Gây ấn tượng và neo giữ cảm xúc của người đọc báo

“Trong các loại chi tiết “dệt” thành tác phẩm báo chí, “chi tiết tả”- dù chỉ là “điểm xuyết” - nhưng nếu tả giỏi thì lại có tác dụng “găm sâu” hình ảnh con người, tình huống, thời gian, khung cảnh của sự kiện vào trí nhớ người đọc báo” (1).
"Chi tiết tả" trong tác phẩm báo chí

Một tác phẩm báo chí có sử dụng nhiều loại chi tiết và mỗi loại chi tiết có một vai trò quan trọng khác nhau, tuy nhiên, bài viết này sẽ chỉ đề cập đến một loại chi tiết được sử dụng khá hạn chế trong tác phẩm báo chí: “chi tiết tả”. Có thể sẽ có người cho rằng, thời 4.0 trí tuệ nhân tạo sẽ làm báo, còn nói đến chuyện “xưa như trái đất” làm gì? Lại cũng có người cho rằng, chẳng có gì thay thế được con người, cho nên, để dung nạp thêm cho mình một góc nhìn khác, thì có lẽ chẳng có gì là xưa cũ? Một vài thuật ngữ tác phẩm báo chí: “Tác phẩm báo chí là sản phẩm tư duy của nhà báo; là một bộ phận nhỏ nhất để cấu thành một sản phẩm báo chí; phản ánh hiện thực khách quan có ý nghĩa xã hội; biểu đạt bằng ngôn ngữ đa phương tiện và các thể loại tương ứng”(2) Chi tiết: “Chi tiết là một bộ phận nhỏ nhất cấu thành một tác phẩm báo chí, trả lời cho các câu hỏi: Ai? Cái gì? Ở đâu? Khi nào? Như thế nào? Tại sao?”(3).

Về thực chất, chi tiết là một trạng thái cụ thể của diễn biến sự kiện, là hành vi, cử chỉ, lời nói, trạng thái tâm lý (hỉ, nộ, ái, ố) của con người; là sự tham gia của con người vào sự kiện. Một tác phẩm báo chí được tạo thành từ nhiều loại chi tiết. Nếu tiếp cận từ góc độ phương pháp thể hiện tác phẩm thì có thể phân chia thành các loại chi tiết, như: chi tiết tả, chi tiết kể, chi tiết bình bàn, chi tiết “cái tôi của nhà báo”,... Nếu tiếp cận theo góc độ yếu tố nội dung thì có thể phân chia thành các loại chi tiết, như: chi tiết bối cảnh, chi tiết hoàn cảnh, chi tiết tình huống, chi tiết về quá trình diễn biến, chi tiết về thời gian, chi tiết về không gian, chi tiết hồ sơ nhân chứng, chi tiết về hình dáng, nội tâm, tính cách, hành vi, hành động, lời nói của nhân vật,... Vai trò của chi tiết trong tác phẩm báo chí Có nhà báo cho rằng, một chi tiết nhỏ có giá trị thì cũng có thể làm lên tiếng tăm cho một bài báo(4) .

Các nghiên cứu lý luận báo chí cũng đã chỉ ra rằng, chi tiết có vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra một tác phẩm báo chí có chất lượng, như: (i) Chi tiết được kết nối chặt chẽ với nhau để tái hiện lại một cách trung thực sự kiện khách quan đã và đang xảy ra trong cuộc sống, hoặc chân dung một con người có thật đang được xã hội quan tâm; (ii) Mỗi chi tiết là một bằng chứng, là cơ sở đầu tiên có tính khách quan khoa học để chứng minh tính chân thực hay không chân thực của sự kiện; (iii) Mỗi chi tiết là một “mắt xích” làm rõ quá trình diễn biến, xu hướng vận động (phát sinh, phát triển, kết thúc,...) của sự kiện, từ đó bản chất thực của sự kiện sẽ được bộc lộ rõ ràng, giúp người đọc báo nhận thức và hiểu đúng về sự kiện; (iiii) Chi tiết sẽ làm rõ lập trường chính trị và quan điểm nhận thức của tờ báo, của nhà báo trước sự kiện hoặc con người cụ thể (biểu dương hay phê phán; đồng tình ủng hộ, chia sẻ buồn vui với người trong cuộc, hay căm ghét cái xấu xa, đấu tranh quyết liệt;...), qua đó dẫn dắt, thuyết phục người đọc báo nhận thức và thay đổi hành vi theo chiều hướng tích cực; (iiii) Chi tiết độc, ấn tượng,... sẽ tạo sự hấp dẫn, lôi cuốn, nhớ lâu đối với người đọc báo(5) .

