Đấu tranh chống tiêu cực không có chỗ cho nhà báo “non gan”

22/04/2020, 23:29

Đấu tranh chống tiêu cực không có chỗ cho nhà báo “non gan” - Từng được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tặng bằng khen đột xuất năm 2016 khi cùng các đồng nghiệp Báo Dân trí thực hiện loạt bài điều tra gần 80 kỳ báo giúp cụ bà thoát kỳ án áp thuế oan 5,7 tỷ chấn động cả nước và đoạt giải C phóng sự xuất sắc về đề tài môi trường năm 2016 do Hội Nhà báo Việt Nam trao tặng trong Hội Báo toàn quốc 2017, nhà báo Nguyễn Anh Thế chia sẻ đó là những trái ngọt của biết bao nhiêu gian truân, hiểm nguy trên chặng đường đấu tranh chống tiêu cực...

Nhà báo Nguyễn Anh Thế trao đổi với thương binh Lê Văn Dinh trong loạt bài điều tra“Số phận đau đớn của người thương binh hơn 20 năm đi đòi đất tại Bắc Giang”. Ảnh: PV

PV: Với cương vị Thư ký tòa soạn, Trưởng Ban Bạn đọc Báo Dân trí, bên cạnh công tác quản lý, anh vẫn viết và làm nghề một cách quyết liệt, nhà báo Nguyễn Anh Thế có thể chia sẻ một số tuyến đề tài đã thực hiện mà anh tâm đắc trong thời gian qua?

Nhà báo Nguyễn Anh Thế: Tôi được nuôi dưỡng và trưởng thành tại báo Dân trí bắt đầu từ một cộng tác viên khi còn là sinh viên năm thứ hai Đại học Văn hóa Hà Nội. Ra trường được Ban Biên tập nhận về báo với “ưu ái” cho nhập cuộc ngay mà không cần thử việc. Rồi từ một phóng viên thời sự luôn sẵn ba lô trên vai, lăn lộn khắp các “hang cùng ngõ hẻm”, trở về cơ quan nhận nhiệm vụ Phó Ban Kinh tế, rồi được giao nhiệm vụ Trưởng Ban bạn đọc và Thư ký tòa soạn. Kể như vậy để thấy rằng, ở nhiệm vụ nào được cơ quan giao phó, trước hết tôi vẫn tâm niệm mình là một nhà báo sống chết với nghề viết, đam mê viết và coi việc viết báo như một mục đích trọng tâm của mình.

Thời gian qua, có khá nhiều tuyến bài của báo Dân trí có hiệu quả tốt, nhận được sự ủng hộ của dư luận cả nước. Ví dụ, gần đây nhất là loạt 80 bài báo giúp một cụ bà 75 tuổi thoát kỳ án áp thuế oan 5,7 tỷ tại Lâm Đồng được Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ TN&MT trực tiếp chỉ đạo giải quyết dứt điểm.

Ngay tại thời điểm này, loạt bài điều tra gần 30 kỳ báo vụ việc “Chủ tịch huyện Hoài Đức (Hà nội) cấp sổ đỏ cho “đất ma”, dân tan cửa nát nhà” đã được Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa bình chỉ đạo làm rõ. Cơ quan công an đã khởi tố vụ án và bước đầu khởi tố 2 bị can trong đường dây này. Vụ việc hàng chục người dân tại số nhà 146 Quán Thánh (Ba Đình - Hà Nội) bị bức tử bởi nước thải, tôi và đồng nghiệp tổ chức triển khai hiện đã được xử lý quyết liệt sau loạt bài bảo vệ những người dân đang bị xâm hại.

Và con nhiều tuyến bài cũng rất đáng chú ý như hơn 20 kỳ báo vụ “Trùm sò lừa đảo MB24 trở thành “ông trùm” đa cấp liên minh tiêu dùng như thế nào?”. Hơn 10 kỳ báo về “Số phận đau đớn của người thương binh hơn 20 năm đi đòi đất tại Bắc Giang”, đấu tranh yêu cầu dừng thi công dự án hơn 6.000 tỷ đồng trốn đánh giá tác động môi trường tại Bắc Giang trong tháng 3/2017 vừa qua...

