Cổ phần hóa Hapro:

Hướng tới mục tiêu xây dựng thương hiệu xuất khẩu hàng đầu tại khu vực

22/04/2020, 23:29

Hướng tới mục tiêu xây dựng thương hiệu xuất khẩu hàng đầu tại khu vực - Với kinh nghiệm giao thương với hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) được xem là lá cờ đầu của ngành thương mại Thủ đô. Việc cổ phần hóa (CPH) Hapro là cơ hội lớn cho nhà đầu tư phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại tại Hà Nội và bứt phá mạnh mẽ trên thị trường quốc tế.

Cổ phần hóa Hapro sẽ tạo bước đột phá cho doanh nghiệp. Ảnh: TL

PHƯƠNG ÁN CỔ PHẦN HÓA CÔNG TY MẸ HAPRO CỤ THỂ NHƯ SAU:

Hình thức cổ phần hóa: Kết hợp hình thức bán toàn bộ phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vừa phát hành thêm để tăng vốn điều lệ

Vốn Điều lệ sau CPH: 2.200.000.000.000đ (Hai nghìn hai trăm tỷ đồng)

Mệnh giá cổ phần: 10.000 đồng/cổ phần

Tổng số lượng cổ phần: 220.000.000 cổ phần, trong đó:

Số cổ phần bán đấu giá công khai: 75.926.0000 cổ phần (tương đương 34,51% vốn điều lệ). Còn lại là cổ phần bán ưu đãi cho CBCNV làm việc tại doanh nghiệp (0,49% vốn điều lệ) và cổ phần bán cho Nhà đầu tư chiến lược (65% vốn điều lệ).

Giá khởi điểm bán đấu giá: 12.800 đồng/cổ phần

Dấu ấn xuất khẩu

Phát biểu tại Hội nghị đối ngoại đầu tháng 3/2018, ông Vũ Thanh Sơn - Phụ trách Hội đồng thành viên - Tổng Giám đốc Hapro, cho biết: Mặc dù năm qua tình hình, nhu cầu và thị trường xuất khẩu có sự biến động khó lường, nhưng các đơn vị thuộc Hapro đã cố gắng và nỗ lực hết mình trong việc tận dụng cơ hội về mùa vụ, tập trung nguồn lực, ưu tiên đẩy mạnh xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực như gạo, hạt điều... với kết quả tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt hơn 95 triệu USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 90 triệu USD.

Đạt được dấu ấn xuất khẩu như trên là nhờ trong năm 2017, Hapro tiếp tục tập trung tái cơ cấu hoạt động sản xuất và đầu tư phát triển các cơ sở, nhà máy chế biến theo định hướng chủ động về nguồn hàng phục vụ hoạt động xuất khẩu.

Ông Vũ Thanh Sơn cho biết thêm, bên cạnh việc tiếp tục mở rộng hợp tác, tạo lập và phát triển mối liên kết giữa các đơn vị trong Tổng công ty hình thành các chân hàng và bạn hàng vệ tinh, Tổng công ty vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại tại hơn 70 nước và vùng lãnh thổ đã có mặt hàng xuất khẩu của Hapro, tiếp tục tập trung khảo sát thị trường tiềm năng như ASEAN, Hồng Kông, Ma Cao, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ... Qua đó đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, cũng như tìm kiếm nguồn hàng nhập khẩu về phục vụ cho nhu cầu phân phối, tiêu dùng trong nước.

Một số chỉ tiêu, kế hoạch sản xuất kinh doanh của Công ty Mẹ Hapro, giai đoạn 2018 - 2020

Định hướng phát triển đến năm 2020

Theo Phương án cổ phần hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sau cổ phần hóa, Hapro tiếp tục phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh trên cơ sở những thế mạnh hiện tại với 66 mã ngành kinh doanh hiện nay, tập trung đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu và phát triển thị trường nội địa trọng tâm là phát triển hệ thống kinh doanh thương mại bán buôn, bán lẻ tại Hà Nội và một số tỉnh, thành.

Hapro khá tự tin khi đề ra các mục tiêu cụ thể nhằm bứt phá trở thành doanh nghiệp thương mại lớn của Hà Nội cũng như cả nước:

- Trước hết, Hapro tập trung đẩy mạnh và nâng cao kim ngạch xuất khẩu trong toàn Tổng công ty; phấn đấu đến năm 2020, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu chiếm 80% tổng doanh thu của Tổng công ty. Đưa thương hiệu xuất khẩu Hapro trở thành thương hiệu quốc tế hàng đầu tại khu vực, bao trùm mọi hoạt động của Tổng công ty.

- Hapro cũng đề ra mục tiêu xây dựng thành công 5 mặt hàng xuất khẩu chủ lực nằm trong 5 doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu của cả nước gồm: Gạo; Hạt tiêu; Hạt điều; Cà phê; Thủ công mỹ nghệ. - Mặt khác, Hapro tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả của hệ thống thương mại nội địa theo phương châm: Nâng cao năng lực cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ và sự khác biệt, ưu tiên tối đa cho hàng hóa dịch vụ mang thương hiệu Hapro và Việt Nam vào hệ thống kinh doanh.

- Sau CPH, Hapro tiếp tục đẩy mạnh phát triển các cơ sở vệ tinh, tăng cường khả năng phát triển nguồn hàng trong và ngoài nước, tạo kênh hàng hóa đa chiều gắn với thương hiệu Hapro phục vụ tối đa cho nhu cầu xuất khẩu và thị trường trong nước, đặc biệt là: Hoa quả tươi, gạo, nông lâm sản, thủ công mỹ nghệ, công nghệ phẩm, thủy hải sản chế biến, công nghiệp tiêu dùng,...

- Đặc biệt, nhằm trở thành doanh nghiệp thương mại, xuất khẩu hàng đầu của Hà Nội cũng như cả nước, Hapro hướng mô hình Tổng công ty gọn nhẹ tối đa, linh hoạt, hiện đại và chuyên môn hóa cao; cả về công nghệ quản lý, điều kiện phương tiện làm việc và chính sách phát triển nguồn nhân lực.

Gian hàng Hapro tại hội chợ mới được tổ chức tại Indonexia. Ảnh: PV

Tăng tốc ngay sau cổ phần hóa

Mặc dù đang chạy đua với thời gian trong quá trình CPH, Công ty mẹ - Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) vẫn tập trung ưu tiên tạo ra sự đột phá trong kết quả sản xuất kinh doanh ngay sau khi được CPH. Hapro đã đề ra các mục tiêu cụ thể cho giai đoạn phát triển 2018 đến 2020 ngay sau CPH.

Về kim ngạch xuất khẩu, tổng doanh thu (cho cả xuất khẩu và nội địa), với các lợi thế sẵn có và được “tiếp sức” sau CPH, Hapro tự tin rằng năm 2018 kết quả kinh doanh sẽ có sự tăng trưởng so với năm 2017; các năm tiếp theo các chỉ tiêu kinh tế vẫn tiếp tục tăng trưởng. Về lợi nhuận trước thuế, Hapro cũng nêu rõ mục tiêu tăng trưởng hàng năm giai đoạn 2018 - 2020 trên 10%, riêng năm 2020 so với 2019 dự kiến lợi nhuận trước thuế tăng trưởng khoảng 25%.

Để có thể đạt được các mục tiêu và kế hoạch cụ thể đã đặt ra, Hapro có các giải pháp thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh trong phương án cổ phần hóa Công ty mẹ và đã được thành phố Hà Nội, Chính phủ phê duyệt nhằm bảo đảm sau cổ phần hóa, Tổng công ty Thương mại Hà Nội tiếp tục hoạt động và phát triển theo đúng định hướng, có đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường, tạo sức bật cho hoạt động SXKD, cũng như thực hiện tốt chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong việc tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình hoạt động và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

 THÔNG TIN CỤ THỂ VỀ ĐỢT BÁN ĐẤU GIÁ

Tổng số cổ phần chào bán: 75.926.000 cổ phần

Loại cổ phần chào bán : Cổ phần phổ thông

Phương thức chào bán: Đấu giá công khai tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội

Đối tượng tham gia: Các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đáp ứng điều kiện theo quy định của Quy chế bán đấu giá cổ phần lần đầu ra bên ngoài của Tổng công ty Thương mại Hà Nội

Số lượng cổ phần đăng ký đặt mua tối thiểu: 100 cổ phần

Số lượng cổ phần đặt mua tối đa: 75.926.000 cổ phần

Số lượng đặt mua: Theo bội số 100

Đặt cọc: Bằng 10% giá trị cổ phần đặt mua tính theo giá khởi điểm

Thời gian làm thủ tục đăng ký tham gia đấu giá và đặt cọc: Từ ngày 26/02/2018 đến trước 15 giờ 30 phút ngày 23/3/2018 tại các đại lý đấu giá.

Thời gian và địa điểm nộp phiếu tham dự đấu giá: Chậm nhất 16 giờ ngày 28/3/2018 tại các đại lý đấu giá nơi nhà đầu tư làm thủ tục

Thời gian và địa điểm bán đấu giá: 8 giờ 30 phút ngày 30/3/2018 tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội - Số 2 Phan Chu Trinh, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Hoàng Hoa