Doanh nghiệp Việt và cơ hội trở thành nhà cung ứng toàn cầu

21:37 20/09/2016 - Kinh tế
Sau gần 2 năm từ khi Công ty TNHH Điện tử Samsung Việt Nam đặt chân đầu tư vào Việt Nam, số lượng doanh nghiệp (DN) Việt tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm cho công ty này đã không ngừng tăng lên.

In tại Công ty Ngân Hà, một doanh nghiệp cung ứng sản phẩm cho Samsung. Ảnh: THÀNH TRÍ

Từ chỗ không có DN Việt nào đủ tiêu chuẩn cung ứng, đến nay số DN xác định nằm trong chuỗi cung ứng đã lên 190 DN.

Tham gia chuỗi cung ứng dễ hay khó?

Đó là chia sẻ của ông Lee Sang Su, Tổng Giám đốc Tổ hợp Điện tử gia dụng và công nghệ Samsung TPHCM (SEHC). Hiện tại, con số các DN Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng của Samsung đã tăng gấp 3 lần so với năm 2015. Từ 4 nhà cung ứng cấp 1, hiện Samsung đã có 12 DN Việt là nhà cung ứng cấp 1. Ngoài ra còn có 178 DN Việt là nhà cung ứng cấp 2. Như vậy, hiện có 190 DN Việt Nam đang tham gia chuỗi cung ứng của Samsung. Cụ thể, số DN Việt trong chuỗi cung ứng tại miền Bắc là 6 DN cấp 1 và 155 DN cấp 2. Đối với khu vực TPHCM, con số tương ứng là 6 DN cấp 1 và 23 DN cấp 2. Samsung vẫn đang tiếp tục tìm kiếm các nhà cung cấp để bổ sung vào chuỗi cung cấp của mình. Bất cứ DN nào đạt các tiêu chí mà Samsung đề ra đều có khả năng trở thành nhà cung ứng.

Tuy nhiên, đại diện Ban Quản lý Khu công nghệ cao TPHCM cho rằng, rất nhiều DN nội không thể đáp ứng tiêu chí trên bởi phần lớn là DN nhỏ và vừa, yếu nội lực. Chính sách hỗ trợ vốn cho DN nhỏ và vừa dù đã có chủ trương nhưng do vướng quy định thế chấp tài sản nên DN chưa tiếp cận được nguồn vốn. Mặt khác, để có thể hoàn thiện dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn nhà cung ứng, DN gần như phải chấp nhận sản xuất không lãi 2 năm. Chưa kể, công nghệ sản xuất sản phẩm của Samsung thay đổi rất nhanh đòi hỏi nhà cung ứng phải bắt kịp, nên nếu không có thực lực mạnh để đẩy nhanh tốc độ đầu tư thì không DN nội nào “chạy” theo được. Chưa hết, quy trình quản lý là một trong những vấn đề nan giải nhất của DN nội hiện nay. Hơn 90% DN nhỏ và vừa quản lý DN dựa trên kinh nghiệm và theo quy mô gia đình. Nhân công lao động cũng bị hạn chế trình độ do không được đào tạo chính quy. Trong một thời gian ngắn phải áp dụng quy trình quản lý theo tiêu chuẩn toàn cầu là rất khó khăn. Đây cũng là lý do mà cho đến nay, dù đã có 190 DN được nằm trong hệ thống chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung nhưng các DN cung ứng sản phẩm có giá trị gia tăng không cao, chủ yếu là sản phẩm cơ khí cơ bản và bao bì. Còn sản phẩm có giá trị gia tăng cao như linh kiện điện tử, chip, vi mạch… vẫn thuộc về các nhà cung ứng có vốn đầu tư nước ngoài.

Sức ì và sự ỷ lại kéo chân DN nội

Nhìn nhận về khả năng cung ứng sản phẩm cho Samsung nói riêng và chuỗi cung ứng toàn cầu nói chung của DN nội, các chuyên gia kinh tế cho rằng DN Việt Nam rất có tiềm năng. Tuy nhiên, vấn đề gặp phải là DN Việt thường có tâm lý trông chờ sự hỗ trợ của Chính phủ thay vì nỗ lực cải tiến hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. DN nội chưa nhất thiết phải đầu tư mới toàn bộ hệ thống trang thiết bị sản xuất mà chỉ cần tận dụng nội lực hiện tại, cải thiện và đầu tư có lộ trình. Chấp nhận những đơn hàng nhỏ phù hợp với năng lực của mình và xây dựng chiến lược kinh doanh dài hơi, tránh tình trạng đầu tư chụp giựt, ngắn hạn và nắm bắt lợi ích trước mắt. Theo Samsung, công ty đang có chính sách bồi dưỡng nhà cung ứng tiềm năng để họ đáp ứng nhanh nhất tiêu chuẩn là nhà cung cấp của Samsung. Dự kiến từ nay đến cuối năm, công ty mong muốn có cơ hội hợp tác với khoảng 70 DN nội có khả năng cung ứng sản phẩm phụ trợ. Với những đơn vị được chọn, ban đầu, Samsung sẽ tiến hành đặt hàng với những đơn đặt hàng nhỏ để đánh giá khả năng cung cấp của nhà máy và từng bước sẽ nâng cấp hơn.

Tuy nhiên, vẫn còn khó khăn khác, đó là kết nối hạ tầng giao thông giữa Khu Công nghệ cao của TPHCM với những DN đang hoạt động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất không được thuận lợi. Thời gian gần đây, tình trạng ngập sau mưa tại hầu hết các tuyến đường cộng với tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra hầu hết thời gian trong ngày, khiến cho việc đảm bảo tiêu chuẩn giao hàng “on time” (giao hàng đủ và đúng thời gian, đúng địa điểm) của DN cung ứng rất khó khăn. Dù TPHCM đã có chủ trương quy hoạch và xây dựng những cụm, khu công nghiệp chuyên ngành nhưng đến nay vẫn chưa triển khai được. Những khu, cụm công nghiệp hiện tại là những khu, cụm công nghiệp hỗn hợp. Điều này không tạo ra được sự chuyên nghiệp hóa trong việc sản xuất từng sản phẩm phụ trợ cũng như không tạo được chuỗi mắt xích liên kết sản xuất giữa các DN nội để giảm giá thành sản phẩm, đáp ứng yêu cầu về giá thành khi cung ứng trong hệ thống chuỗi. Khắc phục được những hạn chế trên là cách mà TP góp phần tạo thêm được nhiều cơ hội cho các DN tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung nói riêng và toàn cầu nói chung.

Nhiều DN cho rằng, để đáp ứng tiêu chí Samsung đề ra không đơn giản. Đơn cử trường hợp Công ty Goldsun - một trong số 12 công ty cung ứng cấp 1 của Samsung. Để trở thành nhà cung ứng cấp 1 về sản phẩm giản đơn là bao bì, Công ty Goldsun phải đầu tư hệ thống trang thiết bị, công nghệ sản xuất của Đức. Ngoài ra, công ty còn phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất tiên tiến mà chuyên gia kỹ thuật của Samsung hướng dẫn nhằm giảm giá thành, tăng năng suất sản xuất lên 20%, đồng thời giảm được tỷ lệ sản phẩm bị lỗi xuống hơn 50% so mức lỗi hiện tại (giảm từ 36 lỗi/tháng xuống 15 lỗi/tháng); giảm tỷ lệ hàng tồn kho xuống 48% - 69%; xây dựng nhà máy chuyên nghiệp, sạch sẽ...

Nguồn: sggp.org.vn

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top