PV: Là một nhà báo trực tiếp tham gia điều tra chống tiêu cực, anh có thể chia sẻ những gian truân phía sau “trái ngọt” trên mặt báo?

Nhà báo Nguyễn Anh Thế: Tôi vẫn thường nhận được các tin nhắn điện thoại từ số lạ có nội dung đại loại như thông báo địa chỉ nhà tôi ở đâu, bố mẹ ở quê đang làm gì, có khi đe dọa cắt chân, cắt tay, va xe tai nạn chẳng hạn. Tuy nhiên, những loại đe dọa kiểu “chợ búa”, côn đồ này lại không đáng lo ngại bởi các đối tượng còn đang run rẩy, “nhát” đến độ không dám lộ mặt. Thế nhưng, những thủ đoạn đê hèn này lại khiến người thân, gia đình mình luôn lo lắng bất an.

Cũng phải nói rằng, để có được những loạt bài để lại dấu ấn như thế, vai trò của ban biên tập báo Dân trí mà trực tiếp là Tổng biên tập (TBT) Phạm Huy Hoàn là vô cùng quan trọng. TBT Phạm Huy Hoàn không chỉ là người tiếp lửa, truyền đam mê, tinh thần chiến đấu cho tôi mà còn là người luôn đứng ra quyết liệt bảo vệ tôi cũng như các đồng nghiệp trong cơ quan trước sóng gió. Chỉ với một điều kiện: Chúng tôi làm đúng. Và thực tế là chúng tôi đã vượt qua nhiều thử thách. Để có được những loạt bài chống tiêu cực đến gần 100 kỳ báo, làm cho ra lẽ phải, lôi sai phạm ra ánh sáng, bảo vệ người dân, phải nói thật lòng, điều đó thực sự không hề dễ dàng.

PV: Anh có kinh nghiệm gì có thể chia sẻ cho hoạt động báo chí điều tra chống tiêu cực?

Nhà báo Nguyễn Anh Thế: Theo tôi, điều tra chống tiêu cực không có chỗ cho nhà báo “non gan”. Trước hết, bản thân mình phải cứng cỏi, tinh thần phải vững vàng. Để có được tinh thần như vậy, phóng viên phải nỗ lực trang bị kiến thức. Anh muốn điều tra về một lĩnh vực nào đó, điều tiên quyết là anh phải đủ am hiểu, thậm chí là am hiểu sâu sắc về lĩnh vực đó. nhưng quan trọng hơn là anh phải hiểu biết pháp luật, nhất là những quy định pháp luật chuyên ngành. Ví dụ như để điều tra án oan sai, anh phải am hiểu hệ thống các cơ quan tố tụng, am hiểu luật hình sự. Để điều tra sai phạm về quản lý đất đai, anh phải am hiểu Luật Đất đai...

Và thực sự, nhà báo điều ra chống tiêu cực cần có một cái tâm trong sáng. Chống tiêu cực nghĩa là động chạm đến các nhóm lợi ích, là phơi bày những lợi nhuận bất chính, là chặn đứng thói “hành dân” của một bộ phận cán bộ tha hóa...Và những nhóm đối tượng trên sẽ “quẫy đạp” quyết liệt bằng quan hệ, bằng thỏa hiệp, bằng tiền. Không vượt qua được những cám dỗ này, nhà báo điều tra rất dễ đánh mất mình.

Bên cạnh những cố gắng và tu dưỡng nội tại, nhà báo điều tra chống tiêu cực cũng cần phải chọn cho mình một cơ quan giàu sức chiến đấu, luôn sẵn sàng bảo vệ và đồng hành cùng phóng viên làm những việc đúng, những việc tử tế. một cơ quan báo chí có những phóng viên điều tra chống tiêu cực sắc bén, kiên định thì đó cũng là một cơ quan báo chí vững mạnh, được bạn đọc tin yêu

PV: Trân trọng cảm ơn!

Ngọc Thành (thực hiện)