Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên truyền thông đại chúng

17:29 07/12/2016 - Văn hóa xã hội
Giữ gìn sự trong sáng đi đôi với phát triển, làm mới tiếng Việt, đó là nhấn mạnh của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội thảo “Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng”

Hội thảo “Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng” do Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức ngày 5/11 tại Hà Nội. Ảnh: Sơn Hải

Hoàn thiện pháp luật, chính sách về ngôn ngữ

Từ sau khi giải phóng, thống nhất đất nước đến nay, tiếng Việt đã phát triển mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực: Giao tiếp, báo chí, khoa học, kinh tế... Trong đó có đóng góp không nhỏ của giới báo chí - truyền thông, góp phần làm cho diện mạo tiếng Việt thêm phong phú, đa dạng và từng bước đi tới sự chuẩn hóa, ổn định.Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số bất cập, gây nhiều bức xúc và tranh luận trong dư luận. Không ít người nói và viết tiếng Việt một cách tùy tiện, bừa bãi trong đời sống hàng ngày và trên cả các phương tiện thông tin đại chúng.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS,TS Nguyễn Thế Kỷ, ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam khẳng định, Hội thảo khoa học quốc gia “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng” có thể coi là hội nghị toàn quốc lần thứ 3, sau hai hội nghị về “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” tổ chức năm 1966 và 1979, tập trung nhiều hơn cho việc sử dụng tiếng Việt ở lĩnh vực thông tin đại chúng.

Những năm gần đây, có khá nhiều vấn đề nổi cộm liên quan đến ngôn ngữ báo chí truyền thông, được dư luận quan tâm và lo lắng. Đó là việc dùng từ ngữ, câu văn tùy tiện, cẩu thả, rút tít thiếu cân nhắc, sai thực tế, sử dụng tiếng nước ngoài khá tùy tiện... tác động tiêu cực, nhanh chóng đến đông đảo công chúng, nhất là giới trẻ.

Thông qua hội thảo lần này, Ban Chỉ đạo và Ban tổ chức hội thảo kính đề nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam và các cơ quan liên quan cần chăm lo công tác chỉ đạo, quản lý, tư vấn việc sử dụng tiếng Việt, việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng, hoàn thiện pháp luật, chính sách về ngôn ngữ, về tiếng Việt hướng tới xây dựng Bộ Luật Tiếng Việt, khen thưởng những tập thể, cá nhân có nỗ lực và thành tích trong công tác này; chấn chỉnh, xử phạt nghiêm minh những hành vi sai trái, lệch lạc.

Một số vấn đề đặt ra

Nhiều đại biểu tham dự hội thảo cho rằng, hiện nay không chỉ trên mạng xã hội, trong giao tiếp của giới trẻ, trong sinh hoạt của một bộ phận xã hội, mà trên cả một số tờ báo nhất là báo điện tử, hiện tượng “tiếng ta đá tiếng tây” đang trở nên phổ biến. Hiện tượng này ảnh hưởng không nhỏ tới sự trong sáng của tiếng Việt - một trong các yếu tố cơ bản làm nên bản sắc văn hóa dân tộc...

GS,TS Nguyễn Văn Khang - Viện Ngôn ngữ học Việt Nam dẫn chứng sự hào phóng trong sử dụng ngôn ngữ dẫn đến làm sai lệch thông tin trên nhiều tờ báo, nhất là báo điện tử: “Chưa bao giờ từ tuyệt vời được sử dụng với tần số cao như hiện nay.

Thảo luận tại các tiểu ban, một số đại biểu cho rằng, trên một vài tờ báo điện tử hiện nay việc sử dụng tiếng nước ngoài thiếu chọn lọc, thiếu nhất quán (khi nào thì dịch nghĩa, phiên âm chuyển tự hay để nguyên dạng), tâm lý chuộng ngoại, sính chữ còn khá phổ biến; ngôn ngữ và cách trình bày của phát thanh viên (truyền hình, phát thanh...) chưa có sự trau dồi, tiếp thu phê bình.

Ngoài ra, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và mạng Internet đã xuất hiện một số từ mới trong tiếng Việt mà không ít từ được giới truyền thông gọi là “ngôn ngữ thời @” hay “ngôn ngữ thời công nghệ số”. Những sai sót, lệch chuẩn về ngôn ngữ, sử dụng tiếng Việt trên mạng được một số tờ báo điện tử và trang tin điện tử “chính thống hóa” trên báo chí đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, tác động tiêu cực tới giới trẻ.

