Đề tài về phụ nữ trên báo chí Việt Nam hiện nay
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Đề cao vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
Khi bàn về đề tài phụ nữ trên báo chí hiện nay, có lẽ nhiều người đều cho rằng, báo chí đã và đang góp phần khẳng định, nâng cao vai trò, vị trí của phụ nữ trong đời sống xã hội hiện đại. Nhờ sự tác động của báo chí hiện nay mà hình ảnh phụ nữ có những thay đổi tích cực và cũng chính những đề tài phụ nữ lại là chất liệu tạo ra những sản phẩm báo chí sinh động và hấp dẫn.
Hiện nay, các sản phẩm báo chí truyền thông ngày càng chú trọng lồng ghép vấn đề về bình đẳng giới, qua đó góp phần định hướng và xóa bỏ những định kiến về giới. Trong xã hội hiện đại, báo chí viết về phụ nữ đã dần thoát khỏi khuôn mẫu “đóng đinh” của ngày xưa với hình ảnh: phụ nữ yếu mềm, phụ nữ gắn với các công việc nhẹ nhàng, nội trợ, phụ nữ là chăm sóc gia đình, lo toan cho chồng con... Thay vào đó là hình ảnh phụ nữ hiện đại, năng động, sáng tạo nhưng cũng không kém phần quyết đoán, trở thành đề tài được báo chí cập nhật, khai thác trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Báo chí cũng xuất hiện ngày càng nhiều hình ảnh những nữ chính trị gia, nữ doanh nhân, nữ nghệ sĩ, hay những phụ nữ thành đạt và quyền lực. Họ được báo chí tiếp cận khai thác thông tin với vai trò là chủ thể, là những người có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của xã hội.
Chiến lược về bình đẳng giới của nước ta giai đoạn 2011 - 2020 đã đề ra các mục tiêu cần đạt được vào năm 2020, trong đó nhấn mạnh đến việc bảo đảm tạo cơ hội bình đẳng giữa nam giới và nữ giới, sự tham gia và lợi ích trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế và xã hội. Tăng cường sự hiện diện của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý, nhằm giảm dần khoảng cách về giới trong hệ thống chính trị. Minh chứng cho quá trình thực hiện mục tiêu trên là tỷ lệ nữ Đại biểu Quốc hội hiện nay của nước ta chiếm trên 24% và tỷ lệ này cũng tương đương đối với cấp tỉnh, huyện, xã. Trong khi tỷ lệ nữ tham gia vị trí lãnh đạo và quản lý trung bình trên thế giới chiếm khoảng 22%. Con số này đưa Việt Nam trở thành nước có tỷ lệ nữ giới trong Quốc hội cao nhất Đông Nam Á.
Điều đó cho thấy, báo chí có thể tác động tích cực đến dư luận, chính sách, quan điểm xã hội về nữ giới, thúc đẩy bình đẳng giới và bảo đảm quyền của phụ nữ. Báo chí hiện nay đã và đang góp phần khẳng định, tôn vinh vai trò, vị trí của phụ nữ trong xã hội hiện đại.
Một số lưu ý khi viết về phụ nữ
Khai thác đề tài về phụ nữ trên báo chí điều khó khăn nhất là làm sao thay đổi định kiến về giới một cách sâu sắc. Các sản phẩm của báo chí hiện nay đều có sự lồng ghép vấn đề về bình đẳng giới, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến nữ giới nhằm định hướng, thay đổi hành vi, thái độ của cả nam giới và nữ giới, dần xóa bỏ khoảng cách giới. Tuy nhiên, báo chí hiện nay khai thác, viết về đề tài phụ nữ vẫn còn một số vấn đề cần phải bàn.
Vẫn còn không ít sản phẩm báo chí truyền thông vô hình trung đang góp phần củng cố các giá trị truyền thống, cản trở tiến bộ của phụ nữ. Nhiều bài viết, câu chuyện vướng vào “lối mòn” trong khắc họa hình ảnh người phụ nữ. Ví dụ: Phụ nữ ở vị trí lãnh đạo vẫn phải chu toàn việc nhà; Phụ nữ bị bạo hành là do không làm trọn vai trò làm vợ, làm mẹ; Phụ nữ bị quấy rối tình dục, hiếp dâm là vì ăn mặc gợi cảm, dễ dãi, thiếu hiểu biết... Nhiều nhà báo vô tình thể hiện những định kiến về giới ngay trong quá trình tiếp cận, khai thác thông tin. Có nhà báo đặt câu hỏi dẫn dắt cho cuộc phỏng vấn thường nêu thông tin mang hàm ý định kiến giới như: Bận rộn như vậy thì thời gian nào chị dành cho gia đình? Chị làm thế nào để vừa làm tốt vai trò người mẹ, người vợ...
Trong những trường hợp tích cực, hình ảnh người phụ nữ trên báo chí ít khi được chạy tít nổi bật hay lên trang nhất. Ngược lại, trong những trường hợp tiêu cực lại dễ bị giật tít, câu view bằng những từ ngữ gây sốc: hotgirl, kiều nữ, chân dài...
