
Giải mã vụ khủng bố đẫm máu tại Tạp chí Charlie Hebdo Pháp
-
Ngày 7/1/2015, trụ sở Tạp chí Charlie Hebdo tại Paris (Pháp) bị các phần tử khủng bố vũ trang xả súng, khiến 12 người thiệt mạng (trong đó có 4 họa sĩ biếm họa – bao gồm cả chủ biên), 11 người bị thương, trở thành vụ tấn công khủng bố nghiêm trọng nhất ở Pháp trong vòng 40 năm tính đến thời điểm đó. Có thể nói, đây là một trong những sự kiện bi thảm nhất trong gần 100 năm qua của giới truyền thông thế giới.
Trụ sở tạp chí Charlie Hebdo
Mồi lửa châm ngòi
Trước khi sự kiện xảy ra đã có nhiều điềm báo, chủ biên của Tạp chí Charlie Hebdo là họa sĩ biếm họa Stéphane Charbonnier nhiều lần bị các phần tử khủng bố đe dọa.
Nguyên nhân châm ngòi cho sự kiện là Charlie Hebdo đăng tải biếm họa lăng mạ đấng tiên tri Hồi giáo Mohammed (hay Muhammad), dư luận chủ yếu lên án chủ nghĩa khủng bố xâm phạm tự do ngôn luận. Liên đoàn các nhà báo Pháp phát biểu thông cáo nhấn mạnh: “Cái mà vụ thảm án này mưu sát là tự do ngôn luận, những kẻ khủng bố mưu sát các phóng viên đồng nghĩa với việc đe dọa ngành truyền thông hòng bắt báo chí phải câm miệng”.
Hành vi dã man của các phần tử khủng bố vấp phải sự chỉ trích và lên án gay gắt của cộng đồng quốc tế. Từ thời điểm xảy ra vụ tấn công, “Je suis Charlie” – “Tôi là Charlie” dần dần trở thành khẩu hiệu được dòng người biểu tình ở Pháp và trên toàn thế giới giương cao. Các website tin tức trên toàn thế giới cũng đăng tải dòng chữ “Tôi là Charlie”, thể hiện ý chí bảo vệ tự do ngôn luận, đồng thời thể hiện quyết tâm “giết một Charlie thì còn hàng triệu triệu Charlie”. Trước khi xảy ra sự kiện, số lượng phát hành trung bình của Charlie Hebdo là 40.000 – 50.000 bản/kỳ, sau khi xảy ra vụ khủng bố, tiara phát hành lên tới 7 triệu bản/kỳ. Tất cả những điều này đã minh chứng cho giá trị khổng lồ và sức mạnh của tự do ngôn luận trên nhiều góc độ khác nhau.
Tuy nhiên, một điều đáng quan tâm là, khi lời kêu gọi bảo vệ lập trường tự do ngôn luận không được phép xâm phạm, “Tôi là Charlie” trở thành danh từ đại diện cho tự do ngôn luận thì một âm thanh khác “Tôi không phải là Charlie” cũng đã được truyền tải thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng và mạng xã hội. “Đối với đại đa số chúng ta, nói “Tôi là Charlie” sẽ không chính xác bởi đa số chúng ta không làm công việc “châm biếm dưới hình thức mạo phạm” mà tuần báo đó cố tình làm” – David Brooks, bình luận viên tờ The New York Times đã bày tỏ quan điểm như vậy. Mặc dù âm thanh này khá yếu, nhưng vẫn đủ để cảnh báo và nhắc nhở chúng ta phải suy nghĩ. Trong xã hội dân chủ, mở cửa, chỉ có tự do ngôn luận là đủ ư? Tại sao chỉ mấy bức tranh biếm họa lại có thể khiến các phần tử khủng bố dày công thiết kế sát hại tác giả, nhân tố nào khiến các phần tử cực đoan bất chấp tính mạng của mình làm chuyện mạo hiểm?
Lật lại lịch sử
Có thể khái quát sự kiện như sau: Cuối năm 2005, tờ báo lớn Jyllands-Posten của Đan Mạch đã đăng tải 12 bức tranh biếm họa bị coi là phỉ báng đạo Hồi và nhà tiên tri Muhammad, kết quả đã khiến các tín đồ Hồi giáo phản ứng kịch liệt. Mặc dù biết rõ những bức ảnh này gây nhiều tranh cãi, nhưng tháng 2/2006, Tạp chí Charlie Hebdo đăng lại số tranh biếm họa này, khiến thế giới Hồi giáo thực sự phẫn nộ. Tạp chí này còn đăng tải một bức tranh châm biếm liên quan đến nhà tiên tri Muhammad trên trang bìa, trong ảnh, nhà tiên tri này đang khóc, với tiêu đề là “Muhammad đã bị Chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan đánh bại”. Theo đức tin của đạo Hồi, việc vẽ tranh, phác họa chân dung đấng tối cao là điều vô cùng cấm kị, huống chi là vẽ tranh biếm họa. Cộng đồng Hồi giáo ở Pháp (tổ chức được chính phủ Pháp thừa nhận) đã khởi kiện tờ báo vào năm 2007, yêu cầu dừng phát hành tạp chí kỳ này. Tòa án tuyên bố, theo luật pháp Pháp, tranh biếm họa chịu sự bảo hộ của quyền tự do ngôn luận, đồng thời đối tượng bị châm biếm không phải là đạo Hồi, mà là Chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.
