Điểm đến lãng mạn cho Festival Thu Hà Nội
04:14 22/09/2023
- Văn hóa
Có một mùa trong năm mang đến cho tâm hồn ta nhiều thư thái, lắng dịu hơn cả là mùa Thu. Khi gió bắt đầu nhẹ hơn, nắng rót vàng như mật trên những tán cây già là lúc tâm hồn con người cũng lắng đọng thư thái hơn bao giờ hết. Nó như một nốt trầm trong bản nhạc thời gian, một khoảng lặng để ai đó thấy rõ hơn lòng mình cũng như thấu rõ nỗi niềm trời đất thiên nhiên khi sang mùa. Đặc biệt hơn là mùa Thu Hà Nội, cũng cái tiết hanh hanh hao hao ấy nhưng nhập vào hồn cốt Thủ đô ngàn năm văn hiến dường như mùa thu cũng thanh tao hơn, dịu dàng hơn, có gì đó man mác buồn trong những phôi pha, lại có chút rộn ràng trong những niềm mới lạ do sự giao thoa văn hóa đông tây ấy. Festival Thu Hà Nội, điểm đến cho mùa Thu năm nay có gì thu hút bạn?
Hồ Hoàn Kiếm – trái tim của Thủ đô_Ảnh: ST
Trong khuôn khổ Festival Thu Hà Nội năm 2023 diễn ra từ ngày 29/9 đến ngày 1/10 tại không gian đi bộ Hồ Hoàn Kiếm. Lễ hội có quy mô 150 gian hàng chia thành các khu vực thiết kế phong phú. Nhiều điểm đến du lịch Hà Nội hấp dẫn vào mùa Thu được giới thiệu như cầu Long Biên, phố cổ Hà Nội, chùa Một Cột, vùng hoa Mê Linh, Làng cổ Đường Lâm.... Đặc biệt, các gian hàng còn mô phỏng nhà Phố Phái và góc phố ẩm thực Tạ Hiện…Lễ hội có sự tham gia của 10 quận, huyện như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Mê Linh, Quốc Oai, Ứng Hòa, Đông Anh, Ba Vì, Gia Lâm... để quảng bá, giới thiệu tiềm năng phát triển du lịch và các sản phẩm du lịch, các di sản của địa phương.
Cầu Long Biên – công trình lịch sử gắn với mảnh đất Thủ đô từ thời Pháp thuộc_Ảnh: ST
Trong Festival Thu Hà Nội năm 2023 còn diễn ra chương trình trình diễn trang phục áo dài “Trang phục áo dài đám cưới theo dòng thời gian”; trình diễn áo dài của Câu lạc bộ áo dài Việt Nam; trải nghiệm không gian cốm Hà Nội, di sản nghề may áo dài Trạch Xá. Điểm nhấn là Carnaval Thu Hà Nội được dàn dựng công phu với quy mô 1500 người diễn ra vào sáng 1/10.
Con đường mùa thu của Hà Nội – đường Phan Đình Phùng_Ảnh: ST
Cùng với đó Hà Nội đồng thời tổ chức không gian giới thiệu ẩm thực Hà Nội năm 2023 tại Cung Thiếu nhi Hà Nội. Không gian giới thiệu ẩm thực Hà Nội với chủ đề “Tinh hoa ẩm thực Việt” quy tụ 51 gian hàng của các hội nghề nghiệp, nghệ nhân, doanh nghiệp, cơ sở ẩm thực nổi tiếng tại Hà Nội và cả nước, giới thiệu các món ăn hấp dẫn như phở bò, phở gà, bún thang, chả cá, chả cốm đèn lồng, bún ốc Hồ Tây, xôi Phú Thượng…
Hòa vào không khí Festival Thu ấy đến Hà nội vào dịp này du khách không thể không theo chân mùa thu lang thang quanh những con phố nhỏ mà tuổi không hề nhỏ, ấy là khu Phố Cổ. Những mái ngói rêu phong trầm mặc qua nắng mưa thời gian vẫn lưu giữ trong mình cốt cách ngàn năm văn hiến. Phố cổ xưa vốn là nơi làm ăn sinh sống của nhiều thế hệ nhưng tinh hoa mọi miền hội tụ về đất Thăng Long xưa. Như một bảo tàng văn hóa sống động, những lề xưa thói cũ trong nếp sống đô thị cổ đã trao truyền gắn bó bao đời con người nơi đây giờ vẫn được âm thầm gìn giữ, từ nét ăn vận trang phục đến ẩm thực gia đình, món ngon đường phố, kiến trúc nhà cửa… Tất cả cứ hòa quyện tạo nên một dòng chảy văn hóa mà bất cứ ai ở xứ sở nào về đây sinh sống, tồn tại và phát triển đều phải hòa nhập vào dòng chảy ấy. Vậy nên dân gian có câu ca rằng:
Chẳng thơm cũng thể hoa nhài.
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An.
Góc nhỏ phố Tạ Hiện – một trong những tuyến phố thu hút nhiều khách du lịch_Ảnh: ST
Một địa chỉ văn hóa quen thuộc thu hút nhiều du khách khi dừng chân ở khu phố cổ, đó là ghé xem một xuất múa rối nước tại Nhà hát Múa Rối Nước Thăng Long trên phố Đinh Tiên Hoàng. Một không gian nhỏ gọn, vừa đủ cho sự giao lưu giữa khán giả và diễn viên, đủ cho sự thăng hoa nghệ thuật dân gian trong một khán phòng hiện đại, nơi đây hàng ngày đều có nhiều xuất diễn những vở rối nổi tiếng đậm tính dân gian cổ truyền, những câu truyện lịch sử, ngụ ngôn… đậm tính nhân văn sâu sắc.
