Để văn hoá dân tộc không bị mai một và lãng quên
22:48 12/07/2016
- Văn hóa xã hội
Trên khắp đất nước Việt Nam, mỗi dân tộc đều gắn liền
với một bản sắc văn hoá, và chính bản sắc văn hoá này đã
tạo nên một nét riêng biệt của mỗi vùng, miền. dễ dàng
nhận thấy rằng, xã hội ngày càng phát triển, đời sống ngày
càng được nâng cao thì đời sống tinh thần càng được
quan tâm, đón nhận.
Lễ hội đua voi tại huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk năm2015_Ảnh: Bảo Hòa
Làm thế nào để nền văn hoá dân tộc không bị mai một và lãng quên - đó chính là trăn trở và trách nhiệm của tất cả mọi người nói chung và những người làm công tác văn hoá - văn nghệ và báo chí cũng không nằm ngoài phạm vi đó.
Thực tế cho thấy, các giá trị văn hoá dân tộc trên khắp đất nước ta vẫn được lưu truyền trong quần chúng nhân dân, nhưng chủ yếu là một số ít nghệ nhân, những người đã suốt đời gìn giữ và bảo tồn những nét đẹp độc đáo ấy. Nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, những năm gần đây, các cơ quan văn hoá cũng như báo chí đã có những động thái tích cực và đã được công chúng hưởng ứng và đón nhận.
Bên cạnh đó, ngành du lịch Việt Nam nói chung và các tỉnh thành nói riêng đã nỗ lực đưa các hình thức biểu diễn nghệ thuật dân tộc vào nội dung chương trình tham quan cho du khách, góp phần tăng thêm hương vị đậm đà cho món ăn tinh thần về quê hương Việt Nam.
Đặc biệt, vào năm 2005, lần đầu tiên Đài THVN đã tổ chức Liên hoan Dân ca Việt Nam nhằm phát hiện những giọng hát hay dân ca, những làn điệu dân ca nguyên thể của cha ông từ ngày xưa để lại vẫn được lưu truyền trong nhân dân nhưng chưa được phổ biến rộng rãi. Có thể nói, đây là một việc làm thiết thực và kịp thời, một mặt phát hiện thêm sự phong phú của văn hoá dân tộc, mặt khác giới thiệu để công chúng biết thêm về cộng đồng các dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam.
Hai năm Liên hoan lại được tổ chức một lần, thế nhưng, Liên hoan nào cũng có những tiết mục mới và những làn điệu đặc sắc. Điều đó khẳng định rằng, văn hoá dân tộc vẫn còn tiềm ẩn trong đời sống nhân dân và cần phải khai thác để bảo tồn và phổ biến rộng rãi đến công chúng cả nước.
Trò chơi truyền thống của trẻ em đồng bào dân tộc Mông. Ảnh:Trương Hữu Hùng
Bên cạnh việc khai thác và định hướng cho sự phát triển của nền văn hóa dân tộc, báo chí còn có trách nhiệm giới thiệu và quảng bá bản sắc văn hóa Việt đến với công chúng trong nước nói riêng, và bạn bè trên toàn thế giới nói chung, để từ đó bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam được thế giới biết đến và công nhận. Chúng ta thật tự hào khi có Nhã nhạc cung đình Huế, Ca trù, Hát Xoan, Đờn ca tài tử Nam bộ, Dân ca Ví dặm Nghệ Tĩnh, Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên và sắp tới là Hát bài chòi Trung bộ được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong niềm tự hào đó, không thể không nói đến vai trò to lớn của báo chí.
Nếu nói cuộc sống là một vườn hoa muôn màu sắc thì văn hoá dân tộc là một bông hoa thơm và ngát hương trong vườn hoa ấy. Để bông hoa ấy mãi mãi khoe sắc và toả hương tô điểm thêm cho cuộc sống rất cần vai trò và trách nhiệm của mỗi chúng ta, những người làm báo đầy trách nhiệm và tâm huyết./.
Bích Huệ
Tạp chí Người Làm Báo số 387 - Tháng 5/2016
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Nam Trực: Tăng cường công tác đảm bảo an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 (12:04 26/12/2024)
- Cần hoàn thiện khung pháp lý về hoạt động quảng cáo (10:54 22/12/2024)
- Quy định về hoạt động quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam (10:16 20/12/2024)
- Sự cần thiết xây dựng, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo (12:44 18/12/2024)
- Bộ phim “Mật lệnh hoa sữa” khiến khán giả ngóng chờ từng tập (04:42 16/12/2024)