Kinh tế Hải Phòng quý 1 - 2024: Tăng tốc nhưng chưa đều nhịp

Tăng trưởng GRDP nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước; thu ngân sách nội địa tăng cao; nhiều chỉ tiêu kinh tế trên đà bứt phá… là những kết quả nổi bật, rất đáng phấn khởi của Hải Phòng trong quý 1 năm 2024. Tuy nhiên, tại phiên họp thường kỳ UBND thành phố Hải Phòng, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng cũng nhấn mạnh, nhiều địa phương khác cũng đang có đà chạy rất nhanh và nếu Hải Phòng không quyết liệt, quyết tâm có thể bị vượt qua.

Giữ vững đà tăng trưởng nhóm đầu

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Ngọc Tú cho biết, quý 1, GRDP của Hải Phòng tăng trưởng 9,32%, gấp 1,65 lần bình quân chung cả nước là rất đáng ghi nhận. Với kết quả này, Hải Phòng nằm trong nhóm dẫn đầu, xếp thứ 7, sau Bắc Giang, Trà Vinh, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Hà Nam, Hải Dương; dẫn đầu 5 thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội tăng 5,5%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 6,54%; Đà Nẵng âm 0,83%; Cần Thơ tăng 3,13%) và cao hơn so với Quảng Ninh (8,79%). Đây là bước khởi đầu, là nền tảng rất quan trọng để Hải Phòng phấn đấu đạt mức tăng trưởng 11,5-12% trong năm 2024, kéo dài thành tích hàng chục năm liền đạt tăng trưởng ở mức 2 con số.

Các đồng chí lãnh đạo thành phố kiểm tra sản xuất nông nghiệp tại huyện An Dương

Một chỉ tiêu khá quan trọng là sản xuất công nghiệp của Hải Phòng cũng có sự bứt phá ngoạn mục. Theo đó, IIP quý 1 tăng 12,59%, gấp 2,22 lần trung bình cả nước (5,67%), đứng thứ 12 cả nước và đứng đầu 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Cũng như vậy, tổng thu ngân sách quý 1 đạt 32.864,13 tỷ đồng, tăng 36,69% so với cùng kỳ (bằng 30,78% dự toán HĐND thành phố giao). Trong đó, thu nội địa 18.943,1 tỷ đồng, tăng 32,94% so với cùng kỳ (bằng 42,10% dự toán HĐND thành phố giao). Cục trưởng Cục Thuế Hải Phòng Hà Văn Trường nhấn mạnh, đây là mức tăng trưởng đáng khích lệ vì thông thường hàng năm, số thu quý 1 thường đạt thấp. Càng vui mừng hơn nữa khi số thu ngân sách nội địa khá cân bằng ở cả khoản thu tiền đất và thu từ các sắc thuế. Điều đó cho thấy thành phố không những đã thực sự xóa bỏ  tình trạng đầu năm đủng đỉnh mà còn tranh thủ từng ngày, từng tháng, bứt phá quyết liệt, chạy đua với thời gian để giành thắng lợi ngay từ những ngày đầu, tháng đầu.

Phấn khởi hơn nữa là kinh tế trên đà đi lên, thành phố có thêm nguồn lực đáng kể đầu tư cho phát triển. Ngay từ đầu năm, các công trường thuộc các dự án trọng điểm đều hết sức sôi động, tấp nập, khẩn trương. Tiêu biểu như các dự án Trung tâm Chính trị- Hành chính; Trung tâm Hội nghị - Biểu diễn bắc sông Cấm; cầu Rừng, cầu Lại Xuân; cầu vượt nút giao khác mức tại ngã tư đường Tôn Đức Thắng- Máng Nước - Quốc lộ 5… Một số dự án đầu tư ngoài ngân sách cũng có tiến độ khá nhanh như các bến cảng số 3,4,5,6 Lạch Huyện; các dự án nhà ở xã hội tại Tổng kho 3 Lạc Viên, Tràng Duệ, Tràng Cát… Tiến độ xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu (NTMKM) được thúc đẩy khẩn trương. Cũng rất đáng ghi nhận khi thành phố triển khai nhanh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Từ đó, có cơ sở triển khai thực hiện các quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch phân khu, quy hoạch chuyên ngành kỹ thuật, quy hoạch quận, huyện, nhất là các nhiệm vụ liên quan đến nâng cấp đô thị Thủy Nguyên lên thành phố, An Dương lên quận. Đồng thời, tháo gỡ vướng mắc các dự án công nghiệp, đô thị lớn đã có nhà đầu tư; thu hút đầu tư các dự án mới, tạo động lực phát triển cho thành phố. Với đà này, ngay trong năm 2024, Hải Phòng sẽ có thêm nhiều công trình, dự án mới hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng, góp phần đắc lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như thực hiện các mục tiêu phát triển Hải Phòng.

