
Khi tác nghiệp về bộ đội là... phóng viên nữ
-
Tít bài nghe có vẻ khá lạ, nhưng là thật. Vài tháng không về nhà, bộ đội dễ dàng cảm
thấy xốn xang khi nhìn thấy bóng hồng. Doanh trại quân đội đóng ở những vùng hẻo
lánh, tự dưng anh em cảm thấy phấn khởi khi nhìn thấy hình bóng của con gái. “Bí
quyết” để tác nghiệp thành công tại các đơn vị bộ đội chỉ đơn giản là hãy cử phóng
viên nữ đến thăm anh em binh sĩ.
Phóng viên nữ tác nghiệp tại một đơn vị bộ đội. Ảnh: TL
Chất xúc tác khi viết về người lính
Nơi biên giới vắng bóng người, nhà dân cách xa hàng chục km, ngày nào cũng chỉ toàn nghe tiếng của những người đàn ông, giọng trầm, giọng bổng. Tôi chợt nhớ ở miền Nam trước năm 1975 có bài hát Kẻ ở miền xa của nhạc sĩ Trúc Phương, nội dung nói về những người lính mơ bóng hồng “nhiều đông lắm hạ/nối tiếp đi qua/thiếu bóng đàn bà”. Nhạc miền Nam thời đó khiến binh sĩ ra trận mà trong lòng tràn ngập nỗi nhớ mênh mang, nên dễ bỏ chạy mỗi khi nghe tiếng đạn.
Hai từ “đàn bà” không có nghĩa là ẩn chứa sự dung tục, mà đó là tâm lý bình thường của những chàng thanh niên, trong suy nghĩ đầy mộng ảo. Và thời nay có gì khác mấy. Những chàng lính ở các đơn vị hẻo lánh, nếu nghe tiếng các phóng viên nam thì sẽ mất khoảng 3 giây để ngồi nhỏm dậy, còn nghe tiếng của các cô nhà báo, phóng viên nữ thì cử động kia diễn ra trong vòng chưa đầy 1 giây.
Và cũng tại một đồn biên phòng ở huyện miền núi A Lưới, tôi nhìn thấy vài cánh cửa cùng bật mở. Những chàng lính trẻ dõi theo bóng cô nhà báo đang đi dạo ở khu vườn thuốc nam. Còn 2 chàng phóng viên nam đi gần đó thì chỉ nhận được vài cái nhìn. Một cậu lính nói nhỏ “chị kia có cái dáng đẹp thiệt!”. Câu chuyện dáng đẹp cũng trở thành đề tài tranh cãi nho nhỏ. Bởi vài chàng lính khác thì khẳng định, chị này càng nhìn gần càng đẹp và da đẹp hơn dáng. Nhưng thực ra, mùa đông rét mướt, cô phóng viên nữ trong chiếc áo trùm, vì vậy chuyện “dáng” có vẻ thuyết phục, còn chuyện “da” phải đợi cho đến mùa hè.
Đối với nghề báo, khi bật mở cánh cửa và được đón nhận bằng những khuôn mặt đầy hứng khởi, bao nụ cười, lúc đi thì nhận được lời chia tay đầy bịn rịn, cũng đầy ắp cơ hội để hỏi, tìm tư liệu, tiếp cận sâu. Đối với truyền hình dễ dàng được các chàng lính diễn đi diễn lại 5 - 7 lần bài võ thể dục buổi sáng để có thể bằng một máy, nhưng quay trọn cảnh toàn, trung, cận. Thực hiện thành công điều này có lẽ chỉ là các cô phóng viên nữ với các chú bộ đội. Câu chuyện của lính kể với các bạn phóng viên nữ thường mềm mại, nhiều chi tiết, những chi tiết đó như những ngách cây chứa đầy nhựa sống. Còn kể với phóng viên nam xem ra vẫn còn chưa trơn tuột, thỉnh thoảng vẫn nhắc câu nhớ nhà.
Nhà báo Thanh Bình (PV Tạp chí Người Làm Báo) phỏng vấn chiến sĩ tại đảo Trường Sa Đông. Ảnh: T.B
Sự “nguy hiểm” của phóng viên nữ
Đi khắp các đơn vị quân đội các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Quảng Trị... nơi nào cũng nghe các cậu lính và sĩ quan kể chuyện “ngày xửa, ngày xưa có một cô gái”. Cô gái đó thường là các bạn phóng viên nữ. Tôi chột dạ nhận ra rằng, phóng viên nam tới tác nghiệp 3 ngày đã bị quên, còn phóng viên nữ thì 3 tháng rồi 3 năm vẫn được “người ta” nhớ.
