Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm việc tại Hải Phòng: Ủng hộ, tạo thuận lợi tối đa để Hải Phòng phát triển

Ngày 17/7, đồng chí Trần Thanh Mẫn,Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội thăm và làm việc tại Hải Phòng. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá Giáo dục của Quốc hội; Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban công tác đại biểu; Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật; Trung tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh; Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và môi trường; Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cùng đại diện lãnh đạo Ủy ban Kinh tế… Đón tiếp và làm việc với đoàn, về phía thành phố Hải Phòng có các đồng chí: Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng; Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố; Phạm Văn Lập, Chủ tịch HĐND thành phố; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; Ủy viên Thành ủy; lãnh đạo các ngành; các địa phương…

Đổng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội làm việc với Thành ủy Hải Phòng

Hải Phòng kiến nghị bổ sung các cơ chế chính sách đặc thù

Đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố báo cáo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và đoàn công tác những kết quả nổi bật của Hải Phòng 6 tháng đầu năm; tình hình triển khai nghị quyết 35 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng; triển khai các đề án về tổ chức chính quyền đô thị; sắp xếp, thành lập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; thành lập thành phố Thuỷ Nguyên; quận An Dương…

Thành phố Hải Phòng đề nghị Chủ tịch Quốc hội ủng hộ bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng cho thành phố Hải Phòng; thành lập khu thương mại tự do tại thành phố Hải Phòng, nhấn tạo tiền đề quan trọng cho Hải Phòng phát triển kinh tế bút phá, trở thành động lực tăng trưởng của cả nước, lan tỏa cả vùng miền. Đồng thời đề nghị bổ sung việc sơ kết Nghị quyết số 35 vào nội dung kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15 (tháng 10/2024).

Đối với đề án Tổ chức chính quyền đô thị, Hải Phòng để nghị đồng chí Chủ tịch Quốc hội ủng hộ, thống nhất với đề xuất của thành phố và bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Nghị quyết của Quốc hội năm 2024; bổ sung vào nội dung kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15 (tháng 10/2024) về việc xem xét, thông qua Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị thành phố Hải Phòng.

Thành phố Hải Phòng đề nghị Quốc hội ủng hộ các phương án sắp xếp, thành lập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2023-2025 theo các đề án trình.

Tạo điều kiện thuận lợi để Hải Phòng phát triển

Tại cuộc làm việc, các đồng chí Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội đều đồng tình, thống nhất rất cao về sự ủng hộ, tạo điều kiện cho Hải Phòng phát triển. Theo đó, về cơ bản, các Ủy ban của Quốc hội nhất trí với các đề xuất của Hải Phòng, nhất là các cơ chế, chính sách đặc thù. Đồng thời gợi mở cho thành phố một số biện pháp, cách làm, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các quy định của pháp luật hiện hành để các cơ chế chính sách có tính khả thi cao nhất.

Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Hải Phòng có vị trí chiến lược, quan trọng về kinh tế, quốc phòng - an ninh của đất nước; thành phố trung dũng- quyết thắng, luôn đi đầu trên mọi lĩnh vực.

Đồng chí Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Hải Phòng có nhiều tiềm năng, thế mạnh, nhất là về kinh tế biển, cảng biển, du lịch, dịch vụ, có đủ 5 loại hình giao thông; có vai trò quan trọng trong liên kết vùng; hợp tác hai hành lang, một vành đai với Trung Quốc. Vì thế, Bộ Chính trị đã ban hành nghị quyết 45 về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quốc hội ban hành nghị quyết 35 về về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng. Đây chính là kim chỉ nam với những định hướng rất rõ nét cho sự phát triển của Hải Phòng.

Cùng với đó, Hải Phòng đang có sự phát triển nhanh, bứt phá, đạt nhiều kết quả nổi bật trong thực hiện nghị quyết đại hội 13 của Đảng; nghị quyết đại hội 16 của Đảng bộ thành phố; tinh thần đoàn kết, đồng thuận luôn lan tỏa, là động lực để thành phố vươn lên.

