Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Hải Phòng tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công

16:12 04/10/2022 - Kinh tế
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng, tính đến hết tháng 9, Hải Phòng giải ngân vốn đầu tư công được gần 9000 tỷ đồng, đạt 70,2% kế hoạch vốn Chính phủ giao và 49,3% kế hoạch vốn HĐND giao. Với yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội thực tế tại Hải Phòng thì đây là tỷ lệ giải ngân thấp, đòi hỏi các ngành, các cấp phải nỗ lực, quyết liệt hơn nữa để tập trung giải ngân trong 3 tháng cuối năm.

Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đường Lạch Tray nhờ hoàn thành GPMB nên sẽ tăng tốc thi công, hoàn thành năm 2022, góp phần thực hiện kế hoạch đầu tư công.

Nhiều khu vực giải ngân thấp

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hoàng Long, 9 tháng qua, đối với nguồn vốn Trung ương, Hải Phòng giải ngân được 1079,9 tỷ đồng, đạt 83,3% kế hoạch. Đối với nguồn vốn ngân sách địa phương, giải ngân được 7852 tỷ đồng, bằng 46,7% kế hoạch; tính chung đạt tỷ lệ gần 50%. So với các thành phố trực thuộc Trung ương thì Hải Phòng vẫn cao nhất trong khi Đà Nẵng đạt 43%; Cần Thơ 35%; Hà Nội 34%; thành phố Hồ Chí Minh 20%. Còn so với các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng thì Hải Phòng xếp thứ 5, sau Ninh Bình, Hải Dương, Nam Định, Quảng Ninh…

Mặc dù vậy, cũng cần phải nhìn rõ vào thực tế khi nhiều lĩnh vực có tiến độ giải ngân chậm. Cụ thể, đối với các dự án do thành phố quản lý giải ngân 4788 tỷ đồng/10.932 tỷ đồng kế hoạch, đạt 43%; nguồn vốn phân cấp cho các quận, huyện đạt 1191 tỷ đồng/2831 tỷ đồng, đạt 42,09%; vốn xây dựng công viên cây xanh mới đạt hơn 16 tỷ đồng, bằng 16%; vốn xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu đạt 565 tỷ đồng, bằng 21,5%; vốn hỗ trợ người có công với cách mạng đạt 2,1 tỷ đồng, bằng 2,12%; kế hoạch vốn kéo dài đạt hơn 70 tỷ dồng, bằng 34,35%...

Với tình hình chung như vậy nên tỷ lệ giải ngân của các Ban quản lý (BQL) dự án và các quận, huyện cũng chưa đạt kết quả như mong muốn. Trong số 4 BQL dự án lớn của thành phố, có BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thực hiện hơn 1643 tỷ đồng, đạt 51,31%; BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và đô thị đạt 1069 tỷ đồng, tỷ lệ gần 49%%; BQL dự án hạ tầng đô thị và khu kinh tế, khu công nghiệp đạt 86,8 tỷ đồng, tỷ lệ chưa đầy 20%; BQL dự án công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng mới chỉ đạt gần 39 tỷ đồng, rất thấp so với kế hoạch, khoảng hơn 20%... Khu vực các quận, huyện giải ngân được 1303 tỷ đồng, bằng 43,37% kế hoạch. Trong đó cao nhất là huyện Tiên Lãng đạt gần 70%; Bạch Long Vĩ đạt hơn 63%; Hồng Bàng gần 60%; An Lão gần 55% còn lại Lê Chân gần 49%; Cát Hải 47%; Hải An 45%, Vĩnh Bảo 44%; Dương Kinh 44%, An Dương 43%; Kiến Thụy 37%; Ngô Quyền 36%; Thủy Nguyên 30%; Kiến An 30%...

