Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Dịu lòng trong tiếng nôi đưa

12:11 22/08/2023 - Văn hóa
Cảm thức ấu thơ đong đầy tình mẹ là mạch nguồn chưa bao giờ vơi cạn trong thi ca. Thậm chí, trước khi những bài thơ ra đời thì bao câu ca dao, bài hát ru đã vang lên đầy thiết tha bên cánh nôi, cánh võng, trong đời sống văn hóa tinh thần và sinh hoạt thường nhật của mỗi làng quê Việt.

 Đề tài quen thuộc là vậy, song, mỗi tác giả lại có cách cảm nhận và thể hiện riêng, thấm thía bởi câu chuyện về cảm xúc, bối cảnh/hoàn cảnh và ngôn ngữ, giọng điệu. Có những bài thơ khiến ta rưng rưng; có những vần thơ khiến ta đắm đuối; có nỗi lòng khiến ta cảm thấy dịu lắng, da diết như mắc nợ, như một sự thức tỉnh và òa vỡ đầy bản năng, rằng tình mẹ gần gũi mà mộc mạc đến thế, nhưng đã bao lâu rồi ta tự xa cách, tự vô ưu… 

Và cũng có những tác phẩm đặc biệt khiến ta cùng lúc có được tất cả những cảm giác ấy: biết ơn, ăn năn, ân hận, muốn cất bước và cất tiếng lòng để hướng về mẹ, về tiếng nôi đã vỗ về, nâng niu, che chở cho ta tự thuở còn thơ bé. “Tìm lại tiếng nôi đưa” - một thi phẩm tài hoa của nhà thơ Nguyễn Đăng Độ thuộc trường hợp ấy.

Thơ của Nguyễn Đăng Độ khiến người đọc thả lỏng mọi hình dung để bước vào cõi thiêng liêng tình mẹ.

Bài thơ được mở đầu theo cách thật tự nhiên, với một cuộc trở về vừa mang nghĩa thực tế, vừa có thể là trong tâm tưởng: “Con trở về tìm lại tiếng nôi đưa/ Bên khóm tre già trưa hè bóng rủ/ Câu à ơi mẹ ru con ngủ/ Năm tháng ấu thơ da diết quê nghèo”. Không hiểu sao khi đọc những vần thơ này, trong tâm trí tôi, thơ ca lại vang lên như câu hát. Đó vừa như khúc hát ru, vừa như khúc dân ca mượt mà, ngọt ngào mà vang vọng. Cả bầu không gian, không khí tuổi thơ được bao phủ trong tiếng nôi đưa, dưới bóng tre và lời mẹ ru năm nào.

Thực ra, tiếng nôi đưa là âm thanh khẽ khàng, có thể sẽ được hòa lẫn trong tiếng gió, tiếng động của làng quê, tiếng gà cục tác giữa trưa… nhưng ai đau đáu với tuổi thơ, hẳn sẽ khắc ghi thanh âm quen thuộc, gần gũi ấy.

Từ cái thuở mọi làng quê đều nghèo khó, người mẹ có con nhỏ vẫn lấm láp ruộng đồng, bùn đất, tranh thủ buổi trưa cho con bú mớm, ẵm bồng con trong tay rồi tới khi con thiu thiu ngủ thì khéo léo nhẹ nhàng đặt xuống chiếc nôi êm đang đu đưa từng nhịp.

Tiếng nôi cũng tiếng lòng của mẹ, cứ bền bỉ, tận tụy, kiên trì theo năm tháng. Từ khi con bé nhỏ, thơ ngây tràn đầy hy vọng như những búp măng non cho tới lúc trưởng thành thì nhịp nôi, lời ru vẫn hằn sâu trong ký ức. Càng nghèo khó, càng đắng cay, cực khổ… con người ta càng chẳng dễ lãng quên. Chắc hẳn chẳng đứa trẻ nào có thể nhớ nổi ký ức của mình vào đúng thuở nằm nôi. Nhưng điều đó cũng nào quan trọng, bởi bản năng, mạch nguồn tình mẹ đã ngấm sâu theo từng dòng sữa ngọt ngào, từng giọng quê trìu mến để hun đúc nên tâm hồn, cốt cách lúc trưởng thành. Không có những năm tháng ấu thơ thì không thể có sự trưởng thành nào trọn vẹn, nhất là ở khía cạnh tâm hồn.

