Đạo đức nghề nghiệp người làm báo trong thời kỳ hội nhập quốc tế

14:57 28/08/2023 - Diễn đàn
Báo chí Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội. Do đó, đạo đức nghề nghiệp báo chí cũng luôn được đề cao. Bởi, đạo đức nghề nghiệp là yếu tố thuộc giá trị của con người, mà nổi lên là tinh thần trách nhiệm, thái độ trung thực, khách quan, nghiêm túc đối với mọi thông tin và trong công việc. Đạo đức người làm báo không chỉ ảnh hưởng đến giới báo chí, mà còn ảnh hưởng đến xã hội nói chung. Tầm quan trọng của đạo đức người làm báo phải được tôn trọng và đề cao trong xã hội ngày nay, đặc biệt trong thời kỳ đất nước hội nhập quốc tế ngày càng toàn diện, sâu rộng, có những thuận lợi, khó khăn, thời cơ, thách thức khác nhau đan xen, hòa quyện. Do vậy, cần ủng hộ và khuyến khích các nhà báo tuân thủ đạo đức nghề nghiệp để đảm bảo sản phẩm báo chí chất lượng và có trách nhiệm, vì lợi ích quốc gia - dân tộc.

Nghề báo là một nghề đòi hỏi con người phải luôn trọng danh dự, phẩm chất

Mỗi nghề nghiệp cần có những chuẩn mực đạo đức riêng. Đạo đức nghề nghiệp người làm báo đóng vai trò quan trọng và cần thiết trong xã hội ngày nay. Đạo đức nghề nghiệp của người làm báo có thể hiểu là những nguyên tắc, những quy định về hành vi đạo đức của nhà báo, được gọi bằng nhiều tên khác nhau với ý nghĩa đồng nhất đó là: đạo đức nghề báo, đạo đức báo chí, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, đạo đức nhà báo... Người cầm bút có đạo đức phải kiên trì theo đuổi những nguyên tắc báo chí: Trung thực, khách quan, kịp thời và trách nhiệm; đạo đức nghề nghiệp của người làm báo thể hiện khi tác nghiệp. Một nhà báo giỏi, có trách nhiệm với xã hội, với những tác phẩm báo chí chất lượng, ngoài trình độ chuyên môn phải là người có phẩm chất đạo đức tốt và có đạo đức nghề nghiệp.

Cơ quan báo chí là cơ quan ngôn luận, là tiếng nói của tổ chức, của nhân dân. Do vậy tác phẩm báo chí nhiều khi không phải là của một cá nhân nhà báo, mà còn nhân danh một tổ chức, thậm chí là nhân danh công luận. Cho nên, những người làm báo chân chính phải luôn nhận thức nghiêm túc về vai trò xã hội, trách nhiệm với công chúng, phải không ngừng tu dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, nâng cao năng lực chuyên môn để xứng đáng với niềm tin của bạn đọc.

Đạo đức của người làm báo khi viết bài trước hết là sự trung thực với nguồn tin. Tác phẩm báo chí phải thể hiện được quan điểm, chính kiến của nhà báo, của cơ quan báo chí. Nhà báo phải có trách nhiệm với công chúng. Đạo đức nghề nghiệp của nhà báo thể hiện trong việc cung cấp thông tin đảm bảo tính chính xác, khách quan, kịp thời, đáp ứng nhu cầu của công chúng. Nhà báo phải là chỗ dựa tin cậy, vững chắc trong thông tin truyền thông, để nhân dân tham gia vào đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Không chỉ cung cấp thông tin, trách nhiệm của người viết báo mà còn là định hướng dư luận. Một nhà báo có đạo đức nghề nghiệp phải nghiêm túc với công việc của mình, tôn trọng công chúng. Các nhà báo cần đảm bảo rằng thông tin mình cung cấp là chính xác, được kiểm chứng và không bị chi phối bởi lợi ích cá nhân, hoặc nhóm lợi ích cụ thể.