Hà Nội 36 phố phường_Ảnh: ST
Trong cái không khí trầm mặc cổ xưa ấy du khách hãy ghé chân thưởng thức bữa cơm truyền thống của người Hà nội xưa tại nhà hàng “Cơm Phố cổ” ở phố Nguyễn Siêu, một địa chỉ ghé chân của nhiều du khách trong nước và quốc tế. Không gian ấm cúng, đậm văn hóa xưa từ phong vị món ăn đến phong cách kiến trúc cổ sân vườn. Với món ăn đa dạng theo mùa, từ giản dị đến tinh tế… Giá cả hợp lý, phục vụ nhẹ nhàng nên đây là địa chỉ lựa chọn của nhiều thực khách khi muốn trải nghiệm món ăn truyền thống đất Hà Thành xưa.
Trải nghiệm những món ăn truyền thống
Nếu ghé chân phố cổ bạn đừng quên sắm cho mình một bộ áo dài từ nhà may Mỹ Vinh tại Cầu Gỗ hoặc Hàng Bông. Đây là tiệm áo dài theo phong cách cổ của người Hà nội, giá cả lại hợp lý và phục vụ tận tình. Điều quan trọng là bạn có cơ hội được trải nghiệm văn hóa xưa trong nếp áo dài cũ của người con gái Thăng Long kinh kỳ.
Thu về làm cho nhịp sống như chậm hơn. Cái giùng giằng chưa qua của mùa nắng, cái man mác dịu dàng của mùa lạnh còn e ấp ngoài khung cửa làm nên một mùa Thu thấm vào cảnh vật và hồn người nỗi bâng khuâng da diết lạ kỳ. Mời bạn hãy ghé thăm Hoàng thành Thăng Long, nơi lịch sử lắng đọng hồn núi sông và cũng là một địa chỉ check in của nhiều du khách trẻ với con đường Phan Đình Phùng dợp bóng hàng sấu cổ. Hoặc một địa chỉ khác là Bảo tàng Hà Nội trên đường Phạm Hùng quận Nam Từ Liêm. Bảo tàng Hà Nội một kiến trúc độc đáo, hiện đại nhưng lại là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa lịch sử kết nối quá khứ với hiện tại. Với không gian xanh mướt bình yên, Bảo tàng Hà Nội là điểm dừng chân thư thái lắng đọng tâm hồn cho du khách yêu thích văn hóa lịch sử.
Hoàng thành Thăng Long – di sản vô giá_Ảnh: ST
Xa hơn một chút mời bạn ghé thăm và trải nghiệm làm gốm trong một chiều thu tại làng gốm cổ Bát Tràng cũng sẽ là một điểm đến đáng nhớ. Làng gốm Bát tràng theo truyền tụng thì đã có tuổi đời trên 500 năm. Một làng nghề gắn liền với lịch sử nghề gốm của đông bằng Bắc bộ. Ngày nay gốm Bát Tràng được hiện đại hóa trong nhiều khâu sản xuất nhưng nét cổ xưa trong họa tiết và hình dáng sản phẩm thì vẫn được lưu truyền, bên cạnh đó do giao lưu kinh tế văn hóa đông tây nên nhiều nhà sản xuất đáp ứng thị trường mà cho ra lò nhiều loại sản phẩm ảnh hưởng phong cách gốm Châu Âu, Nhật bản, Trung Quốc… Được cầm tay chỉ việc để tạo ra một chiếc gốm và gửi lò nung cũng là một trải nghiệm mà nhiều du khách lựa chọn.
Bảo tàng Hà Nội, kiến trúc mới lạ giữa lòng Thủ đô_Ảnh: ST
Kết thúc chuyến du lịch bạn đừng quên sắm cho người thân và bạn bè vài thức quà nổi tiếng của đất phố Hàng đó là: Bánh cốm Nguyên Ninh phố Hàng Than, ô mai Tiến Thịnh phố Hàng Đường, bánh xu xê phố Đinh Liệt… và còn nhiều thức quà khác quanh khu chợ Đồng Xuân, khu chợ gắn bó bao đời với đời sống bán buôn của người Hà Nội.
Mùa Thu vốn là mùa ngắn nhất trong năm, tuy nhiên lại là mùa để thương để nhớ nhất trong tâm hồn, mùa thu Hà Nội lại đậm những nét riêng có của một Thăng Long kẻ chợ, Festival Thu Hà nội chính là điểm nhấn cho vẻ đẹp ấy thêm lan tỏa và thêm nhiều ấn tượng đẹp. Chúc bạn có một kỳ nghỉ nhiều cảm xúc, vừa lãng mạn mà vẫn lắng đọng tâm hồn khi đến đây trong dịp này.
Hà Phương
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Culture in you, hướng đến bảo tồn văn hóa truyền thống trong bối cảnh hội nhập toàn cầu (06:14 03/11/2024)
- Những trải nghiệm ấn tượng tại giải chạy VPBank Hanoi International Marathon (VPIM) 2024 (06:36 14/10/2024)
- Giải chạy VPIM 2024: Cung đường độc đáo kết hợp chạy bộ và âm nhạc (07:51 12/10/2024)
- Lý thuyết “quản trị xám”: Hướng đi mới cho các nhà quản trị (09:35 01/10/2024)
- Thêm nhiều gợi mở về “Điểm đến du lịch Thu Hà Nội” (08:12 19/09/2024)