Khám phá góc “check-in” mới đậm sắc màu Nhật Bản và siêu “độc, lạ” tại Hạ Long

21:57 25/07/2023 - Văn hóa xã hội
Được lấy cảm hứng từ những chiến binh Samurai quả cảm cùng thanh kiếm Katana huyền thoại, “Làng rèn Thần kiếm” tại Sun World Ha Long đang là trải nghiệm gây sốt nhất hè này khi đến với thành phố di sản Hạ Long. 

“Làng rèn Thần kiếm” là không gian trải nghiệm văn hóa kiếm Nhật Bản nằm trong khu văn hóa - nghệ thuật Nhật Bản, thuộc tầng hầm Ga Mặt trời của Sun World Ha Long. Ra mắt đúng dịp cao điểm hè, sản phẩm du lịch mới của Sun World Ha Long ngay lập tức thu hút sự chú ý của những du khách mê đắm văn hóa Nhật Bản, đặc biệt là văn hóa kiếm Nhật.

Hành trình khám phá văn hóa kiếm Nhật tại “Làng rèn Thần kiếm” được ví như cuộc hành hương ngược dòng thời gian, trở về thời kỳ Edo (1603-1868) của vùng Bizen Osafune - một trung tâm sản xuất kiếm lớn nhất Nhật Bản. Những thanh kiếm được rèn ở ngôi làng này nổi tiếng vì độ sắc bén và vẻ đẹp nghệ thuật đặc biệt, thường được các Samurai, tầng lớp chiến binh ưu tú của Nhật Bản thời phong kiến lựa chọn sử dụng và dần trở thành biểu tượng của danh dự và lòng dũng cảm.

Ngôi làng chính là nguồn cảm hứng để Sun World Ha Long lựa chọn, tạo nên một không gian độc đáo, nơi du khách được có cơ hội tìm hiểu và trải nghiệm một cách sống động nét văn hóa đặc sắc của Nhật Bản. Để mang tới cho khách tham quan trải nghiệm chân thực nhất, khu du lịch sử dụng các nguyên liệu được lấy từ chính những ngôi làng truyền thống Nhật Bản để tạo nên những căn nhà bằng gỗ, con đường lát đá hay những chiếc đèn lồng giấy tinh xảo,...

 Trên diện tích 3.000m2, làng rèn Thần kiếm được chia làm 6 khu vực, để du khách tìm hiểu về kiếm cổ - vật bất ly thân đối với các võ sĩ Samurai thời xưa, thông qua hoạt động trình diễn, trưng bày về quy trình chế tác; được nghe các nghệ nhân chia sẻ về sự bền bỉ và tỉ mỉ trong từng chi tiết nhỏ nhằm tạo nên một thanh kiếm đẹp, thông qua các công đoạn làm kiếm, từ mài, điêu khắc phụ kiện, làm mộc vỏ bao cho đến quấn và tạo hồn cho cán kiếm. Đặc biệt, tại đây du khách cũng sẽ được hóa thân thành những võ sĩ samurai đích thực.

Nổi bật nhất có lẽ là khu vực trình diễn nghệ thuật chế tác kiếm, với 7 căn nhà tương ứng với 7 quy trình chế tác. Tại các nhà đều có những nghệ nhân được tu nghiệp tại Nhật Bản trực tiếp thao tác trình diễn nghệ thuật chế tác kiếm cho du khách thưởng thức.

Khu vực rèn kiếm là điểm đến đầu tiên trong hành trình, nơi du khách được chiêm ngưỡng tận mắt các công cụ rèn kiếm, các lưỡi thép được tạo ra từ quy trình tôi luyện thép trong lò rèn ở nhiệt độ cao và tạo hình lưỡi kiếm của các nghệ nhân.

Quầy mài kiếm, nơi kiếm được nghệ nhân mài sắc qua 12 loại đá mài. Công đoạn này được gọi là "togi", đòi hỏi độ chính xác và kỹ năng đặc biệt của nghệ nhân làm kiếm.

Giai đoạn tiếp theo là điêu khắc trên lưỡi kiếm. Công đoạn phức tạp và nghệ thuật này bao gồm việc thiết kế và chạm khắc các hoa văn như hình động vật, vị thần hoặc sinh vật thần thoại từ văn hóa dân gian Nhật Bản... lên bề mặt của lưỡi kiếm, nhằm tạo nét độc đáo và tính cá nhân cho từng thanh kiếm.

