Để thu hút "người đọc không chủ động" cho báo chí trên điện thoại di động

22/04/2020, 23:29

Để thu hút "người đọc không chủ động" cho báo chí trên điện thoại di động - Trong bối cảnh truyền thông số hiện nay, báo chí di động đã trở thành xu thế tất yếu và thu hút một bộ phận công chúng không nhỏ. Thế nhưng, có một thực tế đáng quan tâm là, phần lớn những người đọc báo trên điện thoại di động thường tiếp nhận thông tin không chủ động. Cách họ tiếp xúc với sản phẩm báo chí là do bị dẫn dắt hoặc bị tác động bởi một yếu tố nào đó.

Ứng dụng đọc báo KOLA. Ảnh: TL

1. Theo nghiên cứu của ông Phạm Minh Tiến, CEO Công ty Phát triển ứng dụng đọc báo KOLA, trung bình mỗi ngày, người dùng smartphone bật, tắt màn hình không dưới 40 lần, đa phần là bật, tắt vô thức và chỉ để giải khuây, không thực hiện một công việc quan trọng nào. Và khi bật, tắt như vậy, họ được tiếp xúc với những nội dung không phải là thói quen hay nhu cầu.

Mỗi ngày người dùng có thể lướt qua đến khoảng 160 nội dung thông tin khác nhau nếu các ứng dụng có thể điều hướng và chỉ dẫn. Trong khi đó, kết quả khảo sát về phương thức tiếp nhận thông tin báo chí trên điện thoại di động cho thấy, 37.5% số người được hỏi cho rằng, họ tiếp nhận thông tin báo chí trên điện thoại di động là không chủ động mà do bị dẫn dắt, tác động bởi một yếu tố nào đó(1) .

Tỷ lệ các tình huống tiếp nhận thông tin không chủ động của độc giả báo chí trên điện thoại di động tại Việt Nam (2)

Trên thực tế, số người đọc tiếp xúc với các sản phẩm báo chí truyền thông trên điện thoại di động một cách không chủ động xuất phát từ nhiều tình huống khác nhau. Có thể là trong khi đang “lướt” một trang web nào đó họ bị ấn tượng bởi một nội dung hay một hình ảnh chèn ngang buộc họ kích vào; có thể đang theo dõi trên một trang mạng xã hội, họ được cộng đồng, bạn bè hoặc một fanpage của một tờ báo chia sẻ giới thiệu rất hấp dẫn nên họ truy xuất đến; có thể khi đang trong trạng thái “lướt” vô định trên tài nguyên Internet, họ tình cờ chạm, vuốt đến nội dung các trang báo; có thể do tiếp cận với các link cùng đề tài họ đang quan tâm; cũng có thể là do những ứng dụng tự động tổng hợp và cập nhật tin tức đưa đến cho họ,...

Dù là bằng cách tiếp nhận như thế nào, nhóm công chúng đọc báo không chủ động này cũng có những tính chất rất riêng: Thứ nhất, họ là những người dùng bất định, không thường xuyên; Thứ hai, nhóm công chúng vãng lai, không trung thành; Thứ ba, không có thời gian, không gian và nhu cầu cụ thể. Đây là một đặc tính rất khác biệt của công chúng báo chí trên điện thoại di động so với công chúng của các loại hình báo chí khác.

Trung bình mỗi ngày, người dùng smartphone bật, tắt màn hình không dưới 40 lần. Ảnh: TL

2. Để tiếp cận đối tượng người đọc báo chí không chủ động trên điện thoại di động, tất yếu phải có những chiến lược hợp lý. Thực tế trong những năm qua, các cơ quan báo chí truyền thông, các nhà sản xuất tin tức đã có những phương thức tiếp cận công chúng rất phổ biến.

Để có được thị phần công chúng tiềm năng này, báo chí trên điện thoại di động cần thiết phải làm mới các hình thức tiếp cận cũ, đồng thời xây dựng các hình thức tiếp cận mới phù hợp hơn đối với tính chất của công chúng hiện đại. Vừa xem công chúng như là một bộ phận cấu thành của quá trình sản xuất, vừa “nuôi dưỡng” và mở rộng bộ phận công chúng của riêng tờ báo, trang báo, biến họ trở thành những độc giả trung thành. Có thể khái quát như sau:

Một là, tiếp cận công chúng qua các ứng dụng đọc báo tích cực và chủ động. Hầu hết các tờ báo hiện nay đều có các ứng dụng đọc báo riêng, một số các trang thông tin tổng hợp đã chủ động chuyển thông tin đến công chúng theo một quy trình của họ. Phương thức này được gọi “programmatic journalism” (báo chí lập trình) có liên quan mật thiết đến sự phát triển của công nghệ mới.

