứu của đội ngũ những người làm khoa học lý luận chính trị, báo chí, truyền thông. Tạp chí được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chỉ số xuất bản và Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước công nhận tính điểm khoa học từ 0,25, rồi lên 0,5, 0,75 và 1,0 điểm năm 2024. Như vậy, sau 30 năm, từ tờ nội san thông tin lý luận và nghiệp vụ đã trở thành một tờ tạp chí học thuật số 1 trong nhóm tạp chí khoa học lý luận chính trị, báo chí - truyền thông của Việt Nam. Từ quy mô nhỏ, các thành viên làm việc đều kiêm nhiệm, đến nay, Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông đã là một trụ sở tòa soạn độc lập, với số lượng biên chế đủ để hoạt động xuất bản định kỳ các sản phẩm. Từ một ấn phẩm lưu hành nội bộ, hiện nay, ngoài bản chính Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông xuất bản định kỳ hằng tháng, Ban Biên tập còn xuất bản số Tạp chí Chuyên đề, Tạp chí tiếng Anh. Và đặc biệt, Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông điện tử là sản phẩm đưa Tạp chí hòa nhập vào xu hướng phát triển báo chí trong thời đại số, lan tỏa những giá trị học thuật của giới nghiên cứu lý luận chính trị, báo chí - truyền thông đến với công chúng ngày một tiện ích, hiệu quả hơn.
Trong thời gian này, cũng do nhiệm vụ công tác, tôi chỉ tham gia viết các bài báo khoa học thuộc chuyên môn báo chí - truyền thông gửi đăng trên các sản phẩm của Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông. Nếu tính từ số xuất bản đầu tiên của ấn phẩm Báo chí và Tuyên truyền cho đến nay, tôi cũng tích lũy được một số lượng lớn các tác phẩm được đăng tải và sản phẩm Tạp chí mà mình được tham gia xuất bản. Nhưng cái được quan trọng hơn cả, Tạp chí chính là môi trường thực hành nghề báo để giúp tôi có những bài giảng, ví dụ thực tiễn sinh động. Và cái được lớn nhất, Tạp chí là môi trường giúp cho những người làm công tác nghiên cứu, đào tạo như chúng tôi đạt được học hàm, học vị cao và được ghi danh trong giới học thuật về lý luận chính trị và báo chí, truyền thông. Cũng vì “nhân duyên” gắn bó với Tạp chí và sự tin cậy về uy tín học thuật nên Nhà trường, Ban Biên tập Tạp chí tiếp tục tin tưởng giao cho tôi nhiệm vụ là Ủy viên Hội đồng biên tập.
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm xuất bản Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông, chúc Ban Biên tập và các thế hệ cán bộ lãnh đạo, cán bộ, nhân viên của Tạp chí ngày càng phát triển, xứng đáng là Tạp chí học thuật hàng đầu của đất nước trong lĩnh vực khoa học lý luận chính trị và báo chí - truyền thông.
PGS, TS Hà Huy Phượng
Giảng viên cao cấp Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Bình luận: 0