Kỳ 5: Sứ mệnh và trách nhiệm
15:46 25/07/2016
- Vấn đề sự kiện
Cuộc chiến chống dịch Covid-19 tuy chưa đến hồi kết, nhưng những gì chúng ta giành được đã khẳng định vị thế của ngành y tế nói riêng và tinh thần đoàn kết một lòng của dân tộc Việt Nam nói chung. Các nhà báo tuy không trực tiếp "giành giật" sự sống như các thầy thuốc nơi tuyến đầu, nhưng cũng phải dấn thân vào nơi có nguy cơ nhiễm bệnh cao thể hiện trách nhiệm xã hội cao cả là "người thư ký" trung thành của thời đại.
Báo chí truyền thông trong tuyến đầu chống dịch Covid-19:
Những phóng viên dấn thân vào nơi có nguy cơ nhiễm bệnh cao
Muốn bài viết thực sự “mang hơi thở cuộc sống”, có tính thời sự, phóng viên phải tiếp xúc, phỏng vấn những người đi từ vùng dịch trở về trong các trung tâm cách ly. Tin giả, xin xấu độc tràn lan, những thông tin thiếu kiểm chứng, những nguồn tin thất thiệt ảnh hưởng lớn đến xã hội.
Đa dạng cách truyền thông về Covid-19
Nhà báo Trần Trọng Dũng – Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM cho biết: Ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát từ năm ngoái. Tất cả các cơ quan báo chí đã cử phóng viên xung phong tuyến đầu, điều đó đã được thể hiện trên tất các sản phẩm báo hình báo in báo tiếng và đặc biệt là riêng đối với TP HCM trong đợt thứ 4 bùng phát với tốc độ kinh khủng chính vì thế các cơ quan báo chí trên địa bàn thành phố HCM đã vào cuộc một cách chủ động với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Với hàng ngàn sản phẩm báo chí được xuất bản hàng ngày, tổng quan truyền thông TP.HCM đã tập trung vào 3 nhóm chính. Thứ nhất tập trung cho tuyên truyền chủ trương chính sách, hướng dẫn người dân ổn định cuộc sống đặc biệt phong tỏa.
Các tờ báo như báo Tuổi trẻ xây dựng chuyên mục “Hỏi đáp dịch Covid-19”, hàng trăm câu hỏi đã được giải đáp; báo SGGP với chuyên mục “Phản bác tin giả” đế kịp thời cho người dân tiếp cận với thông tin chính thống. Báo Phụ nữ TPHCM có chuyên mục “Tư vấn mua hàng ngày giãn cách” rất sát thực với độc giả.
Nhà báo Trần Trọng Dũng - Ủy viên Ban thường vụ HNBVN, Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM
Báo Pháp luật TPHCM xây dựng 1 cẩm nang cho F0 cách ly tại nhà với sự quy tụ của rất nhiều chuyên gia y tế và chuyên gia về dinh dưỡng hướng dẫn giúp người dân cách ly tại nhà và còn rất nhiều, rất nhiều chuyên mục, được xây dựng kịp thời bên cạnh các tin bài, hình ảnh được thường xuyên cập nhật liên tục, thời sự từ các phóng viên ở các khu cách ly, bệnh viện dã chiến.
Các sáng kiến của báo SGGP đã tổ chức các tuyến bài phóng sự, kí sự “Người tốt việc tốt” viết về gương người tốt việc tốt trong đợt chống dịch này đặc biệt là sự vào cuộc của 2 tờ báo tôn giáo với các chuyên đề “Áo nâu nơi tuyến đầu chống dịch”, “Nhật ký tu sĩ từ bệnh viện Covid-19” hết sức xúc động về tấm lòng của các nữ tu. Bên cạnh tuyên truyền, các cơ quan báo tổ chức các hoạt động giúp đồng bào nghéo khó, gây quỹ từ thiện hoặc các hoạt động sau mặt báo.
Các chương trình “Đồng hành vượt cạn”, “Quyên góp vaccine”, “Cùng tuổi trẻ góp vaccine Covid-19”, “Thực phẩm miễn phí cùng cả nước chống dịch”, học bổng “Nữ sinh vượt khó”,… đã thể hiện được sự đoàn kết, chung lòng của người làm báo với người dân đang gặp khó khăn. Tất cả đã cho thấy được sự vào cuộc của các cơ quan báo chí với tinh thần trách nhiệm cao nhất của người làm báo và chia sẻ khó khăn làm sao đảm bảo phát hành báo trong điều kiện dịch hiện nay.
Nhà báo Mai Vũ Tuấn – Giám đốc Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh, Tổng Biên tập Báo Quảng Ninh
Trách nhiệm từ những kế hoạch bài bản
Nhà báo Mai Vũ Tuấn – Giám đốc Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh, Tổng Biên tập Báo Quảng Ninh nhận định, hầu như các cơ quan báo chí đều tăng thời lượng truyền thông, mở các chuyên mục, có rất nhiều bài báo sâu sát cơ sở để có thể phản ánh một cách toàn diện về công tác chống dịch, cung cấp thông tin cho độc giả và khán thính giả. Đây là một đợt truyền thông rất lớn, cho nên phải xây dựng một kế hoạch truyền thông.
Trước những ảnh hưởng lớn của Covid-19, quảng cáo bị sụt giảm, Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh đã xây dựng kế hoạch truyền thông và đề xuất Tỉnh hỗ trợ chiến dịch truyền thông này để bảo đảm yên tâm thực hiện công tác tuyên truyền chống dịch. Sau này có thêm chỉ thị 09 của Chính phủ về đặt hàng, giao cơ quan báo chí trong bối cảnh phòng chống dịch. Nhưng từ năm 2020, Trung tâm đã xây dựng các kế hoạch truyền thông và được Tỉnh hỗ trợ kinh phí thực hiện nội dung này.
Với một cơ quan báo chí đặc thù như Trung tâm truyền thông Quảng Ninh, có rất nhiều loại hình báo chí, thấy rằng phải linh hoạt trong việc truyền thông chống dịch trong từng giai đoạn, từng thời điểm. Quảng Ninh cũng là một trong những cơ quan báo chí đầu tiên tạm dừng xuất bản báo in trong vòng 15 ngày từ khi giãn cách xã hội. Trung tâm truyền thông đã tập trung xuất bản báo trên các nền tảng khác là phát thanh, truyền hình, báo điện tử và mạng xã hội.
Kinh nghiệm của Trung tâm truyền thông Quảng Ninh là phải hết sức linh hoạt theo nhu cầu thông tin của khán thính giả, độc giả. Trong điều kiện chống dịch và giãn cách xã hội, những thông tin chuyển tải trên báo điện tử đặc biệt là các tác phẩm Infographic, sau đó đưa lên mạng xã hội thông tin chính thống, lan truyền tích cực trên mạng xã hội đã góp phần định hướng, cung cấp thông tin tốt.
Một kinh nghiệm nữa đó là chúng ta phải triệt để ứng dụng CNTT: các cuộc họp cơ quan được họp trực tuyến, nhưng các phỏng vấn, trao đổi, chúng ta cũng mạnh dạn ứng dụng các phần mềm, các công cụ hỗ trợ trực tuyến thì rất tốt. Nhân cơ hội này để chúng ta thực hiện chuyển đổi số. Trong 2 năm vừa qua, Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã mạnh dạn thay đổi, nâng cấp Báo Quảng Ninh điện tử, xây dựng các ứng dụng (app) trên nền tảng OTT.
Biểu đồ số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam tính đến tối 19/9/2021
Trong việc tuyên truyền, Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh rất biết cách phối hợp với các cơ quan báo chí. Khi đoàn tình nguyện của Quảng Ninh tham gia chống dịch tại Bắc Giang, Tây Ninh, TP.HCM, Trung tâm đã phối hợp với các cơ quan báo chí địa phương để động viên tinh thần cũng như để những người địa phương yên tâm về đoàn công tác của Quảng Ninh đi hỗ trợ chống dịch.
Ở một số địa bàn rất khó khăn khi không có sự hỗ trợ, Trung tâm tính đến việc sử dụng đội ngũ cộng tác viên chính là các bác sĩ, thầy thuốc trong đoàn. Trước khi họ về hỗ trợ địa phương, Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh đã tập huấn hướng dẫn một số y bác sĩ có thể tác nghiệp bằng điện thoại. Từ đó thông tin hoạt động của đoàn được chuyển về, giúp cổ vũ tinh thần cho anh em tham gia chống dịch, địa phương biết được hoạt động của đoàn.
Báo Người Lao Động khai trương "ATM thực phẩm miễn phí" tại TPHCM
Lập tổ phóng viên tác chiến
Trong tác nghiệp Covid-19 thời gian qua, báo Người Lao Động đã xây dựng Tổ tác chiến, ưu tiên cho những phóng viên nào đã tiêm đủ hai mũi vắc xin. Phóng viên phải trẻ khỏe không có bệnh nền; chưa có gia đình, danh sách lấy từ trên xuống, đặc biệt là anh em phải có quyết tâm làm đề xuất được xung phong tham gia, khi nào không đủ mới lấy những người khác.
Kinh nghiệm thứ hai của báo Người Lao Động là đã xuất bản báo in hoàn toàn qua không gian mạng. Biết rằng để sản xuất tờ báo in chúng ta phải ngồi cùng với nhau, tương tác với nhau, mới ra được, bởi vì nó có rất nhiều khâu. Từ tháng 4/2020, bắt đầu tận dụng công nghệ cao để tập huấn và làm việc qua suốt một thời gian rèn luyện và điều chỉnh. Đến bây giờ, trong suốt 3,4 tháng vừa qua, báo Người Lao Động hoàn toàn tự tin xuất bản báo in qua không gian mạng, không thua kém gì so với làm việc tại cơ quan, trừ phi một điều đó là nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người. Bởi vì khi làm ở nhà bị phân tán bởi nhiều thứ, làm ở cơ quan tập trung hơn nhưng giải quyết được vấn đề này, thì rất ổn.
Về mặt công nghệ, thời gian gần đây, phần mềm xuất bản hơi chậm một chút nhưng nếu mình chủ động xuất bản thì sẽ giải quyết được. Chính vì vậy Báo không bị khó khăn khi có F0. Thực tế ở tòa soạn đã có trường hợp F0, nhưng mỗi người khi đã làm việc một góc, nên không ảnh hưởng đến tiến độ xuất bản của báo.
Về công tác tập trung vào những tin tức, tin bài và những sáng kiến, mô hình mới về Covid-19, với sự quyết tâm cao, đến nay, sau hơn 4 tháng triển khai, Báo Người Lao Động đã có hơn 6.000 tin bài chủ đề này, trong đó, ngoài thông tin thông thường, Báo tập trung vào những mô hình hay, cá nhân làm tốt, những điển hình trong các khu cách ly, trong các bệnh viện dã chiến, trong các trung tâm y tế, tạo sự lan tỏa điều tốt đẹp đến với tất cả mọi người. Đội ngũ phóng viên quốc tế của Báo cũng khai thác những tin tức về mô hình chống dịch tốt trên thế giới. Cái này rất có ích trong công tác tham mưu nghiên cứu chống dịch của thành phố.
Cuối năm 2020, ở khu vực miền Trung, bão lũ thiên tai tàn phá kinh khủng, nhiều người chết và thiệt hại ghê gớm. Báo Người Lao Động đã tổ chức đội phóng viên viết loạt bài “Hồi sinh từ vùng đất chết” để thấy rằng con người Việt Nam chúng ta dù trong mọi khó khăn gian khổ, trong mất mát hi sinh thì cũng vẫn vươn lên, vẫn yêu thương, vẫn đùm bọc lẫn nhau, cổ vũ tinh thần cho tuyến đầu chống dịch. Các cơ quan báo chí tổ chức loạt bài về hoạt động thiện nguyện của các địa phương khi cung cấp thực phẩm hỗ trợ cho các tỉnh phía Nam chống dịch. Từ một người mẹ ở Quảng Trị dắt một con heo nuôi chắt chiu bao tháng trời đem góp để làm chả bông, gửi vào thành phố Hồ Chí Minh, rồi từ em bé chỉ với củ khoai, cũng góp phần chống dịch.
Chuyên mục “Truy vết mạng xã hội” trên báo Người Lao Động hoạt động rất hiệu quả trong đại dịch tin giả Covid-19
Đa dạng các hoạt động
Nhiều báo đã tổ chức những những chuyên mục mới phù hợp với tình hình hiện nay. Báo Người Lao động thiết lập chuyên mục “Truy vết mạng xã hội” để nói lại những điều mạng xã hội bị sai lệch dẫn dắt không đúng. Từ chuyên mục này đã phát hiện rất nhiều cái fake news trên mạng xã hội. Đây là cách để đấu tranh chống tiêu cực rất hiệu quả. Hay là những mục “Phòng mạch Covid-19”, tất cả những vấn đề liên quan đến Covid-19 đều có bác sĩ tư vấn giải đáp online ngay. Trên báo in, Báo Người Lao Động đã lập hai chuyên mục mới là “Sức khoẻ trong đại dịch” và “An sinh xã hội” phục vụ rất tốt cho bà con để họ cảm thấy yên tâm.
Ngoài ra, Báo cũng tổ chức các cuộc thi “Người thầy thuốc trong tôi”, phát động vào ngày 16/8/2021 để tôn vinh lực lượng y bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch. Cuộc thi này rất đặc biệt, không chỉ thi viết mà còn thi ảnh, video, clip. Không chỉ người viết được giải, mà chọn những nhân vật y bác sĩ tiêu biểu để trao giải thưởng đặc biệt; tổ chức chuyến du lịch đặc biệt cho những người là y bác sĩ được nêu trong các bài viết này cùng gia đình, khi đại dịch lắng lại để động viên cho lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Ngày 28/8 vừa qua, Báo Người Lao Động tổ chức cuộc thi ảnh “Thiêng liêng cờ tổ quốc” để ca ngợi tinh thần Việt Nam, kiên cường bất khuất, vượt qua mọi khó khăn thử thách, tất cả vì tình yêu tổ quốc, tất cả vì tuyến đầu xông lên, không lùi bước, không chấp nhận thất bại, cùng đoàn kết gắn bó để vượt qua đại dịch này.
Trong bối cảnh mới, chúng ta cần đẩy mạnh công tác xã hội sau mặt báo, để đóng góp cùng cộng đồng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Báo Người Lao Động đã tổ chức chương trình “Tổ quốc cần, cả nước chung tay”, phát động từ tháng 5/2021.
Từ tháng 6/2021, với chương trình “Thực phẩm miễn phí”. Trong thời gian ngắn 3 tháng qua, Báo Người Lao Động huy động được 6,5 tỷ đồng từ mọi miền đất nước, không chỉ bằng tiền mà còn thực phẩm: gạo, rau củ quả từ các tỉnh chuyển về. Báo Người Lao Động phối hợp với ứng dụng Ví điện tử MoMo để thu hút sự quan tâm của mọi người. Có người đóng góp 10 triệu đồng, có người đóng góp 1 ngàn đồng đều rất trân quý. Chính từ 1 ngàn đó, lan rộng ra mọi người đều thấy có trách nhiệm với đất nước, tổ quốc của mình. Đặc biệt mới đây, ngày 16/9, Báo Người Lao Động phát động chương trình “Tình thương cho em”, huy động nguồn lực của xã hội, để giúp đỡ cho trẻ em là con của công nhân, người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có cha (mẹ) qua đời do Covid-19 mà các em trở nên mồ côi. Rất nhiều người đã đóng góp qua tài khoản của báo, có Tập đoàn lớn rất uy tín đã đóng góp 1 tỷ đồng vào chương trình.
Nhà báo Lý Việt Trung
Chuyên mục báo chí hướng đến gia đình
Nhà báo Lý Việt Trung - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM, Tổng Biên tập Báo Phụ nữ TP.HCM định hướng Báo Phụ nữ TP HCM đi theo hướng tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân phòng chống dịch, hiểu rõ các chính sách chủ trương của Đảng và nhà nước từ đó người dân chung tay cùng chống dịch, đấu tranh chống lại thông tin xấu độc những ý thức chưa hay trong khi cộng đồng đang chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
Ngoài những tuyến thông tin thời sự về dịch bệnh, còn lựa chọn các đề tài nóng bỏng như “Bảo vệ gia đình trong mùa dịch” với các nội dung đa dạng: làm sao giữ hài hòa các mối quan hệ trong gia đình; giữ sức khỏe thể chất và tâm thần; học hành của con cái ổn định;… Trong thời bình mỗi sáng thức dậy vợ chồng đi làm, đưa con cái đi học và đến tối đoàn tụ với nhau trong bữa cơm gia đình, giờ đây trong thời gian cuộc chiến dịch bệnh xảy ra ở nhà 24/24 gặp nhau chắc chắn sẽ có các va chạm.
Khi nhận được các chia sẻ từ các độc giả, Báo Phụ nữ TP HCM đã giải đáp những thắc mắc tâm sự, chia sẻ truyền đạt những kinh nghiệm để giữ được hòa khí gia đình, giúp các thành viên trong gia đình hiểu nhau hơn. Những ý kiến từ các chuyên gia bảo vệ sức khỏe, chuyên gia tâm lý, giúp con cái vừa học hiểu bài vừa rèn được tự lập trong học tập. Một đề tài nóng nữa là hình ảnh những người phụ nữ trong mùa dịch. Hình ảnh những nữ bác sĩ xa chồng, chăm sóc cho bệnh nhân F0, niềm vui vỡ òa khi các bệnh nhân hết bệnh, những cán bộ hội viên hội phụ nữ, cán bộ cơ sở vừa chăm lo an sinh cho người dân vừa tham gia phòng chống dịch, những nữ tình nguyện viên chở bệnh nhân nhập viện, trân trọng biết bao.
Xuyên suốt trong mùa dịch Báo Phụ nữ TP HCM đã truyền năng lượng tích cực cho bạn đọc. Đây là khoảng thời gian mà mọi người chia sẻ trên facebook các tin tức tốt xấu, tích cực, tiêu cực nhằm giúp chia sẻ thông tin Báo Phụ nữ TP HCM đã mở thêm chuyên mục “Viết gì trên facebook”. Điều đáng mừng các ý kiến từ các bạn đọc gửi đến báo Phụ nữ TP HCM được đăng đều khẳng định những điều tích cực trong những ngày giãn cách khó khăn.
Thành Huy Long - Hữu Tuấn
---
Xem thêm: Loạt bài 5 kỳ: Báo chí truyền thông trong tuyến đầu chống dịch Covid-19:
>>> Kỳ 1: Nhà báo dấn thân trong cuộc chiến chống dịch Covid-19
>>> Kỳ 2: Cuộc chiến chống tin giả về Covid-19
>>> Kỳ 3: Những câu chuyện tại "điểm nóng" ở hiện trường
>>> Kỳ 4: Vấn đề chính sách và an toàn cho nhà báo chống dịch
>>> Kỳ 5: Sứ mệnh và trách nhiệm
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Quyết tâm hoàn thành 15/15 chỉ tiêu năm 2024, tạo đà, tạo lực cho năm 2025 (02:44 07/12/2024)
- Mùa giải ảnh: Khoảnh khắc Báo chí 2024 ghi nhận nhiều điểm sáng về chất lượng (02:42 06/12/2024)
- Hội thảo báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số (11:27 06/12/2024)
- Đoàn công tác Hội Nhà báo Việt Nam làm việc với lãnh đạo TP. Cần Thơ (01:53 05/12/2024)
- Bế mạc Giải vô địch Bóng bàn Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ 17 (08:49 03/12/2024)