Nói một cách đơn giản, đây là kiểu báo chí công nghệ sử dụng thuật toán. Các phần mềm tìm hiểu người dùng xem nội dung gì, nhấp chuột vào cái gì, chọn lĩnh vực nào từ nhiều mạng lưới khác nhau và tự động đưa lên. Phương thức phát hành sản phẩm này gần như không cần con người tham gia, chỉ cần có dữ liệu. Đây cũng là một hướng tiếp cận công chúng chủ động, tạo thói quen và nhu cầu cho công chúng.

Hiện ở Việt Nam, các ứng dụng chuyển tải thông tin đến người đọc thụ động trên smartphone diễn ra theo hai hình thức: 1. Tổng hợp tất cả các tin tức nóng có trên các báo để chuyển trực tiếp đến người đọc như một số trang tin: Baomoi, 24h, VNNews. 2. Tìm kiếm nội dung phù hợp với mối quan tâm và sở thích của người dùng như KOLA, FlipBoard. Tuy nhiên cách làm này thường diễn ra tự phát, có phần gượng ép và đôi khi dẫn đến hiệu quả ngược khi một bộ phận công chúng xem đây là hình thức “tấn công thông tin”(3) .

Trong môi trường truyền thông số, mỗi nhà báo là một “nhà kết nối”. Ảnh: TL

Để khắc phục hạn chế này, các tờ báo cần xây dựng một kế hoạch tiếp cận cụ thể qua từng giai đoạn. Giai đoạn thăm dò (đo được chỉ số lĩnh vực tiếp cận công chúng) tiếp đến là giai đoạn gợi ý (các ứng dụng chuyển đến người đọc những gợi ý thông tin nên đọc, có ích) và giai đoạn phát tin trực tiếp (cung cấp thông tin thường xuyên của báo đến công chúng). Cách làm này có ưu điểm là công chúng không bị bất ngờ trước các thông tin áp đặt, công chúng dần được dẫn dắt và tạo được tính chủ động, tự quyết nội dung cập nhật.

Hai là, xây dựng các nền tảng hỗ trợ từ các phương tiện truyền thông xã hội. Đây là cách làm không mới, vì vào những năm đầu của thập niên thứ 2, trong thế kỷ này, các tờ báo lớn trên thế giới đã biết tạo ra các fanpage, tích hợp ứng dụng “social reader” của Facebook vào website của họ, hoặc đưa nội dung web của họ lên các mạng xã hội như Facebook, Twitter.

Khi có tin nóng, hàng triệu người dùng mạng xã hội sẽ được cập nhật (4) . Ngoài ra, một số tờ báo khác còn đưa các tin nóng lên mạng xã hội (qua mục tin nóng hoặc phát tán của cá nhân các nhà báo) để người đọc tiếp cận. Công chúng muốn có nội dung kỹ hơn, theo đường dẫn để vào đọc ở website chính của tờ báo.

Trước đây, số lượt xem (pageview) của mỗi tin bài từng được coi là thước đo hiệu quả tin tức, nhưng hiện nay chỉ số tương tác qua mạng xã hội như số lần “like,” số bình luận (comment) hay số lần được chia sẻ (share) mới thực sự được quan tâm. Sự tương tác của người xem (engagement) đang trở thành tiêu chí đánh giá chất lượng của bài viết bên cạnh lượng truy cập trực tiếp và truy cập từ các trang khác. Một bài viết trên báo giờ đây không chỉ nhằm đến độc giả mà còn phải nhằm đến bạn bè của độc giả vì có như vậy thì bài viết mới dễ được chia sẻ và tiếp tục được lan truyền”(5) .

Trong bối cảnh truyền thông số hiện nay, báo chí di động đã trở thành xu thế tất yếu
và thu hút một bộ phận công chúng không nhỏ. Ảnh: TL

Ba là, kết nối nhiều phía để xây dựng tác phẩm. Trong môi trường truyền thông số, mỗi nhà báo là một “nhà kết nối”, mỗi cơ quan báo chí phải là một trung tâm kết nối. Tòa soạn báo, nhà báo là chủ thể hướng dẫn sử dụng công nghệ, cung cấp sản phẩm ban đầu, kết nối với bạn đọc, xem người đọc là một thành viên trong quá trình sản xuất và xuất bản sản phẩm, biến họ trở thành thành viên thường xuyên và trung thành với tòa soạn. Tòa soạn báo, nhà báo tổ chức cho nhiều người làm báo cùng với mình trong một không gian và thời gian không giới hạn.