Chi tiết có vai trò quan trọng như vậy, cho nên, từ xưa đến nay, các nhà báo luôn đầu tư trí tuệ và rất cẩn trọng khi tìm kiếm, lựa chọn chi tiết cho tác phẩm báo chí, bởi mỗi tác phẩm là một sản phẩm văn hóa tinh thần, giúp cho con người được hưởng thụ văn hóa, cùng hành động để giữ gìn và phát huy truyền thống lịch sử - văn hóa dân tộc, để văn hóa dân tộc không bị “hòa tan” trong thời đại số hiện nay.Chi tiết tả chỉ là“điểm xuyết” Trong tác phẩm báo chí, “chi tiết tả” có vai trò làm rõ không gian, thời gian, hiện trạng sự việc, hình dáng, nội tâm, tính cách, cử chỉ của nhân vật. “Tả có nghĩa là diễn đạt bằng ngôn ngữ cho người khác có thể hình dung ra được một cách rõ nét”(6) .

Tuy nhiên, mỗi tác phẩm báo chí có hình thức tương ứng là một thể loại báo chí, như: Tin, Bài Phản ánh, Phóng sự,... “chi tiết tả” được sử dụng với các cấp độ khác nhau và hiệu quả tác động đến người đọc báo cũng sẽ ở những mức độ khác nhau. Có thể xem xét qua hai thể loại báo chí tương đối khác biệt nhau là Tin và Phóng sự. Có người cho rằng, thể loại Tin không cần sử dụng “chi tiết tả”, bởi Tin thông báo (mang tính liệt kê, thuật) ngắn gọn, nhanh nhất về điểm đầu - điểm cuối của sự kiện mới xảy ra.

Trên thực tế khảo sát 12 tờ báo in năm 2022 và đầu năm 2023, kết quả cho thấy, giống như các thể loại báo chí khác, Tin cũng phải sử dụng “chi tiết tả”, tuy nhiên, cấp độ không sâu như các thể loại khác. Ví dụ “chi tiết tả” trong Tin “Khánh thành gần một năm, đền thờ Vua Hùng đã hư hỏng do đất lún” (gần 200 chữ): “... một phần bờ bao hồ nước trong khuôn viên đền thờ có dấu hiệu nghiêng ngả, một số vị trí cột trụ gần như sắp đổ, nhiều viên gạch ốp tường bị bung vỡ làm nhiều mảnh”(7) .

Chỉ vài nét chấm phá nhưng cũng đủ làm cho người đọc báo cảm thấy buồn lòng khi hình dung về hiện trạng xuống cấp khá nghiêm trọng của ngôi đền thờ Vua Hùng ở TP. Cần Thơ, dù mới chỉ khánh thành chưa đến một năm. Ưu thế của Phóng sự là rất linh hoạt khi sử dụng ngôn ngữ (vừa hiển ngôn, vừa hàm ngôn), cho nên, hầu hết các tác phẩm Phóng sự trên báo chí hiện nay đều có những “chi tiết tả” có chất lượng, được đan cài “đắc địa” vào những nơi cần thiết trong tác phẩm, giúp người đọc báo hình dung ra được những cảnh huống, con người, với những nét độc đáo khác nhau. Chi tiết tả cảnh tại không gian xảy ra sự kiện là một điểm nhấn không thể thiếu trong tác phẩm báo chí. Mỗi miền quê, mỗi góc phố thường không giống nhau và qua từng thời gian có thể sẽ đổi khác.