Một số các sản phẩm báo chí đôi khi vô tình đưa thông tin, hình ảnh thiên lệch về giới hay củng cố các quan niệm sai lầm về định kiến giới. Có những thông tin trên báo biện minh, cổ súy cho bạo lực.
Một số tác phẩm báo chí viết về hình ảnh phụ nữ một cách hời hợt, theo kiểu một chiều và thiếu tính khách quan. Các sản phẩm báo chí này chủ yếu tập trung vào khắc họa, nhấn mạnh các yếu tố chủ quan, coi đó là nguyên nhân hoặc động cơ xấu mà không phân tích các nguyên nhân sâu xa khác là kinh tế, văn hoá, xã hội, nghèo đói và bất bình đẳng, thậm chí thiếu kỹ năng sống, thay đổi các quan niệm giá trị trong xã hội hiện đại.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những bất cập, hạn chế trong quá trình báo chí khai thác, viết về đề tài phụ nữ. Vai trò, trách nhiệm của báo chí đối với việc tăng cường nhận thức của công chúng về bình đẳng giới đặc biệt là nữ giới chưa được quy định rõ ràng trong các văn bản pháp luật của Nhà nước về chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của báo chí.
Cùng với đó là sự thiếu định hướng trong trong quá trình tác nghiệp của nhà báo. Một số phóng viên, nhà báo còn yếu trong tiếp cận cũng như cập nhật kiến thức và kỹ năng truyền thông về nữ giới (thường chỉ các phóng viên chuyên trách mới được tập huấn, bồi dưỡng sâu về nội dung này) trong khi đó những vấn đề liên quan đến phụ nữ cũng như sự hiện diện của phụ nữ được thể hiện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội hằng ngày. Vì vậy, những thông tin hay sản phẩm báo chí vô tình hàm chứa sự thiên lệch về giới trong các sản phẩm báo chí là điều dễ xảy ra.
Đi tìm giải pháp
Các cơ quan báo chí cần nhìn nhận, có những định hướng thông tin đúng đắn về đề tài phụ nữ trên báo chí hiện nay; cần xây dựng chiến lược truyền thông về giới đặc biệt là chân dung về nữ giới hiện nay trên báo chí.
Phóng viên, biên tập viên cần trau dồi, tích lũy, bổ sung kiến thức cũng như kỹ năng truyền thông liên quan đến vấn đề bình đẳng giới, về nữ giới. Nội dung, thông điệp đã được xác định thì cần phải xác định hình thức chuyển tải thông tin phù hợp. Do đó, các các cơ quan báo chí cần phải xây dựng những chuyên đề, chuyên trang, chuyên mục dành cho các vấn đề, đề tài về phụ nữ. Cân nhắc, bố trí hợp lý diện tích, dung lượng, thời lượng, thể loại truyền tải thông điệp phù hợp và có định hướng đúng đắn.
Phóng viên khi đưa tin về hình ảnh nữ giới cần đặt nguyên tắc và đạo đức nghề nghiệp là ưu tiên số 1. Tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, đặc biệt đối với trẻ em và nhóm phụ nữ dễ bị tổn thương; không giật gân, câu view với bất cứ mục đích gì.
Cần có sự phối hợp giữa các Bộ, ban, ngành liên quan, các cơ quan chức năng với cơ quan báo chí để xây dựng kế hoạch truyền thông về nữ giới nhằm thu hút sự quan tâm của xã hội, góp phần thay đổi, xóa bỏ những định kiến về giới
ThS. Nguyễn Thị Hằng
-----
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. CSAGA, Oxfam (tháng 6/2011), Cẩm nang “Truyền thông có nhạy cảm giới - Một số gợi ý dành cho phóng viên và người làm báo, Hà Nội.
2. Bộ Thông tin và Truyền thông (2014), Bộ chỉ số giới trong truyền thông, Hà Nội.
3. Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội (2015), Các yếu tố xã hội quyết định bất bình đẳng giới ở Việt Nam - kết quả của nghiên cứu từ 2010 đến 2015, NXB Hồng Đức
4. Trần Thị Yến Minh, Định kiến giới trên báo in (Khảo sát một số tờ báo in quý 1 năm 2014), Tạp chí Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng, trang 47 - 53.
5.Tổ chức lao động quốc tế, Bộ Lao động Thương binh xã hội trong khuôn khổ chương trình chung về bình đẳng giới giữa chính phủ Việt Nam và Liên hợp quốc, Bộ tài liệu lồng ghép giới (tháng 5/2011), Hà Nội.
Tin tức liên quan
- Chuyển đổi số báo chí và đào tạo báo chí (01:28 28/10/2024)
- Một số yêu cầu về phòng ngừa, ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, trọng tâm là an ninh mạng trong nền an ninh quốc gia trong thời gian tới (03:14 27/09/2024)
- Vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí ở nước ta hiện nay (03:08 16/08/2024)
- Xuất bản điện tử và đào tạo nhân lực xuất bản điện tử trong giai đoạn hiện nay (09:38 08/07/2024)
- Phát thanh chuyên biệt về sức khỏe qua góc nhìn lý thuyết truyền thông phát triển (05:08 26/06/2024)