Du lịch Khánh Hòa phát triển xanh và bền vững

Với mục tiêu xây dựng ngành du lịch xanh và bền vững, UBND tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức diễn đàn chính sách địa phương chuyên đề, mang đến những trao đổi thực tiễn, góp phần thúc đẩy ngành du lịch tăng tốc phát triển.

Ngày 26/4, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức diễn đàn chính sách địa phương chuyên đề: “Phát triển du lịch xanh và bền vững”, với sự tham dự của 150 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, Cục Du lịch quốc gia, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa; các nhà khoa học, giảng viên các trường đại học, đại diện hiệp hội du lịch, doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh.

Toàn cảnh sự kiện_Ảnh: Xuân Hướng. 

Du lịch xanh là hướng phát triển bền vững

Tại diễn đàn, các các chuyên gia, nhà khoa học, hiệp hội, doanh nghiệp, nhà đầu tư và kinh nghiệm của các địa phương đã trao đổi, thảo luận, tham khảo ý kiến về vấn đề phát triển du lịch xanh và bền vững; từ đó tìm kiếm những giải pháp, cơ chế, định hướng để phát triển du lịch Khánh Hòa theo mục tiêu Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các nghị quyết liên quan của Quốc hội, Chính phủ…

Đồng thời, diễn đàn cũng hướng đến việc bổ sung các luận cứ khoa học và thực tiễn cho Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh; các sở, ban, ngành rà soát, xây dựng các giải pháp, cơ chế, chính sách hoặc đề xuất, kiến nghị Trung ương theo thẩm quyền để thúc đẩy phát triển du lịch xanh và bền vững.

Chủ tịch UBDN tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân phát biểu tại diễn đàn_Ảnh: Xuân Hướng.

Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho biết trong thời gian qua, du lịch Khánh Hòa đã có những bước phục hồi và phát triển mạnh mẽ sau đại dịch, làm tiền đề tiếp nối thành công của giai đoạn trước. Tuy nhiên, du lịch hiện vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức trong phát triển và khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên cũng như những vấn đề về quá tải cục bộ, tính mùa vụ, những vấn đề trong quản lý môi trường, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tác động của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng.

Vì thế, để du lịch phát triển bền vững, điều tất yếu phải đi theo hướng du lịch xanh, giảm thiểu tác động đến môi trường, đóng góp tích cực cho bảo vệ đa dạng sinh học, sử dụng năng lượng tái tạo và phát huy các di sản thiên nhiên và văn hóa, phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường; mang lại những giá trị mới cho sản phẩm du lịch, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, đồng thời duy trì khả năng khai thác lâu dài, bền vững.

Theo đó, Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn nêu rõ quan điểm phát triển du lịch bền vững; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên.

PGS,TS Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội thủy sản Việt Nam trình bày tham luận phát triển du lịch biển xanh và bền vững_Ảnh: X.H

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ cũng đưa ra định hướng: “Phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc; quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh”. 

Khánh Hòa cũng đặt mục tiêu và định hướng đến năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; là cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển.

Để du lịch Khánh Hòa xanh và bền vững

Cũng tại diễn đàn, Cục trưởng Cục du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có tính định hướng tài nguyên rõ rệt. Hiệu quả hoạt động của ngành du lịch cũng phụ thuộc nhiều vào chất lượng tài nguyên cũng như môi trường du lịch. Xu hướng tiêu dùng du lịch “xanh” cũng ngày càng quan tâm, đặc biệt là các sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường, tôn trọng văn hóa bản địa và cộng đồng địa phương.

Cục trưởng Cục du lịch cũng dẫn thực tế để nhấn mạnh du lịch “xanh” không những là sự bảo đảm cho phát triển bền vững, mà còn là giải pháp giúp gia tăng lượng khách có mức chi tiêu cao và có ý thức, hành động văn minh khi đi du lịch.

 Cục trưởng Cục du lịch Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại diễn đàn_Ảnh: Xuân Hướng

Đối với tỉnh Khánh Hòa, là địa phương ven biển duyên hải Nam Trung Bộ, có ưu thế nổi trội về tài nguyên du lịch biển và với hệ thống đảo, quần đảo, vịnh ven bờ nổi tiếng (Vân Phong, Cam Ranh, Nha Trang) cùng với các bãi tắm đẹp, vùng biển, đảo với đa dạng sinh học, tiềm năng bảo tồn thiên nhiên biển… Trong thời gian qua, Khánh Hòa đã trở thành trung tâm du lịch biển, đảo tầm cỡ của cả nước và khu vực với các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển đảo, du lịch sinh thái, du lịch chất lượng cao hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Để tiếp tục phát huy thế mạnh, giảm thiểu những “nhạy cảm” do khách quan, Cục trưởng Cục du lịch đã đưa ra một số đề xuất cho ngành du lịch Khánh Hòa, bao gồm tăng cường công tác quản lý điểm đến, quản lý môi trường du lịch xanh, sạch, đẹp, văn minh. Khuyến khích áp dụng các giải pháp sản xuất du lịch “xanh”, sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng thân thiện với môi trường và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong hoạt động du lịch.

Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa, Nguyễn Thị Lệ Thanh, phát biểu tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại diễn đàn_Ảnh: X.H.

Bên cạnh đó, đa dạng sản phẩm du lịch hướng tới đa dạng thị trường khách du lịch, tiếp tục hoàn thiện và nâng cấp các sản phẩm du lịch đặc thù, có chất lượng cao, hướng tới đáp ứng nhu cầu đa dạng thị trường khách du lịch du khách, các sản phẩm có tính cá biệt phục vụ các nhóm thị trường mục tiêu có nhu cầu riêng biệt trong đó ưu tiên các dự án đầu tư phát triển các sản phẩm nghỉ dưỡng sinh thái biển đảo, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, du lịch thể thao, trải nghiệm, giáo dục môi trường.

Đặc biệt chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch xanh, thân thiện, bảo vệ môi trường biển, thích ứng với biển đổi khí hậu, khai thác văn hóa bản địa và cộng đồng địa phương; các sản phẩm du lịch có tính liên kết với các ngành kinh tế khác là thế mạnh của Khánh Hoà (kinh tế biển, nuôi trồng thuỷ hải sản, vùng sản xuất muối…) để đa dạng giá trị trải nghiệm và xây dựng chuỗi giá trị du lịch với các ngành khác.

Tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch tương xứng với trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển đảo tầm cỡ khu vực và quốc tế. Ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý điểm đến du lịch xanh, phát triển điểm đến du lịch thông minh, kiểm soát hoạt động du lịch nhằm tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, kiểm soát chất lượng môi trường. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để xúc tiến, quảng bá du lịch xanh.

Đồng thời, nâng cao nhận thức và kiến thức cho cộng đồng, du khách và doanh nghiệp về du lịch xanh và bền vững. Công tác tuyên truyền, giáo dục về du lịch xanh, bền vững cần được tiến hành thường xuyên cho các đối tượng trong xã hội, đặc biệt cho cộng đồng, du khách và doanh nghiệp với các hình thức đa dạng, hiệu quả, thực chất, hướng tới hình thành lối sống “xanh” và tiêu dùng du lịch “xanh”.

Làm sạch các bãi biển và khu vực ven biển Khánh Hòa

Tại diễn đàn, các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện doanh nghiệp du lịch sẽ trình bày các tham luận: Phát triển du lịch biển xanh và bền vững, PGS, TS Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội thủy sản Việt Nam đánh giá tiềm năng và thực trạng phát triển du lịch xanh tại Việt Nam; chuyển đổi xanh ngành du lịch tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2024-2030. Đồng thời đưa ra các góp ý phát triển du lịch Khánh Hòa kết hợp thể thao, di sản văn hóa, điện ảnh theo hướng đi xanh và bền vững.

Thanh Bình 

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.
Bình luận, cũng như phỏng vấn, có thể vừa là phương pháp vừa là thể loại báo chí. Theo Từ điển bách khoa Việt Nam (Trung tâm Từ điển bách khoa Việt Nam, 1995) thì: “Bình luận (thông tin) là sự phân tích, đánh giá một vấn đề (chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, kỹ thuật...) trên các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền, phổ biến, thuyết phục người nghe, người đọc... Bình luận chủ yếu vận dụng trí tuệ và tư duy logic để phân tích, đánh giá. Bình luận là vũ khí của báo chí nói riêng và các phương tiện thông tin đại chúng khác khi thực hiện các chức năng thông tin, tuyên truyền”.
Bộ Công thương đánh giá cao sự phối hợp và vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan báo chí, góp phần tuyên truyền chủ trương, chính sách đồng thời phổ biến kịp thời kiến thức, điển hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đến người dân, doanh nghiệp, cơ quan, công sở trên khắp cả nước.
Phải “công tâm, khách quan, khoa học, đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết”. Thông điệp trong bài phát biểu quan trọng "Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng ta mới đây thu hút sự quan tâm, đồng tình của đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân cả nước.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top