Nói tóm lại, để kết nối nhiều phía, xây dựng nên tác phẩm phải thay đổi phương thức sản xuất nội dung như: Phóng viên là người cung cấp, chia sẻ; Biên tập viên là người nhận tin, người sử dụng tin tức. Nhà báo vừa săn tin, vừa viết bài vừa là nhà sản xuất.

Bốn là, xây dựng hình thức bắt mắt, các chỉ dẫn hiệu quả. Một trong những lý do người đọc báo vãng lai tiếp cận đến nội dung trên các tờ báo là họ thường bị ấn tượng bởi một đoạn clip quảng cáo, một slogan hấp dẫn, một lời giới thiệu gây tò mò hay một hình ảnh bắt mắt. Điều này là cơ hội để các nhà sản xuất tin tức thiết lập các chỉ dẫn điều hướng người dùng đến các trang tin của mình.

Trong các sản phẩm đăng phát trên Internet, điều quan trọng nhất muốn người dùng chú ý là hình thức sản phẩm phải tác động và nội dung phải vừa độc, vừa lạ. Cấp độ đọc đầu tiên của người dùng trên điện thoại di động thường bắt đầu từ hình ảnh, tiếp đến là tít bài rồi đến lời dẫn và cuối cùng là toàn văn bài viết. Tất nhiên, không thể trông chờ trình tự này đối với người đọc không chủ động. Điều quan trọng là phải “tóm” ngay người đọc không chủ động khi họ có ý định điều hướng hoặc buộc họ điều hướng theo ý của nhà sản xuất.

Để làm điều này, các nhà sản xuất tin tức phải dựa vào phương thức xây dựng bài SEO và quảng cáo dạng Popup. Nghĩa là, muốn gây tò mò cho người đọc, trước hết nội dung đưa đến phải được chuyển hóa dưới dạng bài SEO và xuất hiện như hình thức quảng cáo popup. Đây là cách tiếp cận hiệu quả nhất và có nhiều khả năng người đọc vãng lai sẽ click chuột.

Chúng ta đang sống ở trong thế giới “mobile only”. Ảnh: TL

***

“Chúng ta không còn sống trong một thế giới “mobile-first”- ưu tiên điện thoại di động- mà chúng ta đang sống ở trong thế giới “mobile only” - chỉ dành cho thiết bị di động”(6 ). Và thực tế cho thấy, trong đời sống hiện nay, báo chí trên điện thoại di động đã trở thành “nhu yếu phẩm” của con người.

Sự ra đời của báo chí trên điện thoại di động đã “xô ngã mọi quân cờ trên bàn cờ truyền thông và báo chí”(7), khiến hoạt động báo chí, cả việc sản xuất, phát hành và tiếp nhận phải được làm lại hoàn toàn. Trong bối cảnh đó, điều quan trọng hơn hết là phải biết tranh thủ được người dùng, nhất là người dùng không chủ động vốn chiếm một lượng lớn công chúng. Biến họ trở thành “người nhà” của mình chắc hẳn sẽ là một thành công lớn của báo chí trên điện thoại di động.

NCS Phan Quốc Hải

(1) Khảo sát trên 1191 người tại 4 khu vực: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Huế vào tháng 7/2016;
(2) Khảo sát trên 1191 người tại 4 khu vực: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Huế vào tháng 7/2016;
(3) Chữ dùng của L.Kent, Media New, Theverge.com
(4) Lê Quốc Minh, “Hướng đến báo chí “di động” Tuổi Trẻ - 19/06/2012, tr5.
(5) Bảo Quyên (2015) “Các xu thế phát triển của báo chí hiện đại trong kỷ nguyên mới”, báo Vietnamplus, http://www.vietnamplus.vn/cac-xu-thephat-trien-cua-bao-chi-hien-daitrong-ky-nguyen-moi/328795.vnp
(6) Tuyên bố của của CEO Google Larry Page tại Đại hội Báo chí thế giới lần thứ 67 diễn ra vào tháng 6/2015 tại Mỹ.
(7) Les médias - Francis Balle, theo: Đỗ Đình Tấn (2016), Báo chí lương tâm, Nhà xuất bản Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, trang bìa