
Khắc ghi lời thề trên đảo Trường Sa
Đã hơn 10 năm trôi qua nhưng những ngày này khi Tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc dòm ngó bãi Tư Chính, xâm phạm chủ quyền thềm lục địa phía Nam của nước ta, trong tôi bỗng trào dưng kỷ niệm chuyến đi Trường Sa và tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ ở nhà giàn D
Thả hương, hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ ở vùng biển Tư Chính
Hôm ấy là một ngày cuối tháng 4/2008, đoàn phóng viên các báo trong nước do tôi làm trưởng đoàn cùng đoàn đại biểu các tỉnh Đồng Nai, Đắk Lắk, TP. Cần Thơ đến thăm và làm việc ở một số đảo nằm phía Đông Nam quần đảo Trường Sa.
Trước hàng quân đón chào đoàn đại biểu từ đất liền ra thăm đảo, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân Nguyễn Hữu Vinh đã truyền đạt mệnh lệnh của cấp trên, rằng vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, 100% lực lượng Quân chủng Hải quân quyết hy sinh đến người lính cuối cùng. Chúng tôi hiểu mệnh lệnh đó xuất phát từ ngàn xưa cho đến hôm nay, khẳng định Trường Sa và Hoàng Sa là một bộ phận không thể tách rời của đất nước mà trách nhiệm của người lính ở tuyến trước, của mỗi người con đất Việt phải biết giữ gìn.
Từ nhiều thập kỷ nay, với nhiều toan tính và tham vọng, Trung Quốc đã và đang tìm đủ mọi cách để xâm phạm, lấn chiếm, tiến tới độc chiếm Biển Đông. Đất nước đã hoà bình hơn bốn mươi năm rồi, nhưng vấn đề biển, đảo luôn nhắc nhở chúng ta rằng, mỗi tấc đất mà từ bao đời nay các thế hệ cha ông của chúng ta dày công xây đắp là thiêng liêng. Việc đảm bảo chủ quyền của đất nước trên thềm lục địa, Biển Đông và hải đảo đang là một khó khăn lớn trong điều kiện tiềm lực đất nước còn hạn hẹp. Nhưng mồ hôi, nước mắt đã đổ xuống đây, máu xương đã đổ xuống đây, để biển vẫn xanh ngàn đời, để đảo bây giờ xanh biếc cả một quầng xanh ôm ấp lấy từng thớ đất Việt giữa sóng nước đại dương.
Hoàng sa, Trường Sa là của Việt Nam! Tương lai giàu mạnh của đất nước, của dân tộc ta đang mở ra từ đại dương bao la. Nhưng những chiếc "gai nhọn" vẫn còn đó, ngáng trở con đường băng ra đại dương của chúng ta.
Tạm biệt nhà giàn DK1. Ảnh: Minh Tứ
Trên đường hành quân, Phó Tham mưu trưởng Hải quân vùng 4 Nguyễn Xuân Thuỷ (năm 2008) đã chỉ cho chúng tôi những chấm nhỏ màu tím nhạt trên bản đồ hành trình được căng ở cánh cửa lên boong tàu HQ 957. Đó là những hòn đảo chìm thân yêu của chúng ta đã bị Trung Quốc cưỡng chiếm. Biển là biển của ta, đảo là đảo của ta mà giờ đây trên hành trình ra đảo chúng tôi phải đi đường tránh, vì nếu đến gần, như nhiều ngư dân các tàu đánh cá kể lại là sẽ bị bắn hù doạ, bị trấn hết lưới, dầu, lương thực...
Hôm ở đảo Núi Le, chúng tôi chứng kiến một tàu đánh cá ngư dân của ta bị tàu nước ngoài lấy hết phương tiện đánh bắt, đành phải về cập Núi Le để buông câu kiếm vài con cá gỡ gạc trước khi vào bờ. Chỉ huy tàu HQ 957 biết tin cử đại diện lên thăm, tặng quà động viên ngư dân. Nhìn thấy cảnh này tôi hình dung nếu không có Hải quân Việt Nam cắm chốt ở đây làm điểm tựa, chia sẻ nhiên liệu, nước ngọt, lương thực, ngư dân của ta sẽ bơ vơ biết bao giữa mênh mông đại đương xa thẳm.
