Để nâng cao chất lượng ảnh báo chí
21:33 24/03/2017
- Lý luận thực tiễn

Bức ảnh chụp lại khoảnh khắc đối đầu giữa nhà hoạt động da màu Ieshia Evans và cảnh sát chống bạo động trong một cuộc biểu tình bên ngoài Sở Cảnh sát Baton Rouge, bang Louisiana, Mỹ ngày 9/7/2016 đạt giải nhất ảnh đơn hạng mục ảnh Các vấn đề đương đại, thuộc về bức ảnh của nhiếp ảnh gia Jonathan Bachman, Nữ y tá Evans, 28 tuổi, biểu tình phản đối vụ 2 cảnh sát da trắng bắn chết một thanh niên da màu có tên Alton Sterling nhằm chống lại nạn phân biệt chủng tộc cố hữu tại Mỹ.
Ảnh báo chí chưa đáp ứng được nhu cầu của công chúng PV: Ông có thể nói rõ hơn thực trạng ảnh báo chí Việt Nam hiện tại, nếu còn hạn chế thì nút nào để tháo gỡ, và làm thế nào tốt hơn? Ông Vũ Khánh: Còn rất nhiều vấn đề. Nhiều người chắc đồng ý với tôi là ảnh báo chí Việt Nam đến nay còn yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của công chúng, của bạn đọc. Cụ thể, ảnh báo chí của Việt Nam hơi hiền, chưa sắc sảo trong cách thể hiện, dù nội dung, đề tài tốt. Ảnh “hiền” vì sao, theo tôi có 2 cái cần đối với người chụp ảnh báo chí, đó là tính báo chí và nghiệp vụ nhiếp ảnh. Phóng viên, nhà báo thường không có được cả 2 cái này cùng lúc thành ra trong từng bức ảnh thì tính báo chí, đề tài có thể hay, tốt, nhưng nghiệp vụ nhiếp ảnh chưa đạt yêu cầu, hoặc ngược lại. Cái nữa liên quan đến tòa soạn, nói chung các tòa soạn chưa quan tâm đến ảnh báo chí, chỉ coi ảnh báo chí là thứ yếu. Cách nhìn, cách sử dụng ảnh báo chí cũng theo khuôn mẫu. Vì thế anh em chụp ảnh cũng lười, kém sáng tạo, họ có thể chụp nhiều, nhưng không được sử dụng những ảnh mới, lạ về cách thể hiện. Có lãnh đạo tờ báo thì chỉ cho ảnh là để minh họa mà không phải là một tác phẩm báo chí. Về cơ cấu, tôi thấy hầu như các báo của chúng ta chưa biên chế biên tập viên ảnh mà để thư ký tòa soạn làm luôn, nếu có thì cũng sử dụng không hết công suất và quy trình, làm cho tờ báo không được lợi nhất về hình ảnh. PV: Theo ông, công tác đào tạo nhân lực cho ảnh báo chí ra sao? Ông Vũ Khánh: Đào tạo cũng có lỗ hổng. Như tôi nói, chúng ta phải đào tạo cả nghiệp vụ báo chí lẫn nghiệp vụ nhiếp ảnh. Ảnh cũng như bài viết, cũng một vấn đề, nhưng phóng viên có thể viết hay, có thể viết dở. Như tôi nói ở trên, các nhà trường đào tạo phải làm sao cho sinh viên trở thành một nhà báo chụp ảnh chứ không chỉ là một thợ ảnh chụp ảnh báo chí. PV: Ông có lời khuyên nào cho các tờ báo? Ông Vũ Khánh: Các tờ báo cần quan tâm hơn đến ảnh báo chí. Đó là thể loại tác phẩm báo chí có sức mạnh. Thường người ta xem xong mới đọc, chứ không phải là ngược lại. Các tòa soạn cũng phải đào tạo lại cho anh em làm ảnh báo chí. Tôi nghĩ là mỗi tờ báo đều phải có một người giỏi về ảnh để làm biên tập viên ảnh. Tôi đã đến nhiều tờ báo trong và ngoài nước và thấy biên tập viên ảnh là rất cần. Đó là một người chụp ảnh tốt, nghiệp vụ báo chí tốt, chứ mới ra trường là không được rồi. Họ sẽ là người định hướng cho người đi chụp, và chọn ảnh sau khi chụp, là người quyết định đăng ảnh này hay không đăng ảnh nào. Khi đó các ban thư ký, ban biên tập sẽ rất nhàn. |
