Giáo sư sử học - nhà báo Trần Văn Giàu
23:28 23/12/2016
- Chân dung nhà báo
Nhắc tới Giáo sư (GS) Trần Văn Giàu, mọi người sẽ nhớ
tới ông trên tư cách là một nhà cách mạng nổi tiếng từng
giữ chức Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, Chủ tịch Ủy ban hành
chính lâm thời Nam Bộ, một nhà lãnh đạo chịu trách
nhiệm chính trong cuộc tổng khởi nghĩa giành chính
quyền ở Sài Gòn năm 1945. Thế nhưng ít ai biết rằng,
trước khi trở thành một nhà chính trị lẫy lừng, một nhà
khoa học, nhà sử học lớn, ông có mong mỏi được làm
báo và cuộc đời ông sau này cũng có gắn bó với báo chí
như một định mệnh.
Chân dung Giáo sư sử học - nhà báo Trần Văn Giàu
Dùng báo chí làm vũ khí
Trong hơn 50 năm hoạt động khoa học, kể từ năm 1951, GS Trần Văn Giàu đã viết hơn 150 công trình khoa học về triết học, tư tưởng và cả về lịch sử. Ngoài ra, GS Trần Văn Giàu còn viết nhiều bài về các chủ đề văn học, những tác phẩm có ảnh hưởng lớn đến dư luận. Một đặc điểm dễ nhận thấy nhất trong phong cách của GS Trần Văn Giàu là tất cả những gì ông viết ông đều tìm hiểu rất kỹ, rất thấu đáo với nguồn tư liệu phong phú để phân tích, mổ xẻ và tham chiếu. Vì lẽ ấy, đọc những bài viết của Giáo sư, độc giả sẽ tiếp cận được tư duy mới, những kiến thức liên ngành.
Cũng giống như nhiều nhà cách mạng đương thời, lấy văn chương và báo chí làm vũ khí, vì vậy, ông càng “bén duyên” với nghề báo. Bước vào con đường hoạt động chính trị, ông cũng chính thức bước vào con đường làm báo. Sau khi gia nhập Đảng Cộng sản Pháp vào năm 1929, để giúp cho việc tuyên truyền của Đảng Cộng sản Pháp trong công tác vận động binh lính người Việt ở nước Pháp khi ấy, ông làm tờ báo tuyên truyền. Thế nhưng, Giáo sư cho biết, tuổi ông khi ấy chưa thể viết báo được, nên nói là làm báo nhưng chỉ là “dịch bài của người Pháp và viết ra chữ quốc ngữ, rồi anh em Pháp họ in, rồi họ đi phát, chứ còn tôi chưa có đủ sức để viết báo”. Tờ báo này có tên “Cờ Đỏ”.
Năm 1931, ông được Đảng cử đi Liên Xô học tập theo đường bí mật qua Pháp. Sau hai năm học tập, ông trở về nước vào năm 1933. Kể từ năm 1933 đến năm 1945, ông làm công tác tổ chức lãnh đạo đấu tranh mà việc lớn và quan trọng vẫn là đào tạo cán bộ cả ở ngoài và cả khi bị bắt ở trong tù. Khi lấy bút danh Hồ Nam, ông viết bài “Tình hình kinh tế và chính trị ở Đông Dương và nhiệm vụ trước mắt của Đảng Cộng sản Đông Dương”, đây là bài có tính nghiên cứu lịch sử và lý luận, được đăng trên Báo Cahiers du bolchévisme - Tạp chí lý luận của Trung ương Đảng Cộng sản Pháp. Tháng 3/1932, Hồ Nam lại có bài “Hai năm tồn tại của Đảng Cộng sản Đông Dương” đăng trên tập san Inpekorr của Quốc tế Cộng sản (bản tiếng Pháp).
Vì làm nghề tuyên huấn nên Trần Văn Giàu viết rất nhiều bài để tuyên truyền, vận động quần chúng, đặc biệt với những đối tượng là công nhân khi ấy trình độ rất khác nhau nên các bài viết, bài giảng phải phù hợp với từng đối tượng. Thời gian học ở Đại học Phương Đông, Liên Xô (1931 - 1932), Trần Văn Giàu có bài viết “Nghệ An đỏ”, “Vấn đề ruộng đất ở Đông Dương”. Những cuốn sách ấy giờ đây vẫn còn được lưu trữ: “Ở Tuyên huấn Trung ương còn mấy cuốn sách của tôi: “Những nguyên lý tổ chức của Đảng Cộng sản”, “Nghệ An đỏ”, “Cách mạng tư sản dân quyền”...
