Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Giáo dục lịch sử trên các ấn phẩm báo chí

15:09 28/09/2016 - Văn hóa xã hội
Một trong những chức năng quan trọng của báo chí là định hướng, giáo dục. Việc giáo dục truyền thống lịch sử nói chung và truyền thống lịch sử - cách mạng nói riêng trên các ấn phẩm báo chí là nội dung đáng bàn trong bối cảnh hiện nay - khi báo chí đang “thị trường hóa” mạnh mẽ.

Hàng vạn đồng bào dự lễ mít-tinh tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, ngày 02/9/1945. Ảnh: TL

Không chỉ “là những cái đã qua”

Niềm tự hào về quá khứ hào hùng của dân tộc đi theo mỗi người trong suốt cả cuộc đời và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Mỗi người Việt Nam, từ khi sinh ra đã được thừa hưởng niềm tự hào về truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc suốt hàng ngàn năm. Từ khi còn nằm trong nôi đã được mẹ ru, bà kể chuyện vua Hùng, chuyện Thánh Gióng, chuyện Hai Bà Trưng, Bà Triệu... Khi đất nước bị xâm lăng, niềm tự hào đó góp phần nhân lên tinh thần không chịu khuất phục, nhân lên ý chí đấu tranh vì độc lập dân tộc. Trong hòa bình dựng xây đất nước, niềm tự hào về lịch sử, truyền thống - cách mạng bồi dưỡng và phát huy thêm lòng tự tôn, tăng cường thêm ý chí vươn lên...

“Dân ta phải biết sử ta...” là một yêu cầu quan trọng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra khi kêu gọi tinh thần yêu nước, kêu gọi nâng cao nhận thức của quần chúng trong sự nghiệp cách mạng. Trên cơ sở hiểu biết và trân trọng truyền thống lịch sử hào hùng của cha ông, lòng yêu nước của quần chúng có cơ sở vững chắc và được bồi đắp thường xuyên.

Những tri thức lịch sử kết hợp với thực tiễn đấu tranh cách mạng đem lại hiểu biết đúng với hiện thực khách quan, đúng với khuynh hướng và động lực phát triển của lịch sử, giải thích sự phát triển hợp với quy luật xã hội của loài người. Trên một bình diện khác, tri thức lịch sử còn là cơ sở để hoạch định đường lối, chính sách phát triển của một đất nước.

Những lo lắng, bức xúc cho thực tế gần

Nguy cơ lịch sử bị xuyên tạc và lợi dụng hiện nay không thể xem thường. Trách nhiệm với đất nước để các thế hệ người Việt Nam mai sau có thể hiểu biết đúng đắn về lịch sử dân tộc, để có thể phân biệt được đúng - sai, chính nghĩa - gian tà, xâm lược và chống xâm lược đã, đang và tiếp tục là mối quan tâm ở tất cả những người có lương tâm. Đây là những lo lắng bức xúc không phải cho tương lai xa mà cho thực tế gần, đang diễn ra trong hiện tại. Nếu thiếu hiểu biết về những giá trị lịch sử, truyền thống cách mạng được bồi đắp bằng bao hy sinh cao cả của các thế hệ trước, lòng yêu nước và tự hào dân tộc sẽ thiếu đi cơ sở vững chắc và chiều sâu phải có. Thiếu những hiểu biết về lịch sử - văn hóa dân tộc, về truyền thống hào hùng của cha ông, thế hệ trẻ có thể dễ dàng bị “hòa tan” và “tự nguyện” đồng hóa.

Hiện nay (không ít) độc giả trẻ tuổi có trình độ tri thức cao, nhiều sự lựa chọn phương tiện để tiếp cận thông tin. Tuy nhiên, không phải bạn trẻ nào cũng biết sàng lọc thông tin, biết cách xác định được thông tin nào là đúng đắn, thông tin nào là xuyên tạc và ngụy tạo với ý đồ xấu. Thế hệ trẻ Việt Nam sẽ ra sao nếu bị mê hoặc bằng những tri thức lịch sử giả mạo sau khi đã bị cắt ghép và xuyên tạc.

Khi tập trung bôi nhọ và vu khống, dựng đứng Đảng Cộng sản Việt Nam là thủ phạm gây ra những cuộc chiến tranh tàn khốc trong suốt 30 năm (1945 - 1975), đẩy nhân dân vào cảnh chết chóc, tang thương (?) người ta đã cố tình lãng quên những tội ác của chủ nghĩa thực dân, cố tình bỏ qua những âm mưu và hành động xâm lược của các thế lực thực dân (cả cũ và mới) cùng những chính quyền bù nhìn được dựng lên. Bằng cách đó, họ đã cố tình hạ thấp những giá trị của cuộc chiến đấu chính nghĩa, gian khổ và hào hùng của nhiều thế hệ người Việt Nam bảo vệ những giá trị của lương tri và nhân phẩm của mình và cho cả nhân loại.

Báo chí là kênh truyền tải tốt và kịp thời những nội dung lịch sử, truyền thống cách mạng đến số lượng độc giả đông và đa dạng, ở nhiều lứa tuổi do ưu thế phổ cập, gần gũi và thường xuyên của nó. Tuy nhiên, dù chúng ta đã có hơn 800 cơ quan báo chí, nhưng số báo chí làm tốt việc định hướng, tuyên truyền, giáo dục về lịch sử, truyền thống cách mạng vẫn còn ít và cũng không thường xuyên, trong khi xu hướng “thị trường hóa”, thậm chí “lá cải hóa” đang mạnh lên, đặc biệt là trong những năm gần đây.

Để có thể thực hiện tốt vai trò định hướng, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng cho độc giả, nhất là độc giả trẻ, các ấn phẩm báo chí cần phải đổi mới cả hình thức và nội dung ở những bài viết về chủ đề này. Các báo (báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử) phải nhanh nhạy, nắm bắt được xu hướng, và tìm ra cách truyền tải hấp dẫn để thu hút được bạn đọc với chủ đề lịch sử và truyền thống cách mạng - một chủ đề tưởng như khô khan, không hiện đại, song chứa trong đó nhiều giá trị và tác dụng./.

Ngô Vương Anh

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.