Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà báo của nhân dân

22/04/2020, 23:29

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà báo của nhân dân - Tháng 5 về, lại nhớ ngày 7/5/1954 khi “Hồng Cúm, Him Lam, hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng”, đánh dấu ngày toàn thắng của quân và dân ta trong chiến dịch lịch sử 56 ngày đêm, đập tan cứ điểm Điện Biên Phủ của thực dân Pháp thời 9 năm trường kỳ, mở đường kết thúc thắng lợi cuộc trường chinh ba nghìn ngày.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người rất yêu nghề báo. Ảnh tư liệu

Nhiều cống hiến to lớn, có tính bước ngoặt

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị tướng huyền thoại, văn võ song toàn. Ducan Townson, tác giả sách “Những vị tướng lừng danh” xuất bản ở Vương quốc Anh đã viết: “Võ Nguyên Giáp là một trong 21 vị danh tướng trong 20 thế kỷ qua, từ thời Alexandre Đại đế đến Hannibal rồi đến thời kỳ cận đại với Kutuzop, Zhukov... những người đã có chiến công tạo nên bước ngoặt của nghệ thuật chiến tranh”.

Tướng Peter McDonald, người Anh, chuyên nghiên cứu khoa học lịch sử viết: “Từ năm 1944 đến 1975, cuộc đời của Võ Nguyên Giáp gắn liền với chiến đấu và chiến thắng, khiến ông trở thành một trong những thống soái lớn của mọi thời đại. Với 30 năm làm Tổng tư lệnh và 50 năm tham gia chính sự ở cấp cao nhất, ông tỏ ra là người có phẩm chất phi thường trong mọi lĩnh vực của chiến tranh. Khó có vị tướng nào có thể so sánh với ông trong việc kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy. Sự kết hợp đó xưa nay chưa từng có”.

Dấu ấn trong nghề “viết lách” của Đại tướng khởi đầu từ tờ báo Tiếng Dân của nhà chí sĩ cách mạng Huỳnh Thúc Kháng cách đây 88 năm. Ngày 28/9/1929, người thanh niên hiếu học và học giỏi họ Võ có bài báo đầu tiên đăng trên báo Tiếng Dân với tiêu đề “Vũ trụ và tiến hóa” phân tích thời cuộc một cách tỉnh táo và nghiêm túc dưới bút danh Vân Đình. Sau đó, tác giả viết tiếp 37 bài khác sống động, khúc triết đều đặn đăng tải trong mục “Thế giới thời đàm” của chính tờ báo nổi tiếng thời đó ở kinh thành Huế và dải đất xứ Quảng cùng miền Trung kiên trinh tình non nước.

Kinh qua thực tế hoạt động báo chí, nhà báo Võ Nguyên Giáp nhận ra trở ngại lớn nhất của báo chí tiếng Việt thời đó là khó xin cấp phép ra báo, ra báo rồi lại bị kiểm duyệt ngặt nghèo hoặc nhanh chóng bị đóng cửa bởi nhiều lý do không chính đáng do bọn cai trị bịa ra, dựng chuyện. Bức xúc chuyện vừa dẫn, nhà báo Võ Nguyên Giáp lại thêm sáng kiến mới khi ông bàn với Nguyễn Thế Rục, có sự hỗ trợ của các ông Phan Tử Nghĩa, Vũ Đình Huỳnh (về viết lách) nhanh chóng ra tờ báo bằng tiếng Pháp mang tên Le Travail (Lao Động) đúng thời điểm Mặt trận Bình Dân 1936 - 1939.

Với tinh thần yêu nước, say mê nghề báo, nhận rõ lợi ích to lớn của báo chí, sau khi tờ Le Travail ra đời, bên cạnh việc dạy học, nhà báo Võ Nguyên Giáp hồ hởi nhận làm hết từ A - Z của tờ báo. Ông viết nhiều thể loại từ xã luận, bình luận, phóng sự đến điều tra; trực tiếp duyệt bài, lên marquette, đọc cả morasse. Ông còn làm cả phát hành báo, nhưng ông không hề nhận tiền nhuận bút, tiền phụ cấp, chỉ sống đời sống thanh bạch, đạm bạc của nghề giáo.