Chính vì vậy, nhà báo thường quan sát rất kỹ, nhận thức và so sánh, mô tả bằng tất cả cảm xúc của mình về không gian bao chứa sự kiện với những nét độc đáo riêng, không thể trộn lẫn vùng miền. Thông qua tả cảnh, quan điểm, xúc cảm của nhà báo và của nhân vật trong sự kiện sẽ được bộc lộ, tác động đến tâm lý người đọc báo, làm cho họ cùng vui, cùng buồn với nhà báo, với người trong cuộc. Ví dụ: Trong thời bao cấp trước năm 1986, để mua được thực phẩm (theo sổ gạo, tem phiếu,...) thì phải xếp hàng từ 3 giờ sáng nhưng đôi khi đến lượt thì lại “hết hàng”, lại phải chờ sang ngày khác. Cảnh xếp hàng mệt mỏi và quen thuộc này được nhà báo Nguyên Đức mô tả khá “lạnh lùng”: “Không một tiếng xì xào, mọi người bình thản ra về. Chỉ còn lại anh và tôi đứng bên cạnh một hàng gạch, đá, ngói và mảnh ni lông, đại diện ước lệ cho những người xếp hàng”(8) .

Hoặc “chi tiết tả” rất tinh tế khung cảnh buổi tối mùa đông ở một xóm núi với ngập tràn kỷ niệm ấm áp về người thân thương đã khuất: “Mùa đông sương xuống thấp quấn lấy ngôi nhà như cái chăn bông mà nội đã phải vất vả mang từ ngoài Bắc vào. Ngọn đèn dầu giữa nhà đã nhỏ lại càng như thu nhỏ lại. Trong ánh sáng ấm áp thoang thoảng mùi bùn non, ngôi nhà chìm vào giấc bình yên bên núi rừng đã thiêm thiếp sương bay”(9) .

Chi tiết tả người thường được các nhà báo chọn từ “đắt” để đặc tả, cho nên, mỗi nhân vật trong tác phẩm báo chí được hiện lên với đầy đủ góc cạnh, chứa đựng ẩn ý thâm sâu về nội tâm, tính cách, số phận con người theo từng hoàn cảnh, tạo ấn tượng, thậm chí, gây ám ảnh đối với người đọc. Ví dụ: trong Phóng sự của Xuân Ba (Báo Tiền phong), ông Tạ Đình Đề khi còn đi bảo vệ Bác Hồ thì được tả “cao to, đen trùi trũi”, đến khi trải qua nhiều biến cố thăng trầm thì “một ông già vóc dáng hom hem, khuôn mặt teo tóp như quả bưởi héo” nhưng “cái nhìn... có điện”(10) .

Đỗ Doãn Hoàng (Báo Dân Việt) đặc tả vẻ ngoài xấu xí của bà đồng nát nghèo khổ (mất trắng tài sản; tan nát hạnh phúc gia đình) bằng giọng điệu khá hài hước, rất tương phản với tấm lòng thiện lương của bà đã cứu giúp bao người có hoàn cảnh khốn khó như mình và hơn mình, khiến người đọc Phóng sự không khỏi ngậm ngùi và cảm phục: “Đạp chiếc xe tồng tộc, khoác nón mê đi khắp chốn cùng nơi thu mua phế liệu. Bộ mặt bầm dập, xạm đen với 6 chiếc răng cửa là... răng giả. Lúc nói, lúc cười, lúc khóc, lũ răng giả đều đu đưa ngất nghểu”(11) .

Hoặc người đọc Phóng sự có thể ngay lập tức nhận ra những người nông dân lam lũ đứng bán sản phẩm của mình giữa những người tiểu thương chuyên nghiệp trong khu chợ đêm ồn ào, tất bật: “Đặc điểm dễ nhận biết của nông dân “tiểu thương” là đôi tay dính nhựa rau đen đúa, đầu móng tay ăn sát rạt vào da do cắt rau, bó rau. Bàn tay người nào cũng nhăn nheo vì dầm với nước lâu ngày”(12) .

