Danh xưng “tôi” - Yếu tố quyết định thành công của phóng sự

17:08 28/03/2017 - Văn hóa xã hội
Có lẽ không trong một thể loại nào, cái tôi tác giả lại xuất hiện trực tiếp, đa diện và mạnh mẽ như trong thể loại phóng sự. Thực vậy, khác với “cái tôi ”trong nhiều thể loại - vốn thường chỉ xuất hiện ở 1 hoặc 2 tư cách, hoặc là nhân chứng, trần thuật, hoặc là thẩm định, cảm xúc... - cái tôi trong phóng sự là “cái tôi tổng hợp”.

Ảnh minh họa

Danh xưng “tôi” trong phóng sự phát thanh

Chứ không phải cái tôi theo nghĩa là xưng danh tôi, chúng tôi, nổi quan điểm cá nhân lên. Ở Đài, “chúng tôi đi”, “chúng tôi thấy”, “trao đổi với chúng tôi”, “theo điều tra của chúng tôi”... là cách viết sáo rỗng, không cần thiết vì anh không đi đến đấy, làm sao viết được bài. Không cần nói những điều đó vì thính giả không quan tâm. Thính giả chỉ quan tâm câu chuyện ấy diễn ra như thế nào? Câu chuyện ấy là như thế nào?(1)

Nhà báo Hồng Nhung cũng cho rằng, cái tôi cá nhân ở đây là cách tiếp cận vấn đề, cách chọn vấn đề, cách chọn nhân vật, cách chọn tiếng động âm thanh, giọng điệu thể hiện tác phẩm. Tất cả mọi thứ là cái tôi rồi. Còn cái tôi trong lý thuyết là tôi đi, tôi thấy, tôi miêu tả cái nọ cái kia, trong báo chí hội nhập ngày nay không đúng nữa, mà là cái tôi “ẩn”. Ở đây, ta tính đến hiệu quả thông tin và thể loại sử dụng có đáp ứng được hiệu ứng thông tin tốt nhất với người nghe hay không, chứ không phải có hay không việc xưng tôi trong tác phẩm(2) .

Trên Đài TNVN, phóng sự ở những chương trình trên hệ Thời sự Chính trị Tổng hợp (VOV1) - vốn thực hiện nhiệm vụ thông tin thời sự, có xu hướng ít sử dụng danh xưng tôi so với phóng sự trên hệ Văn hoá - Đời sống và Khoa giáo (VOV2) - vốn thực hiện nhiệm vụ thông tin chuyên đề về các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Nên bỏ danh xưng “tôi” trong phóng sự?

Đến nay, hầu như chưa có cơ quan báo chí nào thực hiện điều tra công chúng khán thính giả, độc giả về việc nên hay không nên sử dụng danh xưng tôi trong phóng sự. Trong Ai xoá cái tôi của nhà báo(3), tác giả Lưu Hoài An khẳng khái bình luận, sự thiếu vắng cái tôi trong bài báo có hai nguyên nhân: Thứ nhất, sự quản lí ở nhiều cơ quan báo chí không tạo điều kiện, thậm chí không để cho người làm báo có quan điểm cá nhân, có chính kiến. Thứ hai, bản thân người làm báo “tiên thiên bất túc”, nên muốn có quan điểm cá nhân hay chính kiến cũng là việc bất khả.

Để có thể đưa thông tin và bình luận về thông tin trong lĩnh vực mình chuyên trách một cách có hiệu quả nhất, yêu cầu bắt buộc với người làm báo là anh ta phải theo dõi rất sát sao những chuyển động trong lĩnh vực ấy, và điều này còn quan trọng hơn, trên cơ sở một tri thức tới hạn về chính cái lĩnh vực ấy. Nhưng đáng tiếc rằng có nhiều người làm báo, hoặc thiếu một trong hai yếu tố này, hoặc thiếu cả hai. Chính vì thế mà việc đưa thông tin không chính xác, việc bình luận về thông tin theo kiểu “hóng hớt” quan điểm của ông A bà B nào đó đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện” trong làng báo.

