Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm và làm việc với tỉnh Khánh Hoà

Ngày 2/3, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng Đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương có cuộc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa.

Qua báo cáo của tỉnh và đánh giá của đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, Khánh Hoà đã khắc phục khó khăn, đạt nhiều thành tựu trên nhiều mặt. Trong năm 2023, tỉnh đã đạt và vượt kế hoạch 20/22 chỉ tiêu kinh tế, xã hội (5/5 chỉ tiêu kinh tế, 11/12 chỉ tiêu xã hội, 4/5 chỉ tiêu môi trường).

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt 60.158 tỷ đồng (2,5 tỷ USD), tăng 10,35% (đứng thứ 4 cả nước và là năm thứ hai dẫn đầu khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung), đưa tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm giai đoạn 2021-2023 đạt 8,15%/năm (kế hoạch là 7,5%/năm).

Quy mô nền kinh tế lần đầu vượt 100 nghìn tỷ đồng (đạt 108.969 tỷ đồng (4,6 tỷ USD). Thu ngân sách nhà nước đạt 18.012,7 tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 13,69%; kim ngạch xuất khẩu đạt 1.750,1 triệu USD, tăng 5,9%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 71.302,8 tỷ đồng. Thu hút được 17 dự án đầu tư ngoài ngân sách với tổng vốn đăng ký khoảng 100.865,7 tỷ đồng.

Khánh Hoà cũng đạt kết quả ấn tượng trong công tác cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện (PCI xếp thứ 16, tăng 28 bậc; PAPI xếp thứ 16, tăng 24 bậc; PAR-Index xếp thứ 25, tăng 23 bậc...) và đang tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án giao thông trọng điểm.

Quang cảnh buổi làm việc

Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh cũng gặp phải một số khó khăn, tồn tại như một số đồ án quy hoạch lớn chậm tiến độ so với kế hoạch; chỉ tiêu về số xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ che phủ rừng chưa đạt mục tiêu; công tác chuyển đổi số còn hạn chế; việc triển khai Nghị quyết số 55/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa còn một số khó khăn, vướng mắc.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh và ý kiến bộ, ngành cũng góp ý về những vấn đề đang được tỉnh quan tâm, đó là, Khánh Hòa cần khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý đối với việc quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ, khai thác hiệu quả tài nguyên biển và xây dựng kế hoạch triển khai các quy định về hoạt động lấn biển ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định quy định về hoạt động lấn biển.

Theo đó, Khánh Hòa cần ưu tiên cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số; huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển 3 vùng động lực (khu vực vịnh Vân Phong; thành phố Nha Trang; khu vực vịnh Cam Ranh) và 4 hành lang kinh tế (hành lang kinh tế Bắc-Nam; hành lang kinh tế Đông-Tây; hành lang Nha Trang-Diên Khánh- Khánh Vĩnh; hành lang Cam Ranh - Cam Lâm - Khánh Sơn) tạo sự đột phá, lan tỏa mạnh mẽ.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, chưa bao giờ Đảng và Nhà nước ban hành nhiều văn bản, chủ trương, cơ chế, chính sách cho tỉnh Khánh Hòa; thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đối với Khánh Hòa; đồng thời, cũng là giao trách nhiệm cho Đảng bộ và chính quyền tỉnh Khánh Hòa. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc.

Cơ bản nhất trí với với phương hướng, nhiệm vụ mà tỉnh Khánh Hòa đã xác định trong năm 2024, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh năm nay phải là thời gian tỉnh tăng tốc phát triển, tạo nền tảng cho việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Đại hội đảng bộ các cấp, hướng tới Đại hội XIV của Đảng. Với những kết quả đạt được trong thời gian qua, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Khánh Hòa sẽ tiếp tục đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu vượt qua khó khăn để tiếp tục đạt nhiều thành tựu hơn nữa, thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020-2025, lập thành tích thiết thực hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Khánh Hòa (2/4/1975 - 2/4/2025).

Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh nỗ lực cố gắng sớm hiện thực hóa khát vọng, mục tiêu đến năm 2030, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước; đến năm 2050, trở thành trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước; là đô thị thông minh, thân thiện với môi trường, bản sắc, ngang tầm khu vực châu Á.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, Khánh Hòa cần tập trung thực hiện hiệu quả quy hoạch tỉnh; phù hợp quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng và tăng cường liên kết vùng, theo đúng định hướng kinh tế biển là nền tảng, có bước đột phá; bên cạnh đó quan tâm phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, dịch vụ logistics, công nghiệp năng lượng, kinh tế số là đột phá; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn…

Theo Chủ tịch Quốc hội, mục tiêu, định hướng phát triển đã rõ, vấn đề quan trọng là tỉnh cần có các chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện thật cụ thể.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng Đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa.

Theo đó,  tỉnh Khánh Hòa cần tập trung phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp, cảng biển, dịch vụ logistic; hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số để phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao, quan tâm phát triển nguồn nhân lực để thu hút các nhà đầu tư có chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển…

Nhiệm vụ quan trọng được Chủ tịch Quốc hội đề cập, yêu cầu tỉnh cần chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hóa-xã hội, giáo dục, y tế; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, phấn đấu năm 2024, đưa huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh đạt các tiêu chí thoát khỏi huyện nghèo và gợi ý hướng phát triển 2 huyện này theo hướng “tiểu đô thị sinh thái núi rừng”.

Khánh Hòa cần quán triệt, triển khai hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế-xã hội với bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh; tăng cường công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Lan Chi

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.
Bình luận, cũng như phỏng vấn, có thể vừa là phương pháp vừa là thể loại báo chí. Theo Từ điển bách khoa Việt Nam (Trung tâm Từ điển bách khoa Việt Nam, 1995) thì: “Bình luận (thông tin) là sự phân tích, đánh giá một vấn đề (chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, kỹ thuật...) trên các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền, phổ biến, thuyết phục người nghe, người đọc... Bình luận chủ yếu vận dụng trí tuệ và tư duy logic để phân tích, đánh giá. Bình luận là vũ khí của báo chí nói riêng và các phương tiện thông tin đại chúng khác khi thực hiện các chức năng thông tin, tuyên truyền”.
Bộ Công thương đánh giá cao sự phối hợp và vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan báo chí, góp phần tuyên truyền chủ trương, chính sách đồng thời phổ biến kịp thời kiến thức, điển hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đến người dân, doanh nghiệp, cơ quan, công sở trên khắp cả nước.
Phải “công tâm, khách quan, khoa học, đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết”. Thông điệp trong bài phát biểu quan trọng "Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng ta mới đây thu hút sự quan tâm, đồng tình của đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân cả nước.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top