Có thể thấy, kết hợp chặt chẽ với các loại chi tiết khác, “chi tiết tả” góp phần làm sáng rõ hơn bối cảnh, hoàn cảnh, không gian, thời gian, xảy ra sự kiện, khắc họa mỗi con người trong sự kiện là một cá thể riêng biệt. Mặc dù chỉ được sử dụng “điểm xuyết” trong tác phẩm báo chí nhưng không thể phủ nhận vai trò quan trọng của “chi tiết tả”, bởi “chi tiết tả” cũng là một trong những bằng chứng có giá trị để lý giải về bản chất sự thật, dù sự thật đó “rành rành” hay mờ chìm, khuất lấp. “Chi tiết tả” còn giúp cho người đọc báo tiếp nhận sự thật một cách thăng hoa, nhẹ nhàng nhất có thể, đôi khi cũng là điểm nhấn ấn tượng, thu hút sự chú ý của người đọc báo, làm cho họ nhớ lâu về tác phẩm.

Để có được “chi tiết tả” tốt, chắc chắn nhà báo phải có khả năng quan sát tốt, có sự nhạy cảm nhất định khi nhập cuộc. Tuy nhiên, có thể do sự chặt chẽ trong nguyên tắc thông tin của từng tờ báo đối với từng thể loại tác phẩm báo chí, cho nên trong một số tác phẩm báo chí hiện nay, “chi tiết tả” vẫn chưa thực sự được quan tâm gọt tỉa, chau chuốt đúng mức. Nếu thiếu đi “chi tiết tả”, tác phẩm báo chí sẽ rất khô khan, nhưng nếu “tả” quá nhiều, theo cố nhà báo Hoàng Tùng, tác phẩm báo chí rất dễ “biến thành một “bài văn”, với những từ ngữ “xủng xoẻng như giấy thiếc”(13) . Công nghệ dù có hiện đại đến đâu thì mỗi tác phẩm trong một sản phẩm báo chí vẫn phải được “dệt” bằng những chi tiết có giá trị và mỗi chi tiết vẫn phải được phát huy cao nhất vai trò của mình trong tác phẩm.

TS Nguyễn Thị Hằng Thu

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

(1) Phỏng vấn sâu nhà nghiên cứu báo chí truyền thông, nữ, 68 tuổi, HN, ngày 25/9/2022.

(2) Nguyễn Thị Hằng Thu và cộngsự, (2022),Tác phẩm báo in, đề tài Sách Giáo trình, Học viện BC&TT, HN, tr.10.

(3) Nguyễn Thị Hằng Thu và cộng sự, Tlđd, tr.34.

(4) Phỏng vấn sâu, nhà báo, nam ,51tuổi, HN, ngày 21/6/2022.

(5) Nguyễn Thị HằngThu và cộng sự, Tlđd, tr.34-37.

(6) Viện Ngôn ngữ học, (1995),Từ điểnTiếng Việt, Nxb Đà Nẵng,tr.850.

(7) Chí Quốc,Tuổi trẻ TP. HCM, ngày 22/2/2023.

(8) Nguyên Đức,“Anh phải sống để...xếp hàng”, Trích trong“Chuyện thời bao cấp”, Nxb Thông tấn, HN, 2011, tr.50-58.

(9) Trần Lê AnhTuấn, Nhớ nội,pha một tô mì,Tuổi trẻ TP. HCM, ngày 1/12/2021.

(10) Xuân Ba, Tạ Đình Đề, Huyền thoại và sự thật, trích trong tập Phóng sự “Mọi linh hồn đều được đưa tiễn”, Nxb Hội Nhà văn Việt Nam, HN, 1993, tr.5-83.

(11) Đỗ Doãn Hoàng, Bà đồng nát, con dao quắm và cuốn kinh dang tay độ thế, trích trong tập Phóng sự “Lạc lối dưới chân Bù Chồng Cha”, Nxb Thanh niên, HN, 2003, tr.389-402.

(12) Thành Nhơn, Chợ chồm hổm lúc 0 giờ,Tuổi trẻ TP. HCM, ngày 1/6/2021.

(13) HoàngTùng, (1982), Bài nói chuyện với Đại học báo chí bằng 2, Khóa IV, (Tài liệu in Roneo),Trường Tuyên huấn TW1, HN. tr.3.

 

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top