Đồng chí Trần Thanh Mẫn cũng ghi nhận, đánh giá cao Hải Phòng rất quyết liệt, chủ động đề xuất và đã trình Chính phủ phê duyệt khu kinh tế ven biển phía Nam theo mô hình sinh thái; đi đầu cả nước về xây dựng nhà ở xã hội… Các lĩnh vực quy hoạch, quản lý đất đai; phát triển đô thị; xây dựng nông thôn mới… đều có kết quả khá vượt trội.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Hải Phòng chưa thể tự bằng lòng mà phải bứt phá mạnh mẽ hơn nữa. Thành phố cần nhận diện và có giải pháp để khắc phục những hạn chế, yếu kém về đầu tư công; tái định cư, thu hồi đất… Đặc biệt là cơ chế chính sách đặc thù chưa thật sự được khai thác triệt để, chưa tạo động lực đột phá cho sự phát triển; kết nối giao thông giữa các loại hình chưa thật đồng bộ…

Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội tặng quà cho Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hải Phòng

Thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu cần quyết liệt hơn thực hiện thành công nghị quyết đại hội 16 của Đảng bộ thành phố; nghị quyết 30 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng đồng bằng sông Hồng; sơ kết 5 năm thực hiện nghị quyết 45 của Bộ Chính trị; 3 năm thực hiện nghị quyết 35 của Quốc hội; tập trung cao thúc đẩy 3 trụ cột kinh tế: Công nghiệp, công nghệ cao; cảng biển- logistics; thương mại- du lịch; đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; cải cách hành chính… để góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của cả vùng; cả nước. Đồng thời, chủ động thực hiện các công việc tổ chức đại hội Đảng các cấp.

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận các ý kiến, đề xuất của Hải Phòng và giao Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổng hợp, tiếp thu ý kiến của lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội để đồng hành với Hải Phòng. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Hải Phòng phải có tờ trình, đề án cụ thể. Trên cơ sở đó phân định việc nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ; việc nào thuộc thẩm quyền của Quốc hội mới bảo đảm tính khả thi cao. Tinh thần chung là Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội ủng hộ, tạo điều kiện tối đa cho Hải Phòng phát triển, không chỉ vì Hải Phòng mà còn vì cả vùng và cả nước.

Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, với sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng; dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, Hải Phòng nhất định sẽ thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội 16 của Đảng bộ thành phố; hoàn thành vượt trội các chỉ tiêu kinh tế- xã hội năm 2024, góp phần đắc lực vào sự phát triển của cả nước.

Quyết tâm hiện thực hóa khát vọng phát triển

Đồng chí Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng trân trọng cảm ơn tình cảm và sự quan tâm của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các đồng chí lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội. Đồng chí Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, tuy thời gian không nhiều nhưng cuộc làm việc đạt hiệu quả cao. Chủ tịch Quốc hội và các thành viên đoàn công tác có nhiều định hướng chỉ đạo quan trọng cho sự phát triển của thành phố; đi thẳng vào những vấn đề thành phố đang có khó khăn. Quan trọng hơn là thể hiện sự đồng tình, ủng hộ rất cao với các đề xuất của Hải Phòng.

Đồng chí Bí thư Thành ủy trân trọng tiếp thu và cam kết sẽ lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thành công các định hướng phát triển; các công việc cụ thể được Chủ tịch Quốc hội và các thành viên đoàn công tác chỉ ra. Đồng thời khẳng định thành phố Hải Phòng sẽ tiếp tục phát huy truyền thống trung dũng, quyết thắng, đoàn kết một lòng, hiện thực hóa các khát vọng phát triển.

Hồng Thanh

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Theo thông tin từ Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, đồng chí đã từ trần lúc 13 giờ 38 phút, ngày 19-7-2024, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Hưởng thọ 80 tuổi. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân” của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top