Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Chuyển đổi số của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Ngày 26/10, Hội nghị - Hội thảo "Chuyển đổi số của ngành văn hóa, thể thao và du lịch" đã diễn ra tại Hà Nội theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với các điểm cầu trên cả nước. Sự kiện có sự tham gia của hơn 120 đại biểu của 63 tỉnh, thành phố; do Trung tâm Công nghệ Thông tin (cơ quan thường trực về chuyển đổi số của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Chuyển đổi số của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, Ủy viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số cùng chủ trì sự kiện.

Tại hội thảo, các đại biểu trình bày tham luận với nhiều nội dung hấp dẫn, thiết thực cho ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch_Ảnh: Nam Nguyễn

Phát biểu khai mạc hội nghị, hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương khẳng định: Công cuộc chuyển đổi số được xác định là một trong 3 giải pháp đột phá chiến lược nhằm xây dựng một Việt Nam hùng cường thịnh vượng để đến năm 2045 kỷ niệm tròn 100 năm thành lập nước, Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Điều này đã được ghi trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Chuyển đổi số đang được Đảng, Nhà nước, Chính phủ rất quan tâm. Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh yêu cầu cấp bách đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng ban và tại các bộ, ngành, địa phương cũng do người đứng đầu làm Trưởng ban. Có thể thấy, chuyển đổi số là một chủ trương cũng như yêu cầu cấp thiết trên mọi phương diện. Không đứng ngoài xu thế đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đặc biệt là Bộ trưởng, Trưởng Ban chỉ đạo chuyển đổi số của Bộ đã chỉ đạo nhiều hoạt động liên quan đến chuyển đổi số, trong đó có ban hành Chương trình Chuyển đổi số của Bộ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030...

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, Ủy viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chúc mừng Bộ Văn hóa Thể thảo và Du lịch với những quyết tâm không chỉ thể hiện bằng văn bản mà còn bằng hành động cụ thể trong chuyển đổi số. Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho rằng, ngành văn hóa, thể thao và du lịch sở hữu lợi thế đặc biệt so với các ngành khác về quy mô thị trường, không chỉ phục vụ gần 100 triệu người Việt Nam mà còn có cơ hội phục vụ cho 8 tỷ khách hàng tiềm năng trên toàn thế giới. Vì vậy, chuyển đổi số là hết sức cần thiết để Việt Nam nắm bắt cơ hội đó, đặc biệt thông qua quan hệ số, chuyển đổi số để cung cấp dịch vụ trải nghiệm du lịch ngày một tốt hơn, cá thể hóa cho từng du khách trong và ngoài nước…

Tại hội nghị - hội thảo, Ban tổ chức đã khai trương Hệ thống thông tin báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đây là hệ thống thông tin thu thập, tổng hợp, phân tích số liệu báo cáo và cung cấp số liệu để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ kết nối tới Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. Hệ thống này được triển khai theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý nhà nước về chế độ báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch một cách thuận tiện, nhanh chóng; hỗ trợ các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch 63 tỉnh, thành phố cập nhật, tổng hợp số liệu báo cáo thống kê theo biểu mẫu trực tiếp trên phần mềm.

Ban tổ chức đã nhận được gần 40 tham luận công phu, tâm huyết về chuyển đổi số thuộc tất cả các lĩnh vực của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch như văn hóa di sản, bảo tàng, điện ảnh, bản quyền đến thể thao, du lịch và vấn đề an toàn, an ninh thông tin trong chuyển đổi số…Các tham luận đã cung cấp một bức tranh tổng thể về hiện trạng của chuyển đổi số trong ngành. Ý kiến tham luận tại đã cho thấy, chỉ trong một thời gian ngắn, các hoạt động chuyển đổi số trong ngành đã được triển khai thiết thực, hiệu quả, đặc biệt là trong các lĩnh vực du lịch, di sản, bảo tồn, bảo tàng…

Những thành công bước đầu trong chuyển đổi số đã tác động rõ ràng, thiết thực trong thực tiễn hoạt động của ngành, nhất là trong thời gian ảnh hưởng nặng nề vì COVID-19. Có thể kể đến việc hàng ngàn lượt khách tham quan ngồi tại nhà giãn cách xã hội nhưng vẫn xem được nhiều triển lãm chuyên đề của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, thậm chí là "đi" du lịch tham quan Kinh thành Huế chỉ bằng các cú nhấp chuột. Người dân vẫn có thể thưởng thức các chương trình nghệ thuật đặc sắc do các nghệ sĩ nổi tiếng biểu diễn trực tuyến, hoặc được hướng dẫn các bài tập thể dục trực tuyến tại gia đình đơn giản, hiệu quả, dễ hiểu của ngành thể thao...Trên cơ sở kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 2.0, các nền tảng số, hệ thống thông tin và dữ liệu số đã và đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từng bước hoàn thiện môi trường làm việc số cho người lao động...

Các tham luận cũng nêu rõ hạn chế, khó khăn và bày tỏ mong muốn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các cơ quan có thẩm quyền quan tâm giải quyết để tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công cuộc chuyển đổi số trong ngành.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Chuyển đổi số của Bộ cho biết: Thời gian tới, Bộ có 3 dự án cốt lõi trong công tác chuyển đổi số. Đó là hệ thống xây dựng một nền tảng số theo trục dọc và xây dựng hạ tầng lưu giữ hệ thống máy chủ - được coi là "trái tim" về dữ liệu số của Bộ. Bên cạnh đó là các dự án tạo đà phát triển, dự án về số hóa các di sản văn hóa và chuyển đổi số trong ngành du lịch. Tất cả các di sản văn hóa sẽ được xây dựng trên bình diện tổng quát đối với bản đồ số về các hệ thống các di tích, danh lam thắng cảnh, điểm đến hấp dẫn của Việt Nam.

Theo TTXVN

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Theo thông tin từ Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, đồng chí đã từ trần lúc 13 giờ 38 phút, ngày 19-7-2024, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Hưởng thọ 80 tuổi. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân” của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top