Biết là biết vậy nhưng trước tham vọng của nước ngoài, "khi có tình huống nhạy cảm xảy ra trên Biển Đông, lực lượng Hải quân Việt Nam luôn kiềm chế, tìm cách xử lý linh hoạt nhưng vẫn đảm bảo chủ quyền vùng biển đảo" - Tôi hiểu câu nói của Đảo trưởng đảo Núi Le Nguyễn Đức Dân khi nói về sự nan giải trong việc đẩy đuổi tàu nước ngoài đến thăm dò vùng biển đảo chủ quyền của Việt Nam.
Một việc làm ý nghĩa mà các đoàn công tác ra Trường Sa đều thể hiện, đó là tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo. Cùng với các đoàn công tác ở các đảo phía Bắc quần đảo làm lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh trong sự kiện CQ - 88 ở khu vực đảo Gạc Ma và Cô Lin, đoàn công tác tàu HQ 957 của chúng tôi đi về phía Đông Nam, làm lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh ở các nhà giàn vùng biển Tư Chính.
Tại vị trí nhà giàn DK 1.11, buổi sáng khi mặt trời chưa thức dậy, cả đoàn chỉnh tề trang phục tập trung trên boong tàu. Một không khí linh thiêng toả ra từ ngan ngát hương trầm. Vòng hoa, hương, lễ vật được dâng lên và tiến hành theo nghi thức của những người đi biển. Trong tiếng nhạc trầm hùng, chúng tôi bùi ngùi xúc động tưởng nhớ đến các liệt sĩ đã hy sinh anh dũng trên vùng biển giàu tiềm năng, có vị trí hết sức quan trọng ở thềm lục địa phía Nam của đất nước.
Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân Nguyễn Hữu Vinh giọng chùng xuống khi hồi tưởng về tinh thần chiến đấu hy sinh của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn DK1, thuộc Lữ đoàn 171 và những công dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trên các Trạm kinh tế - khoa học- dịch vụ đã nêu cao tinh thần khắc phục khó khăn, gian khổ, thiếu thốn về mọi mặt và môi trường khắc nghiệt, hiểm nguy của biển cả, nêu cao ý thức độc lập tự chủ, tự lực, tự cường, chấp hành nghiêm mệnh lệnh, trụ vững nơi đầu sóng ngọn gió. Nhưng thiên nhiên vốn hung dữ, khắc nghiệt.
Sự tàn phá khủng khiếp của bão tố đã làm đổ các nhà giàn vào những năm 1990, 1996, 1999 và năm 2000. Chính từ trong gian khổ thử thách, người lính Hải quân trên các nhà giàn, các tàu trực ở thềm lục địa phía Nam đã tỏ lòng trung thành vô hạn với Tổ quốc, sẵn sàng hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ, thể hiện tình thương yêu đồng đội trong sáng, thủy chung.
Phút tưởng niệm. Ảnh: Minh Tứ
Những người lính Hải quân vẫn còn nhắc mãi hành động cao đẹp của liệt sĩ, đại uý Vũ Quang Chương - Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK 1/6 Phúc Nguyên. Trước sự hung dữ của biển cả và tàn khốc của cơn bão số 8 ngày 14/3/1999, anh đã bình tĩnh vững vàng chỉ huy bộ đội rời trạm xuống tàu về đất liền an toàn, còn anh và chiến sĩ Nguyễn Văn An ở lại sau cùng thu dọn tài liệu và cuốn lá cờ Tổ quốc vào lòng, rời nhà giàn cuối cùng. Nhưng không kịp nữa, cơn bão với sức gió lớn đã cướp đi tính mạng của các anh.