Đi tìm giải pháp

Nhiều đại biểu mong muốn rằng, thông qua Hội thảo này, các cơ quan thông tin đại chúng, đặc biệt là các đài phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử cần gương mẫu trong việc sử dụng tiếng Việt, cần hướng dẫn để mọi người biết giữ gìn sự trong sáng tiếng mẹ đẻ của mình. Có thể rút ra một số vấn đề sau:

Tiếp thu có chọn lọc, không đánh mất bản sắc

Trong quá trình hội nhập phát triển nói chung, làm giàu tiếng Việt nói riêng, việc tiếp thu những thành tựu của văn minh nhân loại hay mượn tiếng nước ngoài để làm giàu thêm tiếng Việt là một yếu tố khách quan. Tuy nhiên, sự tiếp thu phải có chọn lọc và không đánh mất bản sắc.

Đề cao vai trò phối hợp

Trong thời gian tới, mỗi cơ quan báo chí nên có một bộ phận thường xuyên chăm lo trau dồi ngôn ngữ, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các ấn phẩm, chương trình, kênh sóng.

Đề cao vai trò của các cấp Hội Nhà báo Việt Nam trong việc góp phần giữ gìn sự trong sáng và bản sắc tiếng Việt trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Sớm thông qua Luật Ngôn ngữ

Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong bài phát biểu về “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” tháng 2/1966 cũng đã từng nhấn mạnh: “Hiện tượng ngôn ngữ nào có thể chuẩn hóa được thì nên tiến hành chuẩn hóa. Trong sự chuẩn hóa đó, cần có sự can thiệp của Nhà nước hay mang tính Nhà nước. Điều này phù hợp với lý thuyết về chính sách ngôn ngữ: Chuẩn hóa ngôn ngữ là công việc của mọi người dân ở mọi lúc, mọi nơi, kể cả lúc trà dư tửu hậu”.

Tại các phiên thảo luận, nhiều đại biểu đề nghị cần phải xây dựng một chuẩn mực ngôn ngữ nhất định, cụ thể hóa bằng Luật Ngôn ngữ để giảm thiểu sự lệch chuẩn cũng như giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Đặc biệt là việc áp dụng chuẩn ngôn ngữ cho các phương tiện truyền thông đại chúng vì báo chí có tính phổ biến, tính định hướng thông tin, trong đó có cả định hướng về việc sử dụng ngôn ngữ.

Nhà báo Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Tổng Giám đốc Đài TNVN cũng đề nghị phải có một bộ Luật về ngôn ngữ: “Trên thế giới hiện nay có hơn 1.000 bộ Luật ngôn ngữ. Những quốc gia có đặc trưng lịch sử - xã hội không đơn giản như Mỹ, Ấn Độ cũng đã ban hành Luật ngôn ngữ. Trong khi Việt Nam có nghìn năm văn hiến thì lại chưa có. Ở nước ta ngày nay, tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia. Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, bảo tồn văn hóa dân tộc là đòi hỏi quốc dân, cần phải thể hiện thành văn bản pháp quy”.

Cần chuẩn mực hoá chính tả trong phiên âm

Sự thiếu nhất quán trong việc sử dụng tên riêng nước ngoài trên các phương tiện thông tin đã và đang làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự trong sáng của tiếng Việt. Theo TS Phạm Anh Tú, Văn phòng Dự án Bách khoa toàn thư Việt Nam, cần phải có sự thống nhất trong cách dùng, cách phiên âm tiếng nước ngoài sang tiếng Việt để vừa giữ gìn bản sắc vừa hội nhập quốc tế bằng việc chấp nhận cả hai cách là “phiên âm” và “giữ nguyên dạng” đối với tên riêng nước ngoài.

Đối với giải pháp “phiên âm”, cần viết liền các âm tiết (không có gạch nối), đối với hệ chữ Latin, tên riêng nên giữ nguyên dạng và phiên âm sang chữ Latin đối với những chữ không thuộc hệ Latin. Cần Việt hoá những tên riêng tiếng nước ngoài, dùng các dấu phụ và thanh điệu trong phiên âm để ghi chính xác âm của nguyên ngữ nước ngoài.

Rõ ràng, vấn đề phiên chuyển tên riêng tiếng nước ngoài trên báo chí quả không thể một sớm một chiều có thể có sự thống nhất và cần có những giải pháp hợp lý. Việc thống nhất cách phiên âm và chuyển tự nói chung và phiên âm, chuyển tự tên riêng tiếng nước ngoài nói riêng là một nội dung của xây dựng tiếng Việt tiêu chuẩn thống nhất mà phương hướng đề ra là phải chuẩn mực hoá chính tả trong phiên âm, tuy nhiên vấn đề này đến nay chưa có sự thống nhất./.

Thành Huy Long

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Theo thông tin từ Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, đồng chí đã từ trần lúc 13 giờ 38 phút, ngày 19-7-2024, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Hưởng thọ 80 tuổi. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân” của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top