Nếu không viết, không nghĩ, thì không có chính kiến, do đó, việc thiếu danh xưng tôi là do nhà báo chứ không phải do công chúng yêu cầu.

Thực tế, không thiếu những bài phóng sự nhạt nhẽo, nhân danh khách quan để núp bóng quan điểm của người khác, không dám dùng danh xưng tôi để bày tỏ quan điểm, chính kiến.

Cũng như vậy trong Phóng sự truyền hình, các tác giả Brigitte Besse, Didier Desormeaux cũng thừa nhận sự xuất hiện của danh xưng tác giả với những trích dẫn cho thấy sự hiện diện trực tiếp của khuôn mặt phóng viên cùng lối xưng “tôi”, “chúng tôi” tự nhiên, chẳng hạn: “Một phóng sự đã đưa chúng tôi cùng với X. và Y. đến chân núi Puy de Sancy (...)”(4)

Điều đó có nghĩa là, dù ở Việt Nam hay phương Tây, các nhà báo đều nhấn mạnh vai trò đặc biệt của tác giả, và danh xưng “tôi”, “chúng tôi” là điều cần thiết, hiển nhiên. Việc loại bỏ danh xưng có thể gây nên một số bất cập: Tạo cho người nghe cảm giác giữa tác giả và sự kiện có một khoảng cách nhất định, tác giả ở xa sự kiện, hoặc gần như lùi xa sự kiện, sự dấn thân, nhập cuộc nhiệt huyết của nhà báo bị mờ nhạt, tính thuyết phục về độ chính xác của thông tin chưa cao. Hơn nữa, sự trống vắng danh xưng “tôi” khiến nhiều bài phóng sự nghèo về giọng điệu, nhoà về phong cách cá nhân, lời văn ít nhiều thiếu mềm mại, biểu cảm.

Chúng tôi xin lấy hai ví dụ đơn giản nhất. Thử so sánh hai cách viết trong bài Trả lại màu xanh cho Tây Nguyên (Thời sự 18h, VOV1, 1/2014):

(...) Ông Nguyễn Kim Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Kon Tum cho biết, sau khi tính toán định mức trồng rừng trung bình 44 triệu đồng 1 ha để các chủ đầu tư nộp tiền vào Quỹ bảo vệ phát triển rừng, tỉnh đã nhanh chóng triển khai cho các đơn vị trồng rừng. (...)

với:

(...) Ông Nguyễn Kim Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum, cho chúng tôi biết, sau khi tính toán định mức trồng rừng trung bình 44 triệu đồng 1 ha để các chủ đầu tư nộp tiền vào Quỹ bảo vệ phát triển rừng, tỉnh đã nhanh chóng triển khai cho các đơn vị trồng rừng. (...)

Nếu không có danh xưng “chúng tôi”, thì một câu hỏi đặt ra: Ông Nguyễn Kim Phương cho Ai biết? Với sự xuất hiện danh xưng, khoảng cách giữa nhà báo với nguồn tin, nhà báo với sự kiện được kéo gần. Người nghe có cảm giác tác giả không đứng ngoài cuộc để phản ánh về tình trạng những cánh rừng Tây Nguyên bị tàn phá, mà là người trong cuộc, đang trực tiếp khám phá, điều trần sự thật, đang đau với nỗi đau mất rừng, đang trăn trở tìm kiếm giải pháp để đem lại màu xanh cho Tây Nguyên. Sự đồng cảm và tinh thần nhập cuộc của tác giả không chỉ đem lại độ tin cậy cho thông tin - tác giả là người xác thực độ chính xác của lời nhân chứng, mà còn thể hiện tấm lòng của tác giả với vấn đề, qua đó, tạo sự đồng cảm của thính giả.

Hay, trong phóng sự Cô nuôi dạy trẻ ở vùng cao biên giới, Nông nghiệp và nông thôn, VOV1, 18/11/2014), nếu so sánh đoạn văn có danh xưng “chúng tôi”:

“Vượt hơn 40 km từ trung tâm huyện Quan Sơn, qua trập trùng bao dãy núi cao, những con đèo quanh co, chúng tôi đến Sơn Thủy - một xã nghèo đặc biệt khó khăn của vùng cao biên giới, 4 dân tộc sinh sống, trong đó, chủ yếu là người Thái và người Mông.”