Đạo đức người làm báo còn đòi hỏi sự trung thực và minh bạch trong việc xử lý thông tin. Các nhà báo cần công bố nguồn gốc thông tin, tránh việc lăng mạ hoặc xuyên tạc sự thật và cần phải tôn trọng quyền riêng tư của cá nhân. Việc nâng cao đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ những người làm báo cũng chính là nâng cao tính tư tưởng, tính chân thật, tính chiến đấu của các sản phẩm báo chí; hướng nội dung thông tin vào nhiệm vụ trung tâm là phục vụ sự nghiệp bảo vệ độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nâng cao đạo đức nghề nghiệp của nhà báo, xét cho cùng cũng chính là nhằm nâng cao trình độ tư duy, phẩm chất chính trị và nghiệp vụ của người làm báo.

Đạo đức nghề nghiệp của nhà báo chính là lương tâm là trách nhiệm của nhà báo với tư cách là một công dân. Khi viết về tiêu cực, yếu tố đạo đức nghề nghiệp của người làm báo trước hết là trách nhiệm của họ với cơ quan báo chí, với đồng nghiệp.

Đặt lợi ích quốc gia, dân tộc trên hết

Đạo đức nghề nghiệp của người làm báo đã được quy định trong Luật Báo chí năm 2016 gắn liền với vai trò của Hội Nhà báo Việt Nam. Tại điểm b, khoản 2, Điều 8 Luật Báo chí quy định: Hội Nhà báo Việt Nam “Ban hành và tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo”. Tháng 12/2016, Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành “10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam”. Đây là các chuẩn mực rất cụ thể và thiết thực hằm xác định trách nhiệm đạo đức người làm báo trong hoạt động nghề nghiệp. Quy định này không chỉ khẳng định đạo đức nghề nghiệp, mà còn tạo hành lang pháp lý đối với người làm báo trong quá trình tác nghiệp, đồng thời khẳng định yếu tố đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động báo chí của hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.

Sự phát triển bùng nổ của mạng xã hội nói riêng, truyền thông đại chúng nói chung là một xu hướng khách quan, tất yếu của xã hội hiện đại. Thông tin, mạng xã hội càng bùng nổ thì vai trò, trách nhiệm và yêu cầu đặt ra với báo chí cách mạng trong việc định hướng dư luận xã hội, hạn chế những thông tin sai trái, độc hại, giữ an ninh thông tin - truyền thông và bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc càng to lớn, càng nặng nề, phức tạp. Trong quá trình hội nhập quốc tế, để đồng thời bảo đảm tự do ngôn luận, tự do báo chí, trước hết, ngay các nhà báo, các cơ quan báo chí phải xác định được rõ thế nào là tự do báo chí trong khuôn khổ pháp luật, các cơ quan quản lý báo chí phải định hướng và xác định rõ những “tinh hoa” cần tiếp thu và những gì là chiêu bài lợi dụng của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị để không rơi vào “bẫy tự do báo chí”.

Hiện nay, do ảnh hưởng của cơ chế thị trường và sự cạnh tranh mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông, đặc biệt là tình trạng lan truyền nhanh chóng của tin giả và thông tin sai lệch thông qua mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến khác, vấn đề đạo đức nghề nghiệp của người làm báo càng cần được quan tâm và xem trọng hơn.

Trong bối cảnh này, người làm báo cần có trách nhiệm đảm bảo thông tin được cung cấp là đáng tin cậy và có giá trị, giúp người đọc phân biệt được sự thật và thông tin sai lệch. Đối với người làm báo, việc tự học, tự rèn luyện là quá trình không bao giờ được ngừng lại. Tính chính trực trong nghề nghiệp là vô cùng quan trọng. Khi người làm báo không chính trực thì chắc chắn ngòi bút sẽ bị bẻ cong. Phục vụ lợi ích của cộng đồng, đất nước, nhân dân là lý tưởng cao quý của nghề báo.