Có biên tập viên chuyên nghiệp, chất lượng ảnh sẽ nâng cao PV: Là một trong số ít có biên chế chức danh biên tập viên ảnh, ông có thể nói phòng ảnh Báo Tuổi Trẻ ra đời khi nào, kết quả hoạt động ra sao? Nhà báo Hoài Linh: Cách đây khoảng chục năm, Ban Biên tập Tuổi Trẻ đã thành lập phòng ảnh. Đây có thể nói là việc làm đột phá để nâng cao chất lượng ảnh trên các ấn phẩm của Tuổi Trẻ. Nhờ có phòng ảnh, cũng như tạo ra được một cơ chế hoạt động cho phòng ảnh mà chất lượng ảnh của Tuổi Trẻ dần dần được nâng lên. PV: Mô hình vận hành về ảnh của Tuổi Trẻ là như thế nào, ông có thể chia sẻ với các báo khác? Nhà báo Hoài Linh: Việc quan trọng nhất của chúng tôi là chụp ảnh và chọn ảnh đăng báo hàng ngày. Theo đó, mỗi ngày chúng tôi tham gia giao ban, chia sẻ đề tài cùng các ban chuyên môn, sau đó phòng ảnh sẽ phân công phóng viên ảnh đi chụp ảnh cho các bài cần có ảnh. Khi có ảnh về, biên tập viên sẽ là người chọn, biên tập và chuyển cho ban thư ký, biên tập viên ảnh cũng “đi theo” bức ảnh đến khâu cuối cùng. Ảnh của phóng viên viết cũng được xử lý như vậy. |
Người chụp ảnh báo chí phải có đam mê PV: Từng có thời gian học ảnh ở Mỹ, ông đánh giá thế nào về ảnh báo chí ở Việt Nam? ThS. Dương Quốc Bình: Tôi thấy những năm qua ảnh báo chí Việt Nam có sự phát triển, với nhiều tay máy trẻ, được tiếp cận với công nghệ mới. Các trang báo cũng thấy xuất hiện nhiều hơn các câu chuyện bằng ảnh, các phóng sự ảnh. Đó là điều rất dễ thấy nếu so với 5-10 năm trước. Nhưng về kinh tế, thì tôi thấy nói chung chưa xứng đáng với lao động của người làm ảnh báo chí. Phóng viên ảnh rất tốn công sức, thời gian, phải lăn lộn ở hiện trường chứ không thể email, gọi điện để có thông tin như người làm báo viết. Thế nhưng theo tôi, nhuận bút ảnh rất thấp và chưa tạo ra một môi trường báo chí thân thiện, giúp người chụp ảnh báo chí có thêm tình yêu nghề nghiệp, và sống được bằng nghề của mình. PV: Ông có thể nói về công tác đào tạo? ThS. Dương Quốc Bình: Những hạn chế tôi nói ở trên khiến chúng ta không có các tay máy xuất sắc, dẫn đến không có các giảng viên ảnh báo chí xuất sắc. Giảng viên chúng tôi nếu không có thực tế, không thể có bài giảng hay vì nghề ảnh báo chí không phải là lý luận, mà là thực tiễn. Ngược lại, vấn đề cũng ở phía người học. Người làm ảnh báo chí cần 3 yếu tố là sức khỏe, bản lĩnh và niềm đam mê. Nhưng trong một lớp đào tạo ảnh báo chí thường có 40 - 50 sinh viên nhưng chỉ có một vài em có niềm đam mê. Nhiều em nói là có niềm đam mê, nhưng không biết đó là sự say mê và đánh đổi cộng lại, nếu không có điều này thì khó mà trở thành người chụp ảnh báo chí giỏi được. Từ góc độ nhà trường, tôi thấy tuyển sinh viên báo chí, trong đó có sinh viên ảnh báo chí mà thi các khối C khối D là không hợp lý. Báo chí không phải là sáng tác, mà phải là tư duy logic, nên thi khối A. Cái nữa là thiết bị, nhiều em đi học ảnh báo chí nhưng chỉ mua được cái máy ảnh bình thường, dùng cũng được nhưng khó có thể tiện cho tác nghiệp bằng các máy ảnh tốt, có thể chụp trong ánh sáng yếu, hoặc dùng độ mở lớn để làm nổi bật nhân vật chẳng hạn... PV: Ông có thể chia sẻ điều gì với các bạn trẻ muốn theo nghề ảnh báo chí? ThS. Dương Quốc Bình: Dưới góc độ một giảng viên, tôi muốn các em phải có niềm đam mê theo cách tôi nói trên, các em cũng đừng nghèo quá, mỗi lớp cũng không nên đông quá, tầm khoảng 10 người thì dạy và học mới chất lượng. Từ góc độ sinh viên, tôi thấy nhiếp ảnh như một cô gái, nếu ta yêu thì đừng đòi hỏi gì cả. Cái được của nghề, hãy coi như là phần thưởng. Báo chí đang khó khăn, nhưng nếu đã yêu nghề thì vẫn có thể sống được. PV: Ông có thể kể vài thông tin về nghề ảnh báo chí ở Mỹ và rút ra điều gì đó cho ảnh báo chí Việt Nam? ThS. Dương Quốc Bình: Ở Mỹ, chất liệu cho nghề ảnh báo chí không phong phú như ở ta, ra đường là thấy chuyện có thể chụp được ảnh báo chí. Vậy nên họ phải đến các vùng đất khác là những nơi có vấn đề xã hội, nhân đạo, hoặc chiến tranh để tác nghiệp. Về cách sử dụng ảnh thì họ khác mình rất nhiều. Ví dụ, với báo Mỹ thì một ảnh minh họa cũng là tin tức, là một phần của bài báo, chứ không để cho vui, cho có. Năm 2011 - 2013, báo chí Mỹ sa thải rất nhiều phóng viên ảnh, nhưng nhiều báo lại tuyển những người biết cả viết lách, quay phim. Bên mình cũng có xu hướng multimedia phóng viên báo chí như vậy, dẫn đến việc phóng viên viết cũng phải biết chụp ảnh. Mặt tiêu cực của việc này là sẽ xuất hiện nhiều bức ảnh kém chất lượng, nhưng về dài lâu thì sẽ tốt hơn. |
Nhuận bút cao cũng là một động lực PV: Ông có thể chia sẻ về quan niệm của lãnh đạo Zing.vn về ảnh báo chí? Nhà báo Hoàng Hà: Lãnh đạo của chúng tôi luôn đề cao chất lượng ảnh, việc có cả một ban về ảnh, video mà tôi là trưởng ban, cũng như số lượng 5 phóng viên ảnh chuyên trách có thể là chứng minh. Chúng tôi luôn cố gắng kiểm soát đến mức cao nhất chất lượng ảnh báo chí mà mình đăng tải, trừ một số trường hợp bất khả kháng. Chúng tôi cũng cố gắng cao nhất để có chế độ nhuận bút cao hơn một số báo khác. Chẳng hạn một bài - ảnh thì nhuận bút tối thiểu cũng là 300.000 đồng, tối đa thì lên đến 3 triệu đồng. Chúng tôi nghĩ rằng, nhuận bút cao cũng là một động lực. PV: Ông có thể nói gì về ảnh báo chí của một số báo mạng Việt Nam? Nhà báo Hoàng Hà: Có một tình trạng chung là phóng viên ảnh thì thường yếu mảng viết bài, ngược lại ở nhiều báo mạng khác thì phóng viên viết thường chụp cả ảnh và đó thường là những bức ảnh chưa tốt. Tôi nghĩ cái này liên quan đến đào tạo, nhưng thực sự thì công tác đào tạo ảnh báo chí của mình chưa tốt. Nhiều em sinh viên ra trường, tay nghề chưa cao, nhưng cũng xác nhận rằng chính các thầy của mình cũng chưa giỏi./. |
Lưu Quang Phổ (thực hiện)
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Phát huy vai trò Cựu chiến binh tham gia xây dựng chỉnh đốn Đảng trong hoạt động báo chí (07:22 30/12/2022)
- Xuất bản sách dịch góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trước tình hình mới (09:46 01/11/2022)
- Giải pháp truyền thông nâng cao nhận thức về bảo hiểm nông nghiệp cho nông dân Việt Nam (09:31 28/07/2022)
- Quản trị toà soạn báo mạng điện tử trong bối cảnh đại dịch Covid-19 (03:05 08/07/2022)
- Quản lý quy trình tổ chức sản xuất các tuyến bài điều tra trên Báo Đại Đoàn Kết (05:07 07/07/2022)