Học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII

22/04/2020, 23:29

Học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII - Trong hai ngày 29 và 30/11, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII.

Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: HH)

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XII họp từ ngày 4 đến ngày 11 tháng 10 năm 2017, tại Thủ đô Hà Nội, đã thành công tốt đẹp. Hội nghị Trung ương đã thảo luận và quyết định ban hành những nghị quyết, kết luận rất quan trọng.

Trong đó, có 4 Nghị quyết: Nghị quyết số 18-NQ/TW “một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Nghị quyết số 19-NQ/TW “về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”; Nghị quyết số 20-NQ/TW “về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới”; Nghị quyết số 21-NQ/TW “về công tác dân số trong tình hình mới”.

Đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, bốn nghị quyết mà Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6 ban hành là những quyết sách quan trọng của Đảng, đề cập đến nhiều vấn đề rộng lớn, hệ trọng của đất nước, vừa cơ bản, vừa cấp bách và là sự cụ thể hóa các nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đề ra.

Đồng chí Võ Văn Thưởng phát biểu khai mạc Hội nghị. (Ảnh: HH)

Đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị các đồng chí dự Hội nghị tập trung lắng nghe, đào sâu nghiên cứu, nắm thật chắc những nội dung cơ bản của các Nghị quyết, nhất là những điểm mới, những luận điểm cốt lõi, thể hiện sự phát triển về nhận thức và lý luận của Đảng trong các vấn đề. 

Bên cạnh việc lắng nghe, nghiên cứu, cần phải bố trí đủ thời gian để thảo luận chương trình, kế hoạch hành động. Các địa phương, đơn vị cần có thêm các hình thức thảo luận chuyên đề, liên hệ với thực tiễn địa phương, đơn vị và yêu cầu nhiệm vụ chính trị để nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn. Phải kiên quyết khắc phục “căn bệnh” ngại học, lười học nghị quyết, nhất là tình trạng khai mạc thì đông, cuối giờ thì thưa thớt lấy lý do công việc mà bỏ học Nghị quyết hoặc học hình thức, chiếu lệ, không chịu suy nghĩ, phân tích để hiểu rõ những điểm mới, những yêu cầu mới mà tình hình hiện nay đòi hỏi. 

Đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương lưu ý, trong quá trình tổ chức học tập, quán triệt các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, cấp ủy các cấp cần tổng hợp những đề xuất, kiến nghị, kể cả những ý kiến khác nhau trong nhận thức và tổ chức thực hiện, phối hợp với các cơ quan của Trung ương nếu thấy cần thiết để giải đáp kịp thời. Kiên quyết đấu tranh với những ý kiến không mang tính chất xây dựng, những quan điểm sai trái, thù địch, gây trở ngại cho quá trình tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Đảng.

Đồng chí Phạm Minh Chính quán triệt Nghị quyết số 18-NQ/TW. (Ảnh: HH) 

Cũng trong sáng nay, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương giới thiệu, quán triệt Nghị quyết số 18-NQ/TW “một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Theo Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, 30 năm đổi mới, chúng ta đổi mới kinh tế đi đôi với hệ thống chính trị. Việc đổi mới hài hoà các yếu tố góp phần thúc đẩy đất nước phát triển trên mọi mặt. Tuy nhiên, tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối, nhất là số đầu mối bên trong của các cơ quan trong hệ thống chính trị ngày càng phình ra, hiệu lực hiệu quả chưa đáp ứng yêu cầu.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cũng chỉ rõ một số cơ quan tham mưu của Đảng với chuyên môn nhà nước như Ban Tổ chức, UB Kiểm tra, Ban Tuyên giáo… còn chồng chéo chức năng, nhiệm vụ với cơ quan Nội vụ, Thanh tra, TT&TT của nhà nước. Một số bộ như Giao thông vận tải với Xây dựng; Kế hoạch Đầu tư với một số bộ khác cũng trong tình trạng tương tự.

Việc quản lý nợ công liên quan nước ngoài có 3 bộ ngành: Kế hoạch Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng nhà nước nhưng hiệu lực, hiệu quả, phối hợp không chặt chẽ, có những vấn đề không kiểm soát được nhưng nhập lại cũng rất vất vả.

Về đơn vị hành chính cấp địa phương, ông cho biết, năm 1986 chỉ có 44 đơn vị hành chính cấp tỉnh nhưng đến nay đã tăng thành 63. Sau 30 năm đổi mới, cả nước đã tăng thêm 19 tỉnh, 178 huyện, 1.136 xã.

“Theo Nghị quyết 39 mỗi năm phải tinh giản 70.000 người, sau 2 năm phải giảm 140.000 - 150.000 người, thực tế ngược lại, không giảm được mà còn tăng thêm 96.000 người. Đây là một mâu thuẫn”, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh.

Về số lượng lãnh đạo, cấp phó, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho hay, còn chiếm tỉ lệ cao, bổ nhiệm cấp hàm một số cơ quan Trung ương còn nhiều.

“Cả nước hiện có hơn 81 nghìn lãnh đạo cấp phó từ phó phòng đến thứ trưởng, chiếm 21,7% tổng số cán bộ công chức từ Trung ương đến cấp huyện. Cứ 5 cán bộ, công chức có 1 lãnh đạo cấp phó, có nơi 44/46 lãnh đạo, có cơ quan 100% cán bộ là lãnh đạo, chả có ai là chuyên viên cả”, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương dẫn chứng.

Chiều nay, Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ giới thiệu, quán triệt Nghị quyết số 19-NQ/TW “về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”.

Ngày mai, Đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ giới thiệu, quán triệt Nghị quyết số 20-NQ/TW “về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới” và Nghị quyết số 21-NQ/TW “về công tác dân số trong tình hình mới”./.

Tổng hợp