Đề xuất kéo dài thời gian thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2%

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, chiều 1/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tại phiên họp, nhiều đại biểu đã quan tâm cho ý kiến vào nội dung về chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2%.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên họp_Ảnh: Văn Điệp.

Góp phần tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực phát triển kinh tế 

Cần thiết tiếp tục có những giải pháp và chính sách để tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt với nhiều thách thức hiện nay, đại biểu Trần Chí Cường (Đà Nẵng) cho biết, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng được ban hành tại Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã được thực hiện trong năm 2022 và đã hết hiệu lực thi hành vào cuối năm 2022.

 Qua gần nửa năm 2023 không tiếp tục thực hiện, việc Chính phủ đề xuất cho tiếp tục áp dụng chính sách này là rất cần thiết, góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, kích cầu tiêu dùng trong nhân dân; làm gia tăng chi tiêu, tăng sức mua; giảm bớt áp lực về giá cả; thúc đẩy doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, gia tăng sản xuất và tạo thêm việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Chí Cường, với việc thực hiện chính sách không liên tục, đã bị ngắt quãng 6 tháng, nay đề xuất tiếp tục cho triển khai chỉ trong 6 tháng cuối năm (từ tháng 7/2023 đến hết tháng 12/2023) thì thời gian thực hiện như vậy quá ngắn.

"Việc tiếp tục áp dụng chính sách này chỉ trong thời gian ngắn sẽ khó đạt được hiệu quả như mong đợi. Mặc dù trong giai đoạn 6 tháng cuối năm sẽ có những thời điểm nếu giảm thuế giá trị gia tăng sẽ tạo thêm điều kiện để tăng chi tiêu, kích cầu tiêu dùng, tăng sức mua, ví dụ như thời điểm chuẩn bị vào năm học mới, dịp lễ, Tết... Tuy nhiên, cũng sẽ có một số yếu tố như việc tăng giá điện, tăng lương cơ sở có khả năng tác động làm tăng mặt bằng giá cả; như vậy cũng sẽ có tác động đến việc thúc đẩy mục tiêu tiêu dùng và hiệu quả mong đợi từ chính sách này", đại biểu phân tích. Do vậy, đại biểu Trần Chí Cường đề nghị cần đánh giá kỹ lại việc kéo dài thêm 6 tháng cuối năm liệu đã đủ thời gian để chính sách phát huy tác dụng và đạt được các mục tiêu đề ra hay chưa?

Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường phát biểu_ Ảnh: Văn Điệp.

Với việc thực hiện chính sách không liên tục, đối với những địa phương có ngành dịch vụ phát triển, nguồn thu ngân sách từ thu thuế giá trị gia tăng có tỷ trọng lớn sẽ bị tác động rất lớn khi thực hiện chính sách, dẫn đến ảnh hưởng không nhỏ đến cân đối ngân sách, phải điều chỉnh dự toán thu và nhiệm vụ chi. Nếu chỉ thực hiện trong sáu tháng cuối năm thì khó chủ động được cho việc điều chỉnh dự toán cân đối thu, chi ngân sách của những tháng cuối năm 2023, cũng như xây dựng dự toán thu - chi của cả năm 2024.

"Việc dự kiến thu ngân sách sẽ giảm khoảng 24 nghìn tỷ đồng khi thực hiện chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng đang được xác định trong điều kiện mức tiêu thụ bình thường. Tuy nhiên, trường hợp nếu chúng ta thực hiện chính sách giảm thuế đạt hiệu quả, vừa kích thích nhu cầu tiêu dùng tăng cao, thì mặc dù giảm 2% nguồn thu từ sắc thuế này, nhưng đối với mức thu thuế còn lại 8% cộng với phát sinh tăng thu từ các nguồn thuế khác khi chi tiêu của người dân, doanh nghiệp được kích thích đẩy mạnh, vẫn có thể giúp nguồn thu ngân sách tăng cao như kết quả đạt được khi thực hiện chính sách này trong năm 2022", đại biểu Cường phân tích. Từ những nguyên nhân trên, đại biểu Trần Chí Cường đề nghị cần kéo dài thêm thời gian thực hiện chính sách này cho đến hết năm 2024.

