Hà Giang sử dụng các phương tiện truyền thông mới trong phòng, chống Covid-19

27/10/2021, 17:07

Hà Giang sử dụng các phương tiện truyền thông mới trong phòng, chống Covid-19 - Trong hai năm qua, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức về phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe được Chính phủ và các cấp, ngành chú trọng đẩy mạnh thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó các phương tiện truyền thông mới cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Tại Hà Giang – tỉnh cực Bắc của Tổ quốc – việc sử dụng phương tiện truyền thông mới trong phòng chống Covid-19 đã mang lại những hiệu quả đáng khích lệ.

Ứng phó hiệu quả đại dịch Covid-19 trong tình hình mới

Các phương tiện truyền thông mới

Lịch sử loài người cho thấy, con người có thể giao tiếp và tương tác với nhau trước hết là nhờ vào hành vi truyền thông (thông qua ngôn ngữ hoặc cử chỉ, điệu bộ, hành vi… để chuyển tải thông điệp, biểu lộ cảm xúc). Qua quá trình truyền thông liên tục, con người có sự gắn kết với nhau, đồng thời có những thay đổi trong nhận thức và hành vi. Chính vì vậy, truyền thông được xem là cơ sở để thiết lập các mối quan hệ giữa con người với con người, là nền tảng hình thành nên cộng đồng, xã hội.

Nếu truyền thông là hành vi xuất hiện từ trước khi hình thành xã hội loài người và có thể diễn ra không có chủ đích, thì truyền thông đại chúng với tư cách là một quá trình xã hội có chủ đích, truyền đạt thông tin một cách rộng rãi đến mọi nguời trong xã hội thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng.

Bước sang thế kỷ XX, với sự ra đời của phát thanh, truyền hình, điện thoại và tiếp đó là sự xuất hiện của máy tính cá nhân rồi đến mạng Internet, truyền thông đại chúng đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về quy mô lẫn mức độ ảnh hưởng.

Là một khía cạnh của truyền thông đại chúng, truyền thông xã hội là thuật ngữ gắn liền với các phương tiện truyền thông mới, đã và đang tác động, làm thay đổi diện mạo, hoạt động của báo chí, truyền thông hiện nay. Đây là dạng thức truyền thông mới nhất, xuất hiện sau sự ra đời và phát triển ồ ạt của Internet, đặc biệt là mạng xã hội. Đối tượng chính của truyền thông xã hội là cư dân mạng – những người tiếp nhận và sáng tạo thông tin trên thế giới ảo. Hoạt động truyền thông xã hội được thực hiện thông qua nhiều “kênh” khác nhau như diễn đàn trên Internet, mạng xã hội, trang nhật kí cá nhân (blog), website, podcast, video, SMS…

Có thể nói, các phương tiện truyền thông mới được kết hợp từ 3 yếu tố: công nghệ điện toán, mạng truyền thông và nội dung thông tin. Sự khác biệt của các phương tiện truyền thông mới so với các phương tiện truyền thông truyền thống chính là tính bình đẳng trong quá trình kết nối và truyền tải tin tức khi người dùng có thể tự sản xuất nội dung.

Hà Giang đã làm tốt công tác bầu cử và phòng chống đại dịch Covid-19 trong thời gian qua

Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới, vai trò của các phương tiện truyền thông mới là hết sức trực tiếp, sâu rộng. Khác với trước đây, thông tin mới được tiếp nhận chủ yếu thụ động qua các phương tiện truyền thông đại chúng, hiện nay thay vì phải chờ thông tin phát ra theo đúng “giờ”, người ta có thể chủ động tìm kiếm tin tức từ nhiều nguồn, nhiều ngôn ngữ ở bất cứ thời điểm nào trong ngày chỉ với một thiết bị thông minh kết nối Internet. Với những ưu điểm của mình, các phương tiện truyền thông mới đang được sử dụng ngày càng rộng rãi, lấn lướt các phương tiện truyền thông đại chúng cổ điển, được công chúng ngày càng ưa chuộng.

