
Long An khánh thành:
Khu di tích Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ
-
Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UB.MTTQ Việt Nam tỉnh Long An vừa tổ chức khánh thành Khu di tích Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ tại xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An.
Khu di tích Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ
Đến dự có nguyên Chủ tịch nước, Trương Tấn Sang; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Phạm Văn Rạnh; Chủ tịch UBND tỉnh, Trần Văn Cần cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh, huyện Tân Thạnh và đông đảo người dân trên địa bàn.
Khu Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban hành chính - Kháng chiến Nam bộ (1946-1949) tọa lạc tại xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An, là một trong ba căn cứ địa quan trọng của cách mạng miền Nam trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Đây là nơi ở, làm việc và chiến đấu của đồng chí Lê Duẩn và nhiều cơ quan của Đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang từ cấp Xứ đến Khu, Tỉnh trong thời gian 3 năm từ năm 1946-1949, dưới sự đùm bọc, che chở của nhân dân Đồng Tháp Mười.
Khu di tích Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban hành chính - Kháng chiến Nam bộ (1946-1949) được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử cấp Quốc gia theo Quyết định số 42/207/QĐ-BVHTT ngày 03/8/2007.
Khu di tích Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ được khởi công từ năm 2013 với tổng mức đầu tư của dự án được phê duyệt gần 130 tỉ đồng, bằng nguồn vốn Trung ương hỗ trợ và ngân sách tỉnh, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ trên 46 tỉ đồng, ngân sách tỉnh trên 83 tỉ đồng.
Công trình có diện tích gần 3ha. Ngoài các hạng mục về hạ tầng kỹ thuật, di tích còn có nơi ở của các đồng chí: Lê Duẩn, Phạm Văn Bạch và Trần Văn Trà, Văn phòng Ủy ban Kháng chiến - Hành chính Nam Bộ, Nhà in Nam Bộ và Phòng bào chế y dược được phục dựng. Ngoài ra, còn có khuôn viên mộ ông Nguyễn Văn Siêu và bà Trần Thị Én; nhà truyền thống, trưng bày;…
Tại buổi lễ, ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, khẳng định, việc xây dựng Khu di tích Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ (1946-1949) thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, bày tỏ lòng biết ơn, tri ân sâu sắc các anh hùng liệt sĩ hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Đồng thời, nhằm lưu giữ, bảo tồn một địa danh lịch sử, để khu di tích mãi là "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ hôm nay và mai sau.
N.B

63 tác phẩm xuất sắc đoạt Giải báo chí Thông tấn xã Việt Nam 2016

Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp đoàn doanh nghiệp Hong Kong (Trung Quốc)

Hoàn thiện kế hoạch giao vốn chương trình mục tiêu quốc gia

Xử lý vấn đề tồn tại của Công ty cổ phần Thể dục thể thao Việt Nam