Đến tháng 11/2011, Tạp chí Charlie Hebdo phát hành chuyên san với chủ đề Tuần báo đạo Hồi và đăng bức ảnh biếm họa tiên tri Muhammad với bộ râu dài, mặc áo choàng trắng, giơ một ngón tay lên, trợn mắt nói: “Nếu ngươi không cười nổ bụng sẽ đánh ngươi 100 roi!”. Ngày phát hành thứ hai, tòa soạn tuần báo tại Paris bị ném bom cháy, cảnh sát không bắt được kẻ gây án. Sau khi bị tấn công bằng bom cháy, trên trang bìa số báo tiếp theo đăng một bức tranh biếm họa có tựa đề “Sức mạnh của tình yêu lớn hơn sự hận thù”, trong tranh là một người đàn ông Hồi giáo đang hôn say sưa một chàng trai áo đen, nước miếng văng tứ phía. Trong con mắt người phương Tây, có thể bức tranh được hiểu là truyền bá tư tưởng bác ái, mặc dù anh tấn công chúng tôi bằng bom cháy, nhưng tôi vẫn “yêu” anh, sức mạnh của tình yêu lớn hơn nỗi hận thù. Tuy nhiên, với các tín đồ Hồi giáo căm ghét chuyện đồng tính luyến ái, những bức tranh biếm họa này chỉ gây ra sự phản cảm và nỗi thù hận sâu hơn mà thôi. Một lần nữa, Tạp chí Charlie Hebdo lại bị cộng đồng người Hồi giáo ở Pháp khởi kiện, nhưng vẫn được tòa án ủng hộ.
Năm 2012, một bộ phim có tên gọi Sự ngây thơ của người Hồi giáo được lưu truyền trên Youtube đã kích nổ các tín đồ theo đạo Hồi. Trong thời gian đó, Tạp chí Charlie Hebdo đã đăng tải hàng loạt tranh biếm họa, trong đó có một bức tranh vẽ tiên tri Muhammad trong tư thế trần truồng quỳ dưới đất, trên mông có vẽ một ngôi sao năm cánh với lời chú thích “Một ngôi sao mới đã chào đời… Đỉnh điểm là bức tranh biếm họa vẽ một người đàn ông râu dài trần truồng, mông cong lên, hỏi nhiếp ảnh gia đang tròn mắt đứng ở phía sau: “Thích mông tôi không?” Bên trên bức tranh biếm họa viết dòng chữ “bộ phim càn quét thế giới Hồi giáo đó” – tức chỉ bộ phim Sự ngây thơ của người Hồi giáo được quay tại Mỹ. Bức tranh này đã đẩy sự mâu thuẫn giữa hai bên lên đỉnh điểm, kết quả dẫn đến vụ tấn công khủng bố đẫm máu vào tòa soạn đầu năm 2015.
Khi tự do ngôn luận xung đột với tự do tôn giáo
Có thể thấy, nội dung truyền thông gây tranh cãi trên Tạp chí Charlie Hebdo gần như đều liên quan đến các quyền lợi riêng của công dân. Xung quanh sự kiện có hai điểm đáng lưu ý: Một mặt tâm điểm gây tranh của sự kiện đều nhằm vào “phỉ báng”, liên quan đến các quyền lợi của công dân như “nhân phẩm”, “quyền riêng tư” và “tự do tín ngưỡng”. Mặt khác, những vụ tố tụng về các bức tranh gây tranh cãi đều không được tòa án ủng hộ, tức Tạp chí Charlie Hebdo chưa lần nào bại kiện.
Mặc dù có pháp luật ủng hộ, những bức tranh biếm họa vốn rất khôi hài của Charlie Hebdo đã biến thành mồi lửa châm ngòi cho một thảm họa đẫm máu. Có thể nói, trong mấy năm qua, tờ Charlie Hebdo luôn viện cớ tự do ngôn luận, liên tục đăng tải những bức tranh biếm họa mà giới tôn giáo cho rằng hết sức nhạy cảm, sử dụng những luận điệu bất kính và chống các tôn giáo như Hồi giáo, Do Thái và xu thế này ngày càng thể hiện rõ nét hơn. Do sự khác biệt về văn hóa, điều cấm kỵ trong tôn giáo và những bất đồng trong quan niệm giá trị, hai bên ngày càng có thành kiến với nhau hơn, các tín đồ Hồi giáo chỉ coi đó là những hình ảnh phỉ báng đấng tiên tri, sỉ nhục tín ngưỡng của họ. Giống như tờ The New York Times đã bình luận: “Charlie Hebdo tự hào về tất cả những bức tranh biếm họa mà họ đã đăng tải, nhưng không phải tất cả các nền văn hóa đều thưởng thức được phong cách trào phúng này”.