Tác giả Bùi Hoài Sơn trong cuốn sách Phương tiện truyền thông mới và những thay đổi văn hóa – xã hội ở Việt Nam, xuất bản năm 2008, khẳng định: “Các phương tiện truyền thông mới là một trong những thành tựu quan trọng nhất mà loài người đạt được trong vòng hai thập kỷ trở lại đây... Sự xuất hiện của các phương tiện truyền thông mới đã tạo nên những thay đổi văn hóa – xã hội sâu sắc. Những thay đổi ấy không chỉ dừng lại ở những biểu hiện bên ngoài xã hội hay con người, mà nó còn thấm sâu, làm thay đổi bản chất của xã hội cũng như chính đời sống tâm lý, thói quen của mỗi con người. Nó khiến xã hội chuyển động với một tốc độ nhanh hơn và các khoảng cách xã hội được thu hẹp hơn rất nhiều. Những giá trị xã hội cũng đang trong quá trình biến đổi”.

Xe khách Hà Giang - Hà Nội đã hoạt động trở lại

Thông tin chưa thực sự phong phú

Hà Giang là một tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Từ năm 2019 tới nay, các hoạt động truyền thông về dịch bệnh Covid-19 luôn được tỉnh Hà Giang cập nhật thường xuyên. Sự thay đổi trong số bệnh nhân lây nhiễm, số bệnh nhân khỏi bệnh hay số ca tử vong của Việt Nam và thế giới được cập nhật liên tục từng ngày trên bản tin của báo điện tử, các fanpage Facebook, tin nhắn Zalo, tin nhắn SMS... Tuy nhiên, hiện tại, việc sử dụng các phương tiện truyền thông mới trong phòng chống Covid-19 ở tỉnh Hà Giang chủ yếu tập trung vào website thông tin chính thống, chưa khai thác sâu các kênh như diễn đàn hay mạng xã hội.

Nội dung phòng chống Covid-19 trên báo điện tử Báo Hà Giang đã kịp thời cung cấp thông tin cho người đọc biết các chỉ đạo của Đảng và Nhà nước trong việc phòng chống Covid-19. Bên cạnh đó, các bài viết cũng đưa tin về hoạt động của đội ngũ y, bác sỹ và lực lượng chức năng tham gia phòng chống Covid-19; phỏng vấn chuyên gia, y bác sĩ trong công tác phòng chống dịch.

Bên cạnh truyền thông trên báo điện tử, tỉnh Hà Giang cũng có những hoạt động tuyên truyền trên mạng xã hội (Zalo, Facebook,…) và tin nhắn SMS nhưng chưa thực sự nổi bật, tần suất còn thấp và không thu hút được nhiều sự chú ý của công chúng. Trang fanpage chính thống tuyên truyền thông tin về Covid-19 được chú ý nhất cũng chính là trang fanpage của Báo Hà Giang điện tử, chủ yếu dẫn lại các đường dẫn từ báo. Còn lại đa phần là các trang tự phát, không chính thống, thông tin không đáng tin cậy,…

Nhìn chung, việc tuyên truyền phòng chống Covid-19 thông qua các phương tiện truyền thông mới của tỉnh Hà Giang đã bám sát thực tiễn cuộc sống. Nội dung tuyên truyền tương đối phong phú, các vấn đề liên quan tới phòng chống Covid-19 đều được mô tả dưới nhiều góc độ và nhanh chóng cập nhật các diễn biến mới nhất về tình hình lây nhiễm Covid-19 trên cả nước và trong tỉnh Hà Giang. Đặc biệt, thể loại bài phản ánh, phóng sự và ký chân dung được sử dụng nhiều đã phát huy ưu điểm, góp phần nâng cao chất lượng, tạo dấu ấn riêng.

Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh Hà Giang khá quan tâm việc sử dụng phương tiện truyền thông mới để đẩy mạnh phong trào thi đua nói chung và phong trào phòng chống Covid-19 nói riêng, thể hiện qua những buổi tổng kết định kỳ, trao tặng bằng khen, giấy khen,… Tuy vậy, khó khăn lớn nhất trong việc tuyên truyền phòng chống Covid-19 qua các phương tiện truyền thông mới là chưa có sự đa dạng trong việc sử dụng các phương tiện mà chỉ sử dụng website thông tin, điều này làm ảnh hưởng đến hiệu quả tuyên truyền. Nhiều phóng sự đề cập thông tin sơ sài, chưa đi sâu vào việc thực hiện hoặc phân tích cách thức phòng chống Covid-19. Chính vì vậy, thông tin mới dừng lại ở góc độ phản ánh, chưa có nhiều phân tích, đánh giá chuyên sâu cũng như định hướng cho khán giả về phòng chống Covid-19.