Giản dị mà ân tình, mộc mạc mà tha thiết… nhà thơ Nguyễn Đăng Độ luôn có những cách mở đầu tác phẩm thật tự nhiên, như cách anh bước qua ngưỡng cửa của căn nhà thơ ấu, bước qua cổng ngôi làng đã che chở suốt tuổi thơ. Dường như, sự thay đổi của hiện thực đời sống không tác động nhiều tới ngăn hồi ức của anh. Mọi thứ vẫn còn nguyên đó, như thể dằng dặc những tháng năm tuổi thơ vẫn vẹn nguyên, tươi mới tựa hôm qua. Chỉ có tình yêu, niềm tin và nghĩa tình sâu nặng mới khiến con người ta nhớ lâu, thương lâu, nặng nợ ân tình đến vậy. 

Tiếp tục đẩy mạch cảm xúc lên một cung bậc mới, mạnh mẽ hơn, biên độ rộng dài hơn, nhà thơ khiến người đọc thả lỏng mọi hình dung để bước vào cõi thiêng liêng tình mẹ: “Tiếng mẹ ru tạc đá mang theo/ Ngang dọc những nẻo đường phiêu dạt/ Lời ru nâng con qua thăng trầm đắng- chát/ Đến bây giờ còn in dấu chân non”. Đây là một khổ thơ đầy ám gợi và chất chứa cách kể, cách tả sáng tạo, lạ hóa nhưng vẫn vững vàng trên một nền tảng tình cảm sâu sắc.

Có nhiều cách ví von về lời mẹ ru: như dòng sữa ngọt ngào, như làn gió mát trong, như dòng sông phẳng lặng, như sóng biển cuộn trào… riêng nhà thơ Nguyễn Đăng Độ lại có cách so sánh đầy khác lạ “Tiếng mẹ ru tạc đá mang theo”. Mới lạ mà hấp dẫn, thuyết phục vốn là điều chưa bao giờ đơn giản, dễ dàng. Hẳn lời ru ấy phải sâu nặng lắm, ám ảnh lắm, và trổ sâu vào ký ức tuổi thơ thì mới tạo nên ấn tượng dồn hết vào hai từ “tạc đá”. Nghĩa là, nắng mưa gió giông hay đổi thay gì, lời ru vẫn đó, nguyên vẹn và bao la giữa đất trời, giữa cuộc đời không ngừng biến động. Bởi lẽ ấy, trên “những nẻo đường phiêu dạt” của người con, thì lời ru vẫn “dọc ngang”, vẫn nâng đỡ con qua từng bước thăng trầm, từng cung bậc đắng - chát của cuộc đời.

Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ  có cách so sánh đầy khác lạ “Tiếng mẹ ru tạc đá mang theo.

Chạm vào cõi thơ là chạm vào tinh thần bao dung đến thấm thía gan ruột. Những lời ru thơ ấu không chỉ vỗ về con thuở còn nằm nôi, mà quan trọng hơn hết là đã theo con trong mọi bước đường, mọi thành công hay thất bại, hạnh phúc hay khổ đau. Những người làm thơ từng truyền nhau cái cách “vin câu thơ mà đứng dậy”, còn tất cả những người con trong cõi đời này, có lẽ, nếu có điều gì đó để vin vào, thì đó là lời ru, là tình mẫu tử thiêng liêng, cao quý.

Con cái dẫu trưởng thành, lớn khôn ngần nào, đó mãi là những “dấu chân non” giữa cuộc đời thiên biến. Hai trạng thái, hình dung hoàn toàn đối lập. Một bên là lời ru “tạc đá”, một bên là “dấu chân non”. Nghĩa là, một bên là mẹ già tóc bạc với lời ru vang vọng từ ký ức xa xăm, còn một bên là những đứa con đã trưởng thành, gánh vác cuộc đời, thậm chí non sông, nhưng vẫn đó “dấu chân non” đầy khắc khoải. Đây là cách so sánh thật mới, thật lạ, nhưng rất thực tế. Nó khiến ta không thôi ngẫm nghĩ về quy luật cuộc đời: Con dẫu lớn khôn vẫn là con của mẹ. Trong mắt những người mẹ, niềm bao dung, che chở mãi hướng về con. Thậm chí, ngay cả khi mẹ không còn nữa, vẫn hiện hữu một cách bất tử trong tình cảm, chỗ dựa tinh thần của những đứa con hiếu thảo. 