Với đoạn văn bị lược bớt ý vì không có danh xưng:

“Sơn Thủy là một xã nghèo đặc biệt khó khăn của vùng cao biên giới, 4 dân tộc sinh sống, trong đó, chủ yếu là người Thái và người Mông...”

Với đoạn văn mà ý tứ được giữ nguyên, chỉ loại bỏ danh xưng:

“Từ trung tâm huyện Quan Sơn đến Sơn Thủy mất 40 km. Người ta phải đi qua trập trùng bao dãy núi cao, những con đèo quanh co. Sơn Thuỷ là một xã nghèo đặc biệt khó khăn của vùng cao biên giới, 4 dân tộc sinh sống, trong đó, chủ yếu là người Thái và người Mông.”

Rõ ràng, trong đoạn 1, thính giả thấy được một cái tôi nhân chứng đang trực tiếp trên hành trình vượt đèo dốc đến với Sơn Thuỷ. Chi tiết miêu tả với giọng văn mềm mại có cơ hội được xuất hiện một cách tự nhiên trong sự quan sát của nhà báo. Trong khi đó, ở đoạn 2 và đoạn 3 không có danh xưng “tôi”, lại khiến người nghe thấy rằng, chưa hẳn tác giả đã trực tiếp trải nghiệm, đi đến Quan Sơn, mà chỉ là nghe kể lại, hoặc đọc tư liệu. Hơn nữa, việc không hiện diện trực tiếp danh xưng tôi khiến đoạn văn có thể bị thiếu chi tiết quan sát hoặc có thể vẫn có đó những chi tiết tả, nhưng giọng văn lại lạnh lùng, xa cách.

Thiếu một trong bốn “cái tôi” đó, bài phóng sự có thể bị thiếu chi tiết, đặc biệt là những chi tiết quan sát, phỏng vấn đắt giá; khó khơi gợi chiều sâu nhân văn và định hướng nhận thức, hành vi; khó đặc tả được sinh động, chân xác hiện thực thông qua hệ thống ngôn từ vừa hàm xúc, chính xác, khách quan, vừa đậm chất văn; dễ nghèo nàn về giọng điệu, tẻ nhạt về phong cách cá nhân. Và bởi nhập cuộc sâu, với tinh thần trách nhiệm cao, xưng danh “tôi” trực tiếp trong tác phẩm là một đặc trưng - đặc quyền của nhà phóng sự.

Không có lý do gì để loại bỏ danh xưng “tôi”, “chúng tôi” trong phóng sự nói chung, phóng sự phát thanh nói riêng. Việc cần làm với nhà báo là, không lạm dụng danh xưng, và biết xuất hiện vào những hoàn cảnh cần thiết. Bởi cái “tôi tác giả” quan trọng nhất - cái tôi tổng hợp, đã nằm trong từng thớ mạch chi tiết, nằm trong phong cách, giọng điệu của tác phẩm. Chính nó mới là yếu tố then chốt quyết định sự thành công của bài phóng sự./.

TS. Trương Thị Kiên
Học viện Báo chí và Tuyên truyền

---
Tài liệu tham khảo
1, 2. Nâng cao chất lượng trong chương trình Thời sự 18h, Khóa luận báo chí, Đinh Thị Phương Thúy, Học viện Báo chí và tuyên truyền, Tr108; Tr.117.
3. Ai xóa cái tôi của nhà báo, Lưu Hoàn An, Tuần Vietnamnet.vn, http://www.tuanvietnam.net/aixoa-cai-toi-cua-nha-bao, truy cập ngày 25/2/2016.
4. Phóng sự truyền hình, Brigitte Besse,DidierDesormeaux, Nxb. Thông tấn,H.2012, tr.180

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Trong kỷ nguyên số, chuyển đổi nội dung số các tạp chí của Việt Nam có vai trò quan trọng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước; đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phổ biến tri thức, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt Nam trên không gian mạng. Đồng thời, góp phần “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”(1) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top