Còn liệt sĩ, chuẩn uý Lê Đức Hồng trong thời điểm ngặt nghèo nhất vẫn cố gắng đến cùng để giữ vững liên lạc với đất liền. Khi cơn bão ập đến làm nhà giàn sụp đổ, anh chỉ kịp gửi lời chào "Vĩnh biệt đất liền" để rồi thanh thản ra đi không một chút suy tư.
Bám trụ cùng những người lính trên các nhà giàn, thượng uý Phạm Tảo, Thuyền trưởng tàu HQ 606; đại uý Nguyễn Văn Tư, Thuyền trưởng tàu HQ 188 và trung uý Lê Đức Cường, thượng uý Ngô Sĩ Nga - Máy trưởng và các anh Hoàng Văn Cúc, Nguyễn Đức Hanh, chiến sĩ của tàu đã trực chốt kiên cường, ra tay cứu vớt đồng đội và đã anh dũng hy sinh.
Các nhà báo tác nghiệp ở đảo Trường Sa
Khi những đài hoa, cánh hoa, lễ vật được đưa xuống biển, tôi nghe vang vọng tiếng thầm thì cầu nguyện của những người lính: "Từ ngày các anh đi xa, chúng tôi, những cán bộ, chiến sĩ trong Quân chủng và Lữ đoàn 171 tiếp tục noi gương các anh. Chúng tôi nguyện với các anh rằng sẽ vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, trụ vững nơi đầu sóng ngọn gió, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc". Lời nguyện cầu của các anh chắc đã thấu tận biển xanh và dưới "Nghĩa trang san hô đỏ", đồng đội các anh cũng đã nghe thấy, cho nên đài hoa có cắm nến, hương hoa khi được thả xuống biển cứ dập dềnh, dập dềnh quanh tàu một cách lưu luyến. Ngoài kia, sóng biển vẫn vỗ miên man.
Chợt nhớ, hôm trước đoàn chúng tôi làm lễ tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ ở đảo Trường Sa Đông, khi trở về có một con chim hải âu cứ bay theo mãi đoàn tàu trên suốt quãng đường dài. Một đồng nghiệp của tôi cho rằng đó là linh hồn của các anh đang ở đâu đây, quấn quýt bên đồng đội để canh giữ biển trời quê hương. Những người có mặt trên boong tàu hôm ấy lặng đi, dõi mắt theo cánh chim cho đến khi nhoà vào hoàng hôn. Biển chiều ngả từ màu xanh sang tím ngắt đến bất ngờ.
Trên đường trở về từ bãi Tư Chính, anh Huỳnh Văn Tới, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đồng Nai (năm 2008) nói với chúng tôi rằng: "Có ra đảo mới hiểu nỗi khó khăn của đất nước, của những người lính Hải quân nơi đảo xa. Cái giá phải trả cho chủ quyền biển đảo của Tổ quốc từ trước đến nay là rất lớn. Cả nước phải có trách nhiệm góp sức cùng xây dựng và bảo vệ Trường Sa".
Tôi hiểu ý anh. Vâng, không chỉ lời thề quyết hy sinh đến người lính cuối cùng của Quân chủng Hải quân để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc mà hàng triệu người con đất Việt cũng phải bằng mọi giá để bảo vệ từng tấc đất trên đất liền và hải đảo mà các thế hệ cha ông đã dày công hy sinh xương máu để tạo dựng, cho hôm nay và muôn đời con cháu mai sau.
Minh Tứ

63 tác phẩm xuất sắc đoạt Giải báo chí Thông tấn xã Việt Nam 2016

Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp đoàn doanh nghiệp Hong Kong (Trung Quốc)

Hoàn thiện kế hoạch giao vốn chương trình mục tiêu quốc gia

Xử lý vấn đề tồn tại của Công ty cổ phần Thể dục thể thao Việt Nam
