Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Khi người trẻ tranh biện

08:53 10/12/2016 - Văn hóa xã hội
Tranh biện là một hoạt động khá mới mẻ nhưng đã thu hút được sự tham dự của học sinh, sinh viên tham gia.

Tư duy ngược

Nguyễn Quang Minh, 22 tuổi, là người tham gia tranh biện lâu năm, hiện đang học tập tại ĐH Curtin, Malaysia. Anh đồng thời nổi tiếng với vai trò hướng dẫn  tranh biện trên địa bàn thủ đô Hà Nội. Minh chia sẻ một trong những câu hỏi bản thân sử dụng nhiều nhất mỗi lần đứng lớp là: “Tại sao gần như mọi quốc gia trên thế giới đều cấm kỵ việc loạn luân?”.

Tháng 7/2016, anh về nước nghỉ phép và nhận lời hướng dẫn cho CLB Debate Empowering Sociality (trực thuộc Trung tâm Đào tạo Tiên tiến, Chất lượng cao và POHE, ĐH Kinh tế Quốc dân). Nhân dịp này, tôi đã đăng ký tham gia và đặt cho Quang Minh câu hỏi vì sao anh luôn đưa ra vấn đề cấm kỵ này vào những lớp dạy tranh biện.

Theo Quang Minh, nguyên nhân thứ nhất là vấn đề này vừa quen vừa lạ. Bạn luôn khắc sâu loạn luân là hành động đáng lên án, đồi bại và sai trái nhưng chưa có nghĩa bạn đã tận biết lý do của điều cấm trên. “Không phải ai cũng biết bản chất của lý do cấm loạn luân là gì”, anh Minh nói.

Những cánh tay trong buổi thảo luận đã giơ lên. “Lý do bởi những đứa con sinh ra từ mối quan hệ loạn luân sẽ quái thai, dị dạng”, một thành viên CLB DES trả lời. Cả lớp chưa thực sự thỏa mãn.

Một người khác phản bác: Họ không cần phải sinh con, vì đã có những công cụ ngừa thai. Với thầy giáo Nguyễn Quang Minh, đặt ra những vấn đề cấm kỵ đẩy người tham dự tranh biện tới ranh giới nguy hiểm của những vấn đề đạo đức - luật pháp. Từ đó, những ý kiến phản biện mới mẻ sẽ nảy mầm.

GS Vũ Đức Vượng - Giám đốc Chương trình Giáo dục Tổng quát, ĐH Hoa Sen - nhận định: "Con người ta đơn thuần không thể để đi tới cùng một tranh luận, một vấn đề cụ thể". Ông đưa ra hai lý do. Thứ nhất, ta không biết đâu là cùng. Thứ hai, con người biết dùng đầu óc và chúng ta luôn luôn tiến tới chứ không chịu đứng yên. Các vấn đề xã hội và nhân văn cũng luôn thay đổi.

Cuối buổi tập luyện đó, Quang Minh đã đưa ra câu trả lời. Nhưng không phải ai cũng thỏa mãn và đồng tình với quan điểm của anh. Rất có thể, một ngày nào đó, những người ngồi cùng tôi trong gian phòng này có thể phản biện lại những điều anh Minh đã từng đóng đinh. Nhưng để làm được điều này không đơn giản.

Khả năng tự học

Tư duy phản biện là một quá trình dày công khổ luyện của mỗi thành viên. Bạn không thể “tay không đánh giặc”, không thể học tập với bộ não rỗng.

Một người (giấu tên) hiện đang tham gia tranh biện tiết lộ cho tôi rằng: Mỗi lần họp CLB là đối diện với những vấn đề rất lạ, rất mới: Từ khoa học xã hội & nhân văn tới kiến thức khoa học tự nhiên; từ vấn đề an ninh thế giới tới bình đẳng giới,... “Không thể tham gia tranh biện mà không học”, anh nói. “Nhưng học ở đây không vì yếu tố bên ngoài như CLB sàng lọc thành viên. Không có chuyện đó. Chỉ là mình thực sự thấy tranh biện kích thích mình tìm tòi”.
Cũng theo GS Vũ Đức Vượng, tư duy phản biện giúp kích thích khả năng tìm tòi và tự học của sinh viên.

Trao đổi với một số thành viên của những CLB tranh biện tại Hà Nội, họ chia sẻ bản thân đã bắt đầu hứng thú hơn với những môn học trên ghế nhà trường. Một lý do được đưa ra là các sinh viên đã hiểu hơn giá trị mà môn học đem lại cho mình. 

Nguyễn Thị Ngọc, cựu thành viên CLB FU Debate là người từng tham gia tranh biện từ những ngày đầu tiên hoạt động lan tới Hà Nội. Chị đồng ý rằng, sinh viên có rất nhiều lựa chọn sinh hoạt ở các tổ chức xã hội nhưng không đâu khiến họ kích thích tư duy và lòng say mê học như tham gia các CLB tranh biện. Đấy là điểm khác biệt mấu chốt. 