Chốt kiểm soát dịch Covid-19 tại huyện Đồng Văn - Hà Giang

Sử dụng đa dạng các kênh truyền thông

Có thể nói, trong bất cứ lĩnh vực nào, sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp lãnh đạo sẽ khiến công việc đó được thuận lợi và hoàn thành một cách nhanh chóng. Chính vì vậy, cần nâng cao nhận thức, có cái nhìn đúng đắn và đầy đủ hơn trong việc sử dụng phương tiện truyền thông mới phòng chống Covid-19.

Bên cạnh đó, cần có những hoạt động tổng kết đánh giá các hoạt động tuyên truyền về phòng chống Covid-19 trên báo chí. Từ việc tổng kết, đánh giá mới rút ra được thành công, những bài học, kinh nghiệm quý; chỉ ra những hạn chế và nguyên nhân của hạn chế; từ đó đề ra giải pháp phát huy thành công, khắc phục hạn chế để định hướng tốt hơn công tác tuyên truyền; để các cơ quan báo chí, truyền thông đi đúng hướng, đúng mục tiêu đã định; tạo ra sự thay đổi về nhận thức và hiểu biết của người dân về đại dịch bệnh Covid-19. Đồng thời cần đẩy mạnh tuyên truyền trên các kênh truyền thông khác như mạng xã hội, tin nhắn SMS,… để tăng độ tiếp cận tới đông đảo công chúng.

Cơ sở vật chất, kỹ thuật và công nghệ thông tin cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Cần có giải pháp thúc đẩy công nghệ, các biện pháp kỹ thuật phù hợp bắt kịp với sự phát triển của Internet, mạng xã hội như tăng cường và đổi mới cơ sở vật chất, kỹ thuật bảo đảm hòa nhập vào trình độ kỹ thuật thông tin thế giới; khuyến khích các cơ quan, tổ chức trong tỉnh xây dựng tài khoản mạng xã hội chính thức…

Hoạt động ủng hộ phòng chống dịch Covid-19 tại Hà Giang

Đồng thời tăng cường hoạt động quản lý, kiểm soát đối với các trang mạng xã hội và chủ động sử dụng các biện pháp kỹ thuật, ngăn chặn việc truy cập vào các trang có nội dung tuyên truyền sai sự thật, gây hoang mang dư luận. Chủ động phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ, tính toán sử dụng các giải pháp về công nghệ để ngăn chặn một cách triệt để các tin tức xấu độc trên các trang mạng có ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch Covid-19.

Thậm chí cần nghiên cứu, đưa vào khai thác sử dụng các phần mềm phục vụ kiểm soát, phân loại thông tin tích cực, tiêu cực trên Internet, mạng xã hội; phát triển trí tuệ nhân tạo để thực hiện các chiến dịch truyền thông chủ động với mục đích phát tán nhiều thông tin tích cực, phân tán luồng thông tin tiêu cực, xấu độc.

Mặt khác, công tác lập kế hoạch và tổ chức sản xuất chương trình của báo điện tử tỉnh Hà Giang còn nhiều hạn chế. Công tác lập kế hoạch và tổ chức sản xuất vừa phải bảo đảm được tính hệ thống cho các bản tin, vừa phải phục vụ cho những đợt tuyên truyền dài hạn. Bên cạnh đó cũng rất cần có sự cân đối các vùng miền để tránh tình trạng phản ánh cục bộ, thiếu bao quát thực trạng xã hội.

Để nâng cao chất lượng công tác truyền thông phòng chống Covid-19 qua phương tiện truyền thông mới, mỗi cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên… phải trau dồi phẩm chất và bản lĩnh chính trị, kiến thức pháp luật và nghiệp vụ để đảm bảo chất lượng thông tin theo hướng trung thực, khách quan và đúng định hướng, xây dựng nội dung uy tín, tránh để công chúng bị nhầm lẫn giữa nội dung của các kênh thông tin chính thống và các kênh thông tin tự phát, không đáng tin cậy./.

MINH CHÂU