Khi từ trường Đại học Phương Đông ở Liên Xô trở về Sài Gòn năm 1933, sau khi liên lạc với các đồng chí, Trần Văn Giàu và một số lãnh đạo khi ấy cho xuất bản Báo Cờ vô sản (số 1 ra ngày 11/2/1934; số 6 ra ngày 15/3/1935). Theo tác giả Long Thái trong bài viết: “Có một Trần Văn Giàu nhà báo” đăng trên Báo Long An ngày 19/6/2015 thì cả các tờ báo và tạp chí đều do Trần Văn Giàu làm Tổng Biên tập. Tác giả Long Thái trong bài viết này cũng cho biết theo nhà nghiên cứu lịch sử báo chí Nguyễn Thành thì Trần Văn Giàu gần như viết tất cả các bài từ xã luận, bình luận chính trị, giải thích đường lối theo chủ nghĩa quốc tế cộng sản và Đảng Cộng sản Đông Dương, phân tích các khái niệm của lý luận Mác - Lênin, phê phán chủ nghĩa Tơrốtxkit ở Đông Dương... đến đưa tin trong nước và thế giới v.v..
Làm báo trong tù, lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền ở Nam Bộ
Tháng 4/1935, Trần Văn Giàu bị thực dân Pháp bắt, kết án 10 năm và đày đi Côn Đảo. Ở đây, Trần Văn Giàu ngoài việc biến nhà tù thành trường học cách mạng, giảng dạy lý luận trong tù, giảng dạy về chủ nghĩa cộng sản cho một số tù nhân, ông tiếp tục ra báo trong tù. Để huấn luyện anh em trong tù, ngoài các kiến thức cơ bản để giáo dục anh em, ông làm Tổng Biên tập Tạp chí Ý kiến chung - Cơ quan lý luận của chi bộ nhà tù (thuộc Banh 1). Tháng 5/1936, sau khi Mặt trận Bình dân Pháp lên nắm quyền, chế độ lao tù ở Đông Dương được cải thiện đáng kể, đến tháng 6/1936, sau khi 2.000 tù chính trị ở Côn Đảo được trở về đất liền, Ý kiến chung ngừng xuất bản.
Là “nhạc trưởng” ở Nam Bộ trong giai đoạn cách mạng sôi sục, năm 1943, Trần Văn Giàu được cử làm Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ. Tất nhiên, ở cương vị này, ông không trực tiếp làm báo, song với tư cách là một nhà lãnh đạo cách mạng, ông tạo điều kiện để báo chí hoạt động và phát triển. Chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945, Trần Văn Giàu cùng Xứ ủy Nam Kỳ tổ chức Thanh niên Tiền phong và xuất bản Báo Tiền phong, do ông làm cây bút chủ yếu. Cách mạng Tháng Tám thành công, năm 1946 - 1947, Trần Văn Giàu là Phân xã trưởng của Thông tấn xã Việt Nam ở Băng Cốc.
Năm 1951, Trần Văn Giàu chuyển hẳn sang ngành giáo dục và đến năm 1954, ông là Trưởng khoa văn của Đại học Sư phạm, ông là Ủy viên Thường trực Hội đồng biên tập tập san Đại học Sư phạm. Những năm về sau, Trần Văn Giàu tham gia viết bài cho rất nhiều báo, tạp chí về các vấn đề như: lịch sử, triết học, văn hóa, xã hội, chính trị, thời sự...
Với 100 năm tuổi đời, gần 80 năm hoạt động cách mạng và dạy học, viết sách, viết báo, chắc chắn con số chưa ai thống kê thật đầy đủ, song số lượng bài viết của Giáo sư hẳn không phải là ít.
Đặc biệt, đó là những trang viết, bài viết cực kỳ chuẩn xác, mực thước, khúc chiết và đầy nhân hậu cho dù có thể viết cả về kẻ thù. Cuối đời, ông có nhiều những bài viết về lịch sử được dư luận đánh giá cao và xem là mực thước.
Rõ ràng, từ lời kể của GS Trần Văn Giàu mà tác giả Nguyễn Phan Quang đã ghi lại, mơ ước làm báo từ khi tuổi trẻ song ông đã đi trọn cuộc đời với sự nghiệp cách mạng và giáo dục. Tuy nhiên, trong 80 năm ấy, ông cũng gắn bó nhiều và có nhiều duyên nợ với báo chí. Vì vậy, ngoài nhà cách mạng, nhà giáo, nhà sử học, chúng ta có một nhà báo “bút sắc, lòng trong, tâm sáng” Trần Văn Giàu./.
ThS. Nguyễn Việt Dũng, ThS. Vũ Trung Kiên
Học viện chính trị khu vực II
--
(1) Nguyễn Phan Quang: Giáo sư Trần Văn Giàu - Nghe Thầy kể chuyện, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2011, tr. 15
(2), (3) Sđd, tr. 16
Bình luận: 0