Hướng tới một nền báo chí chuyên nghiệp hơn

Báo chí tích cực là khái niệm tương đối mới trong cả lý luận và thực tiễn báo chí hiện nay. Đúng như tên gọi của mình, báo chí tích cực hướng tới phản ánh vấn đề tiêu cực với tinh thần tích cực, trình bày quan điểm mang tính xây dựng đồng thời tìm kiếm giải pháp hữu hiệu cho những vấn nạn xã hội. Với bản chất và chức năng như thế, báo chí tích cực được coi là giải pháp mang tính đột phá cho vấn nạn thông tin tiêu cực đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hiện nay.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Từ yêu cầu cấp thiết của thực tiễn

Trong những năm gần đây, tình trạng thông tin giật gân, câu khách tràn lan trên báo chí. Xu hướng thương mại hóa, thậm chí tầm thường hóa báo chí trở thành vấn đề nóng hơn bao giờ hết. Các diễn đàn, hội thảo và hội nghị báo chí đề cập vấn đề này với nhiều cảnh báo và đề xuất về chính sách nhưng tình hình chuyển biến rất khiêm tốn, chưa tương xứng với mong muốn của các nhà quản lý văn hóa - báo chí, giới nghiên cứu và công chúng. Hội nghị tổng kết công tác báo chí năm 2015 của Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá nhiều thông tin báo chí còn “nặng về mặt trái”

Điều dễ thấy hiện nay là tin tức tiêu cực và giật gân tràn ngập trên báo chí. Thông tin về các cuộc khủng hoảng, xung đột, cướp bóc hay các tệ nạn xã hội được đặt tại các vị trí nổi bật và xuất hiện với tần suất liên tục. Các thống kê gần đây trên báo mạng cho thấy, phần lớn các tin tức được xếp vào nhóm đọc nhiều nhất đều mang tính tiêu cực. Các nhà nghiên cứu báo chí và tâm lý chỉ ra rằng, tình trạng quá tải thông tin tiêu cực khiến con người mất đi lòng trắc ẩn, lòng bao dung và dần trở nên vô cảm trước những bất công, đau khổ và phi lý trong xã hội hiện đại. Tình trạng này có căn nguyên sâu xa cả từ phía nhà báo (chiều cung) và từ phía công chúng (chiều cầu).

Một mặt, tình trạng thông tin tiêu cực xuất hiện ngày càng nhiều và đậm đặc trên báo chí gắn liền với cách tiếp cận nghề nghiệp của nhà báo. Tính bất thường, tính tiêu cực cùng với tính thời sự, tính liên quan tạo nên sự hấp dẫn của thông tin báo chí. Không ít cơ quan báo chí và nhà báo dựa vào thông tin về các vụ cướp giết, khủng hoảng, xung đột... như phương thức tăng số lượng công chúng. Khi áp lực tài chính đối với cơ quan báo chí tăng lên, các cơ quan báo chí không ngần ngại sử dụng thông tin giật gân để tạo ra sự gia tăng tức thời về số lượng công chúng, từ đó, thu hút các nhà quảng cáo. Bên cạnh đó, việc đưa tin một chiều, phiến diện về những vấn đề tiêu cực dễ dàng hơn nhiều so với việc mổ xẻ, phân tích, soi sáng vấn đề trên nhiều phương diện và góc độ khác nhau.

Mặt khác, nhu cầu thông tin của công chúng tạo điều kiện cho thông tin tiêu cực sinh sôi theo nguyên lý “có cầu, ắt sẽ có cung”. Marc Trussler và Stuart Soroka (2013), Đại học McGill cho rằng, có sự sai lệch giữa tuyên bố về nhu cầu thông tin và hành vi lựa chọn thông tin của công chúng. Một bộ phận công chúng có xu hướng lựa chọn những thông tin tiêu cực mặc dù họ tuyên bố rằng họ muốn nhận được những thông tin tích cực. Nói cách khác, công chúng dễ bị thu hút bởi những câu chuyện về thảm họa, khủng hoảng, xung đột hơn những câu chuyện về người tốt và việc tốt.

Quan niệm về báo chí tích cực
Báo chí là nghề nghiệp vừa mang tính thực tế vừa mang tính lý tưởng. Nhà báo không chỉ phản ánh xã hội một cách đơn thuần mà còn góp phần cải tạo xã hội một cách chủ động. Báo chí tích cực hướng tới xây dựng một xã hội lành mạnh và bền vững thông qua việc tập trung vào khía cạnh tích cực của câu chuyện. Còn được nhắc đến với các tên gọi khác nhau như “báo chí giải pháp”, “báo chí kiến tạo”, “báo chí xây dựng”, báo chí tích cực được coi là giải pháp quan trọng cho tình trạng báo chí “nặng về mặt trái” đã nêu.