Trong xã hội hiện đại, dù tự do ngôn luận quan trọng đến đâu, cũng không thể bao hàm thậm chí thay thế các quyền lợi khác của công dân. Sở dĩ tự do ngôn luận quan trọng là do nó cũng là một quyền lợi mang tính chính trị không thể thiếu, thực thi quyền lợi này có thể đảm bảo cho công dân được tự do trong việc giám sát, phê bình quyền lực công. Tự do ngôn luận là tiền đề để công dân thực hiện các quyền lợi chính trị như quyền tiếp cận thông tin, quyền giám sát và quyền bầu cử, là cơ sở pháp luật của tự do báo chí. Dựa vào tự do ngôn luận và tự do báo chí, xã hội hình thành nên một cơ chế thông tin minh bạch, công khai và cơ chế giám sát, phê bình dư luận tránh sự lạm dụng công quyền. Pháp luật khích lệ công dân tích cực tham gia thảo luận, phát biểu ý kiến về các vấn đề công cộng với thái độ chịu trách nhiệm trong khuôn khổ hiến pháp. Còn trong các vấn đề riêng tư, pháp luật thận trọng nhắc nhở công dân không nên lấy danh nghĩa tự do ngôn luận can thiệp vào quyền lợi chính đáng của người khác (như tiết lộ chuyện đời tư, bình phẩm nhân cách của người khác), tham gia hoặc can thiệp quá sâu đều có thể dẫn đến việc lạm dụng quyền tự do ngôn luận.
Đối với sự kiện Tạp chí Charlie Hebdo, đầu tiên chúng ta buộc phải lên án hành vi khủng bố đẫm máu này. Lạm dụng bạo lực là điều tồi tệ hơn nhiều so với lạm dụng quyền ngôn luận. Tuy nhiên, song song với việc khiển trách bên lạm dụng bạo lực, chúng ta cũng không thể coi nhẹ vấn đề lạm dụng quyền tự do ngôn luận. Chúng ta thừa nhận, tự do ngôn luận là điều hết sức quan trọng, tuy nhiên tự do tín ngưỡng cũng là một sự tự do quan trọng. Không thể dùng sự tự do ngôn luận của mình để hạ thấp tín ngưỡng của người khác. Do đó, sự kiện Charlie Hebdo cho thấy hai sự “tự do” này không được người Pháp đối xử công bằng.
Vĩ thanh
Trước bài học từ vụ thảm sát tại tòa soạn Charlie Hebdo và hàng loạt cuộc xung đột bạo lực, thậm chí là tấn công khủng bố xảy ra trong năm 2015, giới truyền thông và chính phủ các nước cũng đang thảo luận nhiều về vấn đề này. Mọi hoạt động truyền thông đều cần có một giới hạn, giới hạn này chính là buộc phải tôn trọng tín ngưỡng tôn giáo, tuyệt đối không được nhạo báng đấng tiên tri vốn có vị trí vô cùng thiêng liêng trong lòng các tín đồ. Đây là ranh giới để các nền văn hóa có thể chung sống hòa bình. Nếu ranh giới này bị phá vỡ, chắc chắn sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường.
Báo chí cần hiểu rõ rằng, mỗi lời nói và việc làm của mình có thể gây ra hậu quả xã hội nghiêm trọng, trong bối cảnh nhiều nền văn hóa va chạm, tương tác như hiện nay, thiên kiến và kỳ thị là điều không thể tránh khỏi. Do đó, trách nhiệm xã hội của báo chí càng có vai trò quan trọng hơn bao giờ hết.
Thành Huy Long
Tạp chí Người làm báo số 383+384 -Tháng 1+ 2/2016

Liệt sĩ Trần Kim Xuyến và sự “dấn thân” của một nhà báo cách mạng

Người phóng viên dũng cảm, nhanh nhạy của Thông tấn xã giải phóng

Một số kỷ niệm sâu sắc về Bộ trưởng Mai Chí Thọ với công tác báo chí, tuyên truyền

Kẻ sát hại Che Guevara 54 năm trước qua đời

Hai lần gặp Trịnh Công Sơn