Ai đó nói nghề báo là nợ đời, tình người chính là như thế. Sau hòa bình lập lại (1954) đến mãi sau này, cả lúc tuổi đã cao, sức yếu, nhà báo, Đại tướng vẫn đều đặn viết nhiều bài báo, in nhiều sách có giá trị để lại cho mai sau.

Vợ chồng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và tác giả. Ảnh tác giả cung cấp

Sử dụng báo chí như một công cụ đầy sức mạnh

Tại chiến khu Việt Bắc núi ngàn, thời trận mạc của 9 năm trường kỳ gian lao và anh dũng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết nhiều bài cho các báo, nhất là Báo Độc Lập của Mặt trận Việt Minh do ông làm chủ bút, rồi đến báo “Nước Nam Mới” hay viết nhiều bài sắc sảo cho tờ “Quân Giải Phóng” của Quân đội nhân dân ký tên là Trí Dũng. Trong một bài viết mang tính tổng kết bước đầu, Võ Nguyên Giáp cho rằng, phải làm thế nào để bộ đội ta mỗi lần ra trận là đánh thắng cả về quân sự và chính trị.

Đại tướng viết: “Thời điểm ra báo là quan trọng. Khó hơn là làm nghệ thuật. Nghĩa là làm báo phải đúng lúc, chính xác, chặt chẽ, đem lại hiệu quả cho bạn đọc. Những bài chính, phụ, ngắn, dài, nặng, nhẹ phải kết hợp hài hòa như những màu sắc của tác phẩm hội họa. Những chữ lớn, nhỏ, đứng, nghiêng... đều toát lên vai trò và hiệu quả riêng”. Kết luận của bản tổng kết là: “ Nghề báo là phải lao tâm, tổn trí, gian khổ. Nhưng được đền bù là người đọc” (trích tiểu sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do gia đình cung cấp).

Người viết bài báo này vốn là một người lính. Người lính bình thường, nhưng có may mắn nhiều lần được gặp Đại tướng. Gặp ở Điện Biên Phủ; gặp khi đã chuyển từ quân đội sang nghề báo, vinh dự được phỏng vấn Đại tướng; vui mừng được Đại tướng tặng sách quý và chụp ảnh cùng vợ chồng Đại tướng...

Lịch sử Báo chí Cách mạng của Việt Nam đã có gần một thế kỷ và rất đỗi tự hào bởi có người Thầy số 1 của làng báo là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các lãnh tụ gần gũi của Người: như cố Tổng Bí thư Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh... đều là những người rất giỏi, rất thông tuệ nghề báo. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người làm báo rất sớm. Từ năm 1936 đến 1939, Võ Nguyên Giáp tham gia Mặt trận Dân chủ Đông Dương trong vai trò là người sáng lập, được cử làm Chủ tịch Ủy ban Báo chí Bắc Kỳ (có lúc gọi là Hội Báo chí Dân cày). Trên con đường cách mạng, đôi vai nặng gánh việc nước, việc quân, nhưng Đại tướng sử dụng rất thành công báo chí như một công cụ đầy sức mạnh, đem lại hiệu quả lớn lao trong mọi thời kỳ, mọi giai đoạn của cách mạng, bất luận ở tình huống nào.

Phong cách làm báo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là gần dân. Phản ánh kịp thời, chân thực ý nguyện của nhân dân với văn phong trong sáng, câu chữ ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ. Câu nói nổi tiếng, để đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là “Tôi sống ngày nào cũng là vì đất nước ngày đó”. Cho nên mọi người gọi Đại tướng là nhà báo của nhân dân một cách trìu mến và kính trọng.

Trân trọng tài năng, sự cống hiến to lớn của Đại tướng đối với nghề báo, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Việt Nam Phan Quang (khóa VI) cùng Ban Thường vụ của Hội đã đến tận nhà riêng của Đại tướng ở 30 Hoàng Diệu (Hà Nội) trân trọng trao tặng nhà báo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp Huy chương Vì sự nghiệp Báo chí Việt Nam. Cho đến nay, tấm Huy chương cao quý của nghề báo Việt Nam duy nhất mới có một lần được gắn lên ngực của vị tướng Tổng Tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng./.

Nguyễn Xuân Lương