Tại hội nghị Thành ủy lần thứ 15, đồng chí Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy khẳng định, kết quả quý 1 cho thấy những định hướng phát triển mà Đảng bộ thành phố thảo luận, đề ra đã và đang được hiện thực hóa. Quan trọng hơn cả là tinh thần đoàn kết trong hệ thống chính trị  tiếp tục củng cố và vun đắp, chuyển biến cả về chiều rộng và chiều sâu. Kết quả công tác xây dựng Đảng và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố thời gian qua đã chứng minh rằng “đoàn kết là sức mạnh”, là mấu chốt của mọi thành công.

Nút giao khác mức ngã tư đường Tôn Đức Thắng - Máng Nước - Quốc lộ 5 sẽ thông xe trong quý 2/2024

Đồng thời và đi trước một bước với phát triển kinh tế, Hải Phòng dành sự đầu tư thích đáng cho các lĩnh vực văn hóa, xã hội. HĐND thành phố thông qua nhiều nghị quyết về giáo dục và y tế, tiêu biểu như Nghị quyết về hỗ trợ đào tạo, đãi ngộ nhân lực ngành y tế thành phố Hải Phòng giai đoạn 2024 - 2030; mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn thành phố Hải Phòng năm học 2023 - 2024; ưu đãi xã hội hóa và quy định chế độ mức miễn, giảm tiền thuê đất đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa sử dụng đất tại các đô thị trên địa bàn thành phố Hải Phòng, trong đó lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế được coi trọng hàng đầu. Gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo tiếp tục được quan tâm chu đáo, vẹn toàn. Bộ mặt đô thị, nông thôn không ngừng khởi sắc, đổi mới. Lòng dân vui mừng, phấn khởi,ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, cùng chung sức, đồng lòng thực hiện các mục tiêu chung.

Nỗ lực, quyết liệt thực hiện 30 công việc trọng tâm

Kết quả quý 1 rất đáng phấn khởi nhưng theo đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố thì không thể chủ quan, thỏa mãn vì yêu cầu phát triển của Hải Phòng rất cao. Đồng chí Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh, một số chỉ tiêu kinh tế chủ chốt của Hải Phòng như GRDP; IIP; thu ngân sách… đều tăng trưởng ở mức cao nhưng nhiều địa phương khác cũng đang có đà chạy rất nhanh và nếu Hải Phòng không quyết liệt, quyết tâm có thể bị vượt qua. Ngay như chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP), Hải Phòng không thể tự bằng lòng khi một số địa phương có mức tăng trưởng rất cao như Khánh Hòa gần 37%; Phú Thọ 26,6%; Bắc Giang gần 24%; Thanh Hóa 20%... Chỉ tiêu thu hút khách du lịch; tổng vốn đầu tư toàn xã hội; sản lượng hàng qua cảng; thu thuế xuất nhập khẩu; giải ngân vốn đầu tư công… cũng chưa theo kịp kế hoạch… Ngoài ra, Hải Phòng còn đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn về PCCC; an toàn giao thông; trật tự đô thị…

Tại hội nghị Thành ủy lần thứ 15 và phiên họp thường kỳ tháng 3 của UBND thành phố, lãnh đạo thành phố yêu cầu các ngành, các địa phương tập trung phân tích, chỉ rõ những điểm nghẽn cần khác phục, đề xuất giải pháp, cơ chế, chính sách để tăng tốc hoàn thành nhiệm vụ quý 2 và cả năm 2024.