Trong hầu hết tác phẩm, nhà thơ Nguyễn Đăng Độ liên tục đặt ra những câu hỏi, mà phần lớn như hỏi chính mình, hỏi mà đã sẵn câu trả lời đầy yêu thương, trăn trở. Ở thi phẩm này là câu hỏi về “chiếc vé tuổi thơ” - một hình tượng gợi nên nhiều suy tư, mong ước: “Tìm làm sao chiếc vé tuổi thơ con/ Để ôm mãi vào lòng xứ Nghệ/ Con đi qua muôn trùng dâu bể/ Lại gặp mình trong trẻo tuổi mười lăm”.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từng chiếm hữu cảm tình của độc giả với tác phẩm “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” không chỉ bởi đó là một tác phẩm văn xuôi hay mà ông còn gọi ra được niềm khao khát quen thuộc, thường trực trong cảm thức của những người con xa quê, xa mẹ. Khi khao khát này được gọi lên bằng thơ, dường như ta còn cảm thấy mong ngóng hơn, ám gợi hơn rất nhiều. Tìm sao được? Con đường nào đến được? Nếu không phải đó là hành trình của tình yêu thương, của niềm chờ đợi và khắc khoải khôn nguôi, thao thức. Xứ Nghệ là miền đất đặc biệt. Là cái đòn gánh, gánh bao phong ba, bão giông, nhọc nhằn, chới với. Đâu phải bỗng dưng mà bao nhiêu khúc hát ru, bao nhiêu bài dân ca và cả một kho tàng thơ, nhạc, họa từ xưa tới nay cứ mênh mang giai điệu người xứ Nghệ. Cắt nghĩa bao nhiêu cũng không sao đủ, chỉ có trải nghiệm thực tế mới khiến ta lý giải vì sao miền đất ấy lại sâu nặng ân tình, lại rưng rưng muôn nỗi. Thi sĩ nhận ra rằng “Con đi qua muôn trùng dâu bể/ Lại gặp mình trong trẻo tuổi mời lăm”. Vì sao lại là tuổi mười lăm? Lại là cái ngưỡng đầy sức sống và ước mong bay cao, vươn xa đó?

Đọc thơ anh nhiều, nghe rất nhiều ca khúc phổ nhạc từ thơ anh, tôi hiểu rằng, ở độ tuổi ấy, có những bước ngoặt đặc biệt khiến trái tim, tâm hồn và dấu chân của người con trưởng thành không bao giờ cho phép mình xa rời tình mẫu tử. Vừa qua tuổi thiếu niên, sắp chớm tuổi thanh niên, bao nhiêu hoài bão ước vọng le lói ánh trăng rằm. Tuổi thơ lớn lên trong hầm tối, bằng củ khoai củ sắn hàng xóm láng giềng bao bọc chăm lo, bằng tình nghĩa mẹ cha dạt dào như dòng sông quê thăm thẳm cuộn trào… để rồi tất cả ký ức tuổi thơ đó hun đúc nên một tuổi trẻ đam mê, trong trẻo, muốn mang sức mình vẫy vùng khắp chốn để lại quay về xây đắp, góp sức với quê hương. Tuổi mười lăm là giai đoạn con người ta vừa muốn vẫy vùng vượt thoát, vừa dễ mềm lòng trước tình mẹ bao la, và đó cũng là cái mốc quan trọng khiến cho những người đa cảm nhất, tình nghĩa nhất hay nghĩ ngợi, muốn quay về qua những trang hồi tưởng về quê hương, về tình mẹ. 

Hồi tưởng dẫn ta về chặng đường ấu thơ chất chứa bao nhung nhớ. Cũng lại nhắc ta về hiện thực, rằng có bao điều đã xa, đã qua, không bao giờ trở lại. Bài thơ khép lại trong niềm luyến tiếc đến nghẹn ngào: “Cơn gió chiều thổi dọc tháng năm/ Bên bến nước lắng lời ru đọng lại/ Con ước mãi ngày xưa xa ngái/ Để suốt đời nghe tiếng mẹ đưa nôi”.

Một hoàn cảnh thực tế, trữ tình như níu lòng người chùng xuống ở độ sâu thẳm nhất. Hoang hoải gió chiều - cơn gió từ tiềm thức. Dọc dài theo tháng năm - tháng năm nào đong đếm được… Bến nước cũng như bậc cửa, như cổng làng đón người trở lại với lời ru ngưng đọng như nước mắt chực trào, như cơn mưa thổn thức… Thổn thức bởi lời ước trở về ngày xưa xa ngái với tiếng mẹ đưa nôi. Khi ấy, ta cảm thấy rằng, lời ru hay tiếng đưa nôi không đơn thuần còn là thanh âm thực tế, mà đó như cõi mộng, cõi mình ước ao được đắm đuối, được chở che và xoa dịu…