Trong lá thư gửi trí thức ở Nam Bộ ngày 25/5/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh “sự nghiệp phò chính, trừ tà” của nhà báo. Theo đó, nhà báo có trách nhiệm nghề nghiệp và xã hội trong việc phát huy những giá trị tốt đẹp, bảo vệ những điều đúng đắn và hành động vì lẽ phải. Cùng với đó, nhà báo sẵn sàng đấu tranh với với cái xấu và cải tạo cái tiêu cực để hướng con người tới những giá trị chân - thiện - mỹ. Điều này có nghĩa là, tích cực hóa xã hội là chức năng vốn có, cơ bản của báo chí.

Cố nhà báo lão thành Hữu Thọ từng sử dụng thuật ngữ “báo chí giải pháp” để đề cập nền báo chí “cổ vũ nhân tố mới hoặc phanh phui tiêu cực đều nhằm mục đích xây dựng”. Trong tham luận tại Hội thảo 80 năm Báo chí cách mạng Việt Nam, ông cho rằng, báo chí không chỉ phản ánh trung thực, toàn diện về các vấn đề trong xã hội mà còn “chỉ ra phương hướng giải quyết những vấn đề thiết thực mà xã hội quan tâm” làm được như vậy, nhà báo cần nâng tầm bản lĩnh, năng lực nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp của mình.

Các nhà báo và nhà nghiên cứu báo chí nước ngoài cũng chủ trương báo chí tích cực không chỉ như giải pháp chiến lược cho tình trạng thông tin tiêu cực lan tràn trong báo chí mà còn như liều thuốc hữu hiệu cho tình trạng xuống cấp đáng ngại của xã hội. Trong buổi làm việc giữa Học viện Báo chí và Tuyên truyền với báo Wiener Zeitung (Cộng hòa Áo) tháng 12/2015, TSDD. Wolfgang Renner, Viện trưởng Viện Wiener Zeitung cho rằng, báo chí cần có cách tiếp cận sáng tạo đối với các vấn đề trong xã hội để thúc đẩy niềm tin, nuôi dưỡng tinh thần lạc quan và xây dựng xã hội tốt đẹp hơn. Ông cũng cho rằng, chỉ khi có tâm thế tích cực, nhà báo mới có thể đưa ra những giải pháp khả thi cho những khó khăn và thách thức trong xã hội.

Báo chí tích cực có mối quan hệ mật thiết với lĩnh vực nghiên cứu tâm lý học. Nhà báo điều tra Cathrine Gyldensted (Đan Mạch) được coi là một trong những người đầu tiên khởi xướng phong trào báo chí tích cực. Gyldensted học chuyên ngành tâm lý tích cực tại Đại học Pennsylvania (Mỹ) và đề xuất việc ứng dụng tâm lý học tích cực trong tin tức. Gyldensted cho rằng, tin tức mang tính xây dựng mang lại sức sống và tinh thần lạc quan cho con người, bao gồm công chúng và nhà báo. Từ đó, báo chí kích hoạt thái độ và hành động mang tính xây dựng của con người trước những vấn đề của xã hội thay vì chỉ đóng vai trò người quan sát thờ ơ.

Quan điểm của Gyldensted được kiểm nghiệm qua một số nghiên cứu. Karen Elizabeth McIntyre (2015) đã tiến hành nghiên cứu Báo chí mang tính xây dựng: Tác động của cảm xúc tích cực và thông tin giải pháp trong tin tức. Thí nghiệm thứ nhất của McIntyre phát hiện được, những cá nhân có cảm xúc tích cực khi đọc tin tức thường sẵn sàng tham gia vào các hành vi có lợi cho xã hội hơn những người trải qua cảm xúc tiêu cực khi đọc tin. Thí nghiệm thứ hai cho thấy, những bài viết có đề cập giải pháp hiệu quả cho vấn đề xã hội khiến người đọc cảm thấy dễ chịu và thích bài viết hơn.