Nâng cao đạo đứcngười làm báo trong thời kỳ hội nhập quốc tế

Trong sự nghiệp cách mạng hiện nay, trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng, bùng nổ thông tin, những thành tựu về kinh tế, khoa học - kỹ thuật, sự chống phá của các lực lượng thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận, văn học, nghệ thuật và trên không gian mạng, là những yếu tố tác động đến ngòi bút của người làm báo cả về mặt tích cực lẫn tiêu cực. Nhiều nhà báo đã vượt qua được những cám dỗ vật chất đời thường, lao động cần cù, sẵn sàng hy sinh, cống hiến vì lợi ích của nhân dân, của đất nước. Đó là hằng ngày, hằng giờ các nhà báo phải bám sát thực tiễn, phải tác nghiệp ngay cả trong điều kiện khó khăn, nguy hiểm nhất để có những tác phẩm hay, có ý nghĩa thời sự, đáp ứng nhu cầu cung cấp thông tin, định hướng tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân.

Bên cạnh những ưu thế và thành tựu đạt được thì những năm qua báo chí nước ta cũng còn bộc lộ những hạn chế, bất cập. Hiện tượng thông tin thiếu trung thực, thiếu chính xác, không đúng sự thật, thiếu toàn diện, thiếu cân nhắc sự lợi hại, đưa đậm các mặt trái, mặt yếu kém, các vụ án và các tệ nạn xã hội trên trang nhất; thông tin dễ dãi, xa rời tôn chỉ, mục đích, bình luận một chiều, lên án thái quá, thậm chí quy chụp, coi nhẹ chức năng chính trị, tư tưởng của báo chí cách mạng, gây tổn hại nghiêm trọng đến lòng tin của nhân dân; khuynh hướng thương mại hóa báo chí, có xu hướng gia tăng; vẫn có nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp, pháp luật và bị xử lý hình sự.

Còn có tình trạng nặng về khai thác vụ việc tiêu cực, thiên về chức năng phê phán, đôi khi phê phán thiếu tính xây dựng, nhẹ về thực hiện chức năng biểu dương; thiếu một cái nhìn toàn diện và nhân văn, thiếu tính phát hiện, cổ vũ, tôn vinh kịp thời cái hay, cái đẹp, cái thiện trong cuộc sống vừa làm cho bức tranh xã hội bị bóp méo, vừa không động viên được người tốt, việc tốt, và xa hơn nữa, làm cho thế hệ trẻ mất niềm tin vào cuộc sống, vào những điều tốt đẹp thực sự vẫn đang hiện diện trong xã hội.

Trong cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, báo chí đã và đang phải đối mặt với một số hạn chế và nhược điểm liên quan đến đạo đức nghề nghiệp của một số nhà báo. Một số nhà báo có thể bị ảnh hưởng bởi áp lực từ các lợi ích kinh tế, điều này có thể ảnh hưởng đến tính trung thực và khách quan của thông tin mà họ cung cấp. Chúng ta hiểu rằng, trong một môi trường cạnh tranh khốc liệt, sự cần thiết đưa tin nhanh có thể tạo áp lực lên nhà báo để công bố thông tin mà chưa được kiểm chứng hoặc xác thực một cách đầy đủ. Điều này có thể dẫn đến việc lan truyền thông tin sai lệch hoặc thiếu chính xác. Những biểu hiện tiêu cực diễn ra do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, nguyên nhân chủ quan là cốt lõi nhất, đó là sự hạn chế về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, thiếu bản lĩnh chính trị, thiếu tu dưỡng và sự rèn luyện đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận người làm báo.

Để báo chí thật sự là nơi tin cậy và có sức thuyết phục cao, nhất là thời đại kỹ thuật số như hiện nay, cần thực hiện một số biện pháp để xây dựng đội ngũ những người làm báo vững vàng về lập trường, quan điểm; trong sáng về đạo đức, lối sống; sắc bén về chuyên môn, nghiệp vụ, như sau:

Thứ nhất, phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan báo chí, các ngành, các cấp Hội Nhà báo trong nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho người làm báo. Bản thân nhà báo phải tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, giữ gìn phẩm giá của người làm báo trước sự tác động, mua chuộc, lôi kéo và cám dỗ của những lợi ích vật chất tầm thường, mục đích vụ lợi không trong sáng. Chỉ có đạo đức nghề nghiệp, người làm báo mới có thể thực hiện đúng nhiệm vụ, sứ mệnh thiêng liêng của mình đối với cộng đồng và xã hội, có đủ sức mạnh và nghị lực để vượt qua khó khăn, chống lại những thói xấu, bảo vệ những giá trị tốt đẹp, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong giai đoạn hiện nay.