Nhiều trường hợp đã thay đổi 180 độ sau khi đến với tranh biện. Từ một người có phần thụ động trong học tập trở thành người ham tự học. Họ tự học không chỉ kiến thức chuyên ngành mà còn nhiều hơn các vấn đề khác. 

Muộn còn hơn không

Nhìn nhận khách quan, tranh biện đến Việt Nam là quá muộn. Tại thời kỳ Hy Lạp cổ đại, những học giả đã rất coi trọng tranh biện trong giáo dục. GS Vũ Đức Vượng khẳng định đây là xương sống của giáo dục. Ông tiếp tục: “Giáo dục phương Tây đặt nền tảng trên logic, do đó tranh luận, phản biện, hoặc so sánh các ý kiến khác biệt là chuyện không thể thiếu”. 

“Trừ thời Trung cổ ở Âu châu, truyền thống tranh biện đã phát triển mạnh mẽ qua các triết gia Hy Lạp, La Mã, rồi nối tiếp lại từ thời Phục Hưng (Renaissance) cho tới nay. Nền giáo dục đại học ở những nước này cũng theo một truyền thống đó, đòi hỏi nghiên cứu khoa học dựa trên tìm tòi, tranh biện, so sánh của nhiều người”. 

Trên thực tế, học sinh, sinh viên Việt Nam chưa có cơ hội phát triển tư duy phản biện tại nhà trường. Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) thừa nhận hiện trạng trên và đưa ra nguyên nhân từ cả chủ quan lẫn khách quan. Nhưng dù sao, chậm còn hơn không. 

“Tự lực” nuôi tổ chức

Nhu cầu thành lập CLB và tổ chức hoạt động tranh biện của học sinh, sinh viên là rất cần thiết. 

Bởi lẽ, tranh biện cần được thể hiện ở những cuộc thi tài, không thể hoạt động cá nhân. Đồng thời, những chương trình tranh biện trên sóng truyền hình như "Tôi lên tiếng" (VTV6) là quá ít ỏi so với nhu cầu của học sinh, sinh viên. Vũ Hương Giang, sinh viên Học viện Ngoại giao từng tham gia chương trình của VTV6, mong muốn nhiều nhiều hơn những sân chơi tranh biện cho người trẻ.

Trao đổi với người viết, chị Nguyễn Thị Ngọc, một người tranh biện lâu năm, cho biết đây là hoạt động mới du nhập vào Việt Nam hơn sáu năm trước. Tính tới thời điện tại, ở Hà Nội, số lượng những CLB, tổ chức tranh biện là không đáng kể. Có thể kể tên Vietnam Youth to Debate, FU Debate Club, HLU Debate hay Debate Empowering Sociality. Phần lớn, đây là những tổ chức, CLB được khoa hoặc trực tiếp đoàn trường bảo trợ và do sinh viên tự điều hành. Nhưng để duy trì những "sân chơi" này là không đơn giản.

Dù là câu lạc bộ trực thuộc khoa hoặc trường đại học, trung học nhưng khoản tiền khoa, trường cấp kinh phí để duy trì hoạt động là không đáng kể. Những người trẻ buộc phải tự lực nuôi tổ chức.

Nguyễn Ngọc Quỳnh, chủ tịch CLB Debate Empowering Sociality tiết lộ dù là câu lạc bộ trực thuộc Trung tâm Đào tạo Tiên tiến, Chất lượng cao và POHE (ĐH Kinh tế Quốc dân), nhưng việc cấp kinh phí để duy trì hoạt động không đáng kể.

Quỹ CLB đến từ đóng góp của từng thành viên. Ngày thường có thể không sao nhưng đặc biệt khó khăn những lúc CLB tổ chức sự kiện những cuộc thi tranh biện hàng năm. Số tiền lớn vượt quá khả năng đóng góp của thành viên khiến BTC phải đi xin tiền tài trợ.

“Xin tài trợ đâu có đơn giản”, chị Ngọc Quỳnh nói tiếp. Tranh biện quá mới ở Việt Nam, mới chỉ khoảng 6 năm, quá mới mẻ. Làm sao để thuyết phục những công ty tài trợ để tổ chức những cuộc thi? Mấu chốt ở đây, theo chị là “Thuyết phục nhà tài trợ về giá trị của tranh biện. Hãy cho nhà tài trợ thấy sức hút của cuộc thi có lợi cho họ”.

Khó mấy những người trẻ vẫn cố vượt qua. Bằng chứng là cuộc thi tranh biện hằng năm như Voice Out của CLB  Debate Empowering Sociality vẫn đều đặn được diễn ra. Tự lực ắt tự thành.

Đăng Thành

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Theo thông tin từ Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, đồng chí đã từ trần lúc 13 giờ 38 phút, ngày 19-7-2024, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Hưởng thọ 80 tuổi. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân” của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top