Tại quầy chế tác bao kiếm, du khách sẽ được quan sát nghệ nhân chế tác bao kiếm và cán kiếm từ các loại gỗ nhẹ và bền như mộc lan Nhật Bản (gỗ ho) hoặc gỗ anh đào Nhật Bản cùng nguyên liệu làm vỏ kiếm, các dụng cụ đục, bào truyền thống.

Vỏ kiếm sau khi được tạo hình sẽ được các nghệ nhân tại quầy sơn mài thực hiện hết sức công phu để tạo nên các hoa văn, màu sắc sinh động. Sơn mài không chỉ làm tăng tính thẩm mỹ mà còn bảo vệ chất liệu của vỏ kiếm. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là bọc cán kiếm. Nghệ nhân sẽ sử dụng dây quấn cán kiếm chặt trên phôi cán để giảm áp lực xuống cổ tay khi thực hiện các thao tác với kiếm. Dây quấn cuối cùng phải mịn và không có khoảng trống hoặc nếp nhăn mới đạt tiêu chuẩn.

Sau khi thỏa mãn thị giác qua 6 quy trình làm kiếm, du khách, dưới sự hướng dẫn bởi các kiếm sỹ được đào tạo bài bản, du khách có thể ghé thăm Đấu trường Võ sĩ đạo với 18 ô cửa lưới có hàng rào bao quanh, để hóa thân thành một võ sĩ Samurai thực thụ, với các kỹ năng dùng kiếm chém tre hay chém chiếu.

Bên cạnh kiếm Nhật, du khách còn được trải nghiệm nghệ thuật gấp giấy Origami và tận mắt chiêm ngưỡng bộ sưu tập búp bê truyền thống Nhật Bản daruma tuyệt mỹ.

Một trong những điểm nhấn của “Làng rèn Thần kiếm” chính là Đền thờ Thần kiếm nơi trưng bày 9 thanh bảo kiếm cổ đại, được chế tác bởi những nghệ nhân nổi tiếng nhất Nhật Bản qua nhiều thời kỳ kèm với những giai thoại bất tử. Đặc biệt có sự xuất hiện của thanh Thượng Phương Bảo Kiếm của Mạc Chúa Tokugawa Iemochi - lãnh chúa toàn cõi Nhật Bản thế kỷ thứ 19 được định giá hàng triệu đô trên thị trường đấu giá quốc tế.

“Xưa nay, tôi chỉ được nghe và thấy thanh bảo kiếm quý giá qua ảnh. Đây là lần đầu tiên tôi được tận mắt chứng kiến một thanh kiếm tinh xảo và mang nhiều ý nghĩa văn hóa đến vậy. Mang đến một không gian để trải nghiệm văn hóa kiếm Nhật thực sự là một ý tưởng rất hay và hấp dẫn cho du khách yêu thích văn hóa Nhật như tôi.” Anh Hoài Anh - một du khách từ Bắc Ninh chia sẻ.

Kết thúc hành trình du khách có thể ghé thăm triển lãm điêu khắc ánh sáng độc đáo có 1-0-2 với những tác phẩm mang tính gợi mở từ những vật liệu thân thuộc với văn hóa Nhật Bản. Những hình ảnh sinh động về Nhật Bản xưa với Đức Phật, võ sỹ, thiếu nữ, em bé,… qua nghệ thuật sắp xếp vật liệu và ánh sáng đã tạo ra những tác phẩm thực sự ấn tượng, truyền tải nhiều thông điệp ý nghĩa, mang đến nhiều cảm xúc cho du khách.

Để tận hưởng trọn vẹn tinh hoa văn hóa Nhật Bản, Sun World Ha Long đang tung ưu đãi hấp dẫn cho trải nghiệm băng qua vịnh di sản, ngắm nhìn toàn cảnh Hạ Long từ trên cao cùng cáp treo Nữ Hoàng, kết hợp khám phá văn hóa Nhật Bản tại “Làng rèn Thần kiếm” và các chương trình biểu diễn Yosakoi hay show diễn Chuyện tình xứ sở Hoa anh đào diễn ra vào hai khung giờ 11h và 15h30 hàng ngày (trừ thứ Tư) tại Đồi Mặt Trời. Combo đặc biệt đang áp dụng có giá 500.000 đồng/người lớn, 330.000 đồng/trẻ em.  

Lê Hà

 

 

 

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top