Quyết tâm hoàn thành giải ngân 100%

Thực tế, năm 2022, thành phố tập trung cao độ để chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm. Nguồn vốn kế hoạch được phân bổ sớm. Lãnh đạo thành phố thường xuyên họp bàn, lãnh đạo, chỉ đạo và đề ra rất nhiều giải pháp thực hiện. Tuy nhiên, do nhiều lý do khách quan nên đã ảnh hưởng nhiều tới giải ngân. Đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố chỉ rõ, năm 2002, có quá nhiều biến động về chi phí xây dựng dẫn đến một số nhà thầu thi công với tâm lý cầm chừng, chờ điều chỉnh giá, hợp đồng. Cùng với đó, tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) một số dự án chậm do vướng mắc về thủ tục (như dự án xây dựng mở rộng sân bay Cát Bi có phần lớn diện tích thu hồi là đất quốc phòng nên thủ tục thu hồi đất khá phức tạp, kéo dài).

Đồng chí Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng.

Trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, Hải Phòng có 3 dự án nhưng nguồn vốn Trung ương phân bổ còn chậm nên ảnh hưởng tới tiến độ các dự án.

Tuy nhiên, rõ ràng là vẫn có tình trạng GPMB tại nhiều dự án trên địa bàn các quận, huyện còn chậm. Nhiều dự án phải thực hiện biện pháp cưỡng chế GPMB nên tiến độ cũng chậm theo. Các dự án xây dựng công viên cây xanh; xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu cũng khá ì ạch, đến nay chưa khởi công công trình xây dựng thuộc 35 xã triển khai năm 2022.

Vì thế, tại phiên họp thường kỳ tháng 9 của UBND thành phố, đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố đã nhắc nhở một số địa phương còn đạt thấp về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công như Kiến An, An Lão, Tiên Lãng, Hồng Bàng, Đồ Sơn, Vĩnh Bảo… Công việc giải ngân hỗ trợ kinh phí thuê nhà trọ cho công nhân rất chậm, Hải Phòng nằm trong Top dưới của cả nước và yêu cầu lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh & Xã hội Hải Phòng nghiêm túc rút kinh nghiệm, khẩn trương triển khai, các địa phương có số giải ngân thấp như Hồng Bàng, An Dương, Lê Chân cần đẩy nhanh tiến độ.

Từ đó, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu thực hiện quyết liệt các giải pháp, tháo gỡ kịp thời các cản trở, khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công trong 3 tháng cuối năm. Theo đó, thành phố sẽ xem xét trách nhiệm người đứng đầu nếu để giải ngân chậm. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hoàng Long cho biết, tại kỳ họp chuyên đề trong tháng 10 của HĐND thành phố sắp tới, thành phố sẽ xem xét, điều chỉnh vốn đầu tư công tại các dự án thực hiện chậm, giải ngân thấp sang các dự án có khả năng giải ngân cao hơn. Thành phố phấn đấu đến 31/01/2023 giải ngân 100% vốn kế hoạch được giao.

Mặc dù vậy, theo phản ánh của các nhà thầu xây dựng, giải ngân vốn đầu tư công chậm chưa hẳn là chỉ do chủ quan, do GPMB mà còn do nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách. Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cần sớm xem xét, tháo gỡ vướng mắc khó khăn trong giải ngân kế hoạch vốn ODA cấp phát và vốn ODA vay lại. Bộ Xây dựng cần sớm tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép điều chỉnh hợp đồng, đơn giá thi công xây dựng do biến động tăng giá nguyên, nhiên, vật liệu xây dựng trong thời gian vừa qua. Từ đó, mới có đủ điều kiện cần thiết để tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công./.

Hồng Thanh

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 13/1/2025, tại Thủ đô Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Hội nghị nhằm đánh giá tình hình thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phát triển khoa học, công nghệ; quán triệt, triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, tạo sự chuyển biến mang tính đột phá về nhận thức và tổ chức thực hiện, góp phần đưa đất nước phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu tại hội nghị. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu:
Trong kỷ nguyên số, chuyển đổi nội dung số các tạp chí của Việt Nam có vai trò quan trọng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước; đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phổ biến tri thức, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt Nam trên không gian mạng. Đồng thời, góp phần “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”(1) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top