Thứ hai, cần có sự quan tâm và thúc đẩy từ cả nhà báo và xã hội để đảm bảo tính khách quan, trung thực và trách nhiệm xã hội trong hoạt động báo chí, xây dựng một môi trường báo chí lành mạnh, tăng cường yếu tố đạo đức. Theo đó, việc nâng cao trách nhiệm xã hội của nhà báo là vô cùng quan trọng. Muốn đạt được điều đó, nhà báo cần tuân thủ các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp, không được lệch lạc hoặc biến tình trạng thật thành giả, và không nên bị chi phối bởi áp lực hoặc ảnh hưởng từ các lợi ích cá nhân hoặc nhóm lợi ích cụ thể. Nhà báo nên cung cấp thông tin đa chiều, đảm bảo các quan điểm khác nhau được phản ánh một cách công bằng và không thiên vị.

Thứ ba, nâng cao bản lĩnh chính trị, đào tạo, quan tâm bồi dưỡng về lý luận chính trị, nghiệp vụ báo chí cho người làm báo, đặc biệt là nêu cao tính tiên phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cơ quan báo chí nói chung. Bên cạnh đó, mỗi nhà báo phải không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ tiếp cận các loại hình báo chí hiện đại, đa phương tiện, kiến thức sâu rộng trên các lĩnh vực,... để ngày càng có nhiều sản phẩm báo chí hay, cung cấp thông tin nhanh chóng, chính xác, kịp thời đến mọi tầng lớp nhân dân.

Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh thực chất việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam. Đặc biệt nhất là những yêu cầu đối của người làm báo gắn với việc thực hiện nghiêm Luật Báo chí năm 2016 và 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Mỗi khi cầm bút người làm báo phải tự đặt cho mình câu hỏi: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết cái gì? Viết như thế nào? Khi trả lời được đầy đủ, đúng đắn các câu hỏi ấy, người làm báo đã thực hiện được trách nhiệm xã hội của mình.

Thứ năm, tăng cường vai trò giám sát của nhân dân đối với những người làm báo để thông qua đó có thể phát hiện hành vi vi phạm đạo đức của nhà báo. Ngoài ra, cần có chế tài, biện pháp xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo tùy theo mức độ và đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, tăng cường rà soát, chấn chỉnh, xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí. Việc giữ gìn đạo đức nghề nghiệp của người làm báo có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế đã, đang và sẽ tạo ra những biến động mạnh mẽ đến lĩnh vực thông tin, tuyên truyền và nhu cầu thông tin của con người như hiện nay. Do đó, mỗi nhà báo phải tự thấy vai trò và trách nhiệm của mình đối với xã hội, thường xuyên trau dồi phẩm chất, đạo đức, lối sống, kiên quyết loại bỏ tư tưởng lệch lạc, tha hóa, biến chất, quyết giữ gìn "mắt sáng, lòng trong, bút sắc".

Phùng Kim Kiên 

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.
Bình luận, cũng như phỏng vấn, có thể vừa là phương pháp vừa là thể loại báo chí. Theo Từ điển bách khoa Việt Nam (Trung tâm Từ điển bách khoa Việt Nam, 1995) thì: “Bình luận (thông tin) là sự phân tích, đánh giá một vấn đề (chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, kỹ thuật...) trên các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền, phổ biến, thuyết phục người nghe, người đọc... Bình luận chủ yếu vận dụng trí tuệ và tư duy logic để phân tích, đánh giá. Bình luận là vũ khí của báo chí nói riêng và các phương tiện thông tin đại chúng khác khi thực hiện các chức năng thông tin, tuyên truyền”.
Bộ Công thương đánh giá cao sự phối hợp và vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan báo chí, góp phần tuyên truyền chủ trương, chính sách đồng thời phổ biến kịp thời kiến thức, điển hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đến người dân, doanh nghiệp, cơ quan, công sở trên khắp cả nước.
Phải “công tâm, khách quan, khoa học, đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết”. Thông điệp trong bài phát biểu quan trọng "Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng ta mới đây thu hút sự quan tâm, đồng tình của đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân cả nước.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top