Chủ tịch nước tiếp Đặc phái viên Tổng thống Hoa Kỳ về Biến đổi khí hậu

Sáng 23/2, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về Biến đổi khí hậu John Kerry.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ John Kerry. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Đánh giá cao ông John Kerry về nỗ lực thúc đẩy hợp tác hai nước thời gian qua, trong đó có ứng phó với biến đổi khí hậu, Chủ tịch nước đề nghị Đặc phái viên John Kerry thúc đẩy Chính phủ Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực quan trọng này.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực, đóng góp của ông John Kerry trong tăng cường quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, đặc biệt là từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ.

Chủ tịch nước hoan nghênh kết quả quan trọng từ các chuyến thăm Việt Nam của lãnh đạo Hoa Kỳ, nổi bật là chuyến thăm của Phó Tổng thống Kamala Harris, thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước.

Cảm ơn Chủ tịch nước đã dành thời gian tiếp, ông John Kerry cho rằng, trên đà phát triển tốt đẹp, quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả, bởi hai nước còn nhiều dư địa hợp tác, trong đó có vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trên cương vị là Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về Biến đổi khí hậu, ông John Kerry cho biết Việt Nam và Mỹ sẽ tăng cường hợp tác chuẩn bị cho COP 27.

Trao đổi về thực trạng nước biển ngày càng dâng cao, ảnh hưởng rất lớn tới khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và những vùng trũng của Việt Nam, ông John Kerry cho biết, Hoa Kỳ có thể giúp Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng sang mô hình năng lượng sạch, nhất là năng lượng Mặt trời.

Hoa Kỳ có nhiều ý tưởng và nguồn tài chính, nhân lực hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề biến đổi khí hậu. Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng có thể hỗ trợ Việt Nam thực hiện chuyển đổi số, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Đánh giá cao những nội dung trao đổi của ông John Kerry, nhất là trong vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam đang nỗ lực trong vấn đề này và đã quyết định chấm dứt dùng điện than vào năm 2050.

Điều Việt Nam cần không chỉ là nguồn lực tài chính mà cả công nghệ và nhân lực để phát triển các dự án điện gió, Mặt trời và thủy điện; do đó, mong muốn Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam.

Trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng nước biển dâng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế của người dân, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Hoa Kỳ quan tâm nhiều hơn nữa tới hạ nguồn sông Mekong.

Việt Nam đánh giá cao sự hỗ trợ và cam kết của Chính phủ Hoa Kỳ, trong đó có cá nhân ông John Kerry đối với việc khắc phục hậu quả chiến tranh. Việt Nam mong Chính phủ Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường ngân sách trong khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin, rà phá bom mìn, hỗ trợ người khuyết tật và những vấn đề liên quan. Việt Nam cam kết tiếp tục hợp tác đầy đủ trên tinh thần nhân đạo trong tìm kiếm quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam.

Chủ tịch nước nêu rõ, Việt Nam hoan nghênh Hoa Kỳ tăng cường hợp tác tại châu Á – Thái Bình Dương, qua đó đóng góp tích cực hơn cho hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển tại khu vực.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị ông John Kerry tiếp tục thúc đẩy Chính phủ Hoa Kỳ dành sự quan tâm, nguồn lực và tài chính cho hợp tác giáo dục và đào tạo hai nước, tạo điều kiện thuận lợi cho du học sinh Việt Nam tại Hoa Kỳ. Đặc biệt là đề nghị Hoa Kỳ tiếp tục đầu tư cho Đại học Fulbright tại Việt Nam, “đứa con tinh thần” của chính Đặc phái viên John Kerry./.

Theo TTXVN

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 13/1/2025, tại Thủ đô Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Hội nghị nhằm đánh giá tình hình thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phát triển khoa học, công nghệ; quán triệt, triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, tạo sự chuyển biến mang tính đột phá về nhận thức và tổ chức thực hiện, góp phần đưa đất nước phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu tại hội nghị. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu:
Trong kỷ nguyên số, chuyển đổi nội dung số các tạp chí của Việt Nam có vai trò quan trọng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước; đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phổ biến tri thức, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt Nam trên không gian mạng. Đồng thời, góp phần “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”(1) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top