Xây dựng báo chí tích cực
Báo chí tích cực có thể là giải pháp quan trọng cho tình trạng thông tin tiêu cực lan tràn trên báo chí hiện nay. Việc thống nhất nhận thức chung và phát huy loại hình báo chí này chính là bước đi đầu tiên trong việc tích cực hóa nền báo chí. Chỉ khi ý thức đầy đủ về trách nhiệm nghề nghiệp và xã hội của mình đồng thời nâng cao năng lực nghề nghiệp, nhà báo mới có khả năng đưa ra giải pháp cho những vấn đề, hiện tượng tiêu cực trong xã hội thay vì phản ánh vấn đề, hiện tượng đó một cách đơn thuần. Điều này xuất phát từ nguyên tắc căn bản trong nhận thức của con người: nhận thức đúng, định hướng và hành động đúng.

Trước hết, báo chí tích cực thông tin về những khủng hoảng, xung đột hay vấn nạn xã hội nhằm mục đích cảnh báo và định hướng hành vi cho công chúng. Ví dụ, thay vì lột tả những khốc liệt hay trần trụi của cuộc chiến tranh, báo chí hướng con người tới khát vọng hòa bình và kêu gọi hành động vì hòa bình thông qua việc phản ánh những hậu quả của chiến tranh và nỗi đau của con người. Điều này có nghĩa là, nhà báo cần đặt mục đích giảm bớt, kiểm soát hay loại bỏ xung đột thông qua bài viết của mình hơn là phản ánh đơn thuần xung đột đó.

Thứ hai, báo chí tích cực phản ánh vấn đề để từ đó đưa ra giải pháp và định hướng cho công chúng. Nhà báo không dừng lại ở việc trả lời câu hỏi “Điều gì đã xảy ra?” và “Tại sao vấn đề đó xảy ra?” mà đi sâu trả lời câu hỏi “Cần giải quyết vấn đề đó như thế nào?” Đây là lý do tại sao báo chí tích cực không dễ làm và không dành cho mọi nhà báo. Nó đòi hỏi nhà báo có cái nhìn toàn diện và sâu sắc về vấn đề; hướng tới mục tiêu tối thượng là cải tạo xã hội thay vì thông tin đơn thuần.

Thứ ba, báo chí tích cực kích thích tư duy và khuyến khích sự trao đổi các ý kiến khác nhau trong xã hội nhằm gia tăng tỷ lệ hợp lý của các quan điểm. Các vấn đề phức tạp trong xã hội luôn tạo ra những ý kiến khác nhau, thậm chí đối lập và xung đột. Nhà báo tích cực tạo cơ hội cho công chúng bày tỏ và trao đổi những ý kiến khác nhau, từ đó, đi đến sự đồng thuận hay sự nhất trí tương đối về cách làm hay giải pháp. Thực tế cho thấy, việc thống nhất nhận thức hay đạt được đồng thuận về giải pháp là tiền đề quan trọng cho việc triển khai thành công giải pháp đó.

Các nhà trường đào tạo báo chí và truyền thông có vai trò quan trọng trong việc kiến tạo nền báo chí tích cực. Thái độ mang tính xây dựng, tư duy phản biện tích cực và tinh thần lạc quan cần được nuôi dưỡng cho sinh viên báo chí và nhà báo. Với tư cách là cơ sở đào tạo báo chí hàng đầu ở Việt Nam, Học viện Báo chí và Tuyên truyền có thể đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực đào tạo nguồn nhân lực tích cực cho nền báo chí của đất nước. Điều này cũng đòi hỏi nhà trường đổi mới phương thức và nội dung giảng dạy theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, việc đào tạo các nhà báo tích cực cần được quan niệm như một hình thức đào tạo trọng điểm, tuyển chọn và chất lượng cao. Những nhà báo tích cực cần là những người được đào tạo bài bản, có nghiệp vụ tinh thông và đạo đức nghề nghiệp trong sáng. Khi vào nghề, họ sẽ đóng vai trò là cây bút chủ lực, là người định hướng dư luận trước những vấn đề kinh tế, chính trị và xã hội phức tạp. Họ sẽ không chỉ hoàn thành sứ mệnh thông tin của mình mà còn mang đến cho công chúng niềm hi vọng và sự tin tưởng vào cuộc sống, nuôi dưỡng tinh thần lạc quan và xây dựng cho con người.

----

(1) Ban Tuyên giáo Trung ương (2015), Báo cáo tổng kết công tác báo chí năm 2015.
(2) Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Kỷ yếu Hội thảo 80 năm báo chí cách mạng Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, 2005.


PGS, TS. Trương Ngọc Nam
Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top