Có anh còn nói rằng, mong gặp lại cô phóng viên nữ kia để kể hết câu chuyện mà hôm trước mới nói được 45 phút. Có anh chia sẻ, sao cô đó không lên đúng mùa ong đi lấy mật, vì nếu đúng mùa thì anh em chạy vô rừng xách về một chai để làm quà vùng sâu vùng xa. Cho mật hay cho những lời đường mật? Có lẽ cả 2 đều có cả. Thực sự các đồng nghiệp phóng viên nữ quá lợi hại!
Không phải hình bóng con gái là chất xúc tác ở các đơn vị vùng sâu, vùng xa, mà ngay chính ở những trung tâm thành phố như Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội vẫn có tác động. Một phóng viên nữ xuất hiện giữa thao trường nắng trong lúc chiến sĩ tập luyện khiến không khí dịu mát; đến gặp gỡ anh em trong đội công tác đang giúp gia đình nghèo sửa chữa lại nhà cửa giữa cái nắng chói chang; hay quay phim trong lúc bộ đội lau xe thiết giáp mồ hôi tuôn khắp người; mặc áo phao có mặt trên boong tàu đang triển khai tuần tra và hứa sẽ lên tàu đồng hành cùng anh em vài tiếng đồng hồ... Tất cả đều tạo ra động lực đối với cánh lính trẻ và cả lính già.
Sự “nguy hiểm” của phóng viên nữ. Ảnh: TL
Phóng viên nữ đến đơn vị bộ đội và ngủ qua đêm sẽ gặp vô số chuyện thú vị. Cách đây 3 năm, một nữ phóng viên kênh truyền hình VTV8 ở Đà Nẵng lên tác nghiệp tại Đồn biên phòng cửa khẩu Nam Giang tỉnh Quảng Nam và được dành riêng một phòng để ngủ lại. Toàn bộ khuôn viên đồn bằng gỗ. Giường của 2 phòng được kê cùng phía và cách nhau một tấm gỗ. Nằm sát vách gỗ, chị đã lắng nghe toàn bộ câu chuyện từ phía bên kia của 2 chàng lính trẻ. Những cán bộ này công tác về muộn nên không biết có hơi ấm của phụ nữ sát vách. Câu chuyện của họ đủ thứ, kể cả chuyện nhớ bóng hồng đến lay lắt... Sáng ra, chị phóng viên bật cửa và thốt lên “nghe hết rồi, tối qua nghe sạch trơn chuyện”.
Câu chuyện mà chị nghe chắc chắn sẽ rất hấp dẫn, càng khiến phóng viên hiểu thêm về lính tráng để viết được câu chuyện hay, chị trở nên “nguy hiểm” với anh em vì biết được binh sĩ đang nghĩ gì. Còn chiếc giường chị ngủ được anh em nói vui “để lấy lồng bàn úp lại, mong giữ chút hơi ấm”./.
Lê Văn Chương


Tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám, du khách có thêm trải nghiệm về hệ thống biên lai điện tử

Hà Nội dự kiến mức thu học phí mới ở mức sàn theo quy định của Chính phủ

Phát huy vai trò của báo chí truyền thông trong xây dựng Đảng về đạo đức

Nâng cao năng lực của đội ngũ phóng viên trong bối cảnh chuyển đổi số báo chí

Giới thiệu bộ sách Dược thư Việt Nam và ứng dụng tem thông minh cho xuất bản phẩm

Du lịch nông nghiệp - Giải pháp hiệu quả phát triển nông thôn

Thay đổi nhận thức, hướng đến giao thông xanh, an toàn

Hà Nội: 19 cá nhân trúng thưởng trong chương trình “Hóa đơn may mắn”

Tháng Năm - Hải Phòng rộng dài, rực sáng…

Học viện Báo chí và Tuyên truyền tuyển sinh 2.400 chỉ tiêu năm 2023