"Chính sách ban hành cũng cần có một khoảng thời gian đủ để đảm bảo có thể hấp thụ và đưa chính sách đi vào trong cuộc sống; để các địa phương có thể chủ động tính toán, cân đối việc giảm nguồn thu, giảm chi hoặc ngược lại; đảm bảo cho việc lập dự toán, cân đối thu chi của năm sau; bảo đảm sự ổn định, chủ động trong thực hiện và đủ thời gian để chính sách phát huy hiệu quả tốt nhất".

Đánh giá cao việc thực hiện các giải pháp về thuế trong thời gian qua, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho biết, việc linh hoạt thực hiện chính sách thuế đã góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, kích cầu tiêu dùng, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Đồng thời, đại biểu bày tỏ nhất trí với việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022. 

Tình trạng nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang gặp khó khăn trong tình hình nền kinh tế có nhiều thách thức, phải bán bớt tài sản, bên mua lại là người nước ngoài, đại biểu cho rằng vấn đề này rất đáng lo ngại. Do đó, đại biểu Hoa cho rằng, cần có chính sách nuôi dưỡng, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, nhất là trong giai đoạn khó khăn. Đại biểu Mai Thị Phương Hoa đánh giá, phương án của Chính phủ là kéo dài đến hết 31/12/2023 là quá ngắn, để sự hỗ trợ này có hiệu quả hơn, đủ thời gian để chính sách phát huy trong thực tế, cần kéo dài chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2025 hoặc ít nhất đến năm 2024.

Đồng thời, cần kịp thời hướng dẫn các hồ sơ xem xét xin hoàn thuế giá trị gia tăng một cách nhanh chóng, hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp; nghiên cứu các chính sách vượt tiền lệ như yêu cầu giảm lãi suất cho vay xuống dưới 9%, thay đổi các điều kiện cho vay thông thoáng, khả thi, hợp lý để hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp.

Mở rộng phạm vi đối tượng được giảm thuế giá trị gia tăng 

Thảo luận nội dung này, ý kiến của đại biểu Trần Thị Việt Nga (Hải Dương) đề nghị mở rộng phạm vi đối tượng được giảm thuế giá trị gia tăng, áp dụng mức thuế suất 8% đối với mặt hàng ô tô (bao gồm cả đối với các dòng xe ô tô dưới 24 chỗ) để kích cầu tiêu dùng, giúp doanh nghiệp ô tô tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần tạo đà tăng trưởng cho ngành công nghiệp ô tô, qua đó tiếp tục đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước cũng như phát triển nền kinh tế. Công nghiệp ô tô được đánh giá là một trong những ngành công nghiệp quan trọng, đi đầu, kéo theo sự phát triển của các ngành công nghiệp khác. Tại một số quốc gia, sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp ô tô đã có những tác động tích cực, đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung của đất nước.

"Vì vậy, việc xây dựng các biện pháp hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển cho ngành công nghiệp ô tô, từ đó thúc đẩy các ngành có liên quan phát triển, tạo động lực xây dựng nền công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là cần thiết. Một trong các công cụ hiệu quả được nhiều nước trên thế giới thực hiện đó là điều chỉnh các chính sách về thuế và phí để giúp các doanh nghiệp giảm chi phí, hạ giá thành xe", đại biểu dẫn chứng.

Hiện nay các doanh nghiệp trong lĩnh vực ô tô đang phải đối mặt với tình trạng tồn kho lớn, phát sinh nhiều chi phí bảo dưỡng sản phẩm, doanh thu sụt giảm, kéo theo đó là dòng tiền bị tê liệt dẫn tới mất cân đối thu - chi. Hoạt động kinh doanh không hiệu quả nên rất cần có chính sách mới được ban hành để hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ tình trạng này. Trong đó, có thể áp dụng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% đối với mặt hàng ô tô (bao gồm cả các dòng xe ô tô dưới 24 chỗ).

Hương Giang

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top