Đề xuất mở rộng thêm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
03:09 30/03/2023
- Văn hóa xã hội
Bên cạnh đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm đối với cả nhóm người tham gia BHXH tự nguyện và bắt buộc, dự thảo Luật BHXH sửa đổi cũng đề xuất bổ sung trợ cấp thai sản trong chính sách BHXH tự nguyện... Chính sách này được kỳ vọng mở rộng thêm quyền lợi, tăng tính hấp dẫn cho người tham gia BHXH tự nguyện trong tình hình mới.
Đến hết tháng 2/2023, số người tham gia BHXH tự nguyện là 1,459 triệu người.
Hiện nay, trong hệ thống BHXH tại Việt Nam có 2 loại hình, gồm BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. Theo đó, BHXH bắt buộc áp dụng đối với người lao động khu vực có quan hệ lao động và BHXH tự nguyện được áp dụng đối với khu vực không có quan hệ lao động với người lao động.
Trên thực tế, người tham gia BHXH tự nguyện đang được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng 30% đối với hộ nghèo, cận nghèo là 25% và đối tượng khác là 10% (tính theo mức chuẩn hộ nghèo nông thôn). Qua áp dụng, các mức hỗ trợ này chưa hấp dẫn với người dân.
Số liệu thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, số người tham gia BHXH tự nguyện trong giai đoạn 2016 - 2022 liên tục tăng. Tốc độ tăng trưởng bình quân số người tham gia BHXH tự nguyện đạt 38,93%/năm. Đến hết tháng 2/2023, số người tham gia BHXH tự nguyện là 1,459 triệu người, tăng 204,8 nghìn người.
Tuy nhiên, so với quy mô lao động, số người tham gia BHXH tự nguyện chiếm tỷ lệ rất nhỏ, hiện mới đạt khoảng 3% lực lượng lao động trong độ tuổi. Kết quả đạt được còn rất khiêm tốn so với tiềm năng phát triển của loại hình bảo hiểm này. Như vậy, có thể khẳng định, dư địa phát triển BHXH tự nguyện ở nước ta còn rất lớn.
Phân tích nguyên nhân tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện còn thấp, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, lý do chưa thu hút người lao động tham gia BHXH tự nguyện là do thời gian tham gia đóng BHXH để hưởng lương còn dài (theo quy định hiện hành là 20 năm).
Thêm vào đó là quyền lợi thụ hưởng của BHXH tự nguyện còn chưa hấp dẫn người tham gia, vì theo quy định hiện hành BHXH tự nguyện chỉ cung cấp 2 chế độ hưu trí và tử tuất.
Trong khi đó, với chính sách BHXH bắt buộc, người tham gia được hụ hưởng 5 chế độ: hưu trí, tử tuất, ốm đau và thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và thất nghiệp.
“Chính sách BHXH tự nguyện còn chưa đáp ứng được kỳ vọng và mong muốn của người lao động và các đối tượng, do đó, tỷ lệ phát triển người tham gia loại hình bảo hiểm này còn đạt thấp”, ông Bùi Sỹ Lợi khẳng định.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, quan điểm, mục tiêu sửa đổi Luật BHXH là để mở rộng và gia tăng quyền, lợi ích, tạo sự hấp dẫn nhằm thu hút người lao động tham gia BHXH, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân dựa trên quyền con người theo quy định của Hiến pháp.
Đồng thời, việc sửa đổi Luật BHXH cũng nhằm thể chế quan điểm mục tiêu của Đảng theo Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH theo hướng đa tầng, linh hoạt, hiện đại, hội nhập, tiến tới bao phủ toàn bộ lực lượng lao động, từng bước tiến tới BHXH bắt buộc toàn dân.
Ở góc nhìn của cơ quan quản lý, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho biết, việc sửa đổi Luật BHXH nhằm bảo đảm an sinh xã hội của người dân dựa trên quyền con người theo quy định của Hiến pháp và thể chế hóa các nội dung trong Nghị quyết số 28-NQ/TW.
Cùng với đó, sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành Luật BHXH năm 2014 và Nghị quyết số 93/2015/QH13. Dự thảo Luật sẽ được hoàn thiện trình Chính phủ cho ý kiến để trình Quốc hội thảo luận lần thứ nhất tại kỳ họp tháng 10/2023.
Nêu một số điểm mới tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho biết, dự thảo Luật có nhiều nội dung mới so với Luật BHXH hiện hành nhằm mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích, tạo sự hấp dẫn để thu hút người lao động tham gia BHXH; đồng thời, bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người lao động đang làm việc và người hưởng lương hưu.
Cụ thể, dự thảo Luật đề xuất giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm đối với cả nhóm người tham gia theo hình thức tự nguyện và bắt buộc.
Đồng thời, đề xuất người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hưởng 3 chế độ gồm lương hưu, thai sản và tử tuất. Trợ cấp thai sản do ngân sách nhà nước đảm bảo.
Lao động nữ sinh con, lao động nam đang tham gia BHXH có vợ sinh con đều được thụ hưởng chính sách này. Người lao động để được hưởng quyền lợi thai sản phải đóng BHXH đủ từ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật nêu rõ, lao động nữ sinh con, lao động nam đang tham gia BHXH có vợ sinh con được hưởng 2.000.000 đồng cho một con mới sinh.
Trường hợp chỉ có mẹ tham gia BHXH mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được hưởng trợ cấp thai sản. Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia BHXH đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản thì chỉ cha hoặc mẹ hưởng chế độ theo quy định.
Là đơn vị thực hiện chính sách, BHXH Việt Nam cũng đề xuất tăng mức hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện cho người tham gia từ 30% lên 50% đối với người thuộc hộ nghèo, từ 25% lên 30% đối với người thuộc hộ cận nghèo...
Theo các chuyên gia, việc bổ sung thêm các quyền lợi cho người tham gia BHXH tự nguyện được kỳ vọng sẽ tăng tính hấp dẫn của chính sách BHXH tự nguyện, từ đó tạo “đòn bẩy” thu hút người lao động tham gia loại hình bảo hiểm này trong thời gian tới.
Bảo My
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Thêm nhiều gợi mở về “Điểm đến du lịch Thu Hà Nội” (08:12 19/09/2024)
- Tổng Hội người Việt tại Lào hướng về các nạn nhân bão số 3 (08:45 14/09/2024)
- Vinamilk trao tặng gần 200.000 hộp sữa cho trẻ em nhân ngày hội tựu trường (12:26 06/09/2024)
- Khai mạc lễ hội quà tặng du lịch Hà Nội 2024 (09:02 24/08/2024)
- Hơn 250 chuyên gia quốc tế bàn giải pháp phát triển nhân lực kỹ thuật số (08:50 19/08/2024)