Mặt trái của không gian mạng không thể xem nhẹ
22:29 01/08/2016
- Vấn đề sự kiện
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng, mặt trái của không gian mạng không thể xem nhẹ. Chiến lược an ninh mạng đã được đặt lên bàn nghị sự và T.Ư đang tập trung chỉ đạo giải quyết.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Vấn đề an ninh, an toàn mạng là hết sức cấp bách
Tại buổi tiếp xúc cử tri Q.1 (TP.HCM) sau kỳ họp Quốc hội khóa 14 nhiệm kỳ 2016 - 2021 vào sáng nay 1.8, Chủ tịch nước Trần Đại Quang trân trọng ghi nhận, tiếp thu đầy đủ các ý kiến phản ánh, góp ý của cử tri về tình hình đất nước. Trên cơ sở phản ánh, góp ý của cử tri, Chủ tịch nước giải đáp, chia sẻ nhiều vấn đề, nội dung lớn liên quan đến nợ công, an ninh mạng, Biển Đông, phòng chống tham nhũng, lãng phí, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường…
Về nợ công, Chủ tịch nước nhìn nhận đây là vấn đề quan tâm, hệ trọng của đất nước. Kỳ họp Quốc hội nào cũng “nóng nhất” vấn đề này.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm hỏi cử tri Q.1
Theo Chủ tịch nước, tốc độ nợ công đang tăng nhanh, trách nhiệm trả nợ gốc và lãi vay ngày càng nặng nhưng việc quản lý, sử dụng vốn vay chưa thật sự hiệu quả.
“Chúng ta phải thừa nhận chuyện đó. T.Ư đã và đang tính toán thực hiện nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu rủi ro về nợ công”, Chủ tịch nước khẳng định.
Liên quan đến vấn nạn tham nhũng, lãng phí, Chủ tịch nước cho biết, phòng chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ trọng tâm được Đảng, Nhà nước và T.Ư đặc biệt quan tâm chỉ đạo. Thời gian qua tuy đã có một số kết quả bước đầu nhưng thực tế vẫn chưa đẩy lùi được quốc nạn tham nhũng, kết quả đạt được chưa đáp ứng yêu cầu, mục tiêu đặt ra. Thời gian tới, nhiệm vụ trọng tâm này sẽ được tiếp tục đẩy mạnh, quan tâm đầy đủ, toàn diện hơn.
"Vấn đề an ninh mạng năm nào cũng có đề cập... Người lãnh đạo không thể chỉ huy theo kiểu cũ được, phải hội nhập kịp thời. Mặt trái của không gian mạng không thể xem nhẹ.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang
Sau khi đề cập đến nhiều giải pháp phòng chống tham nhũng, lãng phí, từ việc hoàn thiện khung pháp lý, chủ động phát hiện, kịp thời điều tra, xét xử nghiêm minh…, Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Chúng ta phải dấy lên phong trào toàn xã hội nói không với tham nhũng, lãng phí. Mọi cán bộ, công chức, trước tiên là cán bộ lãnh đạo đứng đầu các cơ quan, đơn vị nêu gương về đạo đức, lối sống liên chính”.
Trước bức xúc của cử tri về sự cố an ninh mạng ở sân bay Nội Bài (Hà Nội) và sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM), Chủ tịch nước chia sẻ: “Vấn đề an ninh mạng năm nào cũng có đề cập... Người lãnh đạo không thể chỉ huy theo kiểu cũ được, phải hội nhập kịp thời. Mặt trái của không gian mạng không thể xem nhẹ. Vấn đề an ninh, an toàn mạng là hết sức cấp bách. Chiến lược an ninh mạng đã được đặt lên bàn nghị sự và T.Ư đang tập trung chỉ đạo giải quyết”.
Cử tri Q.1 cho rằng chúng ta đang có nhiều vấn đề hệ trọng phải sớm được giải quyết hiệu quả
Còn cả núi công việc hệ trọng
Trước đó, phản ánh với Chủ tịch nước và các đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 1 (cùng với Chủ tịch nước, còn có ông Ngô Tuấn Nghĩa, Phó chính ủy Bộ Tư lệnh TP.HCM; ông Lâm Đình Thắng, Phó bí thư thường trực Thành đoàn TP.HCM), cử tri cho rằng có nhiều thông tin của chúng ta không đến được với người dân.
Cử tri thẳng thắn đề nghị các vị đại biểu Quốc hội, cán bộ, công chức phải sâu sát với đời sống người dân, trọng dân, tin dân, lắng nghe ý kiến của dân để biết và hiểu được nỗi khổ của dân như thế nào, nguyện vọng của dân ra sao.
“Có ý kiến từng nói chúng ta còn một rừng công việc phải làm, phải giải quyết, nhưng chúng tôi cho rằng không chỉ là một rừng mà còn cả núi công việc hệ trọng cần sớm giải quyết một cách có hiệu quả”, một cử tri phát biểu.
Theo đó, đơn cử như vấn đề nông nghiệp, nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn; người dân vẫn còn nghèo, còn khổ. Có một xã ở miền Tây chỉ có 9.000 lao động nhưng đã có tới 6.000 người rời quê đi xa tìm kiếm việc làm. Như vậy chính sách mình đặt ra có vấn đề không, hay chính sách đã tốt mà thực thi không tốt.
Hay như công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí cần phải rõ ràng hơn, quyết liệt và hiệu quả hơn vì ngân sách nhà nước có phần tiền lớn của người dân đóng góp vào.
Cử tri bày tỏ mong muốn các vị đại biểu “đã hứa thì phải giữ lấy lời, phải làm đúng và làm tốt như lời hứa khi ứng cử”.
Khi phản ánh về vấn đề “tàu lạ” trên Biển Đông, Formosa gây ô nhiễm môi trường…, cử tri Nguyễn Đăng Cường nói thẳng: “Chúng ta phải có tiếng nói để yên lòng dân, chứ né tránh là không được”.
Formosa xả thải độc hại là sự cố nghiêm trọng
Tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhìn nhận Formosa xả thải độc hại ra môi trường là sự cố nghiêm trọng. Formosa đã cam kết đền bù, không tái phạm. Song song đó, Chính phủ đang triển khai thực hiện một loạt giải pháp để ổn định tình hình. Theo Chủ tịch nước, chúng ta không chỉ xử lý nghiêm sai phạm của Formosa theo quy định pháp luật mà còn xử lý nghiêm những cá nhân, cơ quan, đơn vị liên quan có tắc trách trong vấn đề này. |
Nguồn: TNO
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Quyết tâm hoàn thành 15/15 chỉ tiêu năm 2024, tạo đà, tạo lực cho năm 2025 (02:44 07/12/2024)
- Mùa giải ảnh: Khoảnh khắc Báo chí 2024 ghi nhận nhiều điểm sáng về chất lượng (02:42 06/12/2024)
- Hội thảo báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số (11:27 06/12/2024)
- Đoàn công tác Hội Nhà báo Việt Nam làm việc với lãnh đạo TP. Cần Thơ (01:53 05/12/2024)
- Bế mạc Giải vô địch Bóng bàn Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ 17 (08:49 03/12/2024)