Hợp tác báo chí truyền thông Việt Nam - Lào: Thách thức và giải pháp

01:25 12/11/2023 - Diễn đàn
Ngày 11/11/2023, tại TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, trong khuôn khổ chương trình “Ngày hội thắm tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào năm 2023”, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề “Triển vọng hợp tác báo chí truyền thông Việt Nam - Lào: Thách thức và giải pháp”.

Lãnh đạo Bộ TT&TT Việt Nam và Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào chủ trì chương trình tọa đàm

Chủ trì tọa đàm gồm Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Việt Nam Nguyễn Thanh Lâm và ông Phosy Keomanivong, Thứ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào.

Tham dự tọa đàm có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, cùng đại diện Ban Tuyên Giáo, Ban Đối ngoại Trung ương; các sở, ban, ngành trong tỉnh. Về phía Lào có lãnh đạo Bộ TT&TT, Đại sứ quán Lào; Tổng Lãnh sự quán Lào…

Chuyển đổi số báo chí ở Việt Nam

Ông Đặng Khắc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ TT&TT cho biết, báo chí cách mạng Việt Nam đang đứng trước các khó khăn, thách thức mới. Thực hiện chuyển đổi số (CĐS) các cơ quan báo chí truyền thông chính là sự thay đổi về tổng thể và toàn diện kể cả phương thức, cách làm việc, mô hình tổ chức, hoạt động sáng tạo các tác phẩm báo chí, là sự thay đổi quan trọng về nhận thức và thái độ của lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí.

Phó Cục trưởng Cục Báo chí Đặng Khắc Lợi cho biết thêm, mục tiêu CĐS báo chí Việt Nam đến năm 2025 là 70% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước); 50% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; 80% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số. Đồng thời, các cơ quan báo chí tối ưu hóa nguồn thu, trong đó 30% cơ quan báo chí tăng doanh thu tối thiểu 20%. 100% cơ quan báo chí điện tử có giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh hệ thống thông tin cấp độ 3 trở lên…

Ông Duangkeo Kongkham, Trưởng phòng Công nghệ thông tin - Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào chia sẻ, những kênh truyền thông của nước Lào cũng đang đứng trước những thách thức do ảnh hưởng của truyền thông trực tuyến.

Ông cho rằng, nguyên nhân là do phương tiện truyền thông trực tuyến nhanh hơn và có thể tiếp cận được khán giả phổ thông trong khi phương tiện truyền thông chính thống thích ứng chậm hơn.

Đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước); 90% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; 100% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số. Đồng thời, các cơ quan báo chí tối ưu hóa nguồn thu, trong đó 50% cơ quan báo chí tăng doanh thu tối thiểu 20%.

Quang cảnh tọa đàm

Để CĐS báo chí đạt được các mục tiêu trên, Phó Cục trưởng Cục Báo chí cho rằng, cần nâng cao nhận thức, tăng cường tuyên truyền; rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật; phát triển các sản phẩm báo chí; phát triển nền tảng số; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng cường hợp tác quốc tế.

Không gian mạng là cuộc sống, là sáng tạo…

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ TT&TT, hiện nhiều người xem không gian mạng là cuộc sống thứ hai, sáng tạo ra các nội dung có ảnh hưởng đến cộng đồng. Song song đó, các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới đang ngày càng phát triển ở Việt Nam, cho phép người dùng đăng tải nội dung miễn phí và khai thác quảng cáo. Điều này cũng góp phần gia tăng tình trạng tin giả, sai sự thật. Các nền tảng trực tuyến xuyên biên giới là nơi thông tin sai lệch truyền tải rất nhanh.

Ông Duangkeo Kongkham cho biết, hiện nay, các phương tiện truyền thông là cơ quan truyền thông chính dưới sự quản lý của chính phủ bao gồm: Đài phát thanh quốc gia Lào, Đài truyền hình quốc gia Lào, Kênh 1 và Kênh 3. Tin tức Lào, Báo Nhân dân và báo nước ngoài. Ngoài ra còn có đài quân đội, quân đội truyền hình, truyền hình bảo vệ hòa bình, báo quân đội, báo bảo vệ hòa bình. Còn truyền thông tư nhân thì có Laostra TV, Memv Lao.

Vụ Truyền thông đại chúng, Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào Phongsa Somsava, cho biết, hiện nay Lào có 113 ấn phẩm; Khu vực tư nhân có 13 số, khu vực công có 99 số, trong đó có 11 số là nhật báo; Có tổng cộng 168 đài phát thanh, trong đó có 9 đài ở trung tâm (7 đài FM, 2 đài AM), 75 đài địa phương và 77 đài mạng. Ngoài ra còn có văn phòng đại diện báo chí của Việt Nam tại Lào như VTV, TTXVN, VOV…

Trao đổi tại tọa đàm, ông Khamvo VATSANGA, Giám đốc Sở Ngoại giao tỉnh Sê Kông đã chia sẻ về chủ đề “Triển vọng hợp tác Lào-Việt về thông tin và truyền thông” của tỉnh Sê Kông. Theo ông Khamvo VATSANGA, hiện nay, các công nghệ trên thế giới phát triển nhanh chóng nhảy vọt và các quốc gia cũng sẵn sàng bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trọng tâm của sự phát triển này là phát triển công nghệ số được ứng dụng trên mọi lĩnh vực, dẫn đến hội nhập, kết nối, dịch vụ mới và trao đổi thương mại không biên giới.

PV

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top