Không chỉ tuổi thơ, mà trong suốt chặng đường đời, nhất là khi con người đã bước sang cái dốc bên kia của cuộc đời, thì có một quy luật thật lạ lùng, đó là người ta sống nhiều hơn trong hồi ức, có những khát khao, mong ước như thuở còn bé thơ: Ăn bữa cơm dưa cà, nghe lời ru của mẹ, nằm thiếp ngủ dưới bóng tre, nghêu ngao câu hò nơi bến bước… Người ta thấy lòng mình trẻ lại, dịu đi trong ước mong trẻ dại. Đó là niềm hạnh phúc vô bờ có thể xoa dịu mọi thương tổn, làm mờ vết mọi đắng cay đã nếm trải trên đường đời phiêu dạt.

Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ: Chỉ có tình yêu, niềm tin và nghĩa tình sâu nặng mới khiến con người ta nhớ lâu, thương lâu, nặng nợ ân tình đến vậy. 

Bởi những lẽ đó, ta tin rằng, tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Đăng Độ sẽ vượt khỏi biên độ của một bài thơ hay, sâu sắc, nghĩa tình mà đó chắc chắn sẽ gặp được những giai điệu đẹp để tiếp tục trở thành những bài ca vang lên thêm nhiều cung bậc khác, để lại cho đời bao rung cảm đắm say.

Tôi chú ý đến giá trị “chữa lành” trong thơ anh. Phía sau ký ức, câu chuyện đầy nhân văn… là giá trị “chữa lành” mọi thương tổn của con người. Những tham vọng, sân si, toan tính dường như sẽ được gột rửa khi ai đó xác định đặt chân vào cõi thơ - cõi thiêng mà anh tạo ra bằng nỗi rung cảm thật tự nhiên, gần gũi như hơi thở và không bao giờ vướng bận những mưu cầu, tham vọng…

Công chúng yêu thơ hay yêu những tác phẩm thơ được phổ nhạc của nhà thơ Nguyễn Đăng Độ luôn cảm thấy mình được đánh thức vẻ đẹp, sự rung cảm trong tâm hồn - những giá trị vốn dĩ luôn tồn tại, luôn sẵn có nhưng có thể bị khuất lấp, mờ nhòe trong biến động đời sống. Thơ anh như một lời nhắc nhớ, bằng thi ảnh, ngôn từ, giai điệu đẹp… để ta dịu lòng, lắng mình trong tình mẫu tử, tình quê hương và bao nhiêu tình nghĩa cao đẹp giữa cuộc đời đáng yêu, đáng sống này. 

Trong rất nhiều giá trị của thi ca, hành trình quay về ký ức để hồi sinh những xúc cảm đẹp đẽ, nhân hậu của con người là điều rất đáng ngẫm ngợi. Một câu chuyện dù mỹ miều tới đâu mà không tác động vào tâm hồn, vào hành động của con người thì dần dần cũng trở nên vô nghĩa.

Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ chưa từng tuyên ngôn, cũng không lập ngôn hoa mỹ, ồn ào… song, tất cả các tác phẩm của anh đều hướng đến những giá trị căn cốt ấy. Đó cũng là lý do nhiều bạn đọc, nhiều nghệ sĩ tìm đến tác phẩm của anh để cảm nhận, để phổ nhạc, để cất lên tiếng hát - tiếng lòng - tiếng nói.

Thơ anh đánh thức và mang đến sự hòa ca tuyệt diệu cho đời, cho người, để những giá trị nhân văn tiếp tục được sẻ chia, lan tỏa trong những không gian khác, đời sống khác nhưng tựu trung đều khiến đối tượng cảm nhận thấy yêu đời hơn, tin tưởng và hy vọng tràn đầy. Đó là một con đường giản dị, nhưng không phải người viết nào cũng làm được.

Với anh, điều đó gần gũi, tự nhiên như hơi thở, như nhịp ngân rung trong trái tim mà anh luôn sống, luôn hành động theo cách không thể nào khác được. Giá trị ấy luôn đáng trân trọng, đáng nâng niu trong đời sống này, nhất là giữa bối cảnh con người đôi khi quay cuồng, gấp gáp, hoang mang trước bao đổi thay, biến động, nghi ngờ…

Thanh Khê

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Theo thông tin từ Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, đồng chí đã từ trần lúc 13 giờ 38 phút, ngày 19-7-2024, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Hưởng thọ 80 tuổi. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân” của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top