Điều khiến cán bộ, nhân dân thành phố tin tưởng và đặt nhiều kỳ vọng là các công việc của thành phố  rất rõ ràng, cụ thể, rõ việc, rõ người, rõ thời hạn thực hiện. 30 công việc trọng tâm, cấp bách do Ban Thường vụ Thành ủy xác định và giao nhiệm vụ đều được đôn đốc thường xuyên và có nhiều chuyển biến.

Cụ thể, đồng chí Bí thư Thành uỷ Lê Tiến Châu chỉ đạo tập trung cao  sơ kết 5 năm thực hiện nghị quyết 45 của Bộ Chính trị; 3 năm thực hiện nghị quyết 35 của Quốc hội, đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy sự phát triển của thành phố.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm đến hết nhiệm kỳ 2020 - 2025 gồm: thành lập Khu Kinh tế ven biển phía Nam; nghiên cứu đề xuất Đề án thành lập khu thương mại tự do trong khu kinh tế ven biển phía Nam; chuyển giao cho thành phố quản lý một số cơ sở nhà đất do các bộ, ngành Trung ương quản lý tại Đồ Sơn; nghiên cứu lập hồ sơ Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không tại huyện Tiên Lãng; xây dựng tuyến đường và cầu Tân Vũ - Lạch Huyện 2; cải thiện, bảo vệ nguồn nước sông Đa Độ, sông Giá, hệ thống nước sạch nông thôn đảm bảo chất lượng nước sạch theo quy định.

Bên cạnh đó, dành sự ưu tiên số 1 trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ như: thành lập thành phố Thủy Nguyên; quận An Dương; thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.

Công trình cầu Rừng đang được thi công khẩn trương và hoàn thành vào dịp 13/5/2024

Đồng chí Bí thư Thành ủy yêu cầu Ban cán sự đảng UBND thành phố khẩn trương chỉ đạo xây dựng, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa của thành phố, hướng tới xây dựng các doanh nghiệp có khả năng hợp tác với các doanh nghiệp FDI trong các ngành, lĩnh vực chế biến, chế tạo với công nghệ cao, công nghệ xanh như điện - điện tử, chíp - chất bán dẫn, logistics… để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nội địa phát triển, nhằm cân bằng cán cân nguồn thu từ doanh nghiệp trong và ngoài nước, tạo sức phát triển nội tại cho thành phố.

Cùng với đó, nhanh chóng rà soát, nghiên cứu, đề xuất các nguồn thu, sắc thuế mới, nguồn thu còn bị bỏ sót; đôn đốc các địa phương  triển khai thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất các dự án trên địa bàn song song với việc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cho các dự án. Đồng thời rà soát, tìm ngay ra điểm nghẽn, vướng mắc, có biện pháp mạnh mẽ để giải quyết, có hình thức xử lý mạnh đối với các đối tượng, tập thể gây chậm trễ, giảm hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của thành phố trong giải ngân đầu tư công.

Đồng chí Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, quý 2 là “thời điểm vàng” thu hút du lịch. Do đó, yêu cầu Ban cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo nhanh chóng hoàn thiện Đề án Tổng thể phát triển du lịch thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; khắc phục ngay những hạn chế, yếu kém về giao thông ra đảo Cát Bà; về cấp nước, thoát nước, lưu trú trên đảo Cát Bà; tăng sức hấp dẫn của các sản phẩm du lịch.

Như vậy, Hải Phòng bước vào quý 2/2024 không chỉ có nền tảng, động lực mạnh mẽ từ nhiều kết quả nổi bật của quý 1 mà còn có khí thế, có sự quyết tâm cao với nhiều động lực, nguồn lực phát triển mới. Tin tưởng rằng, với ý chí, bản lĩnh, biện pháp và cách làm như vậy, Hải Phòng sẽ tiếp tục có sự bứt phá ngoạn mục, giành nhiều thắng lợi mới trong quý 2 và cả năm 2024.

